Giáo dục lòng nhân cho trẻ
Giáo dục lòng nhân cho trẻ
Câu chuyện bé gái 8 tuổi bị người tình của cha ruột bạo hành đến chết đã gây bức xúc dư luận trên các kênh truyền thông và mạng xã hội mấy ngày qua. Bên cạnh những phản ứng dữ dội đòi hỏi phải xử lý đến nơi đến chốn hành vi của người phụ nữ này, còn một suy nghĩ khác được đặt ra trong xã hội hiện nay: sự giáo dục lòng nhân ái, nhân từ trong học đường và gia đình.
Mọi người sẽ cho rằng đợt dịch Covid-19 vừa qua, biết bao tổ chức từ thiện tự phát đã mang thức ăn đến từng nơi bị cách ly, từng cá nhân đang thất nghiệp và sống trong nghèo khó. Tuy nhiên, lòng nhân từ không chỉ dừng lại ở những món quà từ thiện đến cho người nghèo, trẻ bất hạnh. Tháng 5 năm 2021, mạng xã hội facebook dậy sóng với những đoạn quay ngắn ghi lại hình ảnh vài tổ chức từ thiện vừa phát quà, vừa nạt nộ người khó khăn. Cha ông ta có câu “Của cho không bằng cách cho”. Thật vậy, cách cho đó mới là sự cảm thông, thương mến thật sự từ người cho đến người bất hạnh. Ðó là lòng nhân từ.
Ngày xưa thế hệ chúng tôi, hằng năm vẫn được các nữ tu kêu gọi quyên góp tiền bạc, quần áo cũ cho những nạn nhân bão lụt, trẻ em xóm nghèo. Các sơ còn đưa chúng tôi đến các cô nhi viện trò chuyện cùng những bạn bất hạnh. Không dừng lại ở sự “tội nghiệp và chia sẻ”, chúng tôi còn được dạy không nói câu gì làm tổn thương những bạn mồ côi. Thậm chí đến mấy nơi đó, chúng tôi mặc đồng phục chứ không được mặc quần áo đi chơi sang trọng. Ðiều đó theo các sơ, có thể gây cho các bạn mồ côi một sự tủi thân sâu sắc.
Sau này tôi mới biết chúng tôi được giáo dục về lòng nhân từ. Không chỉ đối xử tốt với những người bất hạnh hơn mình mà còn phải cư xử với bạn bè chung quanh lịch sự, tế nhị. Các sơ cấm chúng tôi đánh nhau vì như thế là làm đau người khác. Thậm chí cũng không được hành hạ thú vật như đánh mèo, đánh chó…
Từ tránh những hành động làm tổn thương con vật và cả con người, chúng tôi còn được dạy tránh những lời nói gây tổn thương tâm hồn người khác. Trong ca dao Việt Nam cũng có câu: “Lời nói không mất tiền mua/ Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Lời nói vừa lòng nhau không phải là nịnh bợ, mà là những lời khéo léo, nhẹ nhàng, tránh tổn thương người nghe. Làm tổn thương người khác cho thấy mình không có lòng nhân từ.
Chúng ta có thể trắc ẩn với sự thiếu thốn vật chất của một người, để dễ dàng móc hầu bao ra làm từ thiện. Lòng nhân từ lại ở mức cao hơn. Người có lòng nhân từ không vừa “cho”, vừa buông lời “tội nghiệp” gây cho người nhận vết cắt đau lòng, để họ mang trong mình một mặc cảm yếu kém. Người có lòng nhân từ sẽ có sự cảm thông sâu sắc từ hành động và lời nói. Họ hiểu và yêu thương thật tình những người bất hạnh hơn mình, không bao giờ muốn làm đau người khác từ thể chất, tinh thần, ngay cả với con vật, họ cũng không dễ hành hạ mua vui.
Lòng nhân từ cũng chính là tinh thần của đạo Công giáo, như lời Chúa Giêsu dạy “Anh em hãy yêu thương nhau như thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15, 9-17), “Phải yêu người thân cận như chính mình” (Mt 22-39).
Lòng nhân từ nên được nuôi dưỡng từ nhỏ và từ những việc đơn sơ nhất như không đánh bạn, không chửi mắng hay dùng lời nói làm tổn thương bạn. Một khi được dạy bảo từ môi trường học đường về với gia đình, với bạn bè, xóm giáo… và sau này ra xã hội, chắc chắn đứa trẻ đó khi trưởng thành không dễ hành hạ, đánh đập hay làm đau lòng người khác…
SƠN HẠ