Đức Thánh Cha gặp các thành viên của Ủy ban hỗn hợp Quốc tế về Đối thoại Thần học giữa Công giáo và Chính thống Đông phương
Đức Thánh Cha gặp các thành viên của Ủy ban hỗn hợp Quốc tế về Đối thoại Thần học giữa Công giáo và Chính thống Đông phương
Ngày 23/6/2022, gặp gỡ các thành viên của Ủy ban hỗn hợp Quốc tế về Đối thoại Thần học giữa Công giáo và Chính thống Đông phương, Đức Thánh Cha đã suy tư về đại kết dưới ba chiều kích: bí tích, mục vụ và cuộc sống.
Đại kết dựa trên bí tích
Cảm ơn Uỷ ban về “công việc quý giá” đã được thực hiện và tài liệu sắp tới về các bí tích, điều có thể đánh dấu “một bước tiến mới hướng tới sự hiệp thông trọn vẹn”, Đức Phanxicô nói về đại kết trong bí tích rửa tội và tầm quan trọng của việc cùng nhau thăng tiến nhờ bí tích này. Ngài nói: “Chính trong phép rửa tội, chúng ta tìm thấy nền tảng của sự hiệp thông giữa các Kitô hữu và khao khát của chúng ta về sự hiệp nhất trọn vẹn và hữu hình.”
Đại kết về mục vụ
Tiếp đến Đức Thánh Cha nhận định rằng sự đồng thuận rộng rãi mà Ủy ban đạt được, không chỉ về Bí tích Rửa tội mà cả về các Bí tích khác, nên khuyến khích các Giáo hội Công giáo và Chính thống Đông phương đào sâu đại kết về mục vụ.
Lưu ý rằng nhiều thỏa thuận mục vụ đã được ký kết trong nhiều thập kỷ qua với một số Giáo hội Chính Đông phương, cho phép các tín hữu tham dự các Bí tích, ngay cả khi không hiệp thông trọn vẹn, Đức Thánh Cha bày tỏ hy vọng rằng Chúa Thánh Thần có thể soi dẫn những con đường tiến về phía trước trên hành trình vì thiện ích của dân Chúa.
Đại kết cuộc sống
Điểm thứ ba Đức Thánh Cha nhấn mạnh là đại kết đã tồn tại như một thực tại chủ yếu ở các địa phương. “Nhiều tín hữu, đặc biệt những người ở Trung Đông, nhưng cả những người đã di cư sang phương Tây – đã trải nghiệm “đại kết về cuộc sống” ở giữa gia đình, công việc và những cuộc gặp gỡ hàng ngày của họ. Họ cũng thường cùng nhau trải nghiệm đại kết của đau khổ khi làm chứng tá chung cho Danh Chúa Kitô, thậm chí đôi khi phải trả giá bằng mạng sống của mình.”
Do đó, theo Đức Thánh Cha, đại kết thần học “không nên chỉ suy tư về những khác biệt giáo lý đã xuất hiện trong quá khứ, mà còn dựa trên kinh nghiệm hiện tại của các tín hữu của chúng ta.”
Để tăng thêm sự hiểu biết huynh đệ, Đức Thánh Cha nhấn mạnh thêm tầm quan trọng của việc đưa các thế hệ trẻ tham gia cách tích cực vào các cộng đồng địa phương, “để cuộc đối thoại về giáo lý tiến hành cùng với cuộc đối thoại về cuộc sống.”
Ủy ban Hỗn hợp Quốc tế về Đối thoại Thần học
Ủy ban Hỗn hợp Quốc tế về Đối thoại Thần học giữa Giáo hội Công giáo và các Giáo hội Chính Thống Đông phương được thành lập vào tháng 1/2003, xuất phát từ một sáng kiến chung của Hội đồng Toà Thánh cổ võ Hiệp nhất Kitô hữu và các lãnh đạo của Giáo hội Chính thống Copte, Giáo hội Chính thống Syriac, Giáo hội Armeni Tông truyền, Giáo hội Chính thống Ethiopia, Giáo hội Chính thống Eritrea và Giáo hội Chính thống Syria Malankara. (CSR_2649_2022)
Hồng Thủy