LÒNG BAO DUNG
04 30 Tr Thứ Năm Tuần XXXI Thường Niên.
Thứ năm đầu tháng. Ngày các Linh mục.
Thánh Ca-rô-lô Bô-rô-mê-ô, Giám mục, lễ nhớ.
Rm 14,7-12; Lc 15,1-10.
LÒNG BAO DUNG
Thánh Carôlô là vị Giám Mục nổi tiếng của giáo phận Milan. Ngài sinh năm 1538 tại Arôna, trong một gia đình quý tộc và đạo đức.
Lớn lên, thánh nhân theo học luật tại Pari, nước Pháp. Và năm 1559, ngài đã đạt bằng tiến sĩ.
Lúc đó cậu ngài là Mêdici được bầu làm Giáo Hoàng, lấy hiệu là Piô thứ IV; ngài được triệu về Rôma làm thư ký, và năm sau được lãnh chức Hồng Y, với quyền cai quản Giáo phận Milan. Nhưng vì nhu cầu đòi hỏi, ngài phải ở lại Rôma, giúp Đức Giáo Hoàng tổ chức công đồng Triđentinô. Sau khi công đồng kết thúc vào năm 1546, ngài lại phải chăm sóc Đức Giáo Hoàng là cậu ngài đang lâm bệnh nặng cho đến khi qua đời. Ngài chỉ được đến Milan vào năm 1566.
Giáo phận này đang gặp cơn khủng hoảng trầm trọng: từ giáo dân đến giáo sĩ và các dòng tu đều sa sút về đạo đức. Ngài nỗ lực canh tân tất cả. Ngài là người làm việc không biết mệt mỏi và luôn luôn cầu nguyện. Lời nguyện và hoạt động là lý tưởng sống đời của ngài. Ngài dành trọn quãng đời còn lại để lo hoàn chỉnh giáo phận, bằng lời dạy dỗ nhất là bằng gương sáng.
Dựa theo những quyết định của công đồng Triđentinô, thánh nhân đổi mới mọi sinh hoạt trong giáo phận: trước tiên ngài lo củng cố lại hàng giáo sĩ và các dòng tu, vì đây là thành phần nòng cốt cho mọi hoạt động mục vụ. Mặc dù giáo phận rộng lớn, ngài cố gắng đi thăm viếng khắp nơi, quan sát từng chỗ rồi khích lệ, bảo ban, sửa đổi cho hợp với đường lối của Hội Thánh. Ngài thiết lập thêm nhiều tu viện và chủng viện, để đào tạo giáo sĩ tu sĩ. Những tu viện hoặc chủng viện nào sa sút kém cỏi, ngài củng cố tu chỉnh lại. Ngài dạy bảo họ:
“Tôi nhận thực là hết thảy chúng ta đều yếu đuối, nhưng Thiên Chúa lại ban cho chúng ta nhiều phương tiện, mà nếu chúng ta biết sử dụng, sẽ trở thành nguồn trợ lực cho chúng ta…”
“Hỡi các bạn, các bạn nên hiểu rằng: không có gì thiết yếu cho giáo sĩ chúng ta bằng việc nguyện ngắm, nó phải đi trước, đi đôi và theo sau mọi hoạt động của chúng ta; như lời vị ngôn sứ xưa đã nói: Tôi sẽ ca ngợi Chúa và tôi sẽ hiểu. Này bạn, nếu bạn ban các Bí tích, bạn hãy suy gẫm điều mình làm; nếu bạn cử hành Thánh lễ, bạn hãy suy gẫm điều mình dâng hiến; nếu bạn hát ca vịnh nơi Cung Thánh, bạn hãy suy gẫm mình đang hát gì và hát cho ai; nếu bạn chăm sóc các linh hồn, bạn hãy suy nghĩ nhờ máu ai mà họ được tẩy rửa. Và như vậy bạn làm mọi việc với lòng yêu mến; như thế chúng ta mới có thể dễ dàng chiến thắng mọi trở ngại mà chúng ta gặp phải hằng ngày, và cũng nhờ đó mà chúng ta mới có thể tác sinh Chúa Kitô nơi chúng ta cũng như nơi tha nhân.”
Nhưng những hoạt động và công cuộc canh tân của thánh nhân bị nhiều người bất mãn chống đối. Họ tổ chức giết hại ngài. Một lần đang khi cầu nguyện, ngài suýt mất mạng vì cuộc mưu sát của họ.
Năm 1576 đến 1578, một cơn dịch hạch đã xảy ra dữ tợn tại Milăn, thánh nhân dồn hết năng lực giúp đỡ dân chúng khổ sở. Ngài bố thí tất cả những gì ngài có, ngài sai các Linh mục tu sĩ chăm sóc cả phần hồn phần xác của họ; ngài tổ chức nhiều buổi cầu nguyện, kêu xin Chúa thương cứu vớt họ. Nhờ đó mà căn bệnh ngặt nghèo này đã chấm dứt. Mọi người vui mừng cảm tạ ơn Chúa và mến phục ngài. Những kẻ trước kia chống đối ngài bao nhiêu, nay quý mến ngài bấy nhiêu. Nhất là những người tội lỗi và ngoại giáo thấy vậy thì ăn năn trở lại với Chúa.
Thánh nhân qua đời ngày 3 tháng 11 năm 1584, hưởng dương 46 tuổi. Đức Giáo Hoàng Phaolô V đã phong thánh cho ngài năm 1610.
Trang Tin Mừng chúng ta nghe hôm nay kể lại hai dụ ngôn đầu. Dụ ngôn tuy ngắn nhưng giàu hình ảnh và diễn tả nhiều sắc thái tình cảm khác nhau: lo lắng, so bì, ganh tỵ, bao dung, tha thứ, phấn khởi, hân hoan…
Bị mất và đi tìm là điều thường xảy ra trong cuộc sống của con người. Đọc báo hay xem tivi, chúng ta thấy người ta không chỉ đăng tin: tìm trâu bò, giấy tờ, xe máy bị mất mà đặc biệt là còn tìm người thân bị lạc mất.
Sự đánh rơi tài sản quý giá hay lạc mất người thân làm cho chủ nhân hay gia đình lo âu, đau khổ; phải vất vả bôn ba kiếm tìm.
Qua hai dụ ngôn, chúng ta nhận thấy: một con chiên dù không có giá trị là bao so với cả đàn chiên, nhưng người chăn chiên cũng cất công tìm kiếm; cũng thế, một đồng bạc chẳng đáng là gì nhưng người phụ nữ đã vất vả kiếm tìm. Cho nên, khi kể dụ ngôn, Chúa Giêsu không có ý nói về tải sản vật chất nhưng nói về các tội nhân được Ngài tìm kiếm và đưa về. Đối với Chúa, mỗi một con người -dù tội lỗi – đều có giá trị.
Sứ mạng của Chúa Giêsu đến trần gian là để tìm kiếm những tâm hồn đã hư mất vì tội lỗi. Ngài không quản ngại đi khắp nơi rao giảng Tin Mừng và mời gọi người ta sám hối. Ngài len lỏi vào mọi ngóc nghách của cuộc sống, giao du tiếp đón mọi hạng người.
Thật vậy, Chúa Giêsu kể những dụ ngôn này trong một hoàn cảnh đặc biệt. Các luật sĩ và biệt phái lấy làm vấp phạm khi thấy Ngài giao du với những kẻ mà họ gọi là tội nhân.
Trong xã hội Do-thái, có một hàng rào ngăn cách giữa những người được xem là đạo đức và những người bị coi là tội lỗi. Các luật sĩ và biệt phái – những người tự nhận mình là đạo đức – hết sức khó chịu khi thấy Đức Giêsu làm bạn với những người tội lỗi.
Tuy nhiên, đối với Đức Giêsu, hạng người tội lỗi mới là đối tượng khiến Chúa phải cất công kiếm tìm: “Con Người đến để tìm kiếm và cứu chữa những gì đã mất”.
Con chiên lạc, đồng bạc mất là hình ảnh của mỗi người chúng ta, vì mỗi người chúng ta trước mặt Chúa đều là tội nhân. Chỉ những ai – như biệt phái và luật sĩ kiêu ngạo – tự nhận mình là công chính mới tự loại mình ra khỏi tình thương và ơn cứu độ của Chúa.
Chúa Giêsu vui mừng đón nhận những người tội lỗi và thu thuế đến với Ngài, lắng nghe giáo huấn Ngài; trong khi đó, các kinh sư và những người thuộc phái Pharisiêu bưng tai bịt mắt trước những lời giảng dạy của Chúa và các phép lạ Ngài làm, không những thế còn càm ràm, trách mọc Chúa vì sự cởi mở của Ngài đối với những người thu thuế và tội lỗi. Chúa tìm mọi cách để giúp những người yếu đuối, tội lỗi có cơ hội hối cải và Ngài vui mừng đón nhận họ trở lại giống như người chăn chiên vui mừng tìm lại được con chiên lạc hay người phụ nữ phấn khởi tìm lại được đồng bạc đã mất; trong khi đó, những người Pharisiêu và các kinh sư tìm cách ngăn cản và loại họ ra khỏi cộng đoàn.
Dừng lại suy nghĩ. chúng ta có tâm tình đầy yêu thương bao dung của Chúa hay chúng ta có thái độ hằn học, tẩy chay họ. Một khi ta tẩy chay họ thì chúng ta cũng tự loại mình ra khỏi cộng đoàn của những con người biết hoán cải trở về với Chúa để được Chúa vui mừng tiếp rước vào gia đình đầy tình thương và hạnh phục của Ngài.