22 nhà truyền giáo bị sát hại trong năm 2021
22 nhà truyền giáo bị sát hại trong năm 2021
Theo Fides, một cơ quan truyền thông thuộc bộ Truyền bá và Phúc Âm hóa các Dân tộc cho biết, trong năm 2021 vừa qua có 22 nhà truyền giáo đã bị giết trên toàn thế giới, nhiều hơn 2 người so với năm 2020 và một nửa trong số đó là các linh mục.
Số liệu được thu tập qua một cuộc khảo sát trong năm nay gồm có 13 linh mục, 1 tu sĩ, 2 nữ tu và 6 giáo dân bị giết chết.
Tại lục địa Châu Phi số nhà truyền giáo bị giết chết nhiều nhất, gồm 11 người (7 linh mục, 2 tu sĩ, 2 giáo dân): 4 linh mục ở Nigiêria, 1 tu sĩ và 1 giáo dân ở Nam Suđan; 4 người khác ở Angola, Burkina Faso, Cộng hòa Trung Phi và Uganda.
Ở Châu Âu, một linh mục bị giết.
Tiếp đến là lục địa Châu Mỹ với 7 nhà truyền giáo bị giết (4 linh mục, 1 tu sĩ, 2 giáo dân), trong đó 4 người ở Mêxicô, số khác ở Vênêzuela, Pêru và Haiti.
Sau cùng là Châu Á, với 3 người bị giết chết: 1 linh mục ở Philippines, 2 giáo dân ở Miến Điện. Hầu hết họ không phải là người nước ngoài; họ đã chết trên chính mảnh đất nơi chôn nhau cắt rốn của mình.
Trong vài năm trở lại đây, hai lục địa Châu Phi và Châu Mỹ lần lượt đứng đầu danh sách “đầy bi thảm này”. Theo dữ liệu của Fides, tính từ năm 2001 đến năm 2020, có 536 nhà truyền giáo đã bị sát hại trên toàn thế giới.
Các nhà truyền giáo không chết vì tham gia vào các hoạt động nổi bật, mà chỉ đơn giản là làm chứng cho đức tin của họ trong bối cảnh bạo lực, bất bình đẳng xã hội, bóc lột, suy thoái đạo đức mà môi trường.
Có thể đó là các cha xứ, bị bắt cóc, tra tấn và giết chết bởi những tên tội phạm vô lương tâm, tham lam tiền bạc, hoặc cố tình bịt miệng vì tiếng nói của các linh mục làm cho những người đang thi hành quyền lực cảm thấy không thoải mái. Các linh mục tham gia vào các hoạt động xã hội và bị giết chết vì mục đích cướp của, như ở Haiti, hoặc chết dưới tay những người mà các ngài đang giúp đỡ, như đã xảy ra ở Vênêzuela, nơi một tu sĩ đã bị giết chết bởi những tên trộm trong chính ngôi trường mà vị này đã dạy cho các bạn trẻ để xây dựng cho họ một tương lai tốt đẹp. Các nữ tu, chẳng hạn như chị Mary Daniel Abut và chị Regina Roba, bị những tên cướp máu lạnh ở Nam Suđan săn lùng và giết chết.
Trong số những nhà truyền giáo bị giết cũng có những người Công giáo tham gia vào các hoạt động Mục vụ, và họ đã đón nhận cái chết cách bạo lực, không hẳn vì “thù hận đức tin”. Con số các giáo dân, giáo lý viên bị sát hại đang gia tăng, và không chỉ vậy, nó cũng xảy ra trong các cuộc đụng độ vũ trang giữa các cộng đồng. Chẳng hạn như giáo phận Tombura-Yambi, thuộc Nam Suđan, nhiều người đã đổ máu vì cuộc nội chiến tàn khốc đã diễn ra ở khắp cùng lãnh thổ trong nhiều năm qua. Và nó cũng xảy ra ở Mêxicô, nơi Michele Colosio, 42 tuổi người Ý, điều phối viên của các dự án giáo dục trẻ em ở vùng nông thôn nghèo nhất, đã bị một tay súng bắn chết. Cái chết của Nadia de Munari ở Peru, một giáo dân truyền giáo người Ý, cũng rất bi thảm. Anh bị tấn công bằng dao trong một vụ trộm và qua đời vào ngày 24 tháng 4.
Bạo lực là kịch bản ở Miến Điện, các cuộc xung đột dân sự xảy ra dưới nhiều hình thức thật “tàn bạo và khủng khiếp”, như Đức Hồng y Charles Maung Bo, TGM ở Yangon và Chủ tịch Hội đồng Giám mục đã định nghĩa. Ít nhất 35 thường dân Công giáo đã thiệt mạng vào ngày 24 tháng 12 tại làng Mo So, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em. Họ chạy trốn sau một cuộc tấn công của quân đội và thi thể của họ bị thiêu rụi. Ở Châu Âu, tại Pháp, khó có thể quên được vụ sát hại cha Cha Olivier Maire, Bề trên Giám tỉnh của Dòng Thừa sai Thánh Montfort, vào ngày 9 tháng 8, bởi một công dân Rwandan, là người mà ngài đã chăm sóc một thời gian.
Trong thông điệp ngày Thế giới Truyền giáo, Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết “là người Kitô hữu chúng ta không thể giữ Chúa cho riêng mình. Sứ mạng truyền giáo của Giáo hội là trình bày giá trị vẹn toàn và công khai của mình trong việc biến đổi thế giới và chăm sóc thụ tạo”. Một mệnh lệnh mà các nhà truyền giáo bị giết chết đã thực thi cho đến cùng, với ý thức rằng: họ không thể không làm chứng cho Tin Mừng bằng sức mạnh của cuộc sống để ban phát tình yêu thương, bằng cách đấu tranh mỗi ngày cách ôn hòa, chống lại sự kiêu căng, bạo lực và chiến tranh….