Đấng Phù Trợ sẽ tố cáo thế gian
24/5 Thứ Ba trong tuần thứ Sáu Mùa Phục Sinh
Cv 16:22-34; Tv 138:1-2,2-3,7-8; Ga 16:5-11
Đấng Phù Trợ sẽ tố cáo thế gian
Thường cuộc chia tay nào cũng có nhiều day dứt. Đặc biệt cuộc chia tay giữa những người thân, người yêu lại càng nhiều cảm xúc, lo lắng, lưu luyến – chưa xa mà lòng đã bồi hồi. Bởi thế, khi loan báo cuộc ra đi trở về cùng Cha, thầy trò Đức Giê-su cũng không tránh khỏi niềm xao xuyến ấy: “5Bây giờ Thầy đến cùng Đấng đã sai Thầy, và không ai trong anh em hỏi: ‘Thầy đi đâu ?’ 6 Nhưng vì Thầy nói ra các điều ấy, nên lòng anh em tràn ngập ưu phiền.” Tuy nhiên, vì tình yêu mà Thầy phải ra đi vì: “Thầy ra đi thì có lợi cho anh em. Thật vậy, nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em ; nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em.” Quả vậy, Chúa Thánh Thần – Thần Tình yêu và Chân Lý, Sự khôn ngoan của Thiên Chúa sẽ đến để ‘dạy bảo anh em mọi điều’; Ngài là Đấng Bảo trợ – Đây là một lời hứa tràn đầy sự an ủi, vì có Thiên Chúa bảo trợ chúng ta còn sợ gì?
Khi Chúa Thánh Thần đến “Người sẽ chứng minh rằng thế gian sai lầm về tội lỗi, về sự công chính và việc xét xử : 9 về tội lỗi : vì chúng không tin vào Thầy ; 10 về sự công chính : vì Thầy đến cùng Chúa Cha, và anh em không còn thấy Thầy nữa ; 11 về việc xét xử : vì Thủ lãnh thế gian này đã bị xét xử rồi.” Theo chú giải Tin mừng Gioan thì khi Đấng Bảo Trợ đến, Ngài sẽ hoàn tất cuộc xét xử trong lòng Giáo Hội qua ba điểm:
* c. 9 Thánh Thần sẽ phơi trần tội lỗi của trần gian. Tội không tin Đức Ki-tô, mà đỉnh cao là đã giết Ngài.
* c. 10 Minh oan cho Đức Ki-tô, Đấng Công minh sáng suốt: Đấng Bảo Trợ cho thấy rằng, nếu cái chết của Đức Giê-su bị xem là nhục nhã dưới lăng kính người đời, thì lại được Chúa Cha tôn vinh.
* c. 11 Thánh Thần cho thấy rõ án phạt Xatan phải chịu khi Đức Giê-su đi vào cuộc vượt qua. Tuy bên ngoài bị tòa án trần gian xét xử, nhưng Đức Giê-su đã sống lại từ cõi chết, và do đó đã chiến thắng trần gian.
Ngày nay con người tiếp tục không tin và lên án giết Đức Giê-su qua việc chống đối Giáo hội của Ngài. Sách Giáo lý Hội thánh Công Giáo định nghĩa: “Tin là gắn bó bản thân con người với Thiên Chúa, đồng thời chấp nhận tất cả chân lý được Thiên Chúa mặc khải.” (GLCG, s. 150) Bạn và tôi, chúng ta thử xét mình xem chúng ta đã gắn bó bản thân với Thiên Chúa hay chưa? Chúng ta có chấp nhận những chân lý Ngài dạy – chân lý về tình yêu, sự tha thứ, lòng khoan dung, tinh thần phục vụ… như là sự khôn ngoan, là kim chỉ nam để thi hành trong cuộc sống hay không? Hay chúng ta chỉ cậy dựa theo sự khôn ngoan thế tục trong cách hành xử của mình? Rất thường, chúng ta hay gác lời dạy của Chúa sang bên lề cuộc sống để hành xử theo thế gian.
Tuy không trực tiếp lên án, giết Đức Giê-su, nhưng thực tế, Ngài đã bị bỏ quên hay chỉ còn là một món đồ trang sức cho cuộc sống của chúng ta. Đấng Bảo Trợ đến, Ngài sẽ phơi trần tội lỗi thế gian. Xin Chúa Thánh Thần đến với chúng ta để đem ra ánh sáng những vùng tối tăm trong tâm hồn, và xin Ngài thanh tẩy bằng lửa hồng mến yêu để chúng ta dám chết đi cho tội lỗi hầu đáng được hưởng phần vinh phúc với Đức Ki-tô.
Thánh Thần minh oan cho Đức Ki-tô, Đấng Công minh sáng suốt: “Đấng Bảo Trợ cho thấy rằng, nếu cái chết của Đức Giê-su bị xem là nhục nhã dưới lăng kính người đời, thì lại được Chúa Cha tôn vinh.” Bởi vì cái chết của Đức Giê-su là do tình yêu hy sinh ‘hiến mạng vì bạn hữu’ của Ngài. Vì thế Ngài rất đẹp lòng Chúa Cha và được Cha tôn vinh đặt làm ‘Chủ tể muôn loài’. Cuộc đời có Chúa Thánh Thần, Ngài sẽ giúp chúng ta thi hành sự công chính mà Đức Giê-su truyền dạy: “Anh em hãy yêu thương nhau như chính thầy đã yêu thương anh em. Điều thầy truyền dạy là anh em hãy yêu thương nhau.” (Ga 15, 12. 17).
Vì theo Kinh thánh người công chính là người ‘chu toàn lề luật’. Và lề luật Đức Giê-su dạy ở đây đó là “yêu thương nhau như Đức Giê-su” một tình yêu vị tha hoàn toàn vô vị lợi. Do đó, khi yêu thương chúng ta đừng sợ thiệt thòi. Trong lăng kính của tình yêu vị tha không bao giờ có sự tính toán và cảm giác thua thiệt khi yêu thương phục vụ và cho đi. Trái ngược lại, tình yêu vị kỷ luôn luôn qui về mình, về lợi ích của mình và kết án tình yêu vị tha là ngu dại. Nhưng dưới con mắt Thiên Chúa thì “Tất cả những gì thế gian cho là ngu dại lại là sự khôn ngoan của Người.” Chúng ta chọn Thiên Chúa hay chọn thế gian tùy vào niềm tin của chúng ta đặt vào đâu. Nếu chọn Thiên Chúa, sống theo lời Ngài thì phần thưởng nước trời sẽ là gia nghiệp của chúng ta.
Về việc xét xử: “Thủ lãnh thế gian đã bị xét xử rồi.” Thủ lãnh thế gian là Xatan, chúng đã bị trừng phạt, bởi đã quay lưng lại với Thiên Chúa, chống đối Thiên Chúa. Thiên Chúa là nguồn mạch sự sống và tình yêu. Tự tách mình ra khỏi Thiên Chúa, Xa tan đã tự chuốc án phạt cho mình là sự chết và sống trong hỏa ngục của thù hận. Ai không sống yêu thương là vẫn còn chịu sự khống chế và thống trị của Xatan; người ấy góp phần vào sự gieo rắc khổ đau và tự chuốc lấy khổ đau cho bản thân mình. Xin Chúa Giêsu, Đấng đã dùng yêu thương để thắng hận thù, đã chiến thắng thần chết để đi vào cuộc sống vinh quang. Ban cho chúng ta sức mạnh tình yêu của Ngài để chúng ta nên những chứng nhân và tông đồ xây dựng nước tình yêu của Chúa, đẩy lui bóng tối ích kỷ hận thù còn đang bao trùm trong cõi lòng nhân gian.
Sai lầm của người Do Thái đó là “về việc xét xử”. Ngày xưa Thượng Hội đồng Do Thái đã xử án chết cho Chúa Giêsu và nhiều người Do Thái cũng cho rằng án ấy là đúng bởi vì được xử bởi một cơ quan có thẩm quyền. Nhưng khi Chúa Giêsu đi đến tận cùng của việc bị kết án, thì cũng là lúc con người nhận ra sự công chính nơi Ngài. Viên bách quản đã thốt đã thốt lên: “Người này thật là Con Thiên Chúa”, và đám đông chứng kiến cảnh tượng ấy đã đấm ngực mà lui về. Cái chết của Chúa Giêsu là khởi đầu cho việc công chính hóa. Đồng thời, tội lỗi và quyền lực sự dữ bị kết án. Sự Phục Sinh của Ngài là một chiến thắng tội lỗi và sự chết, để những ai bước theo Ngài không còn lo âu thất vọng, nhưng phấn khởi vui mừng vì một ngày kia cũng được thông phần vinh quang với Ngài.
Qua đoạn Tin Mừng, chúng ta có thể rút ra được những bài học này là mỗi người chúng ta hãy khiêm tốn nhìn nhận rằng mình không phải là hoàn hảo, mình còn nhiều sai lầm. Và chúng ta phải nhờ Chúa Thánh Thần soi sáng thì mới thấy rõ và thấy đúng cái sai lầm của mình. Việc nhận ra những sai lầm của mình như thế là một điều cần thiết và rất hữu ích để chúng ta có thể sửa sai, để ngày càng hoàn thiện chính mình.