Hồng y Parolin ca ngợi chứng từ đức tin của văn hào Nga Dostoevsky
Hồng y Parolin ca ngợi chứng từ đức tin của văn hào Nga Dostoevsky
Nhà văn Nga Fyodor Dostoevsky (1821-1881) đặt câu hỏi về Chúa làm trọng tâm cho tác phẩm của mình
Trong một tuyên bố ngày thứ ba 5 tháng 10 tại buổi nói chuyện liên quan đến việc phát hành một quyển sách về Fyodor Dostoevsky ở Ý nhân sinh nhật lần thứ 200 của nhà văn sẽ được tổ chức vào ngày 30 tháng 10, hồng y Pietro Parolin ca ngợi “các nhân vật của Dostoevsky làm chứng cho vẻ đẹp và sức mạnh không lường được của đức tin kitô giáo.”
Theo hãng tin Ý SIR, hồng y Quốc vụ khanh đã nói chuyện nhân dịp giới thiệu quyển sách Fyodor Dostoyevsky, tập hợp các tác phẩm của triết gia vĩ đại người Nga Vladimir Soloviev (1853-1900). Tác phẩm được nhà xuất bản Ý Cantagalli xuất bản nhân dịp kỷ niệm hai trăm năm ngày sinh của Fyodor Dostoyevsky (1821-1881).
Trưởng Giáo chủ Hilarion của Tòa Thượng phụ Volokolamsk, chủ tịch Ban Đối ngoại của Tòa Thượng phụ Matxcova cũng có mặt tại sự kiện này, ngài viết lời tựa cho cuốn sách. Ngài là cộng tác viên thân cận nhất của Thượng phụ Chính thống giáo ở Mátxcơva Cyril I.
Đức tin của những người khiêm nhường
Hồng y Parolin phấn khởi nói: “Các nhân vật của Dostoevsky không chỉ là sáng tạo văn học và nghệ thuật xuất sắc. Hôm qua cũng như hôm nay, họ làm chứng cho vẻ đẹp và sức mạnh không lường được của đức tin kitô giáo: đức tin của những kẻ bị sỉ nhục và bị xúc phạm, của những người rốt cùng, của những kẻ bị bắt bớ: những kẻ bị cho là xấu xa nhất, những kẻ đã biết được vực thẳm của thiện, của ác.”
Trong cuộc gặp gỡ được tổ chức tại nghĩa trang Teutonic Vatican, hồng y đã bình luận về cách giải thích mà triết gia Vladimir Soloviev đã đưa ra về người bạn và người thầy của mình trong ba bài diễn văn được đọc để tưởng nhớ Fyodor Dostoyevsky: “Dù cái ác là vĩ đại và không thể đánh bại thống trị thế giới, thì tâm hồn con người còn vĩ đại hơn, không cho phép con người bằng lòng với một cuộc sống được tạo nên từ những chuyện tầm thường, phù phiếm nhưng khao khát một cuộc sống trọn vẹn, phổ quát và vĩnh cửu, để có một hạnh phúc đích thực.”
Nhà văn Nga duy nhất đã “nhận Chúa Giêsu vào tâm hồn”
Về phần mình, Thượng Giáo chủ Hilarion cho rằng, “Dostoyevsky khác với các nhà văn Nga khác vì ông đã đào sâu bản chất cuộc sống bình dân, đào sâu nhân cách Chúa Kitô và đời sống Giáo hội (…) Ông là nhà văn Nga duy nhất đã nhận Chúa Giêsu vào tâm hồn mình”. Ngài nhắc lại 4 năm Dostoyevsky bị lao động cưỡng bách ở Siberia. “Chung quanh ông là những tội phạm, ông nghe câu chuyện của họ và ông đưa các câu chuyện này vào tác phẩm của mình.” Người bạn đồng hành duy nhất của ông khi đó là quyển Phúc âm của một phụ nữ cho ông, ông đã giấu dưới gối ban đêm, và ban ngày ông đem ra đọc.
Marta An Nguyễn dịch