Niềm Tin Và Lý Trí
7.4 Thứ Năm trong tuần thứ Năm Mùa Chay
St 17:3-9; Tv 105:4-5,6-7,8-9; Ga 8:51-59
Niềm Tin Và Lý Trí
Khi Chúa Giêsu nói với người Do Thái về thế giới của Thiên Chúa, họ đã chế nhạo Người, cho rằng Người bị quỉ ám nên mới ăn nói lung tung như thế. Chúa Giêsu vẫn không nản lòng, và vẫn tiếp tục nói về nguồn gốc thần linh của mình, một lần nữa. Người dùng danh xưng Hằng Hữu để khẳng định rằng mình từ Thiên Chúa mà đến. Câu nói ấy đã khiến người Do Thái phẫn nộ và định ném đá Người.
Thiên Chúa không dựa theo lý lẽ của con người để thực hiện công việc của mình, Thiên Chúa làm theo cách của Ngài. Những ai muốn nhận ra chương trình của Thiên Chúa thì cũng phải tập nhìn mọi sự theo cách nhìn của Ngài. Những người Do Thái không muốn nhìn như thế, họ nhìn vào Chúa Giêsu và họ chỉ thấy đó là một con người tuổi chưa đầy năm mươi mà dám khoác lác nói rằng mình đã thấy tổ phụ Abraham, lại còn dám xưng mình ngang hàng với Thiên Chúa nữa. Họ không thể chấp nhận thái độ cao ngạo và phạm thượng ấy. Họ phải ném đá kẻ ngông cuồng này.
Quả đúng như lời mở đầu Tin Mừng theo thánh Gioan: “Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người. Người ở giữa thế gian và thế gian đã nhờ Người mà có nhưng lại không nhận biết Người. Người đến nhà mình nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1, 9-11).
Chúa Giêsu đã cho chúng ta biết, muốn được sống đời, chúng ta phải tin tưởng và vâng theo lời Ngài dạy: “Thật, tôi bảo thật các ông: ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết.”
Hiển nhiên, “không bao giờ phải chết” mà Chúa Giêsu nói ở đây, không phải giới hạn ở sự sống bất tử của thể lý nơi trần gian này, nhưng ở tầm mức lớn lao hơn, liên quan đến cuộc sống vĩnh cửu, là “sự sống đời đời” của chúng ta.
Sự sống đời đời là gì? Như thánh Gioan đã dạy cho chúng ta, sự sống đời đời là việc chúng ta “nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Giêsu Kitô” (Ga 17,3).
Chương 8 dường như là một cuộc triển lãm các tác phẩm nghệ thuật, nơi mà người ta có thể chiêm ngưỡng và lặng ngắm những bức tranh nổi tiếng, đặt bên cạnh nhau. Bài Tin Mừng hôm nay trình bày cho chúng ta một bức tranh, và cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và người Do Thái. Không mấy có sự liên kết từ bức tranh này sang bức tranh kia. Chính người thưởng lãm, nhờ vào sự quan sát tường tận và cầu nguyện của mình, mới có thể thành công khám phá chủ đề vô hình gắn kết các bức họa, các cuộc đối thoại giữa các bức tranh. Vì vậy, chúng ta đi sâu vào trong mầu nhiệm Thiên Chúa đang bao trùm con người của Chúa Giêsu.
Bất cứ ai tuân giữ lời của Chúa Giêsu thì muôn đời sẽ không phải chết. Chúa Giêsu đưa ra một lời xác tín long trọng; các tiên tri đã nói: Sấm ngôn của Thiên Chúa! Chúa Giêsu nói: “Quả thật, quả thật, Ta bảo các ngươi!” Và lời khẳng định long trọng như sau: “Ai giữ lời Ta, thì muôn đời sẽ không phải chết!” Cùng một chủ đề này xuất hiện và tái xuất hiện nhiều lần trong sách Tin Mừng Gioan. Đây là những lời rất sâu sắc.
Một người dám sống chứng nhân cho Tin Mừng là người dám đứng về phía sự thật. Có những sự thật chúng ta vì tiếng lương tâm phải nói ra, dẫu cho sự thật ấy có nguy cơ làm cho chúng ta bị trù dập. Như Chúa Giêsu, đã đến giờ Người nói rõ mọi sự về Người, dẫu sự thật này sẽ là nguyên nhân đưa Người đến thập giá chăng nữa.
Từ lâu, Chúa Giêsu bị coi là cái gai trong mắt của những nhà lãnh đạo Do thái, như là Pharisêu, Tiến sĩ luật, phái Sađốc. Họ muốn loại bỏ Chúa Giêsu, vì lý do Người từng lên án thói đạo đức giả của họ; thêm nữa, họ nhận thấy những lời Chúa Giêsu chứa đầy nghịch lý: chưa được năm mươi tuổi mà xưng mình “có trước Ábraham”; còn bảo ai tuân giữ Lời Chúa thì được sống, thế mà “Ápraham và các tiên tri đã chết”; lại cả gan xưng mình là “Đấng Hằng Hữu”, danh xưng chỉ dành cho Thiên Chúa mà thôi. Vì thế, họ bàn cách loại trừ bằng việc ném đá, xô xuống vực hay đóng đinh như một tử tội.
Con người cần nhờ Chúa Giêsu Kitô để đến được với Chúa Cha mà hưởng sự sống vĩnh cửu. Cho nên, những nguy hiểm không làm Chúa Giêsu chùn bước vì sứ mạng Chúa đến để cứu chuộc con người, để mặc khải sự thật. Chính vào lúc Chúa Giêsu bị đối xử như một tử tội, bị cho là ở trong hoàn cảnh bi đát, yếu đuối, bất lực và đầy sự chế nhạo nhất, là lúc Người được Chúa Cha tôn vinh. Người được tôn vinh không phải trên ngai vàng mà là trên thánh giá. Thánh giá mới là nguồn phát sinh ơn sự sống.
Đã có nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta cố tình từ chối chân lý, sống ngụp lặn trong tội, bỏ ngoài tai tiếng nói lương tâm, lề luật Chúa cùng giáo huấn của Hội Thánh. Mùa Chay thánh sắp qua đi, nên đây là lúc chúng ta cần mau mắn chạy đến với Chúa và xin Ngài mở con mắt đức tin, nhờ đó chúng ta nhận ra thân phận yếu đuối của mình.
Nhiều người thời nay cũng không thể chấp nhận sự thật về Chúa Giêsu. Họ không tin Ngài là Đấng Cứu Thế, càng không tin Ngài là Con Thiên Chúa. Bởi vì họ đã có quá nhiều thành kiến về đạo, trong đó cũng có những thành kiến do một số người có đạo tạo nên.
Trong cuộc đối thoại với người Do Thái, Chúa Giêsu càng lúc càng mặc khải thêm về thân thế của Ngài… Nhưng với cái nhìn và kiến thức cũng như kinh nghiệm cá nhân, người Do Thái không thể nhận biết thân thế của Chúa: Ông là ai ? Ông chưa được 50 tuổi mà đã trông thấy Abraham sao ? Bây giờ chúng tôi mới biết rõ ông bị quỷ ám… Sự thật của Chúa đòi hỏi con người phải từ bỏ nếp sống cũ của tội lỗi, những mưu tính vụ lợi, những ganh tị tham lam.
Khi bước vào trần gian với sứ mạng là Đấng Cứu Thế, Chúa Giêsu đã làm đảo lộn suy nghĩ và cách sống của con người bằng chính cuộc sống vâng ý Cha trên trời của Ngài. Thật vậy, nhờ vâng phục Chúa Cha, Ngài đã hoàn toàn phó thác đời mình cho chúng ta đến nỗi “bằng lòng chết và chết trên thập giá.” (Pl 2,8).
Lời Chúa nói và những việc Ngài làm trong suốt thời gian tại thế là những gì Ngài muốn chúng ta suy niệm và noi theo, để cùng Ngài chu toàn thánh ý Chúa Cha trong khả năng và trách nhiệm của mình. Thiên Chúa chính là Sự Sống nên Lời Ngài là Lời đem lại sự sống cho con người. Vì thế, ta phải ghi nhớ, suy niệm và vâng giữ Lời ban sự sống ấy trong cuộc sống hằng ngày của mình.
Cũng như tình yêu, đức tin không dựa trên lý lẽ. Lý trí có thể đưa chúng ta đến bên bờ của đức tin, rồi để mặc chúng ta ở đấy. Không phải lý trí bỏ rơi chúng ta nhưng lý trí không thể giúp chúng ta vượt qua được mép bờ huyền nhiệm của đức tin. Ðứng trên mép bờ huyền nhiệm ấy, tác động thích hợp duy nhất là yêu mến và phó thác. Tổ phụ Abraham đã yêu mến Thiên Chúa và đã phó thác mọi sự cho Ngài và đã được toại nguyện. Ðức Maria cũng đã khẳng định tương tự. Các thánh cũng hành động như thế; còn chúng ta, chúng ta hành động ra sao?