Đạo đức trong truyền thông – Tài liệu hướng dẫn của Hội đồng Giáo hoàng về truyền thông xã hội
Đạo đức trong truyền thông – Tài liệu hướng dẫn của Hội đồng Giáo hoàng về truyền thông xã hội
HỘI ĐỒNG GIÁO HOÀNG VỀ TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI
ĐẠO ĐỨC TRONG TRUYỀN THÔNG
I. NHẬP ĐỀ
II. TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI PHỤC VỤ CON NGƯỜI III. TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI XÂM PHẠM LỢI ÍCH CỦA CON NGƯỜI |
I. NHẬP ĐỀ
- Các phương tiện truyền thông xã hội mà con người sử dụng làm nên những điều tốt đẹp lớn lao nhưng cũng đem lại những điều tệ hại đáng kể. Dù người ta vẫn hay bảo – và trong tài liệu này chúng ta cũng sẽ thường nói rằng – “phương tiện truyền thông” gây ra điều này hay làm điều kia, nhưng chúng không phải là những sức mạnh mù quáng của thiên nhiên nằm ngoài tầm kiểm soát của con người. Vì cho dù các việc truyền thông có đưa tới những hậu quả ngoài ý muốn, nhưng chính con người vẫn có sự lựa chọn sử dụng các phương tiện ấy vào các mục đích tốt hay xấu, theo phương cách tốt hay xấu.
Những lựa chọn đó chính là trọng tâm của vấn đề đạo đức, được thực hiện không phải chỉ do những người tiếp nhận thông tin – những khán giả, thính giả, độc giả – mà đặc biệt do những người kiểm soát các phương tiện truyền thông xã hội và ấn định cơ chế, chính sách, nội dung của việc truyền thông ấy. Họ bao gồm các nhân viên chính phủ và các ủy viên điều hành tập đoàn, các thành viên của hội đồng quản trị, các chủ nhân, các nhà xuất bản, giám đốc đài, các chủ bút, các giám đốc bản tin, các nhà sản xuất, các văn sĩ, các thông tín viên và nhiều người khác. Đối với những người này, vấn đề đạo đức đặt ra cho họ hết sức gay gắt: các phương tiện truyền thông đang được mình sử dụng phục vụ cho điều tốt hay điều xấu?
- Ảnh hưởng của truyền thông xã hội không hề bị phóng đại. Người ta tiếp xúc với nhau và với các biến cố qua các phương tiện ấy, rồi chúng lại hình thành nên quan điểm và giá trị của họ. Không những người ta truyền đạt và tiếp thu tin tức cũng như tư tưởng thông qua các công cụ này, mà thường họ còn thử sống theo những gì được gợi ý qua của các phương tiện truyền thông (x. Hội đồng Giáo hoàng về Truyền thông Xã hội, Thời đại mới, số 2).
Những thay đổi nhanh chóng trong công nghệ đang làm cho các phương tiện truyền thông ngày càng lan tràn rộng rãi và mạnh mẽ. “Sự xuất hiện của xã hội thông tin thật sự là một cuộc cách mạng văn hoá” (Hội đồng Giáo hoàng về văn hoá, Để có một sự tiếp cận mục vụ đối với vấn đề văn hoá (Toward a Pastoral Approach to Culture, số 9); và những đổi mới sáng chói của thế kỷ XX có lẽ mới chỉ là một lời mở đầu cho những gì thế kỷ XXI này sẽ mang đến.
Tầm mức và chủng loại phương tiện truyền thông khác nhau mà dân chúng trong các nước giàu có thể sử dụng rất đáng kinh ngạc: sách và báo định kỳ, truyền hình và truyền thanh, phim nhựa và phim video, băng đĩa để nghe, thông tin điện tử trên các làn sóng, cáp quang và vệ tinh, qua Internet. Nội dung của các phương tiện dồi dào này có đủ loại, từ những tin tức nghiêm túc đến giải trí thuần tuý, từ kinh nguyện đến hình ảnh khiêu dâm, từ suy tư đến bạo lực. Tuỳ thuộc vào cách sử dụng các phương tiện ấy, người ta có thể trở nên đồng cảm và thiện cảm hơn hay trở nên cô lập trong thế giới tự kỷ, tự mãn với những chất kích thích đưa tới những hậu quả gần như nghiện ma tuý. Ngay cả những người tránh né các phương tiện truyền thông cũng không thể tránh tiếp xúc với những người bị ảnh hưởng sâu xa bởi các phương tiện ấy.
- Bên cạnh các lý do vừa kể, Giáo Hội còn có những lý do riêng để quan tâm tới các phương tiện truyền thông xã hội. Nhìn trong ánh sáng đức tin, chúng ta có thể coi lịch sử truyền thông của loài người như một cuộc hành trình dài từ tháp Babel – địa danh và biểu tượng của sự thất bại trong truyền thông (x. St 11,4-8), đến lễ Ngũ Tuần và ơn nói nhiều thứ tiếng (x. Cv 2,5-11) – hình ảnh việc truyền thông được khôi phục lại do quyền năng của Chúa Thánh Thần mà Chúa Con sai tới. Được Chúa sai vào trong thế giới để loan báo tin vui (x. Mt 28,19-20; Mc 16,15), Giáo Hội có sứ mạng công bố Tin Mừng cho tới ngày tận thế. Và Giáo Hội biết rõ việc này ngày nay đòi phải sử dụng các phương tiện truyền thông (x. Vatican II, Trong số những điều kỳ diệu, số 3; Đức Phaolô VI, Loan báo Tin Mừng, số 45; Đức Gioan Phaolô II, Sứ vụ Đấng Cứu Thế, số 37; Hội đồng Toà Thánh về Truyền thông Xã hội, Hiệp thông và Tiến bộ, số 126-134; Thời đại mới, số 11).
Giáo Hội cũng biết mình là sự “hiệp thông” (communio), một sự hiệp thông các cá nhân và các cộng đoàn Thánh Thể, “bám sâu và phản ảnh sự hiệp thông mật thiết của Ba Ngôi Thiên Chúa” (Thời đại mới, số 10; x. Thánh Bộ Giáo lý Đức tin, Một số khía cạnh của Giáo Hội, hiểu như một cộng đoàn hiệp thông). Thật vậy, mọi sự truyền thông của loài người đều xây dựng trên sự hiệp thông giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Nhưng còn hơn thế nữa, sự hiệp thông của Ba Ngôi Thiên Chúa đã lan toả đến loài người: Chúa Con là Lời, được Chúa Cha “phán ra” từ đời đời; rồi trong và qua Đức Giêsu Kitô – là Chúa Con và là Lời thành xương thành thịt – Thiên Chúa thông ban chính mình và ơn cứu độ cho mọi người. “Thuở xưa, nhiều lần và nhiều cách, Thiên Chúa đã phán với cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng trong những ngày sau hết này, Ngài nói với chúng ta qua Người Con” (Dt 1,1-2). Nếu có sự truyền thông trong Giáo Hội và bởi Giáo Hội thì đó là do bắt nguồn từ sự hiệp thông yêu thương giữa Ba Ngôi Thiên Chúa và từ sự truyền thông của Ba Ngôi đối với chúng ta.
- Việc Giáo Hội tiếp cận các phương tiện truyền thông xã hội căn bản là tích cực, là rất khích lệ. Giáo Hội không đơn giản chỉ đứng phê phán và kết án; mà đúng hơn, Giáo Hội coi các phương tiện ấy không chỉ là sản phẩm của trí tuệ con người mà còn là những ân huệ to tát do Chúa ban và là những dấu chỉ thời đại đích thật (x. Trong số những điều kỳ diệu, số 1; Loan báo Tin Mừng, số 45; Sứ vụ Đấng Cứu Thế, số 37). Giáo Hội mong ước nâng đỡ những ai đang tham gia vào việc truyền thông một cách chuyên nghiệp bằng cách đưa ra những nguyên tắc tích cực để hỗ trợ họ trong công việc của họ, đồng thời ủng hộ một cuộc đối thoại trong đó mọi bên liên hệ – ngày nay, nói thế có nghĩa là hầu hết mọi người – đều có thể tham dự. Những mục tiêu đó đều hàm chứa trong tài liệu này.
Chúng tôi xin nhắc lại: các phương tiện truyền thông tự thân không làm điều gì cả; đó chỉ là những phương tiện, những công cụ, được sử dụng thế nào là tuỳ theo ý người ta muốn sử dụng. Khi suy nghĩ về các phương tiện truyền thông xã hội, chúng ta phải thẳng thắn đối diện với vấn đề “then chốt nhất” do các tiến bộ trong công nghệ đặt ra như con người “có trở nên thật sự tốt hơn, nghĩa là trưởng thành hơn về mặt tâm linh, ý thức hơn về phẩm giá con người, có tinh thần trách nhiệm nhiều hơn, cởi mở hơn đối với người khác, nhất là những người nghèo nàn và yếu đuối nhất, có sẵn sàng hơn để cho đi và để giúp đỡ tất cả mọi người” (Đức Gioan Phaolô II, Đấng Cứu Chuộc con người, số 15).
Chúng tôi tin chắc rằng đại đa số những người tham gia vào việc truyền thông xã hội với bất cứ khả năng nào đều là những người có lương tâm, muốn làm điều tốt. Các nhân viên chính phủ, các nhà làm chính sách và các uỷ viên điều hành tập đoàn đều mong muốn tôn trọng và phát huy công ích như họ hiểu. Còn các độc giả, thính giả và khán giả lại muốn sử dụng thời giờ của mình để làm tăng trưởng và phát triển bản thân, hầu có thể sống hạnh phúc hơn, phong phú hơn. Các bậc phụ huynh lo lắng sao cho tất cả điều gì đi vào nhà mình thông qua các phương tiện truyền thông đều có lợi cho con cái mình. Hầu hết các nhà truyền thông chuyên nghiệp đều muốn sử dụng tài năng của mình để phục vụ gia đình nhân loại, và rất hoang mang khi thấy các áp lực về kinh tế, ý thức hệ ngày càng tăng muốn hạ thấp các tiêu chuẩn đạo đức đang có trong nhiều lĩnh vực truyền thông.
Những lựa chọn không biết bao nhiêu mà đếm của tất cả những con người vừa kể sẽ mang nội dung gì liên quan đến truyền thông thay đổi từ nhóm này sang nhóm kia, từ cá nhân này sang cá nhân nọ, nhưng mọi lựa chọn ấy đều có trọng lượng về mặt đạo đức và đều phải chịu sự đánh giá đạo đức. Muốn chọn cho đúng, những người ấy cần “biết những nguyên tắc của trật tự luân lý và trung thành áp dụng chúng” (Trong số những điều kỳ diệu, số 4).
- Giáo Hội có thể đóng góp đôi điều cho cuộc thảo luận này.
Giáo Hội có một truyền thống lâu đời về sự khôn ngoan luân lý bắt nguồn từ sự mặc khải của Thiên Chúa và suy tư của con người (x. Đức Gioan Phaolô II, Đức tin và Lý trí, số 36-48). Một phần trong truyền thống ấy là tổng hợp giáo huấn xã hội, rất căn bản và vẫn không ngừng phát triển, với định hướng thần học là sửa chữa lại cái “giải pháp ‘vô thần’ đã làm cho con người mất đi một trong các chiều kích căn bản của nó là chiều kích tâm linh, cũng như điều chỉnh lại các giải pháp của chủ trương dễ dãi và ham tiêu thụ đã dùng đủ mọi chiêu bài để thuyết phục con người rằng con người được tự do đối với hết mọi luật lệ và cả đối với Thiên Chúa” (Đức Gioan Phaolô II, Bách chu niên, số 55). Thay vì chỉ đưa ra lời phê phán, truyền thống khôn ngoan của Giáo Hội tự đặt mình phục vụ các phương tiện truyền thông. Chẳng hạn, “nhờ văn hoá khôn ngoan của Giáo Hội mà văn hoá thông tin của các phương tiện truyền thông không bị giản lược thành loại văn hoá góp nhặt các sự kiện một cách vô nghĩa” (Đức Gioan Phaolô II, Thông điệp nhân Ngày Quốc tế Truyền thông lần thứ 33, năm 1999).
Giáo Hội còn đóng góp một điều khác nữa cho cuộc thảo luận này. Đóng góp đặc biệt của Giáo Hội cho các sự việc của con người, kể cả cho thế giới truyền thông xã hội, “chính là đưa ra một cái nhìn về phẩm giá con người, đã được mặc khải trọn vẹn trong mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể” (Bách chu niên, số 47). Theo Công đồng Vatican II, “Đức Kitô là Đức Chúa, Đức Kitô là Ađam mới, khi mặc khải mầu nhiệm Chúa Cha và tình thương của Ngài, đã cho con người biết rõ về chính con người và làm sáng tỏ ơn gọi rất cao cả của con người” (Vui mừng và Hy vọng, số 22).
II. TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI PHỤC VỤ CON NGƯỜI
- Tiếp theo sau Hiến chế Mục vụ của Công đồng về Giáo Hội trong thế giới ngày nay – Hiến chế Vui mừng và hy vọng – (x. các số 30-31) – Huấn thị Mục vụ về Truyền thông Xã hội Hiệp thông và Tiến bộđã minh định rằng các phương tiện truyền thông có mục đích là phục vụ phẩm giá con người bằng cách giúp con người sống hạnh phúc và biết hành động như những ngôi vị trong cộng đồng. Các phương tiện truyền thông sẽ làm việc này bằng cách khuyến khích mọi người ý thức phẩm giá của mình, đi sâu vào tâm tư ý nghĩ của người khác, vun trồng ý thức trách nhiệm đối với nhau, ngày càng giành được tự do cho bản thân mình mà vẫn tôn trọng sự tự do của người khác, và càng ngày càng có khả năng đối thoại nhiều hơn.
Việc truyền thông xã hội có sức mạnh to tát để phát huy hạnh phúc và sự sung mãn của con người. Không có tham vọng gì nhiều mà chỉ đưa ra một cái nhìn thoáng qua, chúng tôi muốn nhấn mạnh dưới đây, như đã từng ghi nhận nơi các tài liệu khác (x. Hội đồng Giáo hoàng về Truyền thông Xã hội, Đạo đức trong quảng cáo, số 4-8), một số lợi ích kinh tế, chính trị, văn hoá, giáo dục và tôn giáo do việc truyền thông xã hội mang lại.
- Kinh tế
Thị trường không phải là một chuẩn mực luân lý hay là một nguồn giá trị luân lý, thậm chí nền kinh tế thị trường còn có thể bị lạm dụng. Nhưng thị trường có thể phục vụ con người (x. Bách chu niên, số 34), và các phương tiện truyền thông đóng một vai trò hết sức quan trọng trong một nền kinh tế thị trường. Truyền thông xã hội hỗ trợ việc kinh doanh và thương mại, giúp đẩy mạnh sự tăng trưởng kinh tế, công ăn việc làm và sự thịnh vượng; khuyến khích người ta cải thiện chất lượng của các sản phẩm, các dịch vụ đang có, đồng thời phát triển những sản phẩm và dịch vụ mới, hỗ trợ việc cạnh tranh có trách nhiệm để phục vụ công ích, giúp đỡ con người đưa ra những lựa chọn có hiểu biết bằng cách cho con người biết những sản phẩm đang có sẵn và những đặc điểm của sản phẩm.
Tóm lại, các hệ thống kinh tế quốc gia và quốc tế phức tạp như ngày hôm nay không thể hoạt động mà không có các phương tiện truyền thông. Lấy đi các phương tiện ấy là các cơ chế kinh tế then chốt sẽ sụp đổ ngay, gây thiệt hại nặng nề cho vô vàn con người và cho xã hội.
- Chính trị
Truyền thông xã hội làm lợi cho xã hội bằng cách tạo điều kiện cho các công dân được tham gia một cách có hiểu biết vào tiến trình chính trị. Các phương tiện lôi kéo người dân lại với nhau để theo đuổi những bận tâm và mục tiêu chung, nhờ đó giúp hình thành cũng như duy trì các cộng đồng chính trị đích thật.
Các phương tiện truyền thông hết sức cần thiết trong các xã hội dân chủ hiện nay. Chúng cung cấp thông tin về các vấn đề và sự kiện, về các người nắm giữ các chức vụ và những ứng viên cho các chức vụ. Chúng giúp các nhà lãnh đạo liên lạc nhanh chóng và trực tiếp với quần chúng về các vấn đề khẩn cấp. Chúng là những phương tiện quan trọng để báo cáo trách nhiệm, làm sáng tỏ tình trạng thiếu năng lực, tham nhũng và lạm dụng lòng tin, đồng thời kéo mọi người chú ý tới những con người, tổ chức có năng lực, có tinh thần chung và tận tụy với bổn phận.
- Văn hoá
Các phương tiện truyền thông xã hội cho phép người ta tiếp cận với văn học, kịch nghệ, âm nhạc, nghệ thuật, mà nếu không có chúng thì họ không tài nào tiếp cận được, đồng thời đẩy mạnh sự phát triển nhân bản trong lĩnh vực kiến thức, sự thông thái và thẩm mỹ. Chúng tôi không chỉ nói tới việc trình diễn các tác phẩm kinh điển và kết quả của việc học tập, mà còn muốn nói tới những hình thức giải trí bình dân lành mạnh và những thông tin hữu ích thu hút các gia đình lại với nhau, giúp mọi người giải quyết các vấn đề hằng ngày, giúp những người ốm đau, bị chôn chân tại nhà và những người già cả được lên tinh thần, làm cuộc sống bớt tẻ nhạt.
Các phương tiện truyền thông cũng giúp các tập thể thiểu số biết quý trọng và giữ gìn các truyền thống văn hoá của mình, chia sẻ chúng cho người khác và truyền chúng lại cho các thế hệ mai sau. Đặc biệt, chúng còn giúp cho trẻ em và giới trẻ biết về di sản văn hoá của dân tộc mình. Các nhà truyền thông giống như các nghệ sĩ, phục vụ công ích bằng việc giữ gìn, làm giàu kho tàng văn hoá các dân tộc và các quốc gia (x. Đức Gioan Phaolô II, Thư gửi các nghệ sĩ, số 4).
- Giáo dục
Các phương tiện truyền thông là những công cụ quan trọng để giáo dục trong nhiều môi trường khác nhau, từ trường học đến nơi làm việc, và trong nhiều giai đoạn khác nhau của cuộc đời. Trẻ em chưa đến trường được giới thiệu những bài học cơ bản của môn tập đọc và làm toán, thanh thiếu niên có thể được học nghề hay lấy bằng, người lớn có thể học thêm trong những năm sau này của cuộc đời – những người ấy và nhiều người khác nữa, có thể thông qua những phương tiện này mà tiếp cận được nhiều nguồn giáo dục phong phú và ngày càng phát triển.
Các phương tiện truyền thông được coi là những công cụ giảng dạy tiêu chuẩn trong nhiều lớp học. Và bên ngoài trường lớp, các phương tiện truyền thông, bao gồm cả hệ thống Internet, đang vượt qua hàng rào ngăn cách và cô lập để đem các cơ hội học tập đến cho các dân làng vùng sâu vùng xa, cho các tu sĩ sống đời ẩn dật, cho những người không thể rời khỏi nhà, cho các tù nhân và nhiều người khác nữa.
- Tôn giáo
Đời sống tôn giáo của nhiều người được phong phú lên rất nhiều nhờ các phương tiện truyền thông. Chúng đem đến cho họ các tin tức và thông tin về các sự kiện tôn giáo, các ý tưởng và nhân vật tôn giáo; chúng không khác gì các cỗ xe chuyên chở công cuộc Phúc Âm hoá và huấn giáo. Hết ngày này sang ngày khác, chúng đem lại hứng khởi, khích lệ và vận hội để làm việc thờ phượng cho những ai bị trói buộc vào nơi ở hay trong các cơ quan.
Đôi khi các phương tiện truyền thông cũng giúp cho người ta được phóng phú lên về mặt tâm linh một cách đặc biệt. Chẳng hạn vô số những khán thính giả trên khắp thế giới cùng xem, và có thể nói cùng tham gia vào các sự kiện quan trọng trong đời sống Giáo Hội vốn được đều đặn truyền phát từ Roma thông qua các vệ tinh. Và từ nhiều năm nay, các phương tiện truyền thông đã đưa các lời nói và hình ảnh trong những chuyến công du của Đức Thánh Cha đến với hàng triệu người.
- Trong tất cả các lĩnh vực vừa kể – kinh tế, chính trị, văn hoá, giáo dục và tôn giáo – cũng như trong nhiều lĩnh vực khác, các phương tiện truyền thông có thể được dùng để xây dựng và duy trì cộng đồng nhân loại. Và quả thật, việc truyền thông nào cũng phải rộng mở cho cộng đồng của những con người sống trong đó.
“Để trở thành anh chị em của nhau, cần phải hiểu biết nhau. Muốn hiểu biết nhau, cần phải truyền thông cho nhau một cách rộng rãi hơn và sâu xa hơn” (Thánh Bộ Đời tu, Đời sống huynh đệ trong cộng đoàn, số 29). Việc truyền thông thật sự phục vụ cộng đồng thì “không phải chỉ là trình bày tư tưởng và bày tỏ tình cảm. Mà ở cấp độ sâu xa nhất, đó chính là trao ban bản thân mình trong tình yêu” (Hiệp thông và Tiến bộ, số 11).
Một sự truyền thông như thế sẽ luôn tìm cách đem lại sự an sinh và phát triển sung mãn cho các thành viên trong cộng đồng mà vẫn tôn trọng công ích của hết mọi người. Nhưng muốn phân định được đâu là công ích cần phải có sự tham khảo và đối thoại. Thế nên, các bên có liên quan tới việc truyền thông cần phải tham gia vào việc đối thoại ấy và khi khám phá ra đâu là điều tốt thì phải tuân theo. Bằng cách này, các phương tiện truyền thông có thể thực hiện được nghĩa vụ “làm chứng cho sự thật về cuộc sống, về phẩm giá con người, về ý nghĩa đích thật của tự do và sự phụ thuộc lẫn nhau” (Đức Gioan Phaolô II, Thông điệp nhân Ngày Quốc tế Truyền thông lần thứ 33, năm 1999).
III. TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI XÂM PHẠM LỢI ÍCH CỦA CON NGƯỜI
- Các phương tiện truyền thông cũng có thể được dùng để cản trở cộng đồng và làm hại tới lợi ích toàn diện của con người: bằng cách làm tha hoá con người hay gạt ra ngoài lề rồi cô lập con người; lôi kéo con người vào những cộng đồng băng hoại được tổ chức xoay quanh các giá trị giả dối và phá hoại; cổ vũ sự thù nghịch và xung đột, biến người khác thành ma quỷ, tạo ra một não trạng “phe ta” chống lại “phe chúng”; phô diễn những điều hèn hạ, thấp kém bằng sự hào nhoáng, trong khi lại không màng tới hay xem thường những gì cao quý và có giá trị; phổ biến những thông tin sai lạc, thất thiệt, ủng hộ những gì là xoàng xĩnh, tầm thường. Kiểu truyền thông rập khuôn (hay điển hình hoá) – căn cứ trên chủng tộc và màu da, giới tính và tuổi tác và nhiều yếu tố khác, kể cả tôn giáo – rất tiếc lại là điều thường gặp trên các phương tiện truyền thông. Truyền thông xã hội cũng thường coi nhẹ những gì là mới mẻ và quan trọng thật sự, kể cả tin mừng trong sách Phúc Âm, để tập trung vào những gì có tính cách thời thượng mau qua.
Trong các lĩnh vực vừa đề cập trên đây, chúng ta luôn thấy có những sự lạm dụng.
- Kinh tế
Các phương tiện truyền thông đôi khi được dùng để xây dựng và duy trì các hệ thống kinh tế, nhằm phục vụ cho sự chiếm hữu và tham lam. Chủ nghĩa tân tự do là một trường hợp điển hình: “Dựa trên một quan niệm thuần tuý kinh tế về con người, chủ nghĩa tân tự do coi lợi nhuận và luật thị trường là thước đo duy nhất, có thể gây hại cho phẩm giá và sự kính trọng phải dành cho cá nhân và dân tộc” (Đức Gioan Phaolô II, Giáo hội tại châu Mỹ, số 156). Trong những hoàn cảnh ấy, các phương tiện truyền thông đáng lẽ phải làm lợi cho hết mọi người thì chỉ được khai thác cho một thiểu số có lợi.
Tiến trình toàn cầu hoá “có thể tạo ra nhiều cơ hội đặc biệt cho sự thịnh vượng to lớn hơn” (Bách chu niên, số 58). Nhưng bên cạnh đó, thậm chí còn là một phần trong đó, một số quốc gia và dân tộc đã bị khai thác và gạt ra bên lề, càng ngày càng tụt lại phía sau trong cuộc tranh đua để phát triển. Những chiếc túi nghèo đói ngày càng phình ra ấy chính là đất tốt cho ghen tương, bất mãn, căng thẳng và xung đột ngày thêm phát triển. Sự kiện ấy đặt ra nhu cầu cần có “các tổ chức quốc tế hữu hiệu giám sát và điều khiển nền kinh tế để phục vụ cho phúc lợi chung” (Bách chu niên, số 58).
Đứng trước những sự bất công trầm trọng, các nhà truyền thông không thể cho rằng việc của mình chỉ là tường thuật đúng như thực tế. Chắc chắn đó là việc làm của các nhà truyền thông. Nhưng một số trường hợp đau khổ của con người phần lớn bị phớt lờ bởi các giới truyền thông, còn các trường hợp khác lại được báo cáo hẳn hoi. Nếu đây là quyết định của các nhà truyền thông thì điều đó chứng tỏ đã có sự phân biệt lựa chọn không thể bào chữa được. Còn sâu xa hơn nữa, các cơ chế và chính sách truyền thông, cũng như việc cung cấp công nghệ, tất cả đều là những yếu tố làm cho có người “giàu thông tin”, người khác lại “nghèo thông tin”, vào thời điểm mà sự thịnh vượng, thậm chí sự sống còn, còn tuỳ thuộc nhiều vào thông tin.
Bằng cách đó, các phương tiện truyền thông thường góp phần tạo ra những bất công và mất cân đối, là những nguyên nhân gây nên đau khổ được chính các phương tiện này tường thuật lại. “Cần phá vỡ hàng rào và sự độc quyền khiến cho nhiều quốc gia bị bỏ mặc bên lề của phát triển, cần cung cấp cho mọi cá nhân và quốc gia những điều kiện căn bản, cho phép họ chia sẻ sự phát triển” (Bách chu niên, số 35). Truyền thông và công nghệ thông tin, cùng với việc đào tạo để sử dụng chúng, là một trong những điều kiện căn bản đó.
- Chính trị
Các nhà chính trị thiếu lương thiện thường dùng các phương tiện truyền thông để mị dân, lừa dối hầu ủng hộ những chính sách bất công và chế độ áp bức. Họ trình bày sai lệch đối phương, cũng như vặn vẹo một cách hệ thống, bóp méo, che đậy sự thật bằng tuyên truyền và “thêu dệt”. Thay vì tập hợp quần chúng, các phương tiện truyền thông lại tìm cách ngăn cách họ với nhau, gây căng thẳng và nghi ngờ, dọn đường cho xung đột.
Ngay tại các nước có hệ thống dân chủ, tình trạng khá phổ biến là việc các nhà lãnh đạo chính trị dùng các phương tiện truyền thông để vận động dư luận quần chúng thay vì khuyến khích việc tham gia có hiểu biết trong tiến trình chính trị. Các quy ước dân chủ được tuân giữ, nhưng các kỹ thuật thì lại vay mượn từ quảng cáo, quan hệ quần chúng được triển khai có lợi cho các chính sách nhằm khai thác những tập thể đặc biệt và vi phạm các quyền lợi căn bản, kể cả quyền được sống (x. Đức Gioan Phaolô II, Tin mừng Sự sống, số 70).
Các phương tiện truyền thông cũng thường phổ biến chủ nghĩa đạo được tương đối và chủ nghĩa duy lợi ích là những chủ nghĩa tạo cơ sở cho nền văn hoá sự chết ngày nay. Các phương tiện ấy tham gia vào “âm mưu chống lại sự sống” hiện nay, “bằng cách gây uy tín cho nền văn hoá sự chết, là nền văn hoá chủ trương ngừa thai, triệt sản, phá thai và cả cái chết êm dịu là dấu hiệu của tiến bộ và chiến thắng của tự do, đồng thời mô tả những lập trường kiên quyết ủng hộ sự sống là kẻ thù của tự do và tiến bộ” (Tin Mừng Sự sống, số 17).
- Văn hoá
Các nhà phê bình thường chê bai các phương tiện truyền thông là nông cạn và nhằm vào thị hiếu tầm thường. Dù không ai bắt các phương tiện ấy phải nghiêm túc đến mức nhạt nhẽo, nhưng cũng không nên loè loẹt và vô nghĩa như vậy. Không nên bào chữa rằng các phương tiện ấy phải phản ánh các tiêu chuẩn của đại chúng một cách rất mạnh mẽ, và vì thế, cũng có trách nhiệm nâng cao thay cho việc hạ thấp các tiêu chuẩn ấy.
Vấn đề này diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau. Thay vì giải thích các vấn đề phức tạp một cách cẩn thận và trung thực, các phương tiện truyền thông tin tức lại thường né tránh hay đơn giản hoá các vấn đề ấy. Các phương tiện truyền thông giải trí đưa ra những màn trình diễn đồi bại và hạ thấp phẩm giá con người, kể cả việc khai thác tính dục và bạo lực. Thật là quá vô trách nhiệm nếu bỏ sự kiện này: “tranh ảnh đồi truỵ và dâm ô, bạo lực hạ thấp giá trị tính dục, xói mòn các quan hệ nhân bản, khai thác các cá nhân – nhất là phụ nữ và người trẻ – huỷ hoại hôn nhân và cuộc sống gia đình, cổ vũ các thái độ phản xã hội, làm suy yếu bản chất đạo đức của chính xã hội” (HĐGH về TTXH, Một câu trả lời mục vụ trước tình trạng hình ảnh khiêu dâm và bạo lực trên các phương tiện truyền thông, số 10).
Trên bình diện quốc tế, việc thống trị văn hoá áp đặt qua các phương tiện truyền thông xã hội cũng đang là một vấn đề nghiêm trọng và ngày càng quy mô. Tại một số nơi, các biểu hiện văn hoá truyền thống mặc nhiên bị loại khỏi các phương tiện truyền thông bình dân và đang phải đối diện với nguy cơ biến mất. Đang khi đó, các giá trị của những xã hội tục hoá và giàu có đang dần dần thay thế những giá trị truyền thống của những xã hội ít giàu có và quyền thế hơn. Khi xem xét các vấn đề này, người ta cần chú ý đặc biệt tới việc cung cấp cho trẻ em và thanh niên những màn trình diễn có thể giúp họ tiếp xúc cách sống động với di sản văn hoá của họ.
Truyền thông vượt qua hàng rào văn hoá quả là điều rất đáng ao ước. Các xã hội có thể và nên học hỏi lẫn nhau. Nhưng không được tổ chức việc truyền thông xuyên văn hoá có hại cho các nước yếu thế hơn. Ngày nay, “ngay cả những nền văn hoá phổ biến nhất cũng không còn bị cô lập nữa. Chúng được hưởng lợi nhiều nhờ việc tiếp xúc được gia tăng, nhưng chúng cũng bị rất nhiều áp lực của một xu thế rất mạnh là đòi tiến tới chỗ đồng nhất” (Đi tìm một cách tiếp cận mang tính mục vụ đối với các nền văn hoá, số 33). Rất nhiều việc truyền thông chỉ đi theo một hướng – đi từ các quốc gia đã phát triển tới những quốc gia đang phát triển và nghèo nàn – và đã đặt ra nhiều vấn đề đạo đức nghiêm trọng. Chẳng lẽ người giàu không học được gì nơi người nghèo? Người quyền thế không nghe thấy tiếng nói của người yếu?
- Giáo dục
Thay vì đẩy mạnh việc học, các phương tiện truyền thông có thể làm con người mất tập trung hơn nữa và lãng phí thời gian. Trẻ em và người trẻ đặc biệt bị thiệt hại theo cách này, nhưng cả người lớn cũng phải xem những màn trình diễn hết sức tầm thường, vô giá trị. Một trong số các nguyên nhân khiến các nhà truyền thông lạm dụng sự tín nhiệm của người khác và vì lòng tham muốn đặt lợi nhuận lên trên con người.
Thỉnh thoảng các phương tiện truyền thông được dùng làm phương tiện nhồi sọ, nhằm kiểm soát những gì người ta biết và không cho người ta tiếp cận các thông tin mà nhà cầm quyền không muốn cho họ biết. Đây đúng là sự băng hoại của nền giáo dục chân chính, vốn tìm cách mở rộng kiến thức và kỹ năng của con người, giúp con người theo đuổi những mục tiêu đáng giá chứ không thu hẹp chân trời và kìm hãm năng lực để phục vụ cho ý thức hệ.
- Tôn giáo
Trong mối tương quan giữa các phương tiện truyền thông xã hội với tôn giá, cả hai phía đều có những cám dỗ.
Về phía các phương tiện truyền thông, những cám dỗ ấy là bỏ qua hay gạt ra bên lề những tư tưởng và kinh nghiệm tôn giáo; đối xử với tôn giáo một cách thiếu thông cảm, thậm chí còn khinh miệt, coi đó như một đề tài thoả mãn tính hiếu kỳ, không đáng quan tâm cách nghiêm túc; quảng bá các hiện tượng tôn giáo nhất thời tới mức hy sinh đức tin truyền thống; nhìn các tập thể tôn giáo hợp pháp bằng ánh mắt ác cảm; đánh giá tôn giáo và kinh nghiệm tôn giáo theo những tiêu chuẩn thế tục tuỳ tiện, thiên vị quan điểm tôn giáo nào phù hợp với thị hiếu thế tục hơn các quan điểm không phù hợp; tìm cách giam hãm sự siêu việt trong vòng kiềm toả của chủ nghĩa duy lý và hoài nghi. Các phương tiện truyền thông hiện nay thường phản ánh tình trạng tinh thần của con người sau thời kỳ hiện đại, là “tinh thần con người bị giam hãm trong ranh giới của nội tại, không liên hệ gì với bất cứ khía cạnh siêu việt nào” (Đức tin và Lý trí, số 81).
Còn cám dỗ phía tôn giáo là có cái nhìn tiêu cực và hoàn toàn mang tính phê phán đối với các phương tiện truyền thông; không hiểu rằng các tiêu chuẩn hợp lý của việc sử dụng tốt các phương tiện truyền thông như tính khách quan và đối xử công bằng, có thể ngăn ngừa việc đối xử đặc biệt dành cho quyền lợi có tính cách định chế của tôn giáo; trình bày những thông điệp tôn giáo một cách uỷ mị và đã được uốn nắn, làm như chúng chỉ là những sản phẩm đưa ra để cạnh tranh trong một thị trường thừa thãi; sử dụng các phương tiện truyền thông như những công cụ kiểm soát và khống chế; áp dụng sự bí mật không cần thiết, bằng không sẽ xâm phạm tới sự thật; coi nhẹ yêu cầu của Tin Mừng là phải hoán cải, ăn năn và sửa đổi đời sống, đồng thời thay bằng những hình thức tôn giáo tẻ nhạt chỉ đòi hỏi chút ít ở con người; cổ vũ chủ nghĩa cực đoan, cuồng tín và tôn giáo độc quyền, làm gia tăng sự khinh khi và lòng căm thù đối với các tôn giáo khác.
- Tóm lại, người ta có thể sử dụng các phương tiện truyền thông để làm điều tốt hay điều xấu – và vấn đề ở đây là chúng ta phải lựa chọn. “Không bao giờ được quên rằng truyền thông qua các phương tiện ấy không phải là một việc làm cầu lợi chỉ nhằm khơi gợi, thuyết phục và mua bán. Càng không phải là công cụ tuyên truyền cho ý thức hệ. Đôi khi các phương tiện ấy hạ thấp con người thành những đơn vị tiêu thụ hay những tập thể cạnh tranh lợi lộc, hoặc uốn nắn các khán giả, độc giả và thính giả, coi họ chỉ là những con người vô tích sự có thể rút tỉa một lợi ích nào đó, hoặc là bán được sản phẩm hay tìm những hậu thuẫn chính trị; và tất cả những việc làm như thế đều phá hoại cộng đồng. Nhiệm vụ của việc truyền thông là đưa con người lại với nhau và làm cho cuộc sống của họ thêm phong phú, chứ không phải cô lập và khai thác con người. Nếu biết sử dụng đúng các phương tiện truyền thông, chúng ta có thể tạo dựng và duy trì được một công đồng nhân bản dựa trên công bằng và bác ái; càng làm được điều ấy, chúng càng trở thành những dấu chỉ của hy vọng” (Đức Gioan Phaolô II, Thông điệp nhân Ngày Quốc tế truyền thông lần thứ 32, năm 1998).
IV. MỘT SỐ NGUYÊN TẮC ĐẠO ĐỨC LIÊN QUAN
- Những nguyên tắc đạo đức và chuẩn mực đạo đức trong các lĩnh vực khác cũng có thể áp dụng vào việc truyền thông xã hội. Các nguyên tắc đạo đức xã hội như liên đới, bổ sung, công bằng và công lý, chịu trách nhiệm khi sử dụng các nguồn lực chung và khi thi hành các vai trò được dân chúng tín nhiệm đều luôn luôn có thể áp dụng ở đây. Truyền thông phải luôn luôn trung thực, vì sự thật là điều căn bản để có sự tự do cá nhân và để xây dựng cộng đồng chân chính giữa con người với nhau.
Đạo đức trong truyền thông xã hội không chỉ có liên quan tới những gì xuất hiện trên phim ảnh, truyền hình, trên các chương trình phát thanh, trên mạng sách báo được ấn hành và trên mạng Internet, mà còn liên quan tới rất nhiều điều khác. Nói tới chiều kích đạo đức là không phải chỉ nói tới nội dung của việc truyền thông (thông điệp) và quá trình truyền thông (làm sao thực hiện việc truyền thông), mà còn tới những vấn đề căn bản có liên quan tới cơ cấu và toàn bộ hệ thống, thường bao gồm những vấn đề lớn như chính sách phân phối công nghệ và sản phẩm rất phức tạp (ai sẽ là người giàu thông tin và ai sẽ là người nghèo thông tin?). Những vấn đề này sẽ dẫn tới những vấn đề khác có liên hệ tới việc làm chủ và kiểm soát, về mặt kinh tế và chính trị. Ít ra trong các xã hội cởi mở với nền kinh tế thị trường, vấn đề đạo đức to lớn nhất có lẽ là vấn đề làm thế nào cân bằng lợi nhuận với việc phục vụ quyền lợi công chúng, quyền lợi này được hiểu theo quan niệm hướng về công ích.
Ngay cả những người thiện chí có hiểu biết không phải lúc nào cũng có thể thấy rõ ngay phải áp dụng các nguyên tắc và các chuẩn mực đạo đức vào các chuẩn mực đạo đức cụ thể như thế nào; vì thế, cần phải suy nghĩ, thảo luận và trao đổi. Chúng tôi giới thiệu những điều sau đây với hy vọng rằng sẽ tạo điều kiện cho những suy nghĩ và trao đổi đó – giữa những người làm nên chính sách truyền thông, những nhà truyền thông chuyên nghiệp, những nhà đạo đức và luân lý, những người tiếp nhận truyền thông và những người khác có liên quan.
- Trong cả 3 lĩnh vực – thông điệp, quá trình, các vấn đề liên quan đến cơ cấu và toàn bộ hệ thống – nguyên tắc đạo đức căn bản là: bản thân con người và cộng đồng con người phải là mục tiêu và thước đo cho việc sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội; việc truyền thông ấy phải do con người làm cho con người để phát triển toàn diện con người.
Muốn phát triển con người toàn diện, cần có đủ các nguyên vật liệu và sản phẩm, nhưng cũng cần phải quan tâm “chiều kích nội tâm” (Quan tâm tới xã hội, số 29; x. số 46). Mỗi người đều đáng được hưởng những cơ hội để phát triển và lớn lên về đủ mọi mặt thể lý, trí tuệ, tình cảm, luân lý và tâm linh. Mỗi cá nhân đều có phẩm giá và tầm quan trọng không thể bị bớt xén, và không bao giờ có thể bị hy sinh cho những lợi ích tập thể.
- Nguyên tắc thứ hai bổ sung cho nguyên tắc thứ nhất: không thể thực hiện lợi ích cá nhân mà tách rời với lợi ích chung của cộng đồng mà cá nhân ấy thuộc về. Cần phải hiểu lợi ích chung đó theo nghĩa bao quát, như là tổng số những mục tiêu chung chính đáng mà mọi thành phần trong cộng đồng cam kết cùng nhau theo đuổi, cũng là những mục tiêu mà cộng đồng tồi tại là để thực hiện.
Vì thế, trong khi việc truyền thông xã hội quan tâm đúng đắn tới những nhu cầu và lợi ích của các nhóm cụ thể, thì việc truyền thông cũng không được làm cho nhóm này quay ra chống đối nhóm kia – chẳng hạn như nhân danh sự đấu tranh giai cấp, chủ nghĩa quốc gia quá khích, thế thượng phong của một chủng tộc, việc thanh trừng sắc tộc và những việc làm tương tự. Phải lấy nhân đức liên đới, tức là “sự cương quyết bền bỉ và vững chãi dấn thân xây dựng ích chung” (Quan tâm tới xã hội, số 38), hướng dẫn mọi lĩnh vực của đời sống xã hội – từ kinh tế, chính trị, văn hoá đến tôn giáo.
Các nhà truyền thông và các nhà hoạch định chính sách truyền thông phải phục vụ các nhu cầu và lợi ích thật của cá nhân lẫn tập thể, ở mọi cấp độ và trong mọi lĩnh vực. Hiện nay đang có nhu cầu thúc bách cần có sự bình đẳng trên bình diện quốc tế, khi mà các của cải vật chất không được phân phối tốt đẹp giữa hai miền Bắc bán cầu và Nam bán cầu do phân phối không tốt các nguồn lực truyền thông và công nghệ thông tin, mà khả năng sản xuất cũng như tình trạng thịnh vượng lại tuỳ thuộc rất nhiều vào điều này. Những vấn đề ấy cũng có ngay trong các nước giàu, “khi các phương pháp sản xuất và tiêu thụ bị thay đổi liên tục, khiến cho một số kỹ năng và trình độ chuyên môn đã có của một số người bị giảm giá trị” và “khi nhiều người không theo kịp thời đại có thể dễ dàng bị gạt ra ngoài“ (Bách chu niên, số 33).
Như vậy, rõ ràng là đang có nhu cầu phải cho mọi người tham gia rộng rãi vào việc đưa ra những quyết định: không những về thông điệp và quá trình truyền thông xã hội, mà còn về các vấn đề có liên quan đến toàn bộ hệ thống và việc phân phối các nguồn tài nguyên. Các nhà hoạch định có một nghĩa vụ luân lý rất nặng là phải nhìn ra các nhu cầu và lợi ích của những người dễ bị tổn thương như những người nghèo, người lớn tuổi, trẻ sơ sinh, trẻ em và thanh thiếu niên, những người bị đàn áp và gạt ra ngoài, các phụ nữ và các thành phần thiểu số, người đau yếu, kẻ tàn tật – cũng như các gia đình và các tập thể tôn giáo. Đặc biệt hiện nay, cộng đồng quốc tế và các tổ chức truyền thông quốc tế cần có một cách tiếp cận vừa rộng rãi vừa bao quát với những quốc gia và những khu vực, tại đó những gì các phương tiện truyền thông xã hội đã làm hay không làm khiến cho những tệ nạn cứ tiếp tục mãi như nghèo đói, mù chữ, đàn áp chính trị, vi phạm nhân quyền, xung đột giữa các tập thể và giữa các tôn giáo, triệt hạ những nền văn hoá bản địa.
- Dẫu vậy, chúng tôi vẫn tin rằng “giải pháp cho các vấn đề phát sinh từ việc thương mại hoá và tư nhân hoá thiếu quy củ ấy không phải là để nhà nước kiểm soát các phương tiện truyền thông, mà là tìm cách điều chỉnh theo tiêu chuẩn phục vụ đại chúng và có khả năng chịu trách nhiệm trước công chúng nhiều hơn. Ở đây, chúng ta cần ghi nhận thêm rằng dù tại một số nước khung pháp lý và chính trị, trong đó các phương tiện truyền thông hoạt động, đang được thay đổi rất nhiều để trở nên tốt hơn, nhưng tại nhiều chỗ khác sự can thiệp của chính phủ vẫn là một phương cách để đàn áp và loại trừ” (Thời đại mới, số 5).
Đúng là phải luôn dành ưu ái cho sự tự do phát biểu (quyền tự do ngôn luận), vì “khi con người theo khuynh hướng tự nhiên muốn trao đổi ý kiến và bày tỏ lập trường của mình, không phải người ta đang sử dụng một quyền hạn, mà người ta còn đang thi hành một nghĩa vụ xã hội” (Hiệp thông và Tiến bộ, số 45). Tuy nhiên, nếu xét theo khía cạnh đạo đức, điều giả định này không phải là chuẩn mực tuyệt đối, không thể thay đổi. Có nhiều trường hợp, không thể coi là tự do phát biểu, khi người ta bị phỉ báng và vu khống; cổ vũ cho hận thù và tranh chấp giữa các cá nhân hay giữa các tập thể, cổ vũ cho những hình ảnh đồi truỵ và khiêu dâm, những sự mô tả bạo lực một cách bệnh hoạn. Như vậy, rõ ràng là quyền tự do phát biểu thì tuân thủ những nguyên tắc như trung thực, công bằng và tôn trọng sự riêng tư.
Các nhà truyền thông chuyên nghiệp nên tích cực tham gia vào việc khai triển và củng cố các bộ luật ứng xử đạo đức dành cho ngành nghề của mình, hợp tác với các người đại diện quần chúng. Các đoàn thể tôn giáo và các tập thể khác tương tự cũng xứng đáng dự phần vào nỗ lực không ngừng này.
- Một nguyên tắc khác có liên hệ, đã được đề cập trước đây, liên quan tới việc quần chúng tham gia vào việc đưa ra những quyết định về chính sách truyền thông. Nên tổ chức sự tham gia này ở mọi cấp độ, một cách hệ thống và mang tính đại diện thật sự chứ không thiên vị cho những nhóm cụ thể nào. Nguyên tắc này cũng áp dụng, thậm chí một cách đặc biệt, ở những nơi mà tư nhân làm chủ các phương tiện truyền thông và hoạt động vì lợi nhuận.
Để việc tham gia có hiệu quả của quần chúng, các nhà truyền thông “phải tìm cách giao tiếp với dân chúng, chứ không đơn giản chỉ nói với họ. Điều này buộc các nhà truyền thông phải biết các nhu cầu của dân chúng, ý thức được những cuộc đấu tranh của dân chúng và thể hiện mọi hình thức truyền thông với sự nhạy cảm tinh tế cho xứng với phẩm giá con người” (Đức Gioan Phaolô II, Diễn văn với các chuyên gia truyền thông, tại Los Angeles, ngày 15-9-1987).
Số lượng phát hành, tỉ lệ phát sóng, “hộp thư bạn xem đài”, cùng với việc nghiên cứu thị trường được coi là những chỉ dẫn tốt nhất cho biết tình cảm của quần chúng – thực tế mà nói, đó là những chỉ dẫn duy nhất mà luật thị trường cần có để dựa vào mà hoạt động. Chắc hẳn chúng ta có thể nghe được tiếng nói của thị trường bằng những cách này. Nhưng quyết định về nội dung và chính sách truyền thông không thể chỉ giao khoán cho thị trường và cho các yếu tố kinh tế như lợi nhuận, vì chúng ta không thể cậy dựa vào đó để bảo vệ lợi ích của quần chúng nói chung hay một cách đặc biệt, bảo vệ các ích lợi chính đáng của các tập thể thiểu số.
Phản đối này có thể được giải đáp một cách chừng mực nào đó bằng khái niệm “chia ô”, theo đó sẽ có những tạp chí định kỳ, những chương trình, đài và kênh dành riêng cho các cử tọa khác nhau. Biện pháp này chính đáng tới một mức nào đó. Nhưng không nên đẩy xa việc đa dạng và chuyên biệt hoa ấy – nghĩa là tổ chức sao cho các phương tiện truyền thông đáp ứng các cử tọa đã được chia thành những đơn vị càng lúc càng nhỏ hơn chủ yếu dựa vào những yếu tố kinh tế và những phương cách tiêu thụ. Các phương tiện truyền thông xã hội phải tiếp tục là “đất thánh Areopagus” (x. Sứ vụ Đấng Cứu Thế, số 37) – tức là một diễn đàn để trao đổi ý kiến và thông tin, kéo các cá nhân và tập thể xích lại gần nhau, cổ vũ tình liên đới và hoà bình. Mạng Internet đặc biệt làm dấy lên mối quan ngại về “những hậu quả hoàn toàn mới do mạng Internet gây nên: đó là đánh mất giá trị nội tại của những thông tin, là đồng nhất cách thiếu phân biệt mọi thông điệp tới mức chúng chỉ là những bản tin không hơn không kém, là thiếu phản hồi một cách có trách nhiệm và làm suy giảm các mối quan hệ liên vị” (Đi tìm một cách tiếp cận văn hoá mang tính mục vụ, số 9).
- Các nhà truyền thông chuyên nghiệp không phải những người duy nhất có nghĩa vụ đạo đức. Cử tọa, hay người tiếp nhận thông tin, cũng có những bổn phận đạo đức. Các nhà truyền thông cố gắng làm tròn trách nhiệm của mình đều xứng đáng được những cử tọa ý thức về trách nhiệm của các nhà truyền thông.
Nghĩa vụ đầu tiên của những người tiếp nhận truyền thông xã hội là phải biết phân định và lựa chọn. Họ cần hiểu biết về các phương tiện truyền thông – từ cơ chế, cách vận hành cho tới nội dung – và đưa ra những chọn lựa có trách nhiệm, theo đúng các tiêu chuẩn lành mạnh về mặt đạo đức, như phải đọc những gì. Ngày nay, mọi người đều cần được giáo dục liên tục về các phương tiện truyền thông dưới một hình thức nào đó, bằng cách học tập cá nhân hay tham gia một chương trình có tổ chức hay bằng cả hai cách. Thay vì chỉ giảng dạy về kỹ thuật, việc giáo dục về các phương tiện truyền thông còn nhằm giúp mọi người hình thành được những mẫu mực về thị hiếu tốt và phán đoán luân lý trung thực như một hình thức đào tạo lương tâm.
Thông qua các trường học và các chương trình đào tạo, Giáo Hội sẽ cố gắng cung cấp việc giáo dục về các phương tiện truyền thông theo kiểu này (x. Thời đại mới, số 28; Hiệp thông và Tiến bộ, số 107). Tuy ban đầu nhằm nói với các tổ chức đời tu, nhưng những lời sau đây cũng có thể được áp dụng rộng rãi hơn: “Một cộng đoàn đã ý thức tầm ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông cũng nên học cách sử dụng các phương tiện ấy để phát triển cá nhân và cộng đoàn, với tinh thần trong sáng của Tin Mừng và sự tự do nội tâm của những con người đã học biết Đức Kitô (x. Gl 4,17-23). Các phương tiện truyền thông ấy thường đề xuất và thậm chí áp đặt một não trạng và một kiểu sống thường đi ngược với Tin Mừng. Vì thế, chúng ta nghe thấy tại nhiều nơi nhiều người mong muốn được đào tạo sâu xa hơn để biết tiếp nhận và sử dụng các phương tiện ấy một cách vừa có sự phê bình vừa có hiệu quả” (Thánh Bộ Đời tu, Đời sống huynh đệ trong cộng đoàn, số 34).
Tương tự như vậy, cha mẹ có nghĩa vụ quan trọng là giúp con cái biết đánh giá và sử dụng các phương tiện truyền thông, bằng cách đào tạo lương tâm chúng cho đứng đắn và phát huy những khả năng phê bình của chúng (x. Đời sống gia đình, số 76). Vì ích lợi của con cái cũng như của chính mình, cha mẹ phải học hỏi và thực tập những kỹ năng của khán giả, thính giả và độc giả biết phân định cũng như hành động gương mẫu trong việc sử dụng cách thận trọng các phương tiện ấy tại nhà. Tuỳ theo tuổi tác và hoàn cảnh, trẻ em và thanh thiếu niên nên được đào tạo về những gì liên quan đến các phương tiện truyền thông, chống lại kiểu sử dụng cách thụ động, dễ dãi và không biết phê phán, chống lại áp lực của bạn bè đồng trang lứa và kiểu khai thác kinh doanh. Các gia đình, gồm cha mẹ cùng với con cái, sẽ nhận thấy rất hữu ích khi tham gia thành từng nhóm để học hỏi và thảo luận các vấn đề và các cơ hội do việc truyền thông xã hội tạo ra.
- Ngoài việc đẩy mạnh sự giáo dục về các phương tiện truyền thông, các cơ quan, văn phòng và chương trình của Giáo Hội còn có những trách nhiệm quan trọng khác đối với việc truyền thông xã hội. Trước hết và trên hết là làm gương trong việc tổ chức truyền thông, phản ánh những tiêu chuẩn cao nhất như trung thực, dám chịu trách nhiệm trước công luận, biết nhạy bén đối với nhân quyền và những nguyên tắc hay chuẩn mực khác có liên quan. Hơn nữa, các phương tiện truyền thông của Giáo Hội còn phải cam kết truyền đạt trọn vẹn sự thật về ý nghĩa đời người và lịch sử con người, nhất là đúng như nó được chất chứa trong lời mạc khải của Thiên Chúa và được diễn tả qua việc giảng dạy của Huấn quyền. Các chủ chăn phải khuyến khích sử dụng các phương tiện truyền thông để phổ biến Tin Mừng (x. Giáo luật, điều 822.1).
Những vị đại diện Giáo Hội phải trung thực và thẳng thắn trong mối quan hệ với các ký giả. Ngay cả khi những câu họ hỏi “gây lúng túng và phật ý, nhất là khi chúng không phù hợp chút nào với thông điệp mà mình trình bày”, chúng ta cũng phải nhớ rằng “đó chính là những vấn đề khó chịu mà hầu hết những người đồng thời với chúng ta đều đặt ra” (Đi tìm một cách tiếp cận văn hoá mang tính mục vụ, số 34). Để Giáo Hội có thể nói với con người hôm nay một cách đáng tin, những người nói thay Giáo Hội phải làm sao đưa ra những câu trả lời đáng tin, trung thực cho những vấn nạn xem ra có vẻ kỳ quặc ấy.
Người Công giáo cũng giống như các công dân khác, có quyền tự do phát biểu, bao gồm cả quyền tiếp cận các phương tiện truyền thông để đạt mục đích này. Quyền phát biểu bao gồm việc bày tỏ ý kiến về lợi ích của Giáo Hội, đi kèm với sự tôn trọng đúng mức đối với sự toàn vẹn của đức tin và luân lý, tôn trọng các vị chủ chăn và lưu tâm tới công ích và phẩm giá con người (x. Giáo luật, điều 212.3; 227). Tuy nhiên, không ai có quyền nói thay cho Giáo Hội hay ngầm ý làm như thế nếu không được chỉ định; ý kiến cá nhân không thể được coi như là giáo huấn của Giáo Hội (x. Giáo luật, điều 227). Giáo Hội sẽ được phục vụ tốt nếu có nhiều người đang nắm giữ các chức vụ và đang thi hành các công tác nhân danh Giáo Hội được đào tạo tại các cộng đoàn tu trì, và các giáo dân Công giáo trẻ mà còn đúng cho toàn bộ nhân sự của Giáo Hội nói chung. Với điều kiện là “mang tính trung lập, cởi mở và ngay thẳng”, các phương tiện truyền thông đều giúp các Kitô hữu đã được chuẩn bị kỹ lưỡng đóng “vai trò ở tuyến đầu truyền giáo”; thế nên điều quan trọng là họ rất cần “được huấn luyện và hỗ trợ kỹ lưỡng”. Các chủ chăn cũng nên hướng dẫn giáo dân mình về các phương tiện truyền thông và cho họ biết đến các thông tin đôi khi bất đồng, và thậm chí cả những thông tin có tính phá hoại nữa (x. Giáo luật, điều 822.2, .3).
Những nhận xét tương tự những nhận xét trên đây có thể áp dụng cho việc truyền thông trong nội bộ Giáo Hội. Một luồng thông tin 2 chiều và một luồng quan điểm có đi có lại giữa các chủ chăn và các tín hữu, việc tự do phát biểu nhưng vẫn rất nhạy cảm về tình trạng an sinh của cộng đồng và trước vai trò của Huấn quyền trong việc cổ vũ tự do phát biểu, cũng như nêu ý kiến một cách có trách nhiệm, tất cả những việc ấy đều là những cách diễn tả quan trọng “quyền đối thoại và thông tin hết sức căn bản trong nội bộ Giáo Hội” (Thời đại mới, số 10; x. Hiệp thông và Tiến bộ, số 20).
Phải thi hành quyền tự do phát biểu với lòng tôn trọng các chân lý mạc khải và giáo huấn Giáo Hội, cũng như tôn trọng các quyền được Giáo Hội minh định của những người khác (x. Giáo luật, điều 212.1, .3; điều 220). Cũng như các cộng đồng và tổ chức khác, thỉnh thoảng Giáo Hội cũng cần – trong thực tế, có khi buộc phải – thực hành sự kín đáo và cẩn mật. Nhưng làm điều này không phải để dễ thao túng và kiểm soát. Trong tinh thần hiệp thông đức tin, “các người nắm giữ chức vụ đã được ban cho quyền hành linh thiêng, phải dấn thân phát huy các lợi ích của anh em mình, để tất cả những ai thuộc về dân Chúa và vì thế được ban cho phẩm giá Kitô hữu đích thực, có thể thông qua những nỗ lực tự do và có quy củ của mình mà tiến tới ích lợi chung và đạt được ơn cứu độ” (Ánh sáng Muôn dân, số 18). Việc thực hiện đúng về truyền thông là một trong những phương cách thực hiện viễn tượng này.
V. KẾT LUẬN
- Khi thiên kỷ thứ ba của Kitô giáo bắt đầu, nhân loại đã thành công trong việc tạo dựng một mạng lưới toàn cầu để truyền đạt ngay tức thời những tin tức, ý tưởng, bình luận giá trị về khoa học, thương mại, giáo dục, giải trí, chính trị, nghệ thuật, tôn giáo và mọi lĩnh vực khác.
Mạng lưới này, rất nhiều người đã có thể tiếp cận trực tiếp ngay tại nhà, trường học và nơi làm việc của mình – hay đúng hơn, ở bất cứ nơi nào. Ngày nay, chẳng có gì lạ khi nhìn thấy mọi biến cố, từ thể thao đến chiến tranh, xảy ra đúng lúc nó đang xảy ra ở phía bên kia hành tinh. Người ta có thể thâm nhập thẳng vào vô số dữ liệu mà chỉ cách đây một thời gian ngắn nhiều học giả và sinh viên không thể nào có được. Một cá nhân hôm nay có thể leo cao tới tận đỉnh của thiên tài và đức độ, cũng như có thể ngụp sâu tới tận đáy của sự suy đồi mà chỉ cần ngồi một mình trước bàn phím và màn hình. Công nghệ truyền thông liên tục thực hiện những cuộc đột phá, với tiềm năng khổng lồ – cho cả điều tốt lẫn điều xấu. Một khi sự tác động giao thoa ngày càng tăng thì sự khác biệt giữa người và truyền thông và người tiếp nhận ngày càng ít dần. Người ta cần tiếp tục nghiên cứu ảnh hưởng, nhất là ảnh hưởng đạo đức, co các phương tiện mới mẻ và đang trổi vượt tạo ra.
- Nhưng dù có sức mạnh vô biên, các phương tiện truyền thông cũng và mãi mãi chỉ là những phương tiện – tức là những công cụ, những đồ dùng có thể được sử dụng vào việc tốt hay việc xấu. Chọn lựa thế nào là quyền của chúng ta. Các phương tiện truyền thông không đòi chúng ta phải đưa ra một nền đạo đức mới; chúng ta chỉ cần áp dụng các nguyên tắc đã có vào các hoàn cảnh mới. Và đây là nhiệm vụ mà ai ai cũng có phần để làm. Đạo đức học trong việc truyền thông không phải là việc riêng của các nhà chuyên môn, bất kể là chuyên môn trong truyền thông xã hội hay trong triết học luân lý; mà đúng hơn, nó bao hàm tất cả mọi người cách rộng rãi, mà bản văn này tìm cách khuyến khích và hỗ trợ họ, thông qua suy nghĩ và đối thoại.
- Truyền thông xã hội có thể liên kết người ta thành những cộng đồng có sự đồng cảm và bận tâm chung. Liệu những cộng đồng này có được thông tin theo đúng tinh thần công bằng và tôn trọng nhân quyền không? Có cam kết thực hiệu ích chung không? Hay những cộng đồng ấy sẽ ích kỷ và quy hướng về mình, chỉ dấn thân tìm kiếm những lợi ích cho một hai nhóm cụ thể – những tập thể kinh tế, chủng tộc, chính trị hay tôn giáo – và gây hại cho những người khác? Liệu công nghệ mới có phục vụ được hết mọi dân tộc và quốc gia, đồng thời vẫn tôn trọng các truyền thống văn hoá của mỗi dân tộc và quốc gia không? Hay đó chỉ là công cụ làm giàu cho những người giàu và tăng thể lực cho những người quyền thế? Chúng ta phải lựa chọn.
Nhưng các phương tiện truyền thông cũng có thể được sử dụng để chia rẽ và cô lập. Công nghệ càng ngày càng giúp con người tập hợp các chùm thông tin và dịch vụ chỉ dành cho mình. Trong việc này có nhiều điều thật sự hữu ích nhưng nó cũng đặt ra một vấn đề không thể né tránh được: liệu cử tọa trong tương lai có thể sẽ chỉ là một số đông các cử tọa riêng rẽ cùng theo dõi một chương trình không? Trong khi công nghệ mới có thể giúp gia tăng tính độc lập cá nhân, ngược lại, nó hàm chứa nhiều hậu quả không đáng ao ước lắm. Thay vì là một cộng đồng toàn cầu, hệ thống mạng trong tương lai tuy bao la nhưng phân mảnh của những cá nhân sống cô lập – tựa như những con ong trong từng cái tổ của mình – chỉ làm việc với những dữ liệu thay vì làm việc với nhau không? Trong một thế giới như thế, sự liên đới sẽ ra sao, tình yêu sẽ thế nào?
Ngay trong hoàn cảnh tốt nhất, việc truyền thông của con người vẫn có những hạn chế nghiêm trọng, vẫn còn bất toàn nhiều hay ít, và vẫn có nguy cơ bị thất bại. Thật khó cho con người để thường xuyên liên lạc với nhau một cách ngay thẳng mà không gây thiệt hại cho nhau và còn phục vụ những lợi ích lớn nhất của mọi người. Ngoài ra, trong thế giới truyền thông, những khó khăn vốn có của việc truyền thông thường bị phóng đại bởi các ý thức hệ, bởi sự tham lam lợi nhuận và kiểm soát chính trị, và bởi các tệ đoan xã hội khác. Nhờ các phương tiện truyền thông hiện đại mà khả năng vươn xa của việc truyền thông xã hội được tăng lên – cả về số lượng lẫn tốc độ. Nhưng các phương tiện ấy cũng không làm cho khả năng vươn ra khỏi trí khôn để đến với trí khôn, ra khỏi con tim để đến với con tim bớt mong manh, bớt nhạy cảm, bớt nguy cơ thất bại.
- Như chúng tôi đã nói, những đóng góp đặc biệt mà Giáo Hội mang đến cho những cuộc thảo luận về các vấn đề này chính là đưa ra một cái về con người, về phẩm giá khôn sánh và những quyền lợi bất khả xâm phạm của con người, đồng thời giới thiệu một cái nhìn về cộng đồng nhân loại, trong đó mọi thành phần được nối kết với nhau bằng đức tính liên đới để cùng nhau theo đuổi ích lợi chung của hết mọi người. Nhu cầu cần có hai cái nhìn ấy quả là hết sức cấp bách “vào một thời điểm mà chúng ta phải đối mặt với tình trạng nhìn nhận sự việc rõ ràng là thiếu xác thực, kiểu nhìn theo đó cái phù du chóng tàn lại được quả quyết là có giá trị, còn những gì giúp phát hiện ra ý nghĩa thật của cuộc đời thì bị nghi ngờ”. Thiếu hai cái nhìn này, “nhiều người sẽ vấp ngã suốt đời tới tận bờ vực thẳm, mà không biết mình đang đi về đâu” (Đức tin và Lý trí, số 6).
Đứng trước khủng hoảng ấy, Giáo Hội xuất hiện như một “nhà chuyên môn về nhân loại”, mà với khả năng chuyên môn của mình, Giáo Hội “nhất thiết phải mở rộng sứ mạng tôn giáo của mình ra nhiều lĩnh vực khác nhau” của nỗ lực con người (Quan tâm tới xã hội, số 41; x. Đức Phaolô VI, Thăng tiến các Dân tộc, số 13). Giáo Hội không được phép giữ sự thật về con người và cộng đồng nhân loại cho riêng mình; Giáo Hội phải chia sẻ sự thật ấy một cách rộng rãi, trong khi luôn ý thức rằng con người có thể từ chối sự thật và từ chối Giáo Hội.
Khi cố gắng cỗ vũ và ủng hộ các chuẩn mực cao về đạo đức trong việc sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội, Giáo Hội luôn luôn tìm sự đối thoại và cộng tác với người khác: với các viên chức nhà nước là những người có nghĩa vụ đặc biệt bảo vệ và đẩy mạnh ích lợi chung của cộng đồng chính trị; với những người làm việc trong giới văn hoá và nghệ thuật; với các học giả và nhà giáo dục đang tham gia đào tạo các nhà truyền thông và cử toạ cho tương lai; với các thành viên của các Giáo Hội và các tập thể tôn giáo khác là những người đang chia sẻ nguyện ước của Giáo Hội muốn sử dụng các phương tiện truyền thông để tôn vinh thiên Chúa, phục vụ nhân loại (x. HĐGH về TTXH, Các tiêu chuẩn để cộng tác đại kết và liên tôn trong việc truyền thông); và đặc biệt với các nhà truyền thông chuyên nghiệp – nhà văn, nhà xuất bản, nhà báo, thông tín viên, nhà thực hiện, nhà sản xuất, kỹ thuật viên – cùng với các chủ nhân, nhà quản lý và các người hoạch định chính sách trong lĩnh vực này.
- Bên cạnh những hạn chế của mình, việc truyền thông của con người vẫn mang dấu vết của hoạt động sáng tạo mà Thiên Chúa đã làm. “Với cái nhìn yêu thương, người Nghệ sĩ thần linh đã truyền sang cho người nghệ sĩ loài người” – và có thể nói, cho cả người truyền thông nữa – “một tia khôn ngoan siêu phàm của mình, cho họ chia sẻ quyền năng sáng tạo của mình”. Hiểu được điều này, các nhà nghệ sĩ và truyền thông “sẽ hiểu đầy đủ bản thân mình, ơn gọi và sứ mạng của mình” (Thư gửi các nghệ sĩ, số 1).
Nhà truyền thông Kitô giáo còn có một nhiệm vụ mang tính ngôn sứ, một ơn gọi là lên tiếng chống lại các thượng đế và thần tượng giả tạo hiện nay – chủ nghĩa duy vật, khoái lạc, tiêu thụ, quốc gia hẹp hòi và nhiều điều khác nữa – bằng cách giương lên cho mọi người thấy một tập hợp các sự thật luân lý dựa trên nhân phẩm và nhân quyền, dự lựa chọn ưu tiên dành cho người nghèo, mục đích phổ quát của tài sản vật chất, tình yêu thương kẻ thù và sự kính trọng vô điều kiện dành cho hết mọi sự sống con người từ khi thụ thai cho đến khi chết cách tự nhiên; và tìm cách thực hiện hoàn bị hơn Nước Trời trên thế gian này, đang khi vẫn không quên rằng đến ngày tận thế, Đức Giêsu sẽ khôi phục lại tất cả và trao lại cho Chúa Cha (x. 1 Cr 15,24).
- Dù những suy nghĩ trên đây đã được gửi tới cho hết mọi người thiện chí chứ không riêng cho người Công giáo, nhưng nay để kết thúc, thật không có gì thích hợp hơn là lấy Đức Giêsu làm người mẫu cho giới truyền thông. “Trong những ngày cuối cùng này”, Thiên Chúa “đã nói với chúng ta qua Người Con” (Dt 1,2) và người con ấy luôn luôn truyền đạt cho chúng ta biết tình yêu của Chúa Cha cũng như ý nghĩa cuối cùng của cuộc đời.
“Khi còn sống trên trần gian, Đức Kitô đã mạc khải mình là nhà truyền thông hoàn hảo. Thông qua sự nhập thể, Ngài đã đồng hoá mình với những ai muốn tiếp nhận sự truyền thông của Ngài, và Ngài đã gửi thông điệp của mình không chỉ qua lời nói mà còn qua toàn bộ cách sống của mình. Ngài nói từ trong lòng mình, nghĩa là không bị sự thúc ép của dân chúng. Ngài rao giảng thông điệp thần linh mà không sợ sệt hay phải thoả hiệp. Ngài thích nghi với cách nói năng và kiểu suy nghĩ của dân tộc Ngài. Và Ngài đã lên tiếng về tình trạng bất ổn về thời đại họ sống” (Hiệp thông và Tiến bộ, số 11).
Suốt cuộc đời công khai của Đức Giêsu, dân chúng đã kéo tới nghe Ngài giảng và dạy dỗ (x. Mt 8,1.18; Mc 2,2.4; Lc 5,1…). Ngài dạy họ “như một Đấng có thẩm quyền” (Mt 7,29; x. Mc 1,22; Lc 4,32). Ngài nói với họ về Chúa Cha và đồng thời kéo họ hướng về Ngài vì Ngài giải thích với họ rằng: “Tôi là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống” (Ga 14,9). Ngài không phí thời giờ nói những lời vô bổ hay biện hộ cho mình, ngay cả khi họ buộc tội và kết án (x. Mt 26,63; 27, 12-14; Mc 15,5.61). Vì “lương thực” của Ngài là làm theo ý muốn của Chúa Cha, Đấng đã sai Ngài (x. Ga 4,34), và tất cả lời Ngài nói cũng như việc Ngài làm đều được nói, được làm theo ý hướng ấy.
Đức Giêsu thường giảng dạy dưới hình thức dụ ngôn và những truyện kể sống động, nhằm diễn tả những sự thật bằng những ngôn ngữ đơn sơ thường ngày. Không chỉ lời Ngài nói mà cả việc Ngài làm, nhất là các phép lạ, đều là những hành vi truyền thông, cho biết Ngài là ai và cho thấy quyền năng của Thiên Chúa (x. Loan báo Tin Mừng, số 12). Khi truyền thông, Ngài tỏ ra hết sức kính trọng thính giả, thông cảm với tình cảnh và nhu cầu của họ, xót thương cho những đau khổ của họ (ví dụ Lc 7,13); nhưng Ngài cũng tỏ ra hết sức cương quyết phải nói cho họ những gì họ cần nghe, bằng một cách nào đó khiến họ phải chú ý và giúp họ tiếp nhận thông điệp, nhưng không vì thế mà cưỡng bách họ hay chấp nhận thoả hiệp, không làm họ thất vọng mà cũng không thao túng họ. Ngài mời gọi người khác mở lòng mở trí cho Ngài, vì biết rằng đó chính là cách để họ được lôi kéo đến với Ngài và Cha Ngài (ví dụ Ga 3,1-15; 4,7-26).
Đức Giêsu dạy rằng truyền thông là một hành vi luân lý “vì lòng có đầy, miệng mới nói ra. Người tốt lấy cái tốt từ kho tàng của mình, còn người xấu lấy cái xấu từ kho tàng xấu của mình. Thầy nói cho anh em biết, trong ngày phán xét, mọi người sẽ phải trả lời về tất cả những lời nói vô ích mà mình đã nói; vì căn cứ trên lời nói của anh em mà anh em sẽ được công chính hoá hay bị kết án” (Mt 12,34-37). Ngài thẳng thắn cảnh giác việc làm gương xấu cho “những người bé mọn” và cảnh cáo những ai làm việc ấy thì “thà cột đá vào cổ rồi ném xuống biển còn tốt hơn” (Mc 9,42; x. Mt 18,6; Lc 17,2). Ngài là người ngay thằng, một người mà người ta có thể nói “không thấy một lời gian dối nào trên miệng” và “bị nguyền rủa, Ngài không nguyền rủa lại; bị đau khổ, Ngài không đe doạ; nhưng Ngài phó thác cho Đấng sẽ xét xử công bằng” (1 Pr 2,22-23). Ngài đòi buộc phải ngay thẳng và trung thực, đồng thời lên án thói đạo đức giả, dối trá – hay bất cứ truyền thông nào bị bóp méo hay lệch lạc: “Có thì nói có, không thì nói không; mọi sự thêm thắt đều là do ma quỷ” (Mt 5,37).
- Đức Giêsu là khuôn mẫu và chuẩn mực cho việc truyền thông của chúng ta. Đối với những ai tham gia và việc truyền thông xã hội, bất kể là người hoạch định chính sách hay nhà truyền thông chuyên nghiệp hoặc chỉ là người tiếp nhận hay bất cứ người nào, kết luận luôn luôn rõ ràng: “Bởi đó, hãy dẹp bỏ sự gian dối, mỗi người hãy nói thật với tha nhân vì tất cả chúng ta là chi thể của nhau… Đừng để sự xấu xa nào thoát ra khỏi miệng anh em, mà chỉ nói những lời xây dựng, tuỳ theo hoàn cảnh, hầu sinh ơn ích cho người nghe” (Ep 4,25.29). Phục vụ con người, xây dựng cộng đồng nhân loại trong liên đới, công bằng và bác ái, nói ra sự thật về đời sống con người và sự hoàn thành chung cuộc đời sống ấy trong Chúa, đó đã từng là, đang là và mãi mãi sẽ là nội dung đạo đức học trong lĩnh vực truyền thông.
Vatican, ngày 4-6-2000, Ngày Quốc tế Truyền thông, cũng là ngày Năm Thánh dành cho những người làm báo
(Đã ký)
John P. Foley
Chủ tịch
(Đã ký)
Pierfranco Pastore
Thư ký
(Lm. Phêrô Đặng Xuân Thành, Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, Ô. Trần Bá Nguyệt, Ô. Nguyễn Văn Khi, Ô. Hà Kim Phước, Ô. Nguyễn Hoàng Qui và cô Minh Thuỵ dịch từ vatican.va)