Yêu thương
26.3 Thứ Bảy trong tuần thứ Ba Mùa Chay
Hs 6:1-6; Tv 51:3-4,18-19,20-21; Lc 18:9-14
Yêu thương
Chúng ta đã bước vào cuối tuần thứ III Mùa chay, lời kêu gọi sám hối và tin vào Tin Mừng, canh tân đổi mới đời sống của bản thân và gia đình vẫn khẩn thiết được gửi đến từng người trong chúng ta từ linh mục đến tu sĩ và giáo dân. Việc sám hối trở về là việc của mọi người, tuy nhiên có nhiều người trong chúng ta vẫn chưa có một quyết định thay đổi cụ thể nào, lý do vì họ không nhận ra những sai lầm thiếu sót của mình, là vì họ làm sai mà cứ cho là đúng, họ để cho sự kiêu căng tự mãn che khuất nên không thể nhìn thấy rõ thực chất tình trạng con người của mình.
Sự kiêu căng tự mãn nó cũng che khuất con mắt của người biệt phái hôm nay, anh ta lên đền thờ với tư thế hiên ngang tự đắc, anh nghĩ rằng các thành tích anh đã làm khiến cho Thiên Chúa phải “nể” anh và mắc nợ anh. Thực sự người biệt phái này không hề cầu nguyện, mà anh đang làm một bản báo cáo thành tích của chính mình và kể lể công trạng trước mắt Chúa: Tôi ăn chay mỗi tuần hai lần, và dâng một phần mười thu nhập hằng ngày. Việc làm ấy quá tốt, vượt trên cả luật lệ quy định về ăn chay, thế nhưng, anh ăn chay không phải để đền tội hy sinh, cũng không phải để chuẩn bị đón Đấng Mesia như ý nghĩa ban đầu của nó, mà anh ăn chay và giữ luật chỉ để cho thấy anh hơn người khác.
Chính vì thế, ngay từ lời mở đầu anh đã có ý so sánh mình với người khác: Lạy Chúa tôi tạ ơn Chúa vì tôi không như bao kẻ khác, tham lam bất chính, ngoại tình hay như tên thu thuế kia.
Không chỉ so sánh công trạng của mình với ngưới khác, nhưng anh còn tỏ vẻ khinh miệt người thu thuế kia, và cứ như anh đã nói, thì có thể thấy anh coi nhưng người khác là những người tội lỗi và phạm những cái tội mà anh không hề phạm, chứng tỏ anh tốt hơn họ rất nhiều, anh thầm muốn nói điều đó qua lời cầu của mình.
Trong khi đó, người thu thuế nhận ra tình trạng khốn khổ tội nghiệp tội lỗi bất xứng của mình, anh không dám ngửa mắt lên trời, mà chỉ đấm ngực cầu nguyện với lòng sám hối chân thành: Lạy Chúa xin thương xót con là kẻ tội lỗi. Anh không dám kể lể gì, vì anh thấy mình chẳng có công trạng gì, anh đã nhìn thấy sự thiếu sót khiếm khuyết và tội lỗi của mình, anh biết rằng vì nghề nghiệp, vì cuộc sống mà anh đã phải làm một cái nghề bị xã hội đương thời kết án là ô uế tội lỗi, vì anh đã thường xuyên phải tiếp xúc với nhiều người và vì sự cuốn hút của đồng tiền khiến anh cũng không thể cầm lòng được. Chính vì ý thức và nhìn thấy thực trạng con người của mình trước mặt Chúa và trước mặt mọi người, nên anh chỉ còn biết kêu xin lòng thương xót và sư tha thứ của Thiên Chúa.
Về phía Thiên Chúa, Ngài chỉ chờ đợi có như thế Ngài chỉ mong muốn không phải là những thành tích dài dòng, không phải là những báo cáo tổng kết, mà là một “tấm lòng tan nát khiêm cung”, tan nát vì hối hận, vì thấy rằng mình đã làm tổn thương đến tình yêu của Thiên Chúa là Cha, khiêm cung vì nhìn thấy mình hoàn toàn bất xứng đáng bị trừng phạt hơn là được khoan dung, khiêm cung để nhìn thấy được tình yêu và lòng quảng đại tha thứ của Chúa. Thiên Chúa muốn và chờ đợi thái độ như thế, và vì thế, câu chuyện cho thấy Chúa Giêsu tuyên bố: Người thu thuế khi trở về thì được tha thứ và nên công chính, còn người biệt phái thì không.
Chúa Giê-su rất thông hiểu về luật lệ Do Thái, có lẽ chính vì hiểu rất rõ những điều còn thiếu sót trong luật lệ Do Thái, nên Chúa Giê-su đã kiện toàn và làm trọn vẹn Luật Yêu Thương một cách độc đáo và triệt để. Các con cũng đã nghe dạy rằng: ‘Hãy yêu thương tha nhân, và ghét thù địch’. Còn Thầy, Thầy bảo các con: ‘Các con hãy yêu thương thù địch và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi các con’” (Mt 5,43-44).
Thánh Phaolô cũng tiếp lời giáo huấn của Đức Giêsu khi nói: “Hãy chúc lành cho kẻ bắt bớ, chúc lành chứ đừng chúc dữ… Nếu kẻ thù ngươi đói hãy cho nó ăn; nó khát hãy cho nó uống. Chớ để sự dữ thắng được ngươi, nhưng hãy lấy lành mà thắng dữ” (x. Rm 12:14, 20-21). Ngài đòi hỏi các môn đệ phải khước từ báo oán, phải tha thứ, yêu thương và cầu nguyện cho kẻ thù nữa, bởi vì: “Cha các con ở trên trời, là Ðấng làm cho mặt trời mọc lên trên người lành cũng như kẻ dữ, và cho mưa trên người công chính cũng như kẻ bất lương”. Ngài mời gọi các môn đệ hãy tha thứ vô điều kiện: “Không phải chỉ tha 7 lần nhưng là 70 lần 7”.
Giáo luật yêu thương của Đức Giêsu đã xóa bỏ nguyên tắc “ăn miếng trả miếng”. Luật yêu thương của Đức Giêsu mở ra con đường mới cho nhân loại. Con đường lấy thiện thắng ác, lấy tình yêu vượt thắng hận thù. Chỉ có yêu thương mới làm cho thù hận tiêu tan và tránh được vòng luẩn quẩn của bạo động và chiến tranh.
Chọn lựa con đường bất bạo động không phải là một chọn lựa cho sự nhu nhược hay là chọn lựa của kẻ yếu thế, nhưng chọn lựa bất bạo động có nghĩa là tin tưởng mạnh mẽ vào sức mạnh của chân lý; chọn lựa con đường bất bạo động, và không trả thù là sự am hiểu thấu đáo và lòng tin tưởng rất lớn nơi khả năng yêu thương và được yêu thương tận đáy thâm sâu của mỗi con người; chọn lựa con đường yêu thương hòa bình đòi hỏi sự kiên nhẫn, chấp nhận chịu thua thiệt, bị đàn ác…nhưng có thể mở ra một chuyển đổi mới cho một trật tự mới. Chính sự tha thứ sẽ giải phóng con người, còn nếu nuôi lòng hận thù báo oán thì con người sẽ chuốc lấy sự đau khổ: “ai dùng gươm sẽ chết vì gươm”.
Đó là một chân lý! Đức Khổng Tử cũng đã dạy học trò: “Dĩ đức báo oán”, nghĩa là phải làm điều tốt để đáp lại điều xấu của kẻ thù của mình. Đức Phật Thích Ca suốt đời tìm cách giải thoát con người khỏi đau khổ, cũng dạy các đệ tử như sau: “Lấy oán báo oán, oán chập chùng. Lấy đức báo oán, oán tiêu tan”. Thánh Gandhi của dân tộc Ấn độ, đã nêu ra học thuyết “bất bạo động” làm phương thế đấu tranh và đã giải phóng được nước Ấn thoát khỏi ách khỏi ách thống trị của thực dân Anh, cũng nói như sau: “Luật vàng của xử thế là sự tha thứ cho nhau”. Người Hylạp cổ thường ví von như sau: “Người khôn ngoan thà chịu đựng sự ác hơn là làm điều ác.”
Học biết yêu thương, tha thứ và hơn nữa là cầu nguyện cho kẻ thù là điều chắc chắn không đơn giản, nhưng không có nghĩa là không làm được. Đức Giê-su đã làm điều đó và cũng nhiều môn đệ của Đức Giê-su đã noi theo. Xin Chúa cho mỗi người chúng ta mỗi ngày biết học nơi Chúa giáo luật biết yêu thương và cầu nguyện cho người khác-ngay cả những người xem ra đối kháng, chống đối và thậm chí bách hại chúng ta.