Tại sao Công đồng Vatican II thấy cần phải cải cách phụng vụ?
Tại sao Công đồng Vatican II thấy cần phải cải cách phụng vụ?
Đây là bài đầu tiên trong loạt bài về việc cải cách phụng vụ Giáo hội.
Ngày 16/7/2021, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã ban hành một Tông thư [dưới dạng Tự sắc có tựa đề Traditionis Custodes (Những người gìn giữ truyền thống)] hạn chế việc cử hành thường gọi là Thánh lễ Latinh (Latin Mass) hay hình thức ngoại thường (extraordinary form)*. Hình thức ngoại thường là cử hành những nghi thức của Giáo hội theo các sách phụng vụ trước Công đồng Vatican II bao gồm Sách lễ năm 1962 của Đức Gioan XXIII.
* Sau cuộc cải cách Phụng vụ năm 1970 của thánh Giáo hoàng Phaolô VI, các linh mục vẫn có thể cử hành thánh lễ như hiện nay bằng tiếng Latinh, được gọi là “Thánh lễ bằng tiếng Latinh” (Mass in latin). Trong khi đó, “Thánh lễ Latinh” (Latin Mass), “Thánh lễ Triđentinô” hay “Thánh lễ hình thức ngoại thường” có nguồn gốc từ Sách lễ được Đức Giáo hoàng Piô V phê chuẩn năm 1570 sau Công đồng Triđentinô, và sau này được Đức Gioan XXIII tái công bố năm 1962. Thánh lễ hiện nay theo Sách lễ Rôma 1970 được gọi là “hình thức thông thường”.
Đối với nhiều người Công giáo, điều này nêu lên một vấn đề then chốt. Tại sao phải cải cách phụng vụ như thế? Việc cải cách đã diễn ra thế nào?
Việc canh tân Phụng vụ đã bắt đầu sôi nổi trước Công đồng Vatican II. Nó vừa có chiều kích học thuật vừa mang tính mục vụ.
Bối cảnh
Vào cuối thế kỷ XIX và đầu XX, thần học bắt đầu trở lại xem xét các nguồn thần học. Chủng sinh và sinh viên thần học bắt đầu đọc không chỉ các sách giáo khoa nêu bật tư tưởng của thánh Augustinô và thánh Tôma Aquinô, mà còn bắt đầu đọc chính [tác phẩm của] các tác giả này.
Việc “trở về nguồn” thần học như vậy bao gồm việc nghiên cứu phụng vụ thánh. Các nhà sử học công nhận rằng những lời nguyện trong phụng vụ không phải từ trời rơi xuống. Các bản văn lời nguyện này đã phát triển dần dần theo thời gian.
Hơn nữa, những thực hành như rước lễ dưới hai hình bánh rượu đã là quy tắc trong Giáo hội sơ khai. Tuy nhiên, không người Công giáo đã rửa tội nào rước Máu thánh nơi nhà thờ giáo xứ của mình. Tác phẩm Mass of the Roman Rite (Thánh lễ Nghi thức Rôma – 1948) của nhà phụng vụ-tu sĩ dòng Tên người Áo – Josef Jungmann, đã có đôi chỗ sai sót, nhưng không bao giờ thiếu những trình thuật xuất sắc về sự phát triển của phụng vụ Thánh Thể Rôma.
Việc trở về nguồn này không chỉ nối kết với lịch sử phụng vụ, đúng hơn nó cũng liên kết với thần học. Trong tác phẩm Catholicism: Christ and the Common Destiny of Man – 1938 (Giáo hội Công giáo: Đức Kitô và vận mạng chung của con người), nhà thần học Dòng Tên là Henri de Lubac lập luận rằng Giáo hội không chỉ là một tổ chức gồm có giáo hoàng, giám mục, linh mục và giáo dân. Đúng hơn, Giáo hội là sự hiệp thông phụng vụ hay Thánh Thể. Qua việc cử hành phụng vụ, Giáo hội xuất hiện như một cộng đoàn của những người được tạo dựng để chúc tụng và tôn thờ Thiên Chúa hằng sống. Cộng đoàn chúc tụng Thiên Chúa này phải hoạt động như là men giữa lòng xã hội, dẫn đưa mọi người trở nên điều mà các tín hữu lãnh nhận trong Bí tích Thánh Thể cực thánh. Mình và Máu Đức Kitô đã đổ ra để thế gian được sống.
Việc trở về nguồn thần học được liên kết chặt chẽ với một cuộc canh tân mục vụ. Kể từ thời Cải cách, Giáo hội Công giáo Rôma nhận thức được tầm quan trọng của các nghi thức phụng vụ để canh tân Giáo hội. Nhiều nghi thức – chẳng hạn như rửa tội cho trẻ sơ sinh hoặc hôn phối – được cử hành một phần bằng tiếng địa phương. Điều này giả định rằng mọi người nên hiểu những gì diễn ra nơi những nghi thức này.
Nhưng vào cuối thế kỷ XIX, rõ ràng là nền văn hóa Kitô giáo vững mạnh từng tồn tại ở châu Âu đang dần phai nhạt. Các nghi lễ diễn ra trong bối cảnh lòng đạo đức bình dân đang nở rộ lại trở nên buồn tẻ khi người ta đổ xô đến các thành phố nơi việc công nghiệp hóa và phát triển kinh tế đã thành tôn giáo mới. Ngoài ra, một cung cách cử hành Lễ đọc (Low Mass)** đã có trong Giáo hội Công giáo Rôma vào đầu thế kỷ XX. Thay vì hát, trong thánh lễ [Lễ đọc] chủ tế đọc thầm (sotte voce) những phần riêng (như kinh Vinh danh hoặc kinh Thánh, Thánh, Thánh…). Từ đó đã phát xuất mong muốn tham dự Thánh lễ với sách lễ bản ngữ. Nhưng ngoại trừ lúc truyền phép và thỉnh thoảng lúc rước Mình Thánh Chúa [phải đọc bằng tiếng Latinh], ít người hiểu chính xác tại sao người Công giáo lại chú trọng đến phụng vụ thánh như vậy.
** Lễ đọc: Low Mass hay Read Mass, một trong hai hình thức chính của Thánh lễ bằng tiếng Latinh trước Công đồng Vatican II, hình thức còn lại là Lễ hát (High Mass hay Sung Mass).
Canh tân mục vụ
Việc canh tân mục vụ đối với phụng vụ thánh được thực hiện trong nhiều bối cảnh khác nhau. Tại Đức, đã bắt đầu thử nghiệm hát các thánh thi (hymn) trong Thánh lễ. Dom Prosper Guéranger, tu viện trưởng Solemnes ở Pháp từ năm 1837–75, đã xuất bản một loạt sách có tựa đề Năm Phụng vụ (The Liturgical year). Bản văn mục vụ của loạt tài liệu này nhằm mời gọi giáo dân nhận thức sâu sắc hơn các nghi thức của Giáo hội.
Trên khắp Âu châu, những nhân vật của thế kỷ XX như tu sĩ Dòng Biển Đức người Bỉ Lambert Beauduin và triết gia-thần học gia người Đức gốc Ý là Romano Guardini đã tìm cách phản ứng với chủ nghĩa thế tục, chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa dân tộc thông qua sự đổi mới chú ý đến thần học và cử hành phụng vụ. Nếu mọi người đều hiểu được những diễn tiến trong phụng vụ, tham gia đầy đủ vào hành vi cầu nguyện, thì Giáo hội Công giáo có thể tạo ra một nền văn hóa mới, có khả năng ứng phó với những thách đố thời hiện đại.
Việc canh tân mục vụ và học thuật trong phụng vụ thánh được gọi là phong trào phụng vụ. Phong trào này được du nhập vào Hoa Kỳ bởi tu sĩ Dòng Biển Đức Virgil Michel, người thường xuyên trao đổi với những nhân vật như Dorothy Day, nữ sáng lập phong trào Công nhân Công giáo.
Những nhận định của Đức Giáo hoàng
Tuy nhiên, phong trào phụng vụ đã trở thành một phần trong huấn quyền chính thức của Giáo hội. Việc cải cách và canh tân phụng vụ bắt đầu với thánh Piô X: hạ thấp tuổi rước lễ, khuyến khích tham gia thường xuyên các nghi thức của Giáo hội và canh tân sách kinh Thần vụ vì lợi ích của hàng giáo sĩ. Trong Tông thư về thánh nhạc, Tự sắc Tra Le Sollecitudini – 1903, thánh Piô X là vị giáo hoàng đầu tiên sử dụng thuật ngữ “tham gia tích cực” trong một văn kiện. Tông thư nhằm thúc đẩy sự đổi mới của thánh nhạc trong phụng vụ và khuyến khích tất cả các tín hữu hát những phần riêng của Thánh lễ.
Đức Giáo hoàng Piô XII thậm chí còn đi xa hơn, khi với Thông điệp Nhiệm Thể Chúa Kitô (Mystici Corporis Christi – 1943), ngài trở lại quan điểm xem Giáo hội như là Thân thể Chúa Kitô trên trần gian, một sự hiện diện thực sự nơi phụng vụ Thánh Thể. Thông điệp Đấng Trung Gian của Thiên Chúa (Mediator Dei – 1947) của ngài bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với phong trào phụng vụ, khuyến khích tham gia bên trong lẫn bên ngoài vào phụng vụ thánh vì lợi ích canh tân đời sống trong Đức Kitô. Huấn thị Thánh nhạc (Musicae Sacrae – 1955) của Đức Piô XII một lần nữa đề cao giá trị của thánh nhạc trong phụng vụ, cũng như cổ võ thánh ca tiếng địa phương bên ngoài các cử hành phụng vụ chính thức của Giáo hội.
Do đó, phong trào phụng vụ đã tìm cách đề cao kinh nguyện phụng vụ nơi tâm điểm của lòng đạo đức Công giáo và của việc đổi mới văn hóa. Tại Công đồng Vatican II, do thánh Giáo hoàng Gioan XXIII triệu tập, tầm nhìn này về kinh nguyện phụng vụ đã được đưa vào Hiến chế Phụng vụ Thánh (Sacrosanctum Concilium – 1963), là hiến chế đầu tiên được các nghị phụ Công đồng phê chuẩn. Kinh nguyện phụng vụ được trình bày không chỉ như những nghi thức và lễ nghi của Giáo hội. Đúng hơn, phụng vụ là cách diễn tả đầy đủ nhất về Giáo hội với tư cách chiêm niệm và hoạt động, một cộng đoàn thần linh hoạt động như muối men tốt lành trong lịch sử.
Văn kiện này trình bày mong muốn canh tân phụng vụ thánh. Công việc này được thực hiện do một Ủy ban thành lập năm 1964, gồm các thần học gia, các nhà phụng vụ và các giám mục. Hiến chế đã tham khảo kiến thức lịch sử để canh tân kinh nguyện phụng vụ. Những cải cách này diễn ra trên phạm vi rộng. Chẳng hạn, trong phụng vụ Thánh Thể, đã có nhiều lựa chọn hơn về các Kinh Tiền tụng trước Kinh nguyện Thánh Thể. Các Kinh nguyện Thánh Thể bổ sung đã được soạn ra, mô phỏng từ các bản văn kinh nguyện lịch sử trong Giáo hội. Trong thập niên tiếp theo, những nghi thức này đã được phê chuẩn và ban hành.
Cũng ngay sau Công đồng, các giám mục yêu cầu phụng vụ được cử hành bằng tiếng địa phương. Điều này được chấp thuận cho cả thế giới, và một tiến trình dịch thuật được triển khai xoay quanh các nghi thức trong Giáo hội. Ngay cả ngày nay, khi Rôma phát hành một ấn bản nghi thức mới thì ấn bản đó phải được một ủy ban chuyên viên dịch thuật, được các giám mục địa phương, rồi Rôma [tức là Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích] chấp nhận.
Do đó, việc cải cách và canh tân phụng vụ bắt nguồn từ mong muốn là Giáo hội đáp ứng với thời hiện đại qua tầm nhìn mầu nhiệm và bí tích của đời sống Giáo hội. Vấn đề còn tồn tại là liệu cuộc cải cách và canh tân này có lợi ích cho Giáo hội hay không.
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II: “Tất cả phải cảm thấy được chào đón”
“Phụng vụ đưa ra giải đáp sâu sắc và hiệu quả nhất cho niềm khát khao gặp gỡ Chúa. Cách đặc biệt trong Bí tích Thánh Thể, nơi đó chúng ta được thông phần với hy tế của Chúa Kitô và được nuôi dưỡng bằng Mình và Máu Người. Tuy nhiên, các mục tử phải đảm bảo rằng lương tâm mình được thấm nhập ý thức mầu nhiệm. . . . Đặc biệt, nhiệm vụ của các chủ chăn là cổ võ những việc cử hành xứng đáng, dành sự quan tâm thích đáng đến các hạng người khác nhau: trẻ em, người trẻ, người lớn, người già và người khuyết tật. Tất cả họ phải cảm thấy được tiếp đón khi qui tụ, để họ có thể hít thở bầu khí của cộng đoàn tín hữu đầu tiên là ‘chuyên cần nghe các Tông đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện’ (Cv 2,42)”.
(Số 12 – Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, trong Tông thư Spiritus et Sponsa – 2003 đánh dấu kỷ niệm 40 năm Hiến chế về Phụng vụ Thánh của Công đồng Vatican II).
Timothy P. O’Malley
Ban học tập Sao Biển chuyển ngữ