Làm thế nào để nói với các trẻ về Các Thánh Tử Đạo?
Làm thế nào để nói với các trẻ về Các Thánh Tử Đạo?
Các vị tử đạo là dấu chỉ sáng ngời của quyền năng Chúa Thánh Thần. Họ không phải là những siêu anh hùng được phú bẩm cho sức mạnh phi thường hay khả năng chịu đựng đau khổ lạ thường.
Nếu họ có thể chịu đựng được những đau khổ của việc tử đạo với sự thanh thản bất khuất cho đến cuối cùng, đó là bởi vì họ đã đặt mình trong vòng tay Thánh Thần của Thiên Chúa, Đấng phủ đầy sức mạnh nơi họ. Họ đã dâng hiến sự yếu đuối của mình cho Thiên Chúa và nhờ sự mỏng dòn này, Chúa Thánh Thần đã biểu lộ quyền năng của Ngài. Chúng ta đừng ngần ngại nói cho trẻ biết về giá trị và sức mạnh của những vị tử đạo này, đặc biệt nếu họ là một trong những vị thánh bảo trợ cho con cái chúng ta.
1- Chúng ta nên trình bày những vị tử đạo như thế nào cho con cái chúng ta?
Không cần thiết phải đi vào cụ thể những chi tiết khủng khiếp và đáng sợ của những cuộc tra tấn gây ra cho các Kitô hữu tử đạo. Điều này có thể gây tổn thương và khiến trẻ sợ hãi, đặc biệt với những đứa trẻ nhạy cảm; hơn nữa, nó không phải là điểm cốt yếu. Nhiều vị tử đạo chỉ được biết đến qua hoàn cảnh của cái chết của họ. Không có lý do gì để tạo ra một cuộc sống cho họ mà chúng ta không biết gì về nó, nhưng chúng ta có thể mô tả bối cảnh lịch sử, địa lý và xã hội của vị tử đạo đó như thế nào.
Cũng cần nhấn mạnh đến vai trò của Chúa Thánh Thần, nói rõ cách mà các thánh tử đạo tìm thấy sức mạnh của mình nơi Thiên Chúa. Chúa Thánh Thần ban cho họ đức tin bất khả chiến bại. Khi họ bị chất vấn, Ngài truyền cảm hứng cho họ bằng những câu trả lời sắc sảo và kiên định đến bất ngờ. Chúa Thánh Thần ban cho họ sức mạnh không chỉ để chịu đựng hàng ngàn lần đánh đập, tra tấn, lăng mạ và sỉ nhục, mà còn để làm điều đó với niềm vui và bình an, như nhiều câu chuyện kể lại. Bạn nên giải thích rằng niềm vui này không phải là sự thờ ơ trước đau khổ, mà là sự tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa.
2- Các vị tử đạo, tấm gương cho mọi Kitô hữu
Tại sao lại nói về các thánh tử đạo với trẻ em? Các vị tử đạo là tấm gương sáng và là nguồn cảm hứng cho chúng ta. Có lẽ chúng ta không được kêu gọi để dâng hiến mạng sống của mình trong một cuộc tấn công nào, để chịu đựng sự tra tấn và hành hình thể xác (điều đó nói rằng, bạn không bao giờ biết). Nhưng, trong mọi trường hợp, tất cả chúng ta đều được kêu gọi, ngay cả những đứa trẻ, để cống hiến mạng sống của mình hàng ngày, vào mọi thời điểm. Nó ít ngoạn mục hơn, nhưng không hẳn là dễ dàng hơn. Vậy thì các vị tử đạo dạy chúng ta điều gì để giúp chúng ta hiến dâng cuộc đời mình cho Thiên Chúa?
Việc quá lo lắng trước về những gì có thể xảy ra cũng chẳng ích gì. Dù đó là gì, Chúa Thánh Thần sẽ ban cho chúng ta sức mạnh và sự bình an để vượt qua tất cả. Điển hình, Thánh nữ trẻ Blandina ở Lyon đã biết trước sự đau khổ đang chờ đợi mình, và chị tin rằng mình không có khả năng chịu đựng nó, nhưng khi thời điểm đến, Thiên Chúa đã ban cho chị tất cả những gì chị cần để đối mặt với nó.
Thiên Chúa là Đấng toàn năng, Ngài chỉ yêu cầu chúng ta hãy để Ngài ban cho chúng ta sức mạnh của Ngài. Tất cả những gì chúng ta cần làm là cho phép Ngài hành động, để chúng ta sẵn sàng đón nhận Chúa Thánh Thần, và để làm được như vậy, điều đầu tiên chúng ta cần làm là nhận ra sự mong manh của mình. Chúng ta nên giúp con cái kết hợp thái độ này vào những sự việc cụ thể trong cuộc sống của chúng. Không phải bằng vũ lực, bằng ý chí tuyệt đối. Cần phải nỗ lực, điều đó đúng, nhưng với sự giúp đỡ của Thiên Chúa, nhìn nhận mình là tội nhân, biết mình yếu đuối, nhận ra lỗi lầm và thất bại của mình trên đường đời, luôn giữ vững lòng tin cậy nơi Thiên Chúa.
3- Đừng “xấu hổ” khi mang danh là Kitô hữu
Điều quan trọng là phải giải thích cho trẻ em rằng các vị tử đạo cũng dạy chúng ta có lòng can đảm để đứng lên vì đức tin của mình mà không sợ bị chế giễu, xúc phạm hoặc đánh đập. Có lẽ rất khó đối với một đứa trẻ, và không nghi ngờ gì nữa đối với một thiếu niên, dám nói rằng chúng là người Kitô hữu và cư xử như vậy trong một môi trường đầy ghen ghét và thù địch. Vì những khó khăn này, chúng có thể rút lui, trở nên lo lắng hoặc trở nên phòng thủ bằng cách khoác lên mình lớp vỏ bảo vệ là không khoan nhượng, phán xét người khác. Tùy thuộc vào tất cả chúng ta,các bậc cha mẹ và các nhà giáo dục, dạy cho trẻ luôn tự hào về đức tin của mình, không phải là những Kitô hữu “xấu hổ” vì sự chịu đựng, nhưng tự hào về thái độ hòa bình và bác ái. Đó là lý do tại sao điều quan trọng là trẻ em phải nói về điều đó với cha mẹ của chúng, thông qua lòng trắc ẩn… và một chút hài hước.
Hãy dạy trẻ rằng chúng ta không thể là anh hùng trong lĩnh vực đức tin, nhưng đồng thời thiếu sót trong lĩnh vực bác ái. Chúng không thể bị phân tách. Làm chứng cho đức tin của chúng ta không chỉ có nghĩa là khẳng định niềm tin của chúng ta mà còn, và trên hết, là cư xử với tư cách là Kitô hữu, tức là môn đệ của Đấng đã ban cho chúng ta lòng trắc ẩn và tình mến như điều răn đầu tiên của chúng ta. Thần Khí ban sức mạnh cũng như sự ngọt ngào.
Tác giả: Christine Ponsard
Lược dịch: Thụy Uyên