Ghen tị
18.3 Thứ Sáu trong tuần thứ Hai Mùa Chay
St 37:3-4,12-13,17-28; Tv 105:16-17,18-19,20-21; Mt 21:33-43,45-46
Ghen tị
Lòng ganh ghét đã khiến các con Giacób coi đứa em ruột của mình là kẻ thù. Lòng ganh ghét cũng khiến các thượng tế và kỳ lão Do Thái giết chết Đấng Messia mà toàn dân mong đợi bấy lâu nay. Dù chiếc xe đã ngã, nhưng vết xe cũ vẫn luôn có người theo.
“Giacob mến thương Giuse hơn mọi đứa con khác, vì ông sinh ra Giuse trong lúc tuổi già. Ông may cho Giuse một chiếc áo nhiều mầu. Các anh của Giuse thấy cha mình thương Giuse hơn mọi đứa con, nên sinh lòng ghen ghét và không thể nói chuyện thân mật với Giuse” (St 37, 3-4).
Câu chuyện về ông Giuse là một câu chuyện phản ánh cái tầm thường nhỏ nhoi, cái ghen tị mù quáng và cái xấu xa trong con người, ngay cả trong gia đình anh chị em với nhau. Nhưng nó cũng là một bài học để dạy cho con người về sự quan phòng của Thiên Chúa, Thiên Chúa có thể rút ra sự tốt lành ngay trong những kế hoạch mưu mô của con người, mà nói theo ngôn ngữ của Đức cố hồng y Thuận là: Thiên Chúa vẽ thẳng trên những đường cong. Thiên Chúa có thể rút ra cái tốt lành thiện hảo ngay trong chính những gì đã bị con người phá nát. Như cậu bé Giuse bị trù dập, xém tí nữa bị giết chết, cuối cùng bị bán đi cho dân ngoại lại trở thành vị cứu tinh của gia đình, của cả dân tộc, và là hình ảnh báo trước của Đấng Cứu Thế.
Chúng ta học được nhiều điều trong câu chuyện này, bắt đầu từ nhân sinh quan của chúng ta: sự ghen tị.
Ghen ghét…Đây là đầu mối sinh ra của tất cả mọi sự. Ghen tị dẫn đến thù ghét, không thể nói chuyện thân mật, rồi nổi giận, rồi bạo lực, rồi đổ máu…Chúng ta còn nhớ chuyện Cain và Abel?
Trong cuộc sống chúng ta kinh nghiệm nhiều thảm cảnh bắt đầu từ cái máu ghen này.
Thường chúng ta hay ghen tị với một ai đó được trời thương hơn mình, xinh đẹp hơn mình tí, may mắn hơn mình tí, thành công hơn mình tí….So sánh…Nhẹ nhàng thì ghen tị dẫn đến mâu thuẫn, khó nói chuyện với nhau, nói xấu nói hành sau lưng, tìm mọi cách triệt nhau…Ghen tị làm cuộc sống mình nặng nề hơn, làm mình mất nhiều thời gian và tâm trí hơn cho những chiến thuật mưu mô. Ghen tị ở mức độ nặng hơn nữa là những hành vi bạo lực được mặc bởi muôn vàn cách.
Trong tình yêu thì còn ghê gớm hơn nữa: ghen Hoạn Thư, cuồng ghen…và rồi là những thảm án…
Chương 21 trong Tin Mừng Matthêô khởi đầu bằng trình thuật Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem. Thế nên những lời Chúa Giêsu nói bây giờ trong bối cảnh leo thang căng thẳng giữa Chúa Giêsu và lãnh đạo tôn giáo Do thái. Trước dụ ngôn này là dụ ngôn về hai người con trai, mà qua đó Chúa ám chỉ cách rõ ràng hơn về thái độ vâng nghe Thiên Chúa nơi dân Ngài, mà ám chỉ mạnh mẽ ở đây đó là thái độ của các lãnh đạo tôn giáo Do thái.
Dụ ngôn các tá điền sát nhân lại càng đào sâu thêm căng thẳng giữa Chúa Giêsu và các lãnh đạo tôn giáo này. Có thể nói, qua dụ ngôn này, Chúa Giêsu công khai nói về sự tráo trở, độc ác và giả hình của nhóm người này. Chúa hỏi và để họ trả lời theo câu chuyện Người kể: “Ông chủ sẽ làm gì?”, “ông sẽ tru diệt bọn chúng, cho các tá điền khác thuê…”. Tuy nhiên, khi hiểu ra ý của dụ ngôn vừa kể và câu trả lời như bị mắc bẫy giăng ra hại chính mình, họ hiểu dụ ngôn ấy nói về họ, họ tìm cách bắt Người. Và chẳng bao lâu nữa, ngay tại Giêrusalem này, họ đã bắt được Người và hành hình theo cách họ tính.
Cũng có những lúc chúng ta trách Chúa, vì sao người nọ người kia được cái này cái nọ, được may mắn, ăn sung mặc sướng, được người này người kia thương, được đủ mọi thứ, còn mình…Những thứ đó rồi cũng qua, cái còn đọng lại là gì: là tình yêu mình sống cho Chúa và tha nhân.
Đức Thánh cha Phanxico cũng có những lời dạy bảo về lòng đố kị, ghen tương rất gần gũi với lối suy nghĩ của chúng ta:
“Lòng đố kỵ thật xấu xa! Đó là một thái độ xấu. Sự ghen ghét và lòng đố kỵ phát triển trong lòng người ta như cỏ dại. Nó phát triển và không để cho bất kỳ thứ thảo mộc tốt lành nào có thể mọc lên được nữa. Thứ cỏ dại ấy sẽ khiến tâm hồn người ta ra tối tăm, bệnh hoạn. Nó không để cho con người được bình an nhưng khiến con tim luôn dằn vặt, đau đớn. Một con tim đố kỵ rất có thể dẫn đến mưu sát và chết chóc. Kinh Thánh đã nói rất rõ: Lòng ghen tị tội lỗi đã mang sự chết vào trần gian.
Lòng đố kỵ dẫn đến việc ‘giết’ những người có điều mà mình không có. Nhưng người ấy sẽ luôn đau khổ, vì một con tim ghen ghét và đố kỵ sẽ luôn khổ đau, một sự khổ đau muốn người khác phải chết. Chúng ta không phải đi đâu xa mới có thể thấy những điều này. Rất nhiều lần, trong cộng đoàn của chúng ta, vì ghen ghét, người ta đã giết hại nhau bằng miệng lưỡi và ngôn từ của mình. Khi không thích hay ghen ghét một điều gì đó, người ta bắt đầu xì xầm, bàn tán. Và chính những lời bàn tán đó sẽ giết chết người khác.”
Khi nào trong lòng chúng ta còn có chỗ cho ghen tị, thì đừng mong một sự bình an nội tâm, một niềm vui thanh thoát và một niềm hạnh phúc dâng trào…
Hãy nhìn ra những điểm sáng, điểm tốt nơi anh em, để mình nỗ lực phấn đấu, hơn là để ghen tị…Hãy học theo những lời của thánh Phaolo: Vui với người vui…
Và hãy cố gắng nhìn thấy sự quan phòng của Thiên Chúa, để cộng tác với Ngài, đừng là những kẻ phá hoại công trình của Thiên Chúa nơi anh chị em, và nơi chính mình.
Điều làm cho chúng ta suy nghĩ đó là cách Thiên Chúa hằng kiên nhẫn với dân của Ngài? Không phải bây giờ, cả đến Con Thiên Chúa đang ở đây và ngay lúc này phải đối diện với sự bắt bớ và giết hại, mà qua từng trang lịch sử dân riêng, các ngôn sứ được sai đến đều chịu cảnh tượng thê thảm như vậy. Đó là sự nhẫn nại đến vô hạn, sự yêu thương đến vô bờ, mà Chúa hằng dành cho dân Israel nói riêng và cho tất cả con người nói chung. Chúng ta có thể thể suy nghĩ theo kiểu của mình rằng: “Ông sẽ tru diệt chúng, sẽ cho các tá điền khác thuê…”, nhưng với Thiên Chúa, quả thật, Ngài không hành động như chúng ta nghĩ. Cả đến Con Một mà Chúa còn dám hy sinh thì nhẫn nại và yêu thương thêm một chút nào có khó khăn gì. Và cứ như thế mà Con của Chúa đã chết cho chúng ta. Tội lỗi hay hình phạt là do con người chọn lựa và chuốc lấy. Nếu chọn lựa sự tráo trở, giả dối và đầy tham vọng, con người phải gánh chịu trách nhiệm trước chọn lựa của mình.
Cái nhìn của Chúa khác cái nhìn của loài người. Khả năng của Chúa cũng tuyệt vời hơn khả năng loài người. Viên đá mà “những người thợ xây” – tức loài người chúng ta – coi là đồ bỏ đi, thì Thiên Chúa có thể biến thành tảng đá góc tường. Thí dụ viên đá Phêrô đã 3 lấn chối Chúa, viên đá Phaolô và biến cố trên đường Đamát, viên đá Augustinô… Nhiều anh chị em tôi cũng có thể là những viên đá như thế, vậy tôi hãy khoan dung… Ngay cả tôi cũng có thể là như thế, nên tôi hãy trông cậy.