Niềm vui Kitô giáo và nỗi buồn con người
Tác giả: SE Greydanus
“Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em!” (Philíp 4: 4). Điều này và những lời khuyên dạy khác trong Kinh thánh đã hình thành truyền thống Kitô giáo với sự hiểu biết rằng niềm vui là một phần trong cuộc sống của chúng ta. Theo truyền thống, niềm vui được tính trong số các hoa quả của Chúa Thánh Thần: “Các hoa trái của Thánh Thần là những điều thiện hảo Thánh Thần ban cho chúng ta như hoa quả đầu mùa của vinh quang vĩnh cửu. Truyền thống Hội Thánh kể ra mười hai hoa trái của Thánh Thần “Bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nại, nhân từ, lương thiện, hiền hòa, khoan dung, trung tín, khiêm nhu, tiết độ và thanh khiết (Galát 5,22-23)” (GLGHCG 1832). Các tác giả tâm linh thường nhận xét về tầm quan trọng của nó, bao gồm cả Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, là người đã gọi nó là “một đặc điểm phân biệt cơ bản của các Kitô hữu”.[1] Thật vậy, vì chính Chúa Giêsu Kitô đã cầu nguyện “để họ được hưởng trọn vẹn niềm vui của con” (Gioan 17:13), chúng ta có thể suy ra rằng niềm vui là một phần trong những gì Chúa Giêsu Kitô muốn ban cho chúng ta.
Nhưng niềm vui này có ý nghĩa gì trong thực tế? Nó như thế nào, và nó liên quan như thế nào đến những lúc đau khổ? Không còn nghi ngờ gì nữa, một số bài giảng về niềm vui của Kitô hữu được rao giảng với mục đích tốt lành, có thể tạo ấn tượng rằng nếu chúng ta cầu nguyện, có đức tin và nói chung là giữ thái độ đúng mực đối với Thiên Chúa, chúng ta sẽ luôn thanh thản, vui vẻ và lan tỏa hạnh phúc của mình cho thế giới. Một bài thánh ca đáng yêu khác lạ, “Có một độ rộng mở trong Lòng Thương Xót của Thiên Chúa”, lập luận theo những dòng này:
Nếu tình yêu của chúng ta đơn sơ hơn, chỉ vậy thôi,
Chúng ta nên nghe theo lời của Ngài,
Và cuộc sống của chúng ta sẽ chỉ toàn là ánh nắng mặt trời
Trong sự ngọt ngào của Chúa chúng ta.
Nếu chúng ta không cảm nhận ngay được bằng trực giác rằng điều này đang nhấn mạnh quá nhiều vào tính cách con người, chúng ta rất có thể sẽ tìm thấy được bằng kinh nghiệm. Ngay cả những người có tính cách lạc quan nhất cũng có lúc cảm thấy buồn, và không phải ai cũng có tính cách lạc quan. Ý tưởng rằng cuộc sống của một Kitô hữu phải “hoàn toàn là ánh nắng mặt trời” cũng có thể dẫn đến việc đối xử vô cảm với những người đau khổ; Sẽ thật nhẫn tâm khi nói với ai đó đang tràn ngập đau buồn, lo lắng, bệnh tật, v.v. rằng chỉ cần họ cầu nguyện và có niềm tin, là mọi thứ sẽ ổn.
Hơn nữa, chúng ta có lý do từ các sách Tin mừng để nghĩ rằng Chúa của chúng ta không đòi hỏi sự thư thái vô tư lự liên tục từ chúng ta. Ngài ban phúc cho những ai than khóc và hứa an ủi họ: “Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an” (Mátthêu 5: 5), nhưng không bảo họ vui lên. Ngài cũng cho thấy những nỗi đau của phận người trong cõi lòng Ngài, rơi lệ trước mộ bạn Ngài: “Chúa Giêsu liền khóc” (Gioan 11:35) và đổ mồ hôi máu trước Cuộc Khổ Nạn của Ngài: “Ngài lâm cơn xao xuyến bồi hồi, nên càng khẩn thiết cầu xin. Và mồ hôi Ngài như những giọt máu rơi xuống đất” (Luca 22:44). Nếu Chúa Giêsu khóc và run rẩy trong những lúc đau khổ, thì những người theo Ngài khó có thể bị khiển trách vì đã không mỉm cười vào những lúc đau khổ như vậy.
Vậy, niềm vui là một phần của đời sống Kitô hữu có ý nghĩa gì? Mặc dù tôi không phải là nhà thần học luân lý, nhưng một số suy nghĩ trong Kinh thánh và các nguồn khác đã làm sáng tỏ cho tôi về chủ đề này, và tôi hy vọng chúng cũng có thể làm được điều tương tự đối với những chủ đề khác.
Tôi nghĩ điều đầu tiên cần hiểu là Chúa không đòi hỏi cảm xúc từ chúng ta. Đôi khi chúng ta có thể khuyến khích hoặc ngăn cản những cảm xúc đó, nhưng chúng ta không thể giữ được lâu bất kỳ cảm xúc nào. Vì vậy, nếu chúng ta có thể quyết tâm làm một điều gì đó hoặc khuyến khích người khác làm điều đó, thì điều cần phải có không phải là có một cảm xúc, mà còn hơn thế nữa. Như CS Lewis nhận xét, “Một lời hứa cần phải là những điều tôi có thể làm, liên quan đến hành động: không ai hứa mình sẽ tiếp tục cảm xúc theo một cách nào đó. Nếu vậy, thì người ấy chả tội gì lại không hứa sẽ không bao giờ bị đau đầu hoặc không phải lúc nào cũng cảm thấy đói.”[2]
Bối cảnh của nhận xét của Lewis là một cuộc thảo luận về tình yêu mà các cặp đôi hứa hẹn với nhau, và thực sự tình yêu vợ chồng có thể là một sự tương đồng tốt đẹp. Chúng ta nói về một người chồng và người vợ có một “cuộc hôn nhân hạnh phúc”, nhưng chúng ta biết điều này không có nghĩa là họ luôn sống trong tình trạng say mê lãng mạn liên tục. Điều đó có nghĩa là mối quan hệ của họ (nói chung) là lành mạnh và tốt lành, rằng họ sống sự trao ban cho nhau trong những thói quen nhỏ nhặt hàng ngày của họ. Đó là “một sự thống nhất sâu sắc, được duy trì bởi ý chí và được củng cố một cách có chủ ý bởi thói quen; được củng cố bởi ân sủng (trong các cuộc hôn nhân Kitô giáo) mà cả hai bên cầu xin và nhận được từ Thiên Chúa.”[3] Họ không cần phải có hoặc không ngừng có một cuộc hôn nhân hạnh phúc ngay cả khi họ cảm thấy bực bội với cuộc sống hoặc với nhau.
Niềm vui của Kitô hữu có thể được so sánh với cuộc hôn nhân hạnh phúc này. Đó không phải là trạng thái xuất thần hay phấn khích, mặc dù nó có thể dẫn đến những khoảnh khắc như vậy, và đó cũng là những ân huệ từ Thiên Chúa. Chắc chắn sự thánh thiện không bảo đảm cho cảm giác vui vẻ hay yên tĩnh. Người ta có thể dễ dàng tìm thấy những ví dụ về các vị thánh có tính khí không quá sáng ngời – Augustinô đa sầu, Giêrônimô mãnh liệt – hoặc những người đã trải qua nhiều năm dài, thậm chí cho đến cuối đời, trong đủ loại đau khổ khủng khiếp; và, như bất kỳ con người nào, cảm thấy cuộc đời thật khó khăn. Thánh Têrêsa thành Lisieux, chết vì bệnh lao và không thể cảm nhận được sự hiện diện của Thiên Chúa, đã thừa nhận rằng “đó là sự thống khổ thuần túy; không có sự an ủi!”[4]
Đúng hơn, niềm vui vốn là “đặc điểm phân biệt cơ bản của Kitô hữu” là một loại niềm vui siêu nhiên. Không phải niềm vui siêu nhiên theo nghĩa là ở mức độ phi thường, như Thị kiến Hạnh phúc, mà là một sự hầu như siêu nhiên. Chúa Giêsu nói với các tông đồ của Ngài: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi” (Gioan 14:27): Giống như những hoa trái khác của Chúa Thánh Thần, đó là một cái gì đó bền vững, và thậm chí có thể cùng tồn tại với những đau khổ và đau đớn dữ dội. Niềm vui này cũng không phải là niềm vui mà chúng ta có thể “làm lên” bằng chính nỗ lực của mình, không cần có sự trợ giúp của ân sủng. Sách Giáo lý gọi hoa trái của Chúa Thánh Thần là “những điều thiện hảo Thánh Thần ban cho chúng ta như hoa quả đầu mùa của vinh quang vĩnh cửu” (GLCG số 1832). Vì vậy, chúng ta cần cầu nguyện để có được niềm vui này trong chính mình, tin cậy vào Thiên Chúa là Đấng biết rõ sự yếu đuối của chúng ta.
Vậy thì đó là loại niềm vui nào mà không phải là cảm xúc và không loại trừ nỗi đau buồn? Giống như tình yêu vợ chồng, đó là một tâm thế, một thói quen của tâm trí và trái tim, chúng ta học cách sống trong đó. Nó xuất phát từ sự hiểu biết về những gì Chúa chúng ta đã làm và tiếp tục làm cho chúng ta. Tất nhiên chúng ta vẫn có những nỗi buồn, trong “lũng đầy nước mắt” này; tuy nhiên, theo lời của Thánh Phaolô, chúng ta không “đau buồn như những người không có hy vọng khác” (1 Thêssalônica 4:13). Lưu ý rằng ngài không thúc giục những người trở lại đạo là đừng đau buồn, nhưng là đừng đau buồn như những người không có hy vọng.
Thế thì sự khác biệt to lớn là đây. Đối với một Kitô hữu đau khổ không phải như vậy. Chúng ta đã được đảm bảo, có thể chịu đựng và vượt qua ngay cả những thử thách tồi tệ nhất trên trần gian – mất gia đình, mất sức khỏe, tương lai không chắc chắn, những vết thương mà tất cả chúng ta phải chịu kể từ đầu năm 2020 — với sự chắc chắn rằng chúng ta đã đối đầu với những đau khổ này, và chiến thắng, trong sự nhập thể, chết và sống lại của Chúa Giêsu. Thánh Phaolô nói với dân Thêssalônica trong câu tiếp theo: “Vì nếu chúng ta tin rằng Chúa Giêsu đã chết và đã sống lại, thì chúng ta cũng tin rằng những người đã an giấc trong Chúa Giêsu, sẽ được Thiên Chúa đưa về cùng Chúa Giêsu” (1 Thêssalônica 4:14). Cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu là câu trả lời, không chỉ cho câu đố về cái chết, mà bằng cách này hay cách khác cho tất cả bóng tối bao quanh chúng ta.
Chúng ta đã không được cung cấp tất cả các câu trả lời ngay lập tức. Chúng ta không biết mọi tình huống cụ thể sẽ diễn ra như thế nào. Sự bảo đảm vui mừng của đức tin Kitô giáo không phải là khó khăn sẽ không đến, mà là quyền năng nhân từ của Chúa chúng ta lớn hơn tất cả những khó khăn đó, rằng Ngài đã chiến thắng mọi điều ác và rồi theo thời gian chiến thắng đó sẽ được thể hiện trọn vẹn.
JRR Tolkien đã có một cái nhìn sâu sắc về điều này như thế nào khi ông đặt ra khái niệm “eucatastrophe – cái kết có hậu”. Thuật ngữ này vốn dĩ được đặt ra cho các mục đích văn học, nhưng lại trở nên có liên quan với đức tin và niềm hy vọng của Kitô hữu. Nó có thể mang một ý nghĩa rộng hơn nhiều so với cái vẻ bên ngoài của nó. Tolkien đã giới thiệu cụm từ này khi giải thích làm thế nào một nút thắt trong một “câu chuyện cổ tích”, một khi được giải quyết bằng một kết thúc có hậu bất ngờ, có thể làm được nhiều việc hơn là việc giải quyết mối xung đột. Đó có thể là một khoảnh khắc vui mừng bất ngờ, kỳ diệu, hữu ích đến mức nó mang một sức mạnh sâu sắc và hướng đến một hy vọng cuối cùng lớn lao. Nó “phản chiếu ánh hào quang muộn”[5] sau tất cả các sự kiện trước đó, mang lại cho các sự kiện đó ý nghĩa mới. Tolkien giải thích: Mất mát và bi thảm không làm cho “cái kết có hậu” kém giá trị hơn:
“Cái kết có hậu” không phủ nhận sự tồn tại của thảm họa khó giải quyết, của nỗi buồn và sự thất bại: sự tồn tại của những điều này là cần thiết cho niềm vui của sự giải thoát; nó phủ nhận (dù đứng trước nhiều bằng chứng, nếu bạn muốn) sự thất bại chung cuộc phổ quát và cho đến nay nó là Tin Mừng – Evangelium, đang đem đến một cái nhìn thoáng qua về Niềm vui. Niềm vui vượt ra ngoài các bức tường của trần thế, vốn sầu thảm như nỗi đau buồn.[6]
Vì vậy, đau buồn có thể là chuyện đương nhiên hoặc thích đáng, nhưng chúng ta vẫn có thể giữ lấy một niềm vui mà chúng ta biết là có thật ngay cả giữa nỗi đau buồn đó.
Khi quy chiếu về “Tin Mừng – Evangelium”, khái niệm “cái kết có hậu” không chỉ áp dụng cho tiểu thuyết; trong thực tế, nó có thể được áp dụng tuyệt vời cho lịch sử, cụ thể là lịch sử cứu độ. Tolkien tiếp tục nói, “Sự ra đời của Chúa Kitô là một “cái kết có hậu” trong lịch sử của loài người. Sự Phục Sinh là “cái kết có hậu” của câu chuyện về Sự Nhập Thể.” Còn có sự giải thoát bất ngờ, kỳ diệu nào hơn chính việc Thiên Chúa đến ở giữa chúng ta để gánh lấy mọi gánh nặng của tội lỗi và khốn khổ của chúng ta? Câu chuyện đó còn có đỉnh cao vinh quang nào, vốn không thể có, hơn việc Chúa Nhập Thể phá bỏ xiềng xích của sự chết, mở ra cánh cửa dẫn đến một cuộc sống đổi mới cho chính Ngài và cho tất cả chúng ta?
Chính vì lý do chính đáng này mà Mẹ Giáo Hội liên tục nhắc nhở chúng ta về những mầu nhiệm này trong Thánh lễ và khuyến khích chúng ta suy ngẫm về những mầu nhiệm đó trong Kinh Mân Côi. Những sự thật này là nền tảng của niềm vui đặc trưng của Kitô hữu. Chúng không làm đau khổ mất đi cũng như chặn đứng nỗi buồn, nhưng chúng làm biến đổi trải nghiệm của chúng ta, thường theo những phương cách nhỏ bé mà chúng ta không phải lúc nào cũng có thể cảm nhận được, như bầu không khí mà chúng ta hít thở. Nhờ ân sủng và sự hợp tác của chúng ta với chúng, chúng ta nhìn thấy mọi thứ khác đi, trong ánh sáng vui tươi của Sự Cứu Chuộc.
Ví dụ, Thánh Edith Stein, khi vẫn còn là một người theo chủ nghĩa vô thần, đã đến thăm một người bạn theo đạo Thiên Chúa có chồng đã qua đời, và bị xúc động bởi cung cách người bạn của ngài gánh chịu sự mất mát của cô ấy, nỗi buồn của cô ấy được xoa dịu bởi một sức mạnh nhiệm mầu sâu sắc. Cuộc gặp gỡ này là một mạc khải đối với Edith, và là một bước quan trọng dẫn đến sự trở lại đạo của ngài. Vị thánh tương lai sau này nhớ lại, “Lần đầu tiên tôi thấy trước mắt mình là Giáo hội, được sinh ra từ sự đau khổ cứu chuộc của Chúa Kitô, đã chiến thắng trước nọc độc của cái chết”.[7]
Nhưng chúng ta không nên mất kiên nhẫn với bản thân nếu chúng ta không nhận thấy sự thay đổi như vậy trong cõi lòng của chúng ta chỉ sau một đêm. Quá trình nên thánh diễn ra trong tất cả cuộc sống của chúng ta, và thông thường, dường như linh hồn không biết điều gì đang xảy ra. Học cách sắp đặt niềm vui Kitô hữu cũng không phải là ngoại lệ. Phải mất nhiều thời gian rèn luyện hàng ngày, nhiều tác động nho nhỏ của ân sủng, để thực sự thay đổi cách nhìn tự nhiên của chúng ta sang cách nhìn siêu nhiên.
Mặt khác, đối với bất cứ tâm hồn Kitô hữu nào, hạt giống đã được gieo sẵn. Chúng ta có niềm tin vốn đem theo niềm vui trước “cái kết có hậu” lớn lao; chúng ta có Chúa Thánh Thần, Đấng là tác nhân của mọi sự thay đổi tốt lành trong chúng ta. Chúng ta đau khổ và chiến đấu và vác thập giá của mình, dù lớn hay nhỏ; nhưng chúng ta luôn biết rằng chúng ta có lý do – lý do vô cùng tận – để vui mừng. Giống như một ngọn đèn hiệu trên vùng biển cuồng nộ luôn chiếu sáng cho chúng ta; cho dẫu có lúc chúng ta rất khó để nhìn thấy nó, nhưng bằng việc lái con thuyền của chúng ta về phía ngọn đèn hiệu đó thì chúng ta đang làm chứng cho sự hiện diện của nó.
“Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa,
thần trí tôi hớn hở vui mừng
vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.” (Luca 1: 46–47).
Phêrô Phạm Văn Trung
Chuyển ngữ từ: hprweb.com (27.1.2022)
[1] Đức Giáo hoàng Benedict XVI, Diễn văn tại Hang Lộ Đức, Vườn Vatican, ngày 1 tháng 6 năm 2012. Tin tức Công giáo SG, truy cập ngày 20 tháng 10 năm 2021, https://catholicnews.sg/2012/06/04/faith-invites-us-to-look-beyond-appearances/
[2] CS Lewis, Mere Christianity – Chỉ là Kitô giáo (New York: HarperCollins, 1952), 107.
[3] Mere Christianity – Chỉ là Kitô giáo, 109.
[4] Thánh Têrêsa thành Lisieux, Chuyện một tâm hồn, ấn bản thứ ba, ed. John Clarke, OCD (Washington, DC: ICS Publications, 1996), 269.
[5] JRR Tolkien, “Về những câu chuyện cổ tích,” trong Cây và Lá – Tree and Leaf (Boston: Houghton Mifflin Company, 1989), 62.
[6] Tolkien, “Về những câu chuyện cổ tích,” 62.
[7] Teresia Renata Posselt, OCD, Edith Stein: Cuộc đời của một triết gia và nữ tu Carmelite, ed. Susanne Batzdorff, Josephine Koeppel và John Sullivan (Washington, DC: ICS Publications, 2005), 59–60. Trích trong Dianne Marie Traflet, Saint Edith Stein: Một chân dung tâm linh (Boston: Pauline Books & Media, 2008), 41.