Đức Giê-su Ki-tô – Đường trung tín
Trong tiếng Do-thái, אֱמֻנָה /emunah /faith /đức tin thường được dịch là trung tín (faithfulness). Từ אֱמֻנָה /emunah cùng gốc với từ אָמֵן /amen với nghĩa là chắc chắn, sự thật, đúng vậy, khả tín. Đặc biệt, cùng một gốc với hai hạn từ trên, từ אֱ֭מֶת (emet) của tiếng Do-thái vừa có nghĩa là sự thật (truth /vérité) vừa có nghĩa là trung tín, trung thành, vững vàng, bền bỉ. Chẳng hạn, từ אֱ֭מֶת (emet) trong Tv 85,11-12 hay Cn 3,3, được dịch là sự thật hay chân lý (veritas, truth, vérité) trong bản dịch Kinh Thánh tiếng La-tinh hay một số bản dịch tiếng Anh hoặc tiếng Pháp, trong khi một số bản dịch khác lại dịch là trung tín (faithfulness). Con người cần ‘nương tựa’ hay ‘gắn bó’ với אֱ֭מֶת (emet) để luôn đi đúng đường lối của Thiên Chúa. Người sống theo אֱ֭מֶת (emet) là người trung tín với huấn lệnh của Thiên Chúa và được Người thương yêu, nâng đỡ, phù trì. Trong các ngôn ngữ hiện đại, nhiều từ gần nghĩa với từ trung tín, chẳng hạn, trung thành hay thành tín (loyalty), trung thực (truthfulness), đáng tin cậy (trustworthiness), công chính (righteousness), cam kết (commitment), kiên định (steadfastness), trách nhiệm (responsibility), kiên quyết (firmness), bảo đảm (security), tận tâm (devotion), cống hiến (dedication), ổn định (stability).
Trong Tân Ước, từ πíστiς /pistis của tiếng Hy-lạp có thể được dịch là tin (faith) hay trung tín, trung thành, thành tín (faithfulness). Chẳng hạn, ở Rm 3,3, từ này được dịch là trung tín (τὴν πίστιν τοῦ θεοῦ: Lòng trung tín của Thiên Chúa). Tương tự như vậy, ở Mt 23,23; Gl 5,22; Dt 3,1-2; Tt 2,10, πíστiς cũng được dịch là trung tín hay thành tín. Đối nghịch với trung tín là bất tín ἀπιστία /apistia (unfaithfulness hay unbelief). Khi so sánh sự ảnh hưởng của hai nền văn hóa Do-thái và Hy-lạp đối với các chủ đề quan trọng trong Kinh Thánh, chúng ta nhận thức rằng văn hóa Do-thái thiên về nghĩa thực hành hơn là nghĩa suy tư như văn hóa Hy-lạp. Đó là lý do tại sao πíστiς /pistis của Hy-lạp thường được dịch là tin hơn là trung tín. Trong tiếng Việt, từ tin và trung tín đi đôi với nhau nhưng trung tín thường được hiểu theo nghĩa rộng hơn, trung tín bao gồm tin và thực hành điều mình tin nữa, chứ không chỉ ‘tin trong lòng’. Nói cách khác, trung tín có thể được hiểu là ‘đức tin trong hành động’.
Theo mặc khải Ki-tô Giáo, trung tín vừa là thuộc tính của Thiên Chúa vừa là thuộc tính của con người. Hơn thế nữa, trong nhãn quan Cựu Ước, trung tín thuộc về ‘bản tính’ của Thiên Chúa. Điều này có nghĩa là Người không cần phải cố gắng hay làm gì để trở nên trung tín bởi vì Người là trung tín. Theo tác giả thư gửi tín hữu Do-thái: “Nhờ đức tin, cả bà Xa-ra vốn hiếm muộn, cũng đã có thể thụ thai và sinh con nối dòng vào lúc tuổi đã cao, vì bà tin rằng Đấng đã hứa là Đấng trung tín” (Dt 11,11). Trong sách Đệ Nhị Luật, Mô-sê nói với dân Do-thái: “Anh (em) phải biết rằng Đức Chúa, Thiên Chúa của anh (em), thật là Thiên Chúa, là Thiên Chúa trung thành [אמן/ πιστóς/ trung tín]: Cho đến muôn ngàn thế hệ, Người vẫn giữ giao ước và tình thương đối với những ai yêu mến Người và giữ các mệnh lệnh của Người” (Đnl 7,9). Tác giả Thánh Vịnh 89 thân thưa cùng Thiên Chúa: “Lạy Chúa là Chúa Tể càn khôn, nào ai được như Chúa? Lạy Chúa quyền năng, đức thành tín hầu cận quanh Ngài” (Tv 89,9). Trong sách ngôn sứ I-sai-a, Thiên Chúa cũng được nhìn nhận là Đấng trung tín: “Vua chúa sẽ thấy và đứng lên, chư hầu sẽ thấy và bái lạy vì uy quyền của Đức Chúa là Đấng trung thành, là Đức Thánh của Ít-ra-en, Đấng đã tuyển chọn ngươi” (Is 49,7). Đặc biệt, Thiên Chúa trung tín cứu chữa con người khỏi tội bất tín: “Ta sẽ chữa chúng khỏi tội bất trung, sẽ yêu thương chúng hết tình, vì cơn giận của Ta sẽ không còn đeo đuổi chúng” (Hs 14,5); “Sứ giả gian manh chỉ gây nên tai họa, sứ giả trung tín là phương thuốc chữa lành” (Cn 13,17). Thiên Chúa luôn mời gọi mọi người sống đời trung tín để được thông phần sự sống của Người.
Tác giả Thánh Vịnh 31 cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa là Đấng trung tín bảo vệ những ai cầu khẩn Người: “Núi đá và thành luỹ bảo vệ con, chính là Chúa. Vì danh dự Ngài, xin dẫn đường chỉ lối cho con. Lưới kẻ thù giăng, xin gỡ con ra khỏi, vì nơi con trú ẩn, chính là Ngài. Trong tay Ngài, con xin phó thác hồn con, Ngài đã cứu chuộc con, lạy Chúa Trời thành tín” (Tv 31,4-6). Tác giả sách Huấn Ca đề cao sự trung tín: “Nếu con muốn thì hãy giữ các điều răn mà trung tín làm điều đẹp ý Người” (Hc 15,15); “Hãy giữ lời và trung tín luôn luôn, thì bất cứ lúc nào cần điều chi, con cũng sẽ được” (Hc 29,3). Còn tác giả sách Châm Ngôn tán thưởng sự trung tín của người được sai đi: “Sứ giả trung tín với kẻ sai mình đi thì đáng quý như tuyết mát ngày mùa: Người đó làm vững lòng ông chủ” (Cn 25,13). Đặc biệt, dưới nhãn quan Cựu Ước, trung tín và thử thách đi đôi với nhau hay trung tín được tôi luyện qua thử thách. Điều này có nghĩa rằng người trung tín với Thiên Chúa là người chấp nhận những gian lao, khốn khó hay những nghịch cảnh liên lỉ hoặc bất ngờ xảy đến đối với bản thân mình cũng như những người thân thuộc. Những nhân vật trung tín điển hình trong Cựu Ước từ Nô-ê tới Áp-ra-ham, từ Mô-sê tới Đa-vít, không nhân vật nào lại không phải nếm mùi thử thách, đau khổ. Các ngôn sứ từ Giô-suê tới Sa-mu-en, từ I-sai-a tới Giê-rê-mi-a, từ Ê-dê-ki-en tới Ma-la-khi, không ngôn sứ nào lại không đối diện với nhiều gian nan, khốn khó để trung tín thực thi sứ mệnh được Thiên Chúa giao phó.
Sách Sáng Thế cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa đã chọn Áp-ra-ham để qua ông, chương trình của Người được thực hiện. Thiên Chúa trung tín với lời hứa của Người đối với ông, cho ông và bà Xa-ra có con trai là I-xa-ác trong khi tuổi già: “Đức Chúa viếng thăm bà Xa-ra như Người đã phán, và Người đã làm cho bà như Người đã hứa. Bà Xa-ra có thai và sinh cho ông Áp-ra-ham một con trai khi ông đã già, vào thời kỳ Thiên Chúa đã hứa” (St 21,1-2). Áp-ra-ham thường được gọi là cha của những kẻ tin hay cha của những người trung tín. Thiên Chúa đã thử thách ông và ông đã diễn tả sự trung tín của mình (St 22,1-15). Ông tin vào Thiên Chúa và Thiên Chúa “kể ông là người công chính” (St 15,6). Sau này, tác giả sách Ma-ca-bê minh định rõ hơn khi viết: “Ông Áp-ra-ham lại không được kể là người trung tín trong cơn thử thách, và lại chẳng được kể là người công chính đó sao?” (1 Mcb 2,52). Tương tự như vậy, theo tác giả sách Huấn Ca: “Ông Áp-ra-ham là người cha vĩ đại của muôn dân tộc, vinh quang của ông chẳng ai sánh tày. Lề Luật của Đấng Tối Cao, ông hằng tuân giữ và ông được giao ước với Người. Nơi thân xác mình, ông đã lập giao ước, trong cơn thử thách, ông được nhìn nhận là trung thành” (Hc 44,19-20).
Đa-vít cũng được gọi là người trung tín của Thiên Chúa. Trước khi trở thành vị vua lỗi lạc nhất trong lịch sử Do-thái, ông được xem là người trung tín, kính sợ Thiên Chúa và tôn trọng người được xức dầu là Sa-un. Đa-vít có nhiều cơ hội để giết và chiếm quyền vua Sa-un, nhưng ông đã không làm như vậy. Khi vua Sa-un buộc tội ông A-khi-me-léc (là một tư tế) ủng hộ Đa-vít chống lại vua, ông A-khi-me-léc nói với vua: “Trong triều thần của ngài, có ai trung tín như ông Đa-vít, con rể của nhà vua, chỉ huy cận vệ của ngài, người được kính nể trong triều đình?” (1 Sm 22,14). Mặc dù Đa-vít lắm phen làm điều dữ, chẳng hạn như ngoại tình với bà Bát Se-va, lập mưu giết U-ri-gia để cướp lấy vợ ông, nhưng sau đó, ông đã thành tâm nhìn nhận tội lỗi mình và cầu xin sự tha thứ của Thiên Chúa. Ông đã ăn năn hối cải và được nghĩa với Thiên Chúa. Đa-vít trở thành mẫu gương hối cải, mẫu gương người tội lỗi trở thành người trung tín cho muôn người học hỏi qua bao thế hệ. Sự trung tín của Đa-vít có thể được gọi là ‘sự trung tín hoán cải’.
Lịch sử tương quan giữa Thiên Chúa và dân Do-thái cũng là lịch sử của vị Thiên Chúa luôn trung tín và dân Do-thái bất tín. Đặc biệt, trong hành trình 40 năm về Đất Hứa, nhiều phen dân Do-thái đã lỗi phạm, than trách Thiên Chúa, thờ phượng tà thần, bất tuân phục Mô-sê. Chẳng hạn, khi không có nước uống, dân Do-thái đã gây sự với Mô-sê và ông đã cầu xin Thiên Chúa cho nước phun ra từ tảng đá để họ giải khát. Mô-sê đặt tên cho nơi mà dân Do-thái lỗi phạm với Thiên Chúa là ‘Ma-xa và Mơ-ri-va, nghĩa là thử thách và gây sự’, bởi vì họ nghi ngờ sự hiện diện của Người mà rằng: “Có Đức Chúa ở giữa chúng ta hay không?” (Xh 17,7). Các ngôn sứ và những người lãnh đạo dân Do-thái luôn nói về sự cần thiết phải trung tín với Thiên Chúa, chẳng hạn như Sa-mu-en nói với dân Do-thái: “Chỉ có một điều là anh em hãy kính sợ Đức Chúa và trung tín phụng thờ Người hết lòng: Anh em hãy xem việc vĩ đại Người đã làm giữa anh em” (1 Sm 12,24). Lời của Thiên Chúa trong Thánh Vịnh 81 thật uy nghi, mạnh mẽ và dứt khoát: “Dân Ta hỡi, nghe Ta cảnh cáo, Ít-ra-en này, phải chi ngươi chịu nghe Ta, thì đừng đem thần lạ về nhà, thần ngoại bang, chớ hề cúng bái” (Tv 81,9-10). Tương tự như vậy, lời của Thiên Chúa trong Thánh Vịnh 95 gợi lại lỗi phạm của dân Do-thái trong quá khứ: “Các ngươi chớ cứng lòng như tại Mơ-ri-va, như ngày ở Ma-xa trong sa mạc, nơi tổ phụ các ngươi đã từng thách thức và dám thử thách Ta, dù đã thấy những việc Ta làm” (Tv 95,8-9).
Trong bối cảnh Cựu Ước, sự trung tín của Thiên Chúa đối với con người và sự trung tín của con người đối với Thiên Chúa hệ tại ở việc thực thi giao ước. Theo tác giả Thánh Vịnh 25 và 36: “Tất cả đường lối Chúa đều là yêu thương và thành tín đối với những kẻ nào giữ giao ước và lề luật Chúa” (Tv 25,10); “Lạy Chúa, tình thương Ngài cao ngất trời xanh, lòng thành tín vượt ngàn mây biếc” (Tv 36,6). Lời của Thiên Chúa trong sách ngôn sứ I-sai-a tiên báo về vị minh quân thuộc dòng dõi vua Đa-vít là Đức Giê-su, Đấng trung tín như sau: “Đai thắt ngang lưng là đức công chính, giải buộc bên sườn là đức tín thành” (Is 11,5) hay: “Cây lau bị giập, nó không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, cũng chẳng nỡ tắt đi. Nó sẽ trung thành làm sáng tỏ công lý” (Is 42,3). Quả thực, khi thời gian tới thời viên mãn, Đức Giê-su là Con Thiên Chúa đã đến với gia đình nhân loại. Người thể hiện sự trung tín của Thiên Chúa khi thiết lập Giao Ước Mới. Giao ước này làm cho lời của Thiên Chúa trở thành hiện thực: “Này sắp đến những ngày Ta hoàn thành một Giao Ước Mới với nhà Ít-ra-en và nhà Giu-đa. Giao ước đó sẽ không như giao ước Ta đã thiết lập với cha ông của chúng, trong ngày Ta cầm tay dẫn chúng ra khỏi Ai-cập” (Dt 8,8-9). Đức Giê-su là hiện thân của Thiên Chúa trung tín mà lề luật và các ngôn sứ diễn tả trong Cựu Ước. Nhờ sự trung tín của Đức Giê-su, tất cả những lề luật và lời ngôn sứ trong Cựu Ước được thực hiện, bởi vì, “Người là trung gian của một Giao Ước Mới, lấy cái chết của mình mà chuộc tội lỗi người ta đã phạm trong thời giao ước cũ, và đem lại cho những ai được Thiên Chúa kêu gọi quyền lãnh nhận gia nghiệp vĩnh cửu Thiên Chúa đã hứa” (Dt 9,15).
Cuộc đời Đức Giê-su cho chúng ta thấy rằng trung tín không chỉ là một trong những thuộc tính của Người như bao thuộc tính khác nhưng gắn liền với ‘bản tính’ của Người. Trong thư gửi Ti-mô-thê, thánh Phao-lô viết: “Đây là lời đáng tin cậy: Nếu ta cùng chết với Người, ta sẽ cùng sống với Người. Nếu ta kiên tâm chịu đựng, ta sẽ cùng hiển trị với Người. Nếu ta chối bỏ Người, Người cũng sẽ chối bỏ ta. Nếu ta không trung tín, Người vẫn một lòng trung tín, vì Người không thể nào chối bỏ chính mình” (2 Tm 2,11-13). Theo tác giả sách Khải Huyền, tên của Đức Giê-su là Trung Thành và Chân Thật (πιστὸς καὶ ἀληθινός): “Bấy giờ tôi thấy trời rộng mở: Kìa một con ngựa trắng, và người cỡi ngựa mang tên là ‘Trung Thành và Chân Thật’” (Kh 19,11). Tương tự như thế, thánh Phao-lô diễn tả Thiên Chúa là Đấng trung tín và sự bất tín của con người không phương hại đến sự trung tín của Thiên Chúa. Người viết: “Nếu có một số người Do-thái không trung tín thì sao? Chẳng lẽ sự bất trung bất tín của họ lại làm cho lòng trung tín của Thiên Chúa ra vô hiệu? Không phải thế! Thiên Chúa nhất định là Đấng chân thật, còn mọi người đều giả dối” (Rm 3,3-4).
Đức Giê-su diễn tả sự trung tín qua việc làm theo ý Chúa Cha ngay trong thời thơ ấu. Chẳng hạn, lúc mười hai tuổi, Người lên Giê-ru-sa-lem và giảng dạy giữa các bậc thầy Do-thái. Đức Ma-ri-a và thánh Giu-se tìm được Người và nói: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!” (Lc 2,48). Đức Giê-su đã trả lời: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” (Lc 2,49). Trong sứ mệnh công khai, khi những người Do-thái chất vấn Đức Giê-su về việc Người chữa bệnh trong ngày sa-bát cho một người đau ốm đã ba mươi tám năm, Đức Giê-su nói với họ: “Tôi không thể tự ý mình làm gì. Tôi xét xử theo như tôi được nghe, và phán quyết của tôi thật công minh, vì tôi không tìm cách làm theo ý riêng tôi, nhưng theo ý Đấng đã sai tôi” (Ga 5,30). Trong hội đường Ca-phác-na-um, sau khi hóa bánh ra nhiều và thực hiện dấu lạ đi trên mặt biển, Đức Giê-su nói với những Người Do-thái: “Tôi tự trời mà xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi” (Ga 6,38).
Khi giảng dạy, Đức Giê-su cho các môn đệ biết rằng người trung tín là người luôn dành toàn tâm, toàn ý, toàn trí, toàn lực để phục vụ chủ mình sao cho mọi công việc của chủ được diễn ra tốt đẹp. Người nói: “Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được” (Lc 16,13). Đức Giê-su dùng hình ảnh hai chủ để mời gọi mọi người ý thức hơn về ‘những ông chủ’ trong đời sống mình. Quả thực, nhiều người không chỉ làm tôi hai chủ mà là nhiều chủ. Có người cho rằng mình yêu mến Thiên Chúa và thực thi lời của Người. Tuy nhiên, vì tính ích kỷ, họ sẵn sàng làm tôi nhiều chủ khác nữa hầu đem lại lợi lộc tối đa cho mình và những người thân thuộc. Đức Giê-su mời gọi mọi người, trước hết, hãy trung tín với Thiên Chúa là Cha của Người như Người đã thực hiện. Nhờ đó, họ sẽ có thái độ phù hợp hơn với ‘những ông chủ’ khác trong đời sống mình.
Như đã đề cập ở trên, người trung tín cũng là người trung thực (truthfulness). Đức Giê-su luôn đề cao sự trung thực. Chẳng hạn, khi triển khai Bài Giảng Trên Núi về Tám Mối Phúc, Đức Giê-su nói: “Hễ ‘có’ thì phải nói ‘có’, ‘không’ thì phải nói ‘không’. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ” (Mt 5,37). Hơn ai hết, thấm nhuần giáo huấn của Đức Giê-su, thánh Phao-lô viết cho các tín hữu ở Cô-rin-tô: “Đức Ki-tô Giê-su, Con Thiên Chúa, Đấng mà chúng tôi, là Xin-va-nô, Ti-mô-thê và tôi, rao giảng cho anh em, đã không vừa là ‘có’ vừa là ‘không’, nhưng nơi Người chỉ toàn là ‘có’. Quả thật, mọi lời hứa của Thiên Chúa đều là ‘có’ nơi Người. Vì thế, cũng nhờ Người mà chúng ta hô lên ‘A-men’ để tôn vinh Thiên Chúa. Đấng củng cố chúng tôi cùng với anh em trong Đức Ki-tô và đã xức dầu cho chúng ta, Đấng ấy là Thiên Chúa” (2 Cr 1,19-21). Như vậy, nhờ Đức Giê-su, con người có thể luôn thưa ‘có’ để diễn tả lòng trung tín và hiếu thảo của mình đối với Thiên Chúa là Cha của Đức Giê-su cũng là Cha của mọi người.
Đường lối sư phạm của Đức Giê-su về trung tín rất cụ thể: Trung tín trong việc nhỏ để có thể trung tín trong việc lớn. Với Người, “ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai bất lương trong việc rất nhỏ, thì cũng bất lương trong việc lớn” (Lc 16,10). Trong ‘dụ ngôn những yến bạc’, khi người đầy tớ nhận của ông chủ năm yến và làm lợi thêm năm yến khác đến với ông chủ thì ông nói: “Khá lắm! hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!” (Mt 25,21). Thông thường, con người muốn làm những việc lớn lao, cả thể, để phô diễn thanh danh đối với người khác. Tuy nhiên, Đức Giê-su mời gọi mọi người hãy bắt đầu từ những việc nhỏ và trung tín trong những việc nhỏ. Quả thực, kinh nghiệm cho chúng ta biết rằng cái vĩ đại chỉ có thể đến từ những cái nhỏ nhất. Chẳng hạn, để có bức tranh đẹp thì những chi tiết nhỏ nhất phải đẹp, thậm chí giá trị của bức tranh nhiều khi nằm ở những nơi bí ẩn, nhỏ bé, khó quan sát hơn là những nơi nổi trội. Những gì ‘làm nền’ cho bức tranh nhiều khi lại được trân quý hơn nội dung chính yếu của bức tranh nữa. Tương tự như vậy, một ngôi nhà đẹp được hình thành từ những chi tiết đẹp. Do đó, trung tín trong việc nhỏ là điều kiện cần và đủ cho trung tín trong việc lớn.
Khi người Do-thái đưa đến cho Đức Giê-su một người bị quỷ ám mắc bệnh động kinh, họ nói với Đức Giê-su: “Thầy có thể làm được gì, thì xin chạnh lòng thương mà cứu giúp chúng tôi” (Mc 9,22). Đức Giê-su trả lời: “Sao lại nói: nếu Thầy có thể? Mọi sự đều có thể đối với người tin” (Mc 9,23). Sau đó, Đức Giê-su đã trục xuất quỷ dữ ra khỏi người bệnh (Mc 9,25-28). Quả thực, lời nói và việc làm của Đức Giê-su minh chứng rằng mọi sự đều có thể đối với người tin, mọi sự đều có thể đối với người trung tín. Đây là Tin Mừng lớn lao cho gia đình nhân loại. Chúng ta biết rằng, trước những khó khăn thử thách, con người thường có hai thái độ: (1) Ngã lòng, nhụt chí, buông xuôi hoặc (2) kiên tâm, trông cậy, tin tưởng Thiên Chúa. Đức Giê-su mời gọi mọi người luôn hướng về Thiên Chúa và thực thi thánh ý Người. Nhờ đó, họ sẽ lãnh nhận hoa trái dồi dào nhờ sự trung tín của mình. Như Đức Giê-su đã chiến thắng tội lỗi và sự chết vì Người luôn trung tín, mọi người luôn được mời gọi cộng tác với Người để có thể chiến thắng chính mình và muôn cạm bẫy tiềm tàng trong cuộc sống.
Sách ngôn sứ I-sai-a cho mọi người biết về người tôi trung của Thiên Chúa, chịu đau khổ tột cùng, mặt mày tan nát, không còn dáng vẻ con người (Is 52,14). Vì trung tín với Thiên Chúa, người tôi trung bị khinh khi, nhục mạ, đau khổ, bệnh tật. Người tôi trung mang lấy tất cả đau khổ, bệnh tật, lỗi lầm của người khác. Người tôi trung bị buộc tội, bị giết chết, bị chôn giữa bọn ác nhân. Nhờ người tôi trung, Thiên Chúa làm cho mọi người nên công chính và được chung hưởng hạnh phúc miên trường (Is 53,1-12). Những gì được đề cập trong sách ngôn sứ I-sai-a đã được ứng nghiệm nơi Đức Giê-su, Đấng trung tín của Thiên Chúa. Là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa, là Thiên Chúa thật và con người thật, Đức Giê-su vừa trung tín với Thiên Chúa vừa trung tín với con người qua mọi thời đại. Sự trung tín của Đức Giê-su là sự trung tín vĩnh cửu. Do đó, Người thiết lập Giao Ước Mới và vĩnh cửu một lần cho tất cả hầu cứu chuộc muôn người.
Đức Giê-su hứa ban phần thưởng là sự sống đời đời cho những ai trung tín với Người: “Thầy bảo thật anh em: Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau” (Mc 10,29-30). Với Đức Giê-su, trung tín với Người cũng chính là trung tín với Thiên Chúa là Cha của Người: “Thật, tôi bảo thật các ông: Ai nghe lời tôi và tin vào Đấng đã sai tôi, thì có sự sống đời đời và khỏi bị xét xử, nhưng đã từ cõi chết bước vào cõi sống” (Ga 5,24). Người cũng nói: “Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu, và biết tôi không tự mình làm bất cứ điều gì, nhưng Chúa Cha đã dạy tôi thế nào, thì tôi nói như vậy” (Ga 8,28). Với Đức Giê-su, hoán cải là điều kiện không thể thiếu được để trở nên trung tín và lãnh nhận hoa trái dành cho người trung tín. Chẳng hạn, trước sự hoán cải và lòng thành tín của tên gian phi, Đức Giê-su nói: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng” (Lc 23,43).
Chúng ta biết rằng trình thuật Tin Mừng Đức Giê-su theo thánh Gio-an từ chương 13 – 17 là trình thuật về cuộc đối thoại riêng giữa Đức Giê-su và các môn đệ trước khi Người bước vào cuộc khổ nạn. Thánh Gio-an viết câu đầu tiên của trình thuật này như sau: “Trước lễ Vượt Qua, Đức Giê-su biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng” (Ga 13,1). Đức Giê-su yêu thương các môn đệ cũng như mọi người cho đến giọt máu cuối cùng (Ga 19,34). Đức Giê-su đã chết và sống lại để diễn tả tình yêu đến cùng của Người. Đức Giê-su đã thiết lập Bí Tích Thánh Thể để ở lại với mọi người trong gia đình nhân loại cho đến cùng. Tình yêu của Người là tình yêu trung tín cho đến cùng. Sự trung tín của Đức Giê-su cho đến cùng cũng chính là sự vâng phục của Người cho đến cùng (Pl 2,8). Câu hỏi được đặt ra là ‘con người có yêu Thiên Chúa, yêu Đức Giê-su, yêu anh chị em đồng loại cho đến cùng không?’. Để có thể ‘yêu cho đến cùng’ như Đức Giê-su đã yêu, yêu đến nỗi gọi các môn đệ là bạn và hy sinh tính mạng vì họ, mọi người cần gắn bó với Người để ngày càng trở nên đồng hình đồng dạng với Người trong sự trung tín.
Với hành trình trần thế, Đức Giê-su vừa diễn tả sự trung tín của Thiên Chúa đối với con người vừa diễn tả sự trung tín của con người đối với Thiên Chúa. Chính Đức Giê-su đã minh chứng Người là Đấng trung tín của Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống Người. Là Thiên Chúa, Đức Giê-su cho mọi người biết rằng Thiên Chúa luôn trung tín chờ đợi sự hoán cải, trở về của con người, đồng thời, Người cũng ban dồi dào ơn lành cho những ai trung tín. Là con người, Đức Giê-su diễn tả cách thức thể hiện sự trung tín đối với Thiên Chúa. Đặc biệt, nhân danh toàn thể nhân loại, Đức Giê-su diễn tả Người là Thượng Tế, Bàn Thờ và là Con Chiên hầu đền tội cho nhân loại và phụng thờ Thiên Chúa. Trong các sách Kinh Thánh, thư gửi tín hữu Do-thái là tài liệu duy nhất diễn tả Đức Giê-su là Thượng Tế. Đặc biệt, phẩm vị Thượng Tế của Người vượt xa mọi thượng tế trong lịch sử Do-thái bởi vì Người là Thượng Tế siêu phàm (Dt 4,14). Các tư tế hay thượng tế trong lịch sử Do-thái là những hình ảnh hay biểu tượng hướng về Đức Giê-su là Thượng Tế siêu phàm.
Dưới nhãn quan của tác giả thư gửi tín hữu Do-thái, Đức Giê-su là vị Thượng Tế trung tín hiến dâng chính mình như Của Lễ hoàn hảo lên Thiên Chúa: “Người đã phải nên giống anh em mình về mọi phương diện, để trở thành một vị Thượng Tế nhân từ và trung tín trong việc thờ phượng Thiên Chúa, hầu đền tội cho dân” (Dt 2,17). Vì giống anh em mình trong gia đình nhân loại, Đức Giê-su cảm nghiệm được những bấp bênh, tủi nhục của kiếp người dưới ách thống trị của ma quỷ, thế gian, xác thịt (Dt 4,15-16). Người là Thượng Tế nhân từ và trung tín. Do đó, Người thấu hiểu những yếu đuối của anh em mình và yêu thương nâng đỡ họ trong mọi hoàn cảnh. Mặt khác, Người có khả năng đến với Thiên Chúa nhân danh anh em mình bởi vì Người trung tín cho đến nỗi bằng lòng chịu chết trên cây thập tự (Pl 2,8). Lời của Thiên Chúa Cha không chỉ vang vọng trong biến cố Đức Giê-su chịu Phép Rửa để bắt đầu sứ mệnh công khai mà còn vang vọng trong mọi biến cố của cuộc sống Người: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người” (Mt 3,17). Câu hỏi đặt ra là ‘tại sao nhân loại lại cần vị Thượng Tế nhân từ và trung tín?’ Thưa, tại vì trong gia đình nhân loại không ai có thể được gọi là người nhân từ và trung tín đến mức có thể làm trung gian cho mọi người trước mặt Thiên Chúa. Bởi vì, là con cái của gia đình nhân loại, ai cũng là tội nhân, do vậy, không thể đền tội cho mình hay cho người khác được. Kinh nghiệm cuộc sống cho chúng ta nhận thức rằng một chiếc khăn bị vấy bẩn không thể lau sạch những vết bẩn nơi bất cứ vật dụng nào.
Tiếp tục chủ đề trung tín, tác giả thư gửi tín hữu Do-thái so sánh giữa Đức Giê-su và Mô-sê, được mệnh danh là người lãnh đạo và tôi tớ trung tín của Thiên Chúa. Trong Cựu Ước, Mô-sê là tôi tớ trung tín của Thiên Chúa như lời Thiên Chúa phán: “Ngay cả điều ngươi vừa nói đó, Ta cũng sẽ làm, vì ngươi đã được nghĩa với Ta, và Ta biết đích danh ngươi” (Xh 33,17) hay: “Hãy nghe Ta nói đây! Nếu trong các ngươi có ai là ngôn sứ, thì Ta, Đức Chúa, Ta sẽ tỏ mình ra cho nó trong thị kiến, hoặc sẽ phán với nó trong giấc mộng. Nhưng với Mô-sê tôi tớ Ta thì khác: Tất cả nhà Ta, Ta đã trao cho nó” (Ds 12,6-7). Tương tự như Mô-sê, thời thơ ấu, Đức Giê-su đã sang Ai-cập (Mt 2,13-15). Như Mô-sê dẫn dắt dân Do-thái 40 năm trong sa mạc, Đức Giê-su cũng vào sa mạc 40 đêm ngày để ăn chay, cầu nguyện và chịu cám dỗ. Trong sa mạc, dân Do-thái bị cám dỗ về (1) chuyện ăn uống, (2) thử thách Thiên Chúa và (3) phụng thờ tà thần. Họ đã sa chước cám dỗ. Đức Giê-su cũng bị cám dỗ như vậy nhưng Người không sa chước cám dỗ (Mt 4,1-11). Nói cách khác, dân Do-thái bất tín với Thiên Chúa và sa chước cám dỗ, còn Đức Giê-su luôn trung tín với Thiên Chúa và không sa chước cám dỗ.
Tác giả thư gửi tín hữu Do-thái viết: “Anh em hãy ngắm nhìn Đức Giê-su là Sứ Giả, là Thượng Tế, là Trung Gian cho chúng ta tuyên xưng đức tin. Người trung thành với Đấng đã đặt Người lên chức vụ đó, cũng như ông Mô-sê đã trung thành khi thi hành chức vụ đối với toàn thể nhà Thiên Chúa” (Dt 3,1-2). Đối với dân Do-thái, Mô-sê là mẫu gương trung tín cho mọi người Do-thái trong việc lắng nghe, tin tưởng và thực thi thánh ý Thiên Chúa. Tuy nhiên, tác giả thư gửi tín hữu Do-thái còn đi xa hơn khi khẳng định: “Như người làm nhà đáng tôn vinh hơn chính ngôi nhà, thì Đức Giê-su cũng được coi là đáng tôn vinh hơn ông Mô-sê. Quả thật, nhà nào cũng phải có người làm ra, và Đấng làm ra mọi sự là Thiên Chúa” (Dt 3,3-4). Đặc biệt, tác giả thư gửi tín hữu Do-thái diễn tả Đức Giê-su là điểm đến của sự trung tín mà Mô-sê là đại diện và là điểm quy chiếu về sự trung tín của tất cả mọi người: “Ông Mô-sê đã trung thành khi thi hành chức vụ đối với toàn thể nhà Thiên Chúa, với tư cách là tôi tớ để làm chứng về các điều Thiên Chúa sẽ phán truyền. Còn Đức Ki-tô thì trung thành với tư cách là người Con đứng đầu nhà Thiên Chúa. Mà nhà Thiên Chúa là chính chúng ta, miễn là chúng ta giữ vững đến cùng lòng tin tưởng và thái độ hiên ngang về niềm hy vọng của chúng ta” (Dt 3,5-6). Như vậy, dưới nhãn quan tác giả thư gửi tín hữu Do-thái, sự trung tín của Đức Giê-su kiện toàn sự trung tín của Mô-sê cũng như mọi người trong dòng lịch sử, đồng thời, sự trung tín của Đức Giê-su đem lại ơn cứu độ vĩnh cửu cho những ai trung tín với giáo huấn của Người.
Thư gửi tín hữu Do-thái viết cho các Ki-tô hữu từng được gọi là dân riêng của Thiên Chúa (Xh 6,7). Đây là dân thấm nhuần tinh thần truyền thống Cựu Ước, trong đó Mô-sê là nhân vật vĩ đại đã dẫn dắt cha ông họ ra khỏi ách nô lệ Ai-cập về với Đất Hứa. Đối với họ, nói rằng Đức Giê-su cao trọng hơn Mô-sê là điều lạ lùng, khó có thể chấp nhận. Tuy nhiên, đối với tác giả thư gửi tín hữu Do-thái, Mô-sê là người trung tín của Thiên Chúa nhưng sự trung tín của Mô-sê không trọn hảo (imperfect faithfulness) vì nhiều lúc ông mất niềm hy vọng, than trách Thiên Chúa hay không diễn tả sự thánh thiện của Người cách xứng hợp (Ds 20,12; Đnl 32,48-52). Trong khi đó, sự trung tín của Đức Giê-su là sự trung tín trọn hảo (perfect faithfulness). Mặt khác, sự trung tín thực thi thánh ý Thiên Chúa của Đức Giê-su không chỉ cho dân Do-thái mà cho mọi người trong gia đình nhân loại. Tác giả thư gửi tín hữu Do-thái mời gọi mọi người hãy mở rộng tâm trí đến đón nhận Đức Giê-su. Mô-sê là mẫu gương trung tín với Thiên Chúa cho dân Do-thái, còn Đức Giê-su là mẫu gương trung tín với Thiên Chúa cho mọi người trong mọi thời và khắp mọi nơi.
Trong thư gửi tín hữu Rô-ma, thánh Phao-lô viết: “Nếu chúng ta đã cùng chết với Đức Ki-tô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người” (Rm 6,8). Đối với thánh nhân, chỉ có những người sống trung tín với Đức Ki-tô mới có thể cùng chết với Người. Mục đích của người trung tín là được sống trong ân nghĩa của Thiên Chúa như Đức Giê-su đã sống hầu đáng lãnh nhận sự sống vĩnh cửu với Người. Gửi thư cho tín hữu Cô-rin-tô, thánh nhân viết: “Tôi đã phái người con yêu quý và trung tín của tôi trong Chúa, là anh Ti-mô-thê, đến với anh em. Anh ấy sẽ nhắc cho anh em những quy tắc hướng dẫn đời sống trong Đức Ki-tô mà tôi đã đề ra, những quy tắc mà tôi vẫn giảng dạy khắp nơi, trong mọi Hội Thánh” (1 Cr 4,17). Chúng ta biết rằng Ti-mô-thê vừa là người con trung tín của thánh Phao-lô trong Chúa, vừa là bạn đồng hành của thánh nhân trong việc loan báo Đức Giê-su và Tin Mừng của Người cho anh chị em đồng loại trong Giáo Hội thuở ban đầu. Ti-mô-thê đã học hỏi nhiều điều nơi thánh Phao-lô, nhất là việc hoán cải và gắn bó với Đức Giê-su cho đến hơi thở cuối cùng.
Kinh nghiệm gặp gỡ Đức Giê-su phục sinh giúp thánh Phao-lô cảm nhận được sự trung tín của Thiên Chúa qua sự trung tín của Đức Giê-su. Trong thư gửi tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca, thánh nhân viết: “Hỡi anh em là những kẻ được Chúa yêu mến, chúng tôi phải luôn luôn tạ ơn Thiên Chúa về anh em, vì Thiên Chúa đã chọn anh em ngay từ lúc khởi đầu, để cứu độ anh em nhờ Thần Khí thánh hóa và nhờ lòng tin vào chân lý” (2 Tx 2,13). Đặc biệt, theo thánh nhân: “Chúa là Đấng trung tín: Người sẽ làm cho anh em được vững mạnh, và bảo vệ anh em khỏi ác thần” (2 Tx 3,3). Như vậy, Đấng trung tín vừa làm cho con người kiên vững trong đức tin vừa bảo vệ con người khỏi muôn hình thức sự dữ. Với tín hữu Cô-rin-tô, thánh nhân viết: “Thiên Chúa là Đấng trung thành, Người đã kêu gọi anh em đến hiệp thông với Con của Người là Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta” (1 Cr 1,9). Vì Thiên Chúa là Đấng trung tín, Người luôn nâng đỡ con người và ban ân sủng cần thiết để con người có thể vượt qua những chướng ngại như thánh Phao-lô viết cho các tín hữu tại Cô-rin-tô: “Không một thử thách nào đã xảy ra cho anh em mà lại vượt quá sức loài người. Thiên Chúa là Đấng trung tín: Người sẽ không để anh em bị thử thách quá sức; nhưng khi để anh em bị thử thách, Người sẽ cho kết thúc tốt đẹp, để anh em có sức chịu đựng” (1 Cr 10,13).
Theo mặc khải Kinh Thánh, Nguyên Tổ của gia đình nhân loại là A-đam và E-và đã không trung tín với Thiên Chúa và tội lỗi xâm nhập trần gian (St 3,1-7; Rm 5,12). Do đó, bất cứ hình thức tội lỗi nào đều mang âm hưởng của sự bất tín. Người phạm tội và người nên cớ cho người khác phạm tội đều là bất tín. Trong Cựu Ước, Thiên Chúa cáo tội các tư tế của Ít-ra-en qua trung gian Ma-la-khi rằng: “Các ngươi đã đi trệch đường và làm cho nhiều người lảo đảo trên đường Luật dạy. Các ngươi đã hủy hoại giao ước với Lê-vi, – Đức Chúa các đạo binh phán. Còn Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi đáng khinh và ra hèn mạt trước mặt toàn dân, vì các ngươi không tuân giữ đường lối Ta, và hay nể vì khi áp dụng Luật” (Ml 2,8-9). Trong Tân Ước, Đức Giê-su nói rằng: “Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn” (Mc 9,42). Tương tự như vậy, thánh Phao-lô viết cho các tín hữu Rô-ma: “Thưa anh em, tôi khuyên nhủ anh em hãy coi chừng những kẻ gây chia rẽ và làm cớ vấp ngã, vì đi ngược lại với đạo lý anh em đã học hỏi; anh em hãy xa lánh họ” (Rm 16,17). Do đó, người trung tín với Thiên Chúa không chỉ tuân giữ lề luật của Người mà còn thường xuyên quan tâm đến câu hỏi ‘phải chăng mình là nguyên cớ cho người khác bất tín?’.
Như đã đề cập ở trên, trong bối cảnh Kinh Thánh, niềm tin (faith) và sự trung tín (faithfulness) đi đôi với nhau. Tuy nhiên, chúng ta có thể nhận thức rằng sự trung tín có nghĩa rộng hơn. Bởi vì, sự trung tín đích thực không chỉ tin mà còn hành động nữa. Về điểm này, thánh Gia-cô-bê khẳng định: “Đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết. Đàng khác, có người sẽ bảo: ‘Bạn, bạn có đức tin; còn tôi, tôi có hành động. Bạn thử cho tôi thấy thế nào là tin mà không hành động, còn tôi, tôi sẽ hành động để cho bạn thấy thế nào là tin’” (Gc 2,17-18). Trong thực tế, chúng ta thấy rằng có nhiều người đặt niềm tin vào Thiên Chúa. Tuy nhiên, họ không trung tín với Thiên Chúa bởi vì thiếu vắng hành động diễn tả niềm tin trong cuộc sống thường ngày. Đặc biệt, trong thế giới hôm nay, số người tin tưởng vào Đức Giê-su và chương trình của Người ngày càng tăng nhưng số người thực hành niềm tin xem ra ngày càng giảm. Hơn nữa, nhiều người cho rằng niềm tin mang tính cá nhân hơn là cộng đoàn. Hậu quả là, họ chỉ có tin mà không hành động, không gắn bó với cộng đoàn đức tin, không ý thức sự cần thiết phải loan báo Đức Giê-su và Tin Mừng của Người cho anh chị em đồng loại.
Thực thi thánh ý Thiên Chúa cách trung tín là điều cần thiết đối với các Ki-tô hữu. Sự trung tín mà Đức Giê-su muốn nơi các Ki-tô hữu không phải là sự trung tín chóng qua, nhất thời (moment) mà là tiến trình (process) luôn mãi. Có người cho rằng mình tin vào Thiên Chúa và hiểu giáo huấn của Người, nhưng ‘tạm hoãn’ thực thi giáo huấn Thiên Chúa để mưu cầu lợi ích cho bản thân và gia đình. Họ cho rằng họ sẽ ‘ăn năn hối cải’ trong tương lai. Họ quan tâm đến việc lãnh nhận Bí Tích Hòa Giải, Xức Dầu Bệnh Nhân và Của Ăn Đàng vào phút chót hơn là sống trung tín, vác thập giá mình mỗi ngày mà theo chân Đức Giê-su (Mc 8,34). Quả thực, cây nghiêng bên nào thì ngả bên đó: Ai trung tín thì được hưởng hoa trái dành cho người trung tín; ai bất tín thì phải lãnh lấy hậu quả thích đáng với sự bất tín của mình. Điều Thiên Chúa muốn là con người hãy luôn trung tín với Thiên Chúa, với nhau và với muôn vật muôn loài do Người sáng tạo.
Một trong những khủng hoảng điển hình của thế giới hôm nay là ‘khủng hoảng sự trung tín’: Khủng hoảng sự trung tín trong đời sống cá nhân và tập thể; khủng hoảng sự trung tín trong đời sống gia đình và xã hội; khủng hoảng sự trung tín trong đời sống văn hóa và tôn giáo. Câu hỏi mà mọi người cần phải quan tâm: ‘Đâu là nguyên nhân chính yếu của hình thức khủng hoảng này?’ Thưa, nguyên nhân chính yếu xuất phát từ việc loại trừ Thiên Chúa là Đấng trung tín ra khỏi cuộc sống con người. Quả thực, khi con người không nhìn nhận Thiên Chúa là Đấng trung tín tuyệt đối, hằng hữu và phổ quát, cũng là khi con người quy chiếu đời sống mình về các hình thức trung tín do mình đặt ra. Hậu quả là con người chạy theo những ‘ngẫu tượng trung tín’. Trong Cựu Ước, ông Giô-suê nói với dân Do-thái: “Bây giờ anh em hãy kính sợ Đức Chúa, hãy chân thành và trung tín phụng thờ Người. Anh em hãy vất bỏ các thần cha ông anh em đã phụng thờ bên kia Sông Cả và ở Ai-cập, và hãy phụng thờ Đức Chúa” (Gs 24,14). Đức Giê-su là hiện thân của Thiên Chúa trung tín tuyệt đối, hằng hữu và phổ quát. Nhờ Người, con cái của gia đình nhân loại được cứu chữa khỏi hậu quả của các hình thức bất tín và được chung hưởng bình an, hạnh phúc và sự sống vĩnh cửu.
Trung tín là điều kiện tiên quyết giúp xã hội loài người phát triển lành mạnh. Qua mọi thời đại, trung tín luôn là đặc tính mà bất cứ cá nhân, gia đình hay tổ chức nào cũng phải coi trọng. Chẳng hạn, điều mà ông chủ muốn nơi những người làm việc cho mình là sự trung tín; điều mà cha mẹ muốn nơi con cái là sự trung tín; điều mà người chồng muốn nơi người vợ cũng như người vợ muốn nơi người chồng là sự trung tín; điều mà thầy cô giáo muốn nơi học trò và học trò muốn nơi thầy cô giáo là sự trung tín. Nói cách khác, trung tín phải là kim chỉ nam của đời sống con người trên bình diện cá nhân cũng như tập thể. Đặc biệt, trung tín là nền tảng cho việc diễn tả căn tính, đời sống và sứ mệnh của người Ki-tô hữu giữa dòng đời. Do đó, là Ki-tô hữu, mỗi người hãy trung tín với ơn gọi của mình. Ai trung tín thì được mọi người tín nhiệm, được giao phó trọng trách và được Thiên Chúa yêu mến.
Là con người, ai cũng thích người khác trung tín với mình. Không chỉ những người với lương tâm tốt lành muốn bạn bè trung tín với mình, những người với lương tâm sa đọa cũng muốn như vậy. Ai cũng lo lắng, sợ hãi, dè chừng khi giao phó hay ủy thác công việc cho những người bất tín. Nói cách khác, không ai muốn bạn bè của mình là những người bất tín. Theo tác giả sách Huấn Ca: “Người bạn trung thành là một nơi nương tựa vững chắc, ai gặp được người bạn như thế, là gặp được kho tàng. Không gì đổi lấy được một người bạn trung thành, và giá trị của người bạn ấy, không cân nào lường được. Người bạn trung thành là phương thuốc xoa dịu cuộc đời, những ai kính sợ Đức Chúa sẽ gặp được người như vậy” (Hc 6,14-16). Đức Giê-su là Bạn trung thành, Bạn trung tín của tất cả mọi người trong gia đình nhân loại (Ga 15,12-15). Do đó, những ai đến với Người sẽ không bao giờ thất vọng bởi vì Người nhân từ, yêu thương và trung tín đến cùng.
Con người không thể trở nên trung tín với sức riêng của mình. Dưới nhãn quan của thánh Phao-lô, trung tín như là hoa trái của Chúa Thánh Thần. Trong thư gửi tín hữu Ga-lát, ngài viết: “Hoa quả của Thần Khí là: Bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ” (Gl 5,22-23). Như vậy, con người cần luôn ở lại trong Thần Khí của Đức Giê-su và hành động theo sự hướng dẫn của Thần Khí như lời dạy của thánh Phao-lô đối với các tín hữu Ê-phê-xô: “Theo Thần Khí hướng dẫn, anh em hãy dùng mọi lời kinh và mọi tiếng van nài mà cầu nguyện luôn mãi” (Ep 6,18). Do đó, điều cần thiết nơi mỗi Người là đừng bao giờ cho mình đã đạt được sự trung tín sung mãn, không cần thiết phải biến đổi gì nữa. Chúng ta biết rằng sự trung tín của con người không phải là ‘sự trung tín một lần cho tất cả’. Cạm bẫy của ma quỷ, thế gian, xác thịt vẫn còn đó. Theo tác giả Thánh Vịnh 89, “đức thành tín hầu cận quanh Thiên Chúa” (Tv 89,9). Còn con người trong hành trình trần thế thì sao? Nếu không có sự trợ giúp và bảo vệ của Thiên Chúa thì ‘sự bất tín bao phủ quanh con người’.
Thiên Chúa ban sự trung tín cho chúng ta và mời gọi chúng ta luôn biết cộng tác với Người để không ngừng ‘làm mới sự trung tín’ của mình. Nghĩa là chúng ta cần hướng về Thiên Chúa để ngày càng trở nên trung tín hơn, đồng thời, diễn tả sự trung tín của mình trong các tương quan của đời sống với niềm hy vọng rằng những gì Thiên Chúa hứa ban cho những ai trung tín đều trở thành hiện thực. Theo tác giả thư gửi tín hữu Do-thái: “Vì Thiên Chúa muốn chứng minh rõ hơn cho những người thừa hưởng lời hứa được biết về ý định bất di bất dịch của Người, nên Người đã dùng lời thề mà bảo đảm điều Người đã hứa… cả lời hứa lẫn lời thề đều bất di bất dịch, và khi thề hứa, Thiên Chúa không thể nói dối được. Do đó, chúng ta là những kẻ ẩn náu bên Thiên Chúa, chúng ta được mạnh mẽ khuyến khích nắm giữ niềm hy vọng dành cho chúng ta” (Dt 6,17-18). Cũng theo tác giả thư gửi tín hữu Do-thái: “Chúng ta hãy tiếp tục tuyên xưng niềm hy vọng của chúng ta cách vững vàng, vì Đấng đã hứa là Đấng trung tín. Chúng ta hãy để ý đến nhau, làm sao cho người này thúc đẩy người kia sống yêu thương và làm những việc tốt” (Dt 10,23-24). Như vậy, nói đến trung tín là nói đến hy vọng được diễn tả bằng tình yêu thương nhau cũng như làm việc tốt theo mẫu gương Đức Giê-su là Đường Trung Tín giữa lòng nhân loại như thánh Phao-lô khuyên dạy các tín hữu Cô-rin-tô: “Anh em hãy bắt chước tôi, như tôi bắt chước Đức Ki-tô” (1 Cr 11,1).
Kinh nghiệm đời sống Ki-tô hữu cho chúng ta nhận thức rằng trung tín (faithfulness) và bất tín (unfaithfulness) luôn là chọn lựa của mỗi cá nhân giữa lòng xã hội. Cách cụ thể là mỗi người được tự do chọn lựa hay không chọn lựa Đường của Đức Giê-su là Đường Trung Tín cho đời sống mình. Trong bài giảng về thời cánh chung, Đức Giê-su dùng dụ ngôn người đầy tớ trung tín, Người nói: “Vậy thì ai là người đầy tớ trung tín và khôn ngoan mà ông chủ đã đặt lên coi sóc gia nhân, để cấp phát lương thực cho họ đúng giờ đúng lúc? Phúc cho đầy tớ ấy nếu chủ về mà thấy anh ta đang làm như vậy. Thầy bảo thật anh em, ông sẽ đặt anh ta lên coi sóc tất cả tài sản của mình” (Mt 24,45-47). Đức Giê-su luôn mời gọi mọi người trong gia đình nhân loại luôn là những đầy tớ trung tín, những đầy tớ kiên tâm lắng nghe, học hỏi, suy niệm và thực thi lời của Thiên Chúa. Là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa nhưng Đức Giê-su đã trút bỏ chính mình, mặc lấy thân phận tôi tớ trung tín để phục vụ Thiên Chúa và nhân loại. Người đã đi Đường Trung Tín cho đến tận cùng hầu mang lại ơn cứu độ vĩnh viễn cho mọi người. Như vậy, ơn cứu độ của con người hệ tại ở việc theo hay không theo Đường Trung Tín của Đức Giê-su giữa dòng đời.
Cuộc sống của người Ki-tô hữu luôn đối diện với nghịch lý: Tận đáy lòng, không ai muốn mình là người bất tín đối với Thiên Chúa, với anh chị em mình và với muôn vật muôn loài trong thế giới thụ tạo nhưng thực tế cho thấy xu hướng bất tín luôn tiềm tàng nơi mỗi người. Ai cũng cảm thấy mình mọn hèn, yếu đuối, dễ bị tổn thương trong hành trình theo Đường Trung Tín của Đức Giê-su. Như đề cập ở trên, trong Cựu Ước, dân Do-thái chịu nhiều thử thách và lắm phen bất tín với Thiên Chúa. Trong Tân Ước, các môn đệ Đức Giê-su dù được Người thương yêu dạy dỗ nhưng họ vẫn tỏ ra bất tín, nhất là khi phải đối diện với những nghịch cảnh. Chẳng hạn, trong cuộc thương khó của Đức Giê-su, thánh Phê-rô đã bất tín, phủ nhận tương quan mật thiết giữa ngài và Đức Giê-su, không chỉ một lần mà là ba lần (Mt 26,69-74). Tuy nhiên, thánh nhân đã ăn năn hối cải và được Đức Giê-su tha thứ. Chính Đức Giê-su phục sinh đã hiện ra để củng cố đức tin cho ngài cũng như các môn đệ. Từ đó, họ trở nên những nhân chứng thực thụ của Đức Giê-su và Tin Mừng của Người cho đến cùng. Đức Giê-su phục sinh đã thúc giục tác giả sách Khải Huyền viết thư cho Hội Thánh Xi-miếc-na rằng: “Đừng sợ các nỗi đau khổ ngươi sắp phải chịu… Hãy trung thành cho đến chết, và Ta sẽ ban cho ngươi triều thiên sự sống” (Kh 2,10). Hãy trung thành, hãy trung tín, hãy yêu thương đến cùng là mệnh lệnh của Đức Giê-su phục sinh cho mọi người.
Trong Cựu Ước, khi dân Do-thái trở về Đất Hứa Ca-na-an, dưới sự dẫn dắt của Mô-sê, họ đã không đi đường ngắn hơn mà lại đi đường dài hơn. Họ đã tin tưởng vào Thiên Chúa qua trung gian Mô-sê để vào sa mạc. Đây là hành trình lắm thử thách và nhiều gian truân nhưng họ đã vượt qua tất cả. Như dân Do-thái nhờ Mô-sê đã về được với Đất Hứa Ca-na-an, mọi người trong gia đình nhân loại nhờ Đức Giê-su, Đường Trung Tín, sẽ được về sum họp cùng Thiên Chúa. Đường Trung Tín của Đức Giê-su không phải là Đường ngắn nhất nhưng là Đường duy nhất cho phép con người đến với Thiên Chúa, đến với Đất Hứa vĩnh cửu là Quê Hương đích thực của mọi người (Pl 3,20). Do đó, dõi theo Đường Trung Tín của Đức Giê-su luôn là bảo chứng cho những ai được gọi là Ki-tô hữu, là môn đệ và tông đồ của Đức Giê-su giữa dòng đời.
Chúng ta có thể kết luận rằng theo mặc khải Ki-tô Giáo, trung tín vừa là thuộc tính của Thiên Chúa vừa là thuộc tính của con người. Hơn nữa, trung tín thuộc về ‘bản tính’ Thiên Chúa. Sự trung tín của Thiên Chúa được diễn tả cách cụ thể trong chương trình cứu độ nhân loại được Đức Giê-su thực hiện: Người trung tín trong việc trở nên người phàm; trung tín với Đức Ma-ri-a và thánh Giu-se trong gia đình Na-da-rét; trung tín trong việc lên Giê-ru-sa-lem để phụng thờ Thiên Chúa; trung tín trong việc thực thi truyền thống Do-thái; trung tín trong việc đón nhận Phép Rửa của Gio-an Tẩy Giả; trung tín trong việc vào sa mạc 40 đêm ngày và chịu ma quỷ cám dỗ; trung tín trong việc giảng dạy lời của Thiên Chúa; trung tín trong việc trừ quỷ, chữa bệnh, tha tội, hồi sinh kẻ chết, nhằm diễn tả quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa; trung tín bước vào cuộc khổ nạn; trung tín khi các môn đệ bất tín trong cuộc khổ nạn; trung tín cho đến hơi thở cuối cùng trên thập giá; trung tín hiện diện với các môn đệ sau khi sống lại; trung tín ở lại với mọi người trong gia đình nhân loại cho đến tận thế, nhất là trong Bí Tích Thánh Thể. Nói cách khác, Đường của Người trong hành trình trần thế là Đường Trung Tín. Mọi người trong gia đình nhân loại được mời gọi đi Đường Trung Tín của Người, Đấng vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay và như vậy mãi tới muôn đời (Dt 13,8).