ĐIỀU KIỆN ĐỂ ĐƯỢC VÀO NƯỚC TRỜI
14 11 Tr Thứ Ba Tuần III Mùa Vọng.
Thánh Gio-an Thánh Giá, Linh mục, Tiến sĩ Hội Thánh, lễ nhớ.
Mt 21, 28-32
ĐIỀU KIỆN ĐỂ ĐƯỢC VÀO NƯỚC TRỜI
Gioan là thánh vì cuộc đời ngài là một nỗ lực quả cảm dám sống trọn với tên của ngài: “của Thánh Giá”. Sự điên rồ của thập giá cuối cùng đã được thể hiện. Câu nói bất hủ của Ðức Kitô: “Ai muốn theo ta hãy từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo ta” (Mc 8, 34b) là câu chuyện cuộc đời Thánh Gioan. Mầu Nhiệm Vượt Qua – từ sự chết đến sự sống – đã được thể hiện trong cuộc đời Thánh Gioan như một người cải cách, một nhà thơ thần bí và là một linh mục thần học.
Sinh ngày 24 tháng 6 năm 1542 tại Fontiveros, Tây Ban Nha. Gioan hiểu được sự quan trọng của tình yêu tự hiến là nhờ cha mẹ. Cha ngài đã hy sinh của cải, danh vọng và sự an nhàn khi kết hôn với cô con gái của người thợ dệt và vì đó đã bị gia đình từ bỏ. Sau khi cha ngài từ trần, mẹ ngài cố gắng đùm bọc gia đình trong khi họ lang thang đầu đường xó chợ để kiếm việc làm. Những tấm gương hy sinh ấy đã giúp Gioan theo đuổi tình yêu vĩ đại của chính ngài dành cho Thiên Chúa.
Dù gia đình đã tìm được việc làm, nhưng vẫn không đủ ăn nên Gioan phải lang thang giữa thành phố giàu có nhất Tây Ban Nha. Năm mười bốn tuổi, Gioan được nhận vào làm việc trong bệnh viện với nhiệm vụ trông coi các bệnh nhân bị chứng bệnh bất trị hoặc bị điên dại. Chính trong sự đau khổ và nghèo nàn này, Gioan đã nhận biết và đã đi tìm hạnh phúc không ở nơi trần gian, nhưng ở nơi Thiên Chúa.
Năm 1563, sau khi Gioan gia nhập dòng Carmel đi chân đất, Thánh Têrêsa Avila nhờ ngài tiếp tay trong công việc cải cách. Cả hai đều tin rằng nhà dòng phải trở về với đời sống cầu nguyện. Nhiều tu sĩ Carmel cảm thấy bị đe dọa bởi sự cải tổ này nên một số tu sĩ đã bắt cóc thánh nhân. Ngài bị nhốt trong một xà lim nhỏ hẹp ở Toledo, Tây Ban Nha và bị tra tấn ba lần một tuần bởi chính các tu sĩ. Trong cái tăm tối, lạnh lẽo, và cô quạnh của xà lim, tình yêu và đức tin của ngài bừng lên như lửa. Ngài mất hết tất cả ngoại trừ Thiên Chúa và Thiên Chúa đã đem cho ngài niềm vui vĩ đại trong cái xà lim nhỏ bé đó.
Sau chín tháng tù đầy, Cha Gioan vượt ngục bằng lối cửa sổ duy nhất của xà lim mà ngài đã leo lên đó bằng sợi dây được kết bằng tấm vải trải giường, và đem theo tất cả các bài thơ huyền bí mà ngài sáng tác trong thời gian tù đầy. Vì không biết mình đang ở đâu, ngài phải theo một con chó để đi vào thành phố. Ngài trốn trong bệnh xá của một tu viện và ở đây ngài đọc thơ cho các nữ tu nghe. Từ đó, cuộc đời ngài tận tụy cho việc chia sẻ và dẫn giải tình yêu Thiên Chúa.
Lẽ ra cuộc đời nghèo khổ và tù đầy đã biến ngài thành một con người yếm thế cay đắng. Nhưng ngược lại, ngài đã trở thành một người đam mê bí ẩn, sống với sự tin tưởng rằng “Có ai thấy người ta yêu mến Thiên Chúa bởi sự tàn nhẫn đâu?” và “Ở đâu không có tình yêu, hãy đem lại tình yêu – và bạn sẽ tìm thấy tình yêu.”
Vì niềm vui chỉ xuất phát từ Thiên Chúa nên Thánh Gioan tin rằng những ai tìm kiếm hạnh phúc ở trần gian này thì giống như “một người đang chết đói mà há miệng đớp lấy không khí.” Ngài dạy rằng chỉ khi nào chúng ta dám cắt bỏ sợi dây dục vọng thì chúng ta mới có thể bay lên cùng Thiên Chúa.
Là một tu sĩ dòng Carmel, ngài cảm nghiệm sự thanh luyện tinh thần; là vị linh hướng, ngài cảm được cuộc chiến đấu tinh thần nơi người khác; là một thần học-tâm lý gia, ngài diễn tả và phân tích giá trị của sự đau khổ trong các văn bản của ngài. Hầu hết các văn bản của ngài đều nhấn mạnh đến cái giá phải trả của tinh thần kỷ luật, con đường hiệp nhất với Thiên Chúa là: sống kỷ luật, từ bỏ mình, thanh luyện. Một cách độc đáo và mạnh mẽ, Thánh Gioan nhấn mạnh đến sự mâu thuẫn của Tin Mừng: Thập giá dẫn đến sự cứu chuộc, đau khổ dẫn đến sự ngất ngây, tăm tối dẫn đến sự sáng, khi từ bỏ là lúc làm sở hữu, hy sinh bản thân để kết hợp với Thiên Chúa. Nếu bạn muốn giữ mạng sống mình thì bạn sẽ mất. Thánh Gioan quả thật là người “của Thánh Giá.”
Ngài từ trần năm 49 tuổi ngày 14 tháng 12 năm 1591 tại Ubeda, Andalusia, Tây Ban Nha – cuộc đời thật ngắn ngủi, nhưng trọn vẹn. Cha Gioan được mai táng trong hầm mộ dưới nền nhà thờ. Vào đêm ngày Thứ Hai sau lễ an táng, các đan sĩ nhìn thấy một luồng sáng lớn bừng cháy trong nhiều phút.
Sau khi thánh nhân qua đời được chín tháng, mộ phần của ngài được mở ra lần đầu. Bà Doda Anna de Penisola vì muốn đem thi hài đấng thánh về trở về ngôi nhà bà đã xây dựng cho ngài tại thành phố Segovia nên đã xin được phép chính thức cải táng thi hài sau khi ngài qua đời 18 tháng.
Lúc đó, một thuộc quyền của đức vua là trung sĩ Phanxicô de Medina Zavallos được sai đến Ubeda để thương lượng việc chuyển hài cốt. Vâng theo thượng lệnh, cha bề trên đã đưa viên sứ giả vào nhà thờ ban đêm. Và khi mở cửa mộ, họ nhận ra một mùi thơm và thấy thi hài đấng thánh vẫn còn nguyên vẹn và mềm mại. Cha bề trên khi ấy từ chối không cho đem thi hài đi khỏi viện cớ lệnh chính thức chỉ truyền chuyển các xương mà thôi. Lúc ấy, trung sĩ Zavollas cắt một ngón tay để trình cho bà Doda Anna để làm bằng chứng xác thánh vẫn còn nguyên vẹn. Khi ngón tay bị cắt, máu tuôn ra nhỏ giọt như thể của một người đang sống.
Sau chín tháng chờ đợi thêm nữa, trung sĩ Zavollas lại đến Ubeda. Mộ phần được mở ra và thi hài được thấy vẫn còn toàn vẹn bên dưới lớp vôi đã được đổ vào lần trước. Trung sĩ cho xác thánh vào một chiếc bao và đem đi, nhưng mùa thơm từ xác thánh tỏa ra khắp nơi và gợi sự tò mò khi viên trung sĩ đi ngang qua, đến nỗi ai cũng gạn hỏi là trong bao có gì. Đến Madrid, các đan sĩ dòng Kín đặt xác thánh một một quan tài để chuyển về Segovia cho xứng đáng. Khi đến nơi, thi hài đấng thánh đã được nghinh tiếp với tất cả sự cung kính tôn vinh và được trưng bày trong nguyện đường cho các tín hữu đông đảo đến kính viếng.
Thi hài đấng thánh được cải lên vào các năm 1859 và 1909. Đến năm 1926, một đài vị nguy nga bằng cẩm thạch và đồng với màu sắc đep đẽ đã được xây dựng bằng số tiền quyên góp toàn quốc và được các nghệ nhân danh tiếng nhất Tây Ban Nha thực hiện. Trong lúc chuyển dời thi hài đấng thánh đến đài vị mới này, thi hài đấng thánh lại được mở ra cho các tín hữu kính viếng. Lần cải táng gần đây nhất là vào năm 1955 nhân chuyến kinh lý của cha tổng quyền dòng Carmêlô. Lúc ấy , thi hài đấng thánh đã thấy hơi biến màu nhưng vẫn còn mềm mại tươi tốt.
Đức Giáo Hoàng Clement X tôn phong Chân Phước cho cha Gioan ngày 25 tháng 01 năm 1675 và Đức Giáo Hoàng Benedictus XIII đã nâng Ngài lên hàng hiển thánh ngày 27 tháng 12 năm 1726. Đức Giáo Hoàng Pius XI đã tuyên xưng cha Gioan của Thánh Giá là Tiến Sĩ Hội Thánh ngày 24 tháng 8 năm 1926.
Những điều kiện để vào được Nước Trời mà Chúa Giê-su nói đến trong Tám Mối Phúc Thật là những phẩm chất thấy được nơi hình ảnh trẻ em. Trẻ em là hình ảnh của những người nghèo vì chưa sở hữu tài sản đồng thời cũng rất có khả năng đón nhận với tấm lòng đơn sơ: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5, 2).
Một cách tự nhiên, trẻ em là những người hiền hoà dễ mến, từ nét mặt hiền hoà không cau có, không đe dọa ai, đến nụ cười tươi tắn, lời nói nhẹ nhàng như khơi gợi tình thương mến: “Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp” (Mt 5, 4). Trẻ em có tâm hồn trong sạch, không quanh co dối trá, không thủ lợi lừa đảo, không tính toan mưu mô: “Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa” (Mt 5, 8).
Qua dụ ngôn “Hai người con”, Chúa Giêsu muốn gián tiếp cảnh cáo thái độ cứng lòng của các đầu mục dân Do Thái, và kêu gọi họ phải ăn năn sám hối nếu muốn được hưởng ơn cứu độ. Dụ ngôn trình bày về hai thái độ của hai đứa con trong một gia đình:
Người thứ nhất tượng trưng các người thu thuế tội lỗi, tuy lúc đầu đã phạm tội không làm theo thánh ý Thiên Chúa khi không tuân giữ Luật Mô-sê, nhưng đã tin Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai và hồi tâm sám hối tội lỗi, nên đủ điều kiện vào Nước Thiên Chúa của Người.
Người con thứ hai tượng trưng cho các thượng tế và đầu mục dân Do thái. Tuy bề ngoài họ rất có lòng đạo, thể hiện qua việc tuân giữ Luật Môsê trong từng chi tiết, nhưng lại cứng lòng không tin vào Gioan Tẩy Giả và Chúa Giêsu do Thiên Chúa sai đến. Trái lại còn ra tay giết hại Đức Giê-su trên cây thập giá. Nên cuối cùng họ sẽ bị loại ra ngòai Nước Thiên Chúa.
Nhờ ơn của Bí tích Rửa tội, mỗi chúng ta trở nên công dân của Nước Trời, vì thế, ta cần phải hoàn thiện con người mình mỗi ngày cho xứng là tín hữu, bằng việc không ngừng sám hối. Việc sám hối không chỉ là việc của người tội lỗi, cũng không chỉ là ân hận khóc than về quá khứ, nhưng là cố gắng mỗi ngày cắt tỉa những thói hư tật xấu và cố gắng làm nhiều điều tốt.
Mỗi ngày cần phải tái khẳng định niềm tin vào Chúa Giêsu là Tin Mừng của Thiên Chúa Cha và là Đấng cứu độ chúng ta để dám phó thác cuộc đời cho Ngài; đồng thời, mỗi người cần phải lắng nghe, suy gẫm và thực hành những điều Tin Mừng chỉ dạy. Tin vào Tin Mừng còn là sống và loan báo niềm vui mà Tin Mừng đem lại. Đó là niềm vui ơn cứu độ, niềm vui được giải thoát khỏi sự chết và được hưởng sự sống của Thiên Chúa, niềm vui và tự hào vì được trở nên con Thiên Chúa.
Giáo Hội là hình ảnh Nước Trời nơi trần gian, mà chúng ta đang là những thành viên. Chúng ta có bổn phận chung tay xây dựng Giáo Hội bằng sự hiệp thông, hiệp nhất và vâng nghe theo sự hướng dẫn của Giáo Hội. Chúa đang mời gọi mỗi người, dù ở bậc sống nào, dù là nghề nghiệp gì, cũng cần phải góp phần mình xây dựng Giáo Hội. Cùng với mọi thành viên khác, chúng ta làm cho Tin Mừng tình thương của Chúa được lan tỏa đến các anh chị em chung quanh qua chính đời sống và hành động của mỗi người.