Số Phận Của Chúa Giêsu
31.1.2022 Thứ Hai
Thánh Gioan Bosco, Lm
2 Sm 15:13-14,30; Tv 3:2-3,4-5,6-7; Mc 5:1-20
Số Phận Của Chúa Giêsu
Thánh Gioan Boscô là một vị thánh nổi tiếng trong Giáo Hội vì những đóng góp to lớn của Ngài cũng như của Hội dòng do Ngài thiết lập trên khắp thế giới. Tên đầy đủ của Ngài là Giovanni Melchiorre Bosco. Ngài chào đời ngày 16 tháng 8 năm 1815 tại làng Becchi, thuộc tỉnh Piémont miền Bắc nước Ý, trong một gia đình nông dân nghèo. Cha Ngài là Phanxicô Bosco. Khi ông qua đời, Boscô mới lên hai tuổi. Như vậy Boscô đã phải mồ côi cha từ lúc hai tuổi. Mẹ Ngài là bà Magarita, một người đàn bà rất đạo đức, yêu lao động và rất ham thích việc cầu nguyện. Tuy phải làm lụng vất vả mới kiếm đủ tiền để nuôi con, nhưng không bao giờ bà sao lãng việc giáo dục con cái. Chính bà đã truyền thụ cho Bosco nhiều đức tính cao quý cũng như một trí tuệ thông minh sắc sảo, và một lòng đạo đức có chiều sâu. Chính nhờ đó mà sau này Don Boscô sớm có được một đời sống tốt lành thánh thiện trong công việc tông đồ.
Boscô đã không được may mắn hưởng những ngày thơ ấu êm đềm như các trẻ nhỏ cùng trạc tuổi. Bosco rất ham học hỏi, nhưng vì không có đủ tiền đi học nên cậu phải đến nhờ cha sở dạy cho. Nhưng rủi thay chỉ ít lâu sau cha sở lại qua đời.
Từ đó, để có tiền đi học, Boscô đã phải làm nhiều việc khác nhau như: chăn bò, làm công việc đồng áng, bồi bàn cà phê, may quần áo, may giày.v.v.. Mãi đến năm 11 tuổi, Don Boscô mới chính thức được bước chân đến trường. Và năm 16 tuổi Boscô đã vào được bậc trung học.
Từ nhỏ, Don Boscô đã có ý nguyện muốn dâng mình cho Chúa trong bậc tu trì. Chính vì vậy, mà vào năm 1835, Ngài đã xin vào Đại chủng viện Torino. Ý nguyện của Ngài được chấp nhận và sáu năm sau Ngài được thụ phong linh mục. Và vào ngày 5 tháng 6 năm 1841 lúc đó ngài đã được 26 tuổi. Sau khi chịu chức, Ngài khởi đầu mục vụ tông đồ bằng cách đi thăm các trại giáo hóa dành cho các thanh thiếu niên phạm pháp tại Giáo phận Torino.
Cuối năm 1841, Ngài nhận nuôi dưỡng Bartôlômêô Garelli, một trẻ em vô gia cư. Dần dà, Ngài nhận nuôi thêm nhiều trẻ em vô gia cư hoặc mồ côi khác. Ban đầu, Ngài quy tụ các em để tổ chức vui chơi, tham dự Thánh Lễ và học giáo lý. Sau khi có nơi ăn chốn ở cố định ở Valdocco, Thành Torinô, Ngài đã cho xây nhà nội trú, mở các lớp dạy học và mở các xưởng dạy nghề cho các em. Số lượng trẻ em ngày càng đông, khiến công việc của Ngài ngày càng vất vả, nên có một lúc Ngài đã từng bị sưng phổi nặng nhưng rất may là cơn bệnh cũng đã qua.
Năm 1859, Gioan Bosco cùng với các đồng chí của mình chính thức thành lập Hội dòng của Thánh Phanxicô Đệ Salê (tiếng Latin: Societas Sancti Francisci Salesii), với hàm ý noi gương Đức ái Tông đồ, sự Hiền lành và lòng kiên nhẫn của thánh nhân. Ngày 25 tháng 3 năm 1855, Micae Rua trở thành tu sĩ đầu tiên với lời tuyên khấn dòng trọng thể. Năm 1860, Giuse Rossi trở thành sư huynh đầu tiên được đón nhận vào Dòng. Sau đó, ngày 14 tháng 6 năm 1862, 22 tu sĩ Salêdiêng khác đã thực hiện lời tuyên khấn.
Gioan Bosco cũng đã thành lập Dòng Con Đức Mẹ phù hộ (còn được gọi là Dòng Nữ Salêdiêng Don Bosco) vào ngày 5 tháng 8 năm 1872. Năm 1876, Ngài thành lập Hiệp hội Cộng tác viên Salêdiêng. Ba Nhóm này và nhiều Nhóm khác được thành lập sau này liên kết với nhau thành một Gia đình, một tổ chức xã hội Công giáo thống nhất. Vào năm 1872, Ngài tiếp tục lập thêm hai hội dòng khác: Hội Đức Mẹ hằng Cứu giúp để bảo trợ ơn gọi linh mục; Hội Dòng nữ Salésienne nhằm giáo dục các em cô nhi. Các tổ chức này đã có tầm ảnh hưởng khắp nơi ngay khi Ngài còn tại thế.
Với những nỗ lực không mệt mỏi của mình, Gioan Bosco kiệt sức, lâm bệnh và qua đời ngày 31 tháng 1 năm 1888 tại Torino, hưởng thọ 73 tuổi. Để tưởng thưởng cho những công lao to lớn quí báu của Ngài với giáo hội và xã hội, Giáo Hội đã phong Ngài lên bậc chân phước ngày 2/6/1929 và ngày 1/4/1934 Đức Giáo hoàng Piô XI đã phong ngài lên bậc hiển thánh với biệt hiệu: CHA và THẦY của thanh thiếu niên.
Ngài qua đi nhưng hình ảnh của người cha hiền còn sống mãi trong lòng nhân thế. Lòng nhiệt thành và từ tâm của Ngài đối với bầy trẻ côi cút phải là bài học sáng ngời soi dẫn tâm hồn con người trong muôn thế hệ.
Người Do thái thời Chúa Giêsu có một cái nhìn rất miệt thị đối với dân ngoại, họ xem dân ngoại là những kẻ sống dưới ách nô lệ của ma quỷ, do đó cũng cư trú trong những vùng nhơ bẩn chẳng kém gì bãi tha ma. Nhưng đối với Chúa Giêsu, ranh giới giữa Do thái và dân ngoại không còn nữa. Ngài không chỉ đến với dân Do thái, mà cả với dân ngoại nữa. Chính cho dân ngoại mà Chúa Giêsu cũng mang ơn cứu độ đến, và ơn cứu độ ấy được thánh Marcô mô tả bằng những hình ảnh rất sống động: Chúa Giêsu trục xuất cả một đạo binh ma quỉ ra khỏi người bị quỉ ám, nguyên một bầy heo lao mình xuống biển. Tin Mừng được loan báo cho dân ngoại qua miệng người vừa được chữa lành.
Tin Mừng hôm nay thuật lại, Chúa Giêsu đến vùng đất dân ngoại Giêrasa, nơi ma quỷ đang thống trị và dùng mọi thủ đoạn để hành hạ thân xác con người, xúi dục con người chống lại Thiên Chúa và ở đó, Người làm phép lạ xua đuổi quỷ ô uế ra khỏi người bị nó ám.
Người bị quỷ ám không ai khống chế được, vì anh bị cả một cơ binh quỷ nhập vào. Một cơ binh là tên gọi của một đạo quân Rôma thời ấy, có khoảng 6.826 người lính. Như vậy, số quỷ nhập vào người này rất đông đã khiến cho anh ta có sức mạnh phi thường.
Qua phép lạ này cho thấy, Chúa Giêsu có quyền năng trên ma quỷ. Người đến để giải thoát con người khỏi trói buộc của sự dữ, đem lại cuộc sống tự do cho con người.
Sau khi bị Chúa Giêsu trục xuất ra khỏi người nó ám hại, ma quỷ liền quay sang cám dỗ con người về lòng ham mê của cải, nên dân trong vùng ấy quay sang chống lại Chúa Giêsu. Vì họ sợ rằng, hôm nay thiệt hại đàn heo, tiếp theo ngày mai sẽ mất thêm tài sản khác nữa, nên quyết tâm xua đuổi Chúa Giêsu đi ra khỏi cuộc sống của họ.
Thế nhưng, sự thành công của Chúa Giêsu dưới cái nhìn của Marcô thật là yếu ớt. Dường như tất cả những người mà Ngài tìm đến đều có thái độ dè dặt đối với Ngài. Chỉ có ma quỉ là kẻ duy nhất biết rõ Ngài là ai nhưng chẳng bao giờ có thể hoán cải được nữa. Các luật sĩ và biệt phái thì càng lúc càng tỏ ra chai lỳ, bà con thân thuộc thì chỉ nhìn về Ngài với những tính toán vụ lợi, đám đông dân chúng thì không nhận ra được ý nghĩa đích thực của sứ mệnh thiên sai của Ngài, còn dân ngoại thì nài nỉ Ngài quay trở lại quê hương Ngài để họ khỏi phải mang họa vào thân, và khi Chúa Giêsu chiến thắng được ma quỉ, thì đó cũng là lúc loài người tẩy chay Ngài. Trong một tình thế bi đát như vậy, cái chết trên Thập giá là chuyện tất yếu đối với Chúa Giêsu. Trong cái nhìn của Marcô, mỗi cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với người đương thời của Ngài là một tiên báo về cuộc tử nạn của Ngài, Ngài là một con người triền miên bị khước từ.
Suy nghĩ về số phận của Chúa Giêsu, chúng ta cũng được mời gọi nhìn lại thân phận của người Kitô hữu chúng ta trong trần thế. Là môn đệ Chúa Giêsu, là chấp nhận lội ngược dòng. Không thể đi theo Chúa Giêsu mà lại sống theo triết lý: người ta sao, tôi vậy. Làm chứng cho Ðấng đã từng bị khước từ, người Kitô hữu bị khước từ đã đành, mà ngay cả khi phục vụ một cách vô vụ lợi, họ cũng không hẳn được người đời thương mến. Nói như thánh Phaolô: bổ khuyết những gì còn thiếu trong cuộc Tử nạn của Chúa Giêsu, đó là số phận của người Kitô hữu trong trần thế này.