Thường huấn về căn tính linh mục
“THƯỜNG HUẤN VỀ CĂN TÍNH LINH MỤC” –
MỘT ĐIỂM NHẤN QUAN TRỌNG TRONG CÔNG CUỘC ĐÀO TẠO LINH MỤC TRƯỚC THỰC TRẠNG LẠM DỤNG TÍNH DỤC
Tác giả: Lm. Giuse Đỗ Mạnh Thịnh
Đại Chủng Viện Thánh Giuse Xuân Lộc, tháng 10 năm 2021
WHĐ (25.10.2021) – Trong vài năm qua, truyền thông xã hội tại nhiều quốc gia đồng loạt “phơi bày” thực trạng giáo sĩ lạm dụng tính dục. Thêm vào đó, kết quả điều tra tại nhiều nơi về những vụ lạm dụng tính dục trẻ em xảy ra trong nhiều thập niên trước đã được trưng ra cách công khai. Ngày 5-10-2021 vừa qua, báo chí thế giới lại bùng lên liên quan đến một kết quả điều tra được thực hiện trong hai năm qua tại Pháp theo đó, “trong khoảng thời gian 70 năm [từ năm 1950 – 2020], có tổng cộng khoảng 216.000 (với sai số 50 ngàn) người ở Pháp là nạn nhân vị thành niên bị lạm dụng tính dục trong Giáo hội Pháp, bởi khoảng từ 2.900 đến 3.200 linh mục và tu sĩ”[1]. Những tin tức như vậy dễ thu hút sự chú ý, tạo ra một làn sóng phẫn nộ từ nhiều người trong và ngoài Giáo Hội. Đối với Nhiệm Thể Giáo Hội, những thông tin đó trở nên như một cơn “địa chấn” mạnh mẽ gây khủng hoảng niềm tin, tổn thương tinh thần cho nhiều người, và cũng là “cớ vấp phạm” cho những người vốn thiếu thiện cảm với Giáo Hội. Điều này dẫn đến hậu quả tiêu cực đó là, một đàng người ta nghi ngờ Giáo Hội, mất niềm tin vào sự lãnh đạo của các mục tử; đàng khác, tại nhiều giáo hội địa phương, các linh mục phải sống trong sự nghi kỵ, bị giám sát hoặc tự hạn chế hoạt động mục vụ đến mức gây nên mặc cảm bị xa tránh hoặc sợ hãi, dẫn đến thái độ sống khép kín.
Khi nghe thông tin về một “scandal” lạm dụng tính dục xảy ra ở đâu đó, có thể người ta có nhiều phản ứng khác nhau. Ví dụ, có người ngay lập tức cho rằng truyền thông ngày nay dễ bị lèo lái theo những mưu đồ cá nhân hay chính trị đảng phái; cũng có người nghĩ rằng đó là sản phẩm của thái độ chống đối Giáo Hội được thực hiện bởi một nhóm nào đó; hoặc những người khác coi những sự việc lạm dụng tính dục là chuyện chỉ xảy ra ở Phương Tây xa xôi, nơi “thừa bứa” tự do, không liên quan lắm đến “tôi”. Đàng khác, có người nghi ngờ tính nghiêm túc và chân thật của những bản điều tra đó; hoặc biện minh rằng có phải chỉ giáo sĩ lạm dụng tính dục đâu, các đối tượng khác lạm dụng tính dục nhiều hơn, ví dụ phụ huynh, giáo viên, huấn luyện viên thể thao!
Khi xem xét về phương diện đào tạo linh mục, có không ít tác giả nỗ lực phân tích, nghiên cứu để tìm ra nguyên nhân được cho là có nhiều khả năng đã dẫn đến thực trạng lạm dụng tính dục, ví dụ như nghiên cứu của George Weigel[2], Gerald D. Coleman[3]. Những nghiên cứu này mang lại rất nhiều thông tin, cũng như những phân tích chuyên môn, giải pháp hữu ích cho công cuộc đào tạo linh mục.
Bài viết này không lạm bàn những tranh luận trên, cũng như không có ý đọc lại những “giả thuyết” về nguyên nhân của lạm dụng tính dục mà nhiều tác giả đã trình bày; đúng hơn, nó muốn gợi lên một cách tiếp cận vấn đề lạm dụng tính dục trong mối liên hệ đến lĩnh vực đào tạo linh mục. Một cách cụ thể, mỗi chủng sinh, linh mục có thể tự vấn: làm thế nào để chính mình có thể bảo vệ bản thân trong sứ vụ và bảo vệ các “chi thể” khác trong nhiệm thể Giáo Hội? Nói cách khác, “lỗ hổng” nào trong quá trình đào tạo có thể dẫn linh mục đến những thực hành đáng buồn đó?
Bằng cách tiếp cận như thế, bài viết nhấn mạnh đến một yếu tố nền tảng trong công cuộc đào tạo và trong đời sống cũng như sứ vụ linh mục. Yếu tố đó chính là “thường huấn về căn tính linh mục”. Trong thực tế, đây là yếu tố nòng cốt không thể thiếu, xong nó cũng dễ dàng, một cách vô tình hay hữu ý, bị xem nhẹ hoặc không thể duy trì trong một giai đoạn nào đó của đời sống linh mục.
“Thường huấn về căn tính linh mục” giúp cho người môn đệ có thể giữ “lửa” trong ơn gọi và trong khi thực thi sứ vụ. Căn tính linh mục được thể hiện một cách cụ thể và sống động trong hai chiều kích chính yếu: (1) “cảm thức yêu mến Giáo Hội”, (2) trở nên “đồng hình đồng dạng với Chúa Ki-tô.”[4] Chính hai chiều kích này gợi đến một nhu cầu, một đòi hỏi và như một thách đố triền miên cho tiến trình đào tạo, đó là: (3) “tự giáo dục” trường kỳ hay “thường huấn”.[5] Chúng ta đi sâu vào từng lĩnh vực.
- Cảm thức yêu mến Giáo Hội, Mẹ và Hiền Thê của Đức Kitô
Thực sự, không phải đợi đến những năm gần đây, khi mà truyền thông phơi bày ra ánh sáng nhiều vụ việc lạm dụng tính dục, thì Giáo Hội mới quan tâm, mới cảm thấy lo âu và nỗ lực tìm phương “giải quyết”. Đúng hơn, đọc lại lịch sử Giáo Hội, chúng ta sẽ thấy rằng vấn đề lạm dụng tính dục, một cách nào đó, đã tồn tại trong hàng ngũ những môn đệ của Đức Kitô như một “vết nhăn nheo” không đáng có trên khuôn mặt Giáo Hội. Từ thời các thánh giáo phụ, ví dụ thánh Ba-si-li-ô Cả[6], thánh Gio-an Kim Khẩu[7], thánh Au-gút-ti-nô[8] đến thánh Phê-rô Đa-mi-an-nô[9]…, vấn đề lạm dụng tính dục của hàng ngũ tu sĩ và giáo sĩ cách riêng luôn làm dấy lên những lo âu, trăn trở cho các mục tử thánh thiện này. Tùy hoàn cảnh và thời đại, các ngài luôn mạnh mẽ lên tiếng chống lại những thực hành tính dục sai trái đó, đàng khác không ngừng dạy dỗ, trong tư cách cá nhân hay tập thể, bằng lời giáo huấn, những chỉ dẫn và cả những hình thức “kỷ luật” mạnh mẽ.
Cũng vậy, trong những năm qua, Giáo Hội đã có những hành động cụ thể để đương đầu với vấn đề này. Ví dụ, ngày 4/6/2016, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban hành sắc lệnh Như Người Mẹ Yêu Thương. Đây là những hướng dẫn cụ thể liên quan đến vấn đề giáo sĩ lạm dụng tính dục. Thêm vào đó, Đức Thánh Cha đã thành lập một Uỷ ban Giáo hoàng về Bảo vệ Trẻ vị thành niên. Uỷ ban này có trách nhiệm nghiên cứu các biện pháp bảo vệ, đề phòng và giải quyết các trường hợp lạm dụng tính dục trên phạm vi Giáo Hội hoàn vũ… Dựa vào những định hướng đó, nhiều Hội đồng Giám mục đã đề ra những hành động cụ thể để giúp các nạn nhân, các linh mục, đồng thời ngăn ngừa “sự lây lan” của thực trạng lạm dụng tính dục.
Nhắc lại những điều đó, chúng ta không có ý biện minh cho vấn đề lạm dụng tính dục như một thứ bệnh “mãn tính” (không thể chữa khỏi). Trái lại, qua đó chúng ta một đàng xác tín rằng Giáo Hội không bao giờ im tiếng, thỏa hiệp, hoặc làm ngơ trước sự lộng hành của điều dữ gây nên bởi chính các chi thể của mình; đàng khác, quan trọng hơn, khi nhắc lại những lo âu, quan tâm và nỗ lực đương đầu với thực trạng lạm dụng tính dục của hàng giáo sĩ, chúng ta được mời gọi làm sống lại “cảm thức yêu mến Giáo Hội”, Hiền Thê của Đức Ki-tô và là Mẹ của chúng ta.
Thiết tưởng chúng ta không cần nhắc lại những vụ án lạm dụng tính dục đã xảy ra tại nhiều nơi trên thế giới được truyền thông đề cập trong những năm qua. Điều cần thiết hơn đó là: chúng ta cần có trăn trở, ý thức rằng lạm dụng tính dục đang là một trong những quan tâm hàng đầu của Giáo Hội, nó là một thách đố lớn lao cho Giáo Hội trong vai trò là “Mẹ và Thầy”, nó đang gây nên nghi kỵ, chia rẽ, và làm cho nhiều “chi thể” trong Nhiệm Thể Giáo Hội phải đau đớn. Nói cách khác, đối mặt với thực trạng lạm dụng tính dục, trước hết, chúng ta được mời gọi củng cố lại cảm thức yêu mến Giáo Hội nơi mỗi người bằng một thái độ đồng cảm, ưu tư, lo lắng và hành động trong sự hiệp nhất của toàn Nhiệm Thể Giáo Hội.
Thực sự, cảm thức yêu mến Giáo Hội không phải là một hạn từ trừu tượng được nghe nói đến hay đọc thấy ở đâu đó. Nhưng, đó là một tâm thức thường hằng, được diễn tả qua một lối sống cụ thể gồm hai yếu tố chính yếu: vâng phục và hiệp thông.
Sự vâng phục và hiệp thông có thể được diễn giải theo ngôn từ của thánh Phao-lô: Nhìn Giáo Hội như một thân thể có Đức Ki-tô là Đầu, chúng ta thấy mình như một chi thể cần phải gắn kết với Đầu trong sự vâng phục vì đó là “sự sống còn” của chúng ta. Nhìn Giáo Hội như một thân thể gồm nhiều chi thể, chúng ta thầy mình có trách nhiệm với chính mình trong tư cách là một chi thể, đồng thời có trách nhiệm liên đới với các chi thể khác để làm nên sự sống hài hòa cho toàn thân thể (x. 1 Cr 12,12–26). Như vậy, chủng sinh, linh mục cần xác tín rằng, mình thuộc về một Nhiệm Thể, và mình chỉ có sự sống trong sự tương quan mật thiết với Đầu và các chi thể khác. Đó đích thực là cách thể hiện cụ thể một cảm thức yêu mến Giáo Hội!
Chỉ khi nào chúng ta thực lòng yêu mến Giáo Hội bằng những thực hành cụ thể như vậy, chúng ta mới cảm nhận sâu xa tính nghiêm trọng của nạn lạm dụng tính dục, nó đã gieo đau khổ lâu dài cho nhiều tâm hồn, những chi thể yếu đau của Giáo Hội mà lẽ ra phải được bảo vệ và chăm sóc, cũng như gây nên những “vết thương” đau đớn cho Nhiệm Thể Giáo Hội có Đức Ki-tô là Đầu. Cảm thức yêu mến Giáo Hội – “vâng phục và hiệp thông” – sẽ thúc đẩy chúng ta nỗ lực tìm kiếm sự hoán cải, chữa lành, chăm sóc và bảo vệ các chi thể khác, nhất là những chi thể “đau yếu”.
Như vậy, trước thực trạng lạm dụng tính dục, thiết tưởng mỗi chủng sinh, linh mục, bị đặt trước một “đòi hỏi” quan trọng trong tiến trình đào tạo về đời sống và sứ vụ linh mục, đó là: người môn đệ biết tự huấn luyện và hoán cải thường xuyên về cảm thức yêu mến giáo hội, thể hiện một cách sống động qua tâm tình cũng như thái độ “vâng phục và hiệp thông”. Chúng ta nghe lại lời của Bộ Giáo Sĩ như một nhắc nhở và định hướng quan trọng mang tính tiên tri trong bối cảnh mà chúng ta đang phải đối diện: “Bản chất và sứ vụ của linh mục phải được hiểu trong lòng Giáo Hội, là Dân Chúa, là Thân Thể Chúa Ki-tô và là Đền Thờ của Chúa Thánh Thần. Chính là để phục vụ Giáo Hội mà linh mục tận hiến cuộc đời mình.”[10]
Thực sự, thường khi trái tim một linh mục không còn chung nhịp đập với Giáo Hội, không còn cảm thức yêu mến Giáo Hội – đoạn tuyệt với tinh thần vâng phục và hiệp thông – hoạt động mục vụ và cả các cử hành thánh thiêng của linh mục sẽ mất “hồn sống”. Ân sủng và sự đỡ nâng siêu nhiên sẽ dần mất theo.
- Trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Ki-tô
Đối với vấn đề lạm dục tính dục, chúng ta có thể lựa chọn nhiều cách tiếp cận khác nhau. Tuy nhiên, có một điều không thể chối cãi, đó là: chính thực trạng lạm dụng tính dục như đang “chất vấn” trực tiếp mỗi người, chủng sinh, linh mục, trước công cuộc đào tạo chính mình như là một môn đệ của Đức Ki-tô: “bạn trở nên mẫu linh mục nào?”
Thực sự, theo Bộ Giáo Sĩ, đào tạo linh mục không phải như việc trưng ra cho thấy “lớp sơn” bề ngoài về đức hạnh, sự lịch thiệp hoặc khả năng tuân thủ những nguyên tắc trừu tượng cũng như kỷ luật bề ngoài đối với một con người. Nhưng, đó là việc đào tạo một con người để được biến đổi nên giống Chúa Giê-su. Nghĩa là, “biết nội tâm hóa tinh thần Tin Mừng, nhờ vào tương quan bằng hữu và cá vị với Chúa Ki-tô, đến độ chia sẻ những tình cảm và thái độ của Người.”[11] Nói một cách vắn gọn, đào tạo linh mục là tiến trình biến đổi một con người, cả con tim và trí óc, trở nên “đồng hình đồng dạng trong hữu thể với Chúa Ki-tô, là Thủ Lãnh, Mục Tử, Tôi Tớ và Phu Quân”[12] hoặc, nói theo thánh Phao-lô, trở nên như “người của Thiên Chúa” (x. 1 Tm 6,11).[13]
Trong tinh thần đó, một đàng theo Đức Thánh Cha Bê-nê-đic-tô XVI, được hiến thánh để “đứng trước tôn nhan và phụng sự Chúa”, linh mục được biến đổi tận căn. Điều này đòi hỏi linh mục hiến mình, gắn bó “trọn vẹn” với Thiên Chúa, và tác vụ thánh. Như một hệ quả, linh mục phải đoạn tuyệt với những mối ràng buộc luyến ái khác, để có thể “hiến lễ” con người mình một cách hoàn toàn và tự do cho việc phục vụ Thiên Chúa và tha nhân. Bên cạnh đó, cũng như các tư tế thuộc dòng Lê-vi, các tư tế Tân Ước cũng có thể nói về “mối bận tâm” và “gia tài” duy nhất của mình chính là Thiên Chúa: “Lạy Chúa, Chúa là phần sản nghiệp con được hưởng, là chén phúc lộc dành cho con; số mạng con, chính Ngài nắm giữ. Phần tuyệt hảo may mắn đã về con, vâng, gia nghiệp ấy làm con thỏa mãn” (Tv 16,5–6).[14]
Đàng khác, như Đức Thánh Cha Phan-xi-cô ngỏ lời với các bạn trẻ trong ngày Đại hội Giới trẻ ở Bra-sil (28/7/2013): “Các bạn hãy để cho cuộc sống của mình được đồng nhất với cuộc sống của Chúa Giê-su, để có cảm xúc, suy nghĩ, hành động như Chúa Giê-su.” Thực ra, đó chính là lời mời gọi phổ quát đầy thách thức cho những ai muốn trở nên môn đệ của Đức Ki-tô, một thách thức “có trái tim mục tử” theo gương người Mục Tử Nhân Lành, đấng luôn biết chạnh lòng thương những người nhỏ bé, yếu đuối, và sẵn sàng hiến mình vì tha nhân. Như vậy, hơn ai hết, chủng sinh, linh mục, phải nhận lấy như của riêng mình về một lời mời gọi, một lòng khát khao trở nên “đồng hình đồng dạng với Chúa Ki-tô” – Thượng Tế, Mục Tử Nhân Lành và Người Tôi Tớ[15].
Sống và duy trì “cảm thức yêu mến giáo Hội”, và lòng khát khao trở nên “đồng hình đồng dạng với Chúa Ki-tô”, là những yếu tố quan trọng thuộc về căn tính linh mục. Đây không phải là điều mà người ta có thể thủ đắc ngay sau một khóa học; cũng không phải là một thành quả có thể đo đếm bằng các tiêu chuẩn vật chất; cũng không phải là một thành quả người ta đạt được một lần và nó tồn tại mãi. Thực sự, “căn tính linh mục” là một giá trị mà từng ngày chủng sinh, linh mục, phải nỗ lực khám phá, thăng tiến và bảo vệ. Như vậy, sống căn tính linh mục gợi đến một đòi hỏi cấp thiết khác, đó là: “tự giáo dục” thường xuyên hay “thường huấn”.
- Tự giáo dục thường xuyên hay thường huấn
Theo tác giả Amadeo Cencini, ngoài tác nhân thần linh, tiến trình đào tạo một linh mục gồm hai nhịp – huấn luyện và giáo dục. Xét về phương diện người thụ huấn, “huấn luyện” mang ý nghĩa thụ động, ví dụ sự dạy bảo, chỉ dẫn, truyền thụ kiến thức, kỷ luật giờ giấc và quy luật cho những thực hành tâm linh, tri thức, mục vụ và nhân bản. Theo đó, người thụ huấn là người “được hay bị” đón nhận sự đào tạo, uốn nắn (formation) từ một cơ chế hay từ những nhà đào tạo. Trong khi “giáo dục” (education) thiên về hành vi và ý thức chủ động, nghĩa là người thụ huấn tìm hiểu để nhận ra con người thật của mình, khám phá mình về phương diện tâm sinh lý, và những ý hướng ẩn sâu trong mỗi hành vi và trong ơn gọi của mình, qua đó thăng tiến những ưu điểm hay hoán cải các khiếm khuyết liên quan đến hiện sinh và ơn gọi mình. Yếu tố giáo dục chủ động này là rất quan trọng trong suốt hành trình ơn gọi của một linh mục[16]. Đó cũng là điều mà Bộ Giáo Sĩ định nghĩa như là một phần quan trọng của việc “thường huấn” (ongoing formation): “[…] Đừng quên rằng chính [chủng sinh,] linh mục là người đầu tiên và là người chính yếu phải chịu trách nhiệm về sự thường huấn mình.”[17]
Việc huấn luyện (thụ động) tại chủng viện là quan trọng và cần thiết, nhưng nhất thiết không thể thiếu việc “tự giáo dục” trường kỳ hay “thường huấn” (giáo dục chủ động). “Thường huấn”, bắt đầu nơi chủng viện, và được tiếp tục sau chủng viện, trải dài suốt hành trình đời linh mục, là rất quan trọng và không thể thiếu. Điều này có nghĩa là: “Thường huấn diễn tả rằng người được gọi vào chức linh mục không bao giờ được thôi trải nghiệm mình là người môn đệ.”[18] Nói cách khác, chương trình đào tạo không thể nào hoàn thành nếu thiếu việc “thường huấn” của mỗi chủng sinh, linh mục, hoặc nếu chấm dứt việc đó ở một giai đoạn nhất định trong hành trình ơn gọi.
Trong thực tế, một đàng, theo A. Cencini, “[n]nhiều khi chúng ta làm ầm lên, gieo lộn xộn bằng cách bắt đầu trực tiếp việc huấn luyện (formation)”: chúng ta dạy dỗ, huấn luyện, truyền thụ kiến thức triết học, thần học, nhân văn và tâm linh qua những giờ lớp hoặc những thời khóa biểu dày đặc, mà lại bỏ qua hoặc xem nhẹ tư duy “tự giáo dục” trường kỳ hay “thường huấn”. Tác giả nhận định, như thế việc huấn luyện liệu có ích gì nếu ta không bắt đầu trước hết bằng việc gây nên nơi ứng sinh một tâm thức “tự giáo dục” trường kỳ.[19] Điều này làm cho chúng ta liên tưởng đến một bức tường được trát vữa một cách vội vã, sau đó quét vôi; càng quét, lớp vôi càng dày thêm và nhờ đó cũng xoá đi được những sần sùi thô lỗ của bức tường, nhưng khi lớp vôi càng dày thì cũng là lúc nó dễ dàng bị bong tróc khỏi bức tường.[20] Thực tế, theo nhiều nghiên cứu ở các nước phương tây, những trường hợp lạm dụng tính dục xảy ra tại nhiều nơi phần lớn do chính người chủng sinh, linh mục không ý thức tầm quan trọng của việc “tự giáo dục” hoặc chấm dứt việc “tự giáo dục” chính mình sau khi trở thành linh mục[21]. Vì vậy, có thể nói rằng, cuộc “khủng hoảng lạm dụng tính dục” thực chất là “khủng hoảng căn tính linh mục”[22].
Thực sự, muốn khởi sự và duy trì tâm thức “thường huấn”, chúng ta cần tìm kiếm và xác tín vào một động lực. Theo Bộ Giáo Sĩ, “Đức ái mục tử là linh hồn và là mô thể của việc thường huấn linh mục.” Như vậy, trở nên “đồng hình đồng dạng với Chúa Ki-tô” vừa là lý tưởng và cũng là động lực trong đời sống và sứ vụ của linh mục. Đó chính là “ngọn lửa” nhờ đó, linh mục có thể chiếu sáng và sưởi ấm sứ vụ. Do đó, Bộ Giáo Sĩ nhắn nhủ: các linh mục “phải thường xuyên nuôi dưỡng ‘ngọn lửa’ mang lại ánh sáng và nhiệt huyết để thi hành thừa tác vụ.”[23]
Tóm lại, trước thực trạng lạm dụng tính dục, mỗi chủng sinh, linh mục, dường như bị chất vấn “tìm ra một chân giá trị” có tính xuyên suốt trong tiến trình đào tạo ơn gọi của mình. Giá trị nền tảng đó chính là: “hành trình trường kỳ khám phá, duy trì và thăng tiến căn tính linh mục”, được gọi là “thường huấn về căn tính linh mục”. Chính công việc này (thường huấn) “nâng đỡ linh mục để luôn trung thành với thừa tác vụ linh mục theo một hành trình hoán cải liên tục, ngõ hầu làm sống lại ơn ban đã lãnh nhận vào lúc [được] truyền chức.”[24] Hy vọng rằng: việc tìm lại, sống và thăng tiến căn tính linh mục trong một tâm thức thường huấn sẽ giúp cho mỗi chủng sinh, linh mục hôm nay có thể đương đầu trước những “sóng gió” của thời đại, cách riêng trước thực trạng lạm dụng tính dục.
[1] Hồng Thủy – Vatican News, Đức Thánh Cha cầu nguyện cho các nạn nhân của nạn lạm dụng tính dục trong Giáo hội Pháp, tại https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2021-10/dtc-phanxico-cau-nguyen-nan-nhan-lam-dung-tinh-duc-giao-hoi-phap.html
[2] Xem G. WEIGEL, The Courage To Be Catholic, Crisis, Reform, and the Future of the Church, Basics Books, USA 2002.
[3] Xem G. D. COLEMAN, Catholic Priesthood, Formation and Human Development, Ligouri, Missouri 2006.
[4] Xem BỘ GIÁO SĨ, Đào Tạo Linh Mục: Hồng Ân Ơn Gọi Linh Mục (Ratio Fundamentalis Institutionis Sacerdotalis 2016 [= Ratio 2016]), s. 30–40.
[5] Ibid., s. 80–88.
[6] Xem T. P. Halton et al. (eds.), The Fathers of the Church: Medieval Continuation, vol. II, Catholic University of America Press, Washington, D.C. 1990, 29.
[7] Xem St. JOHN CHRYSOSTOM, Homilies on Titus V (P. Schaff {ed.}, A Select Library of Nicene and Post-Nicene Fathers of the Christian Church, vol. XIII, WM. B. Eerdmans Publishing Company, Michigan 1979, 535–540).
[8] Xem J. J. O’DONNELL, Augustine Confessions II: Commentary on Books 1–7, Clarendon Press, Oxford 1992, 189–191
[9] Xem St. PETER DAMIAN, Book of Gomorrah: An Eleven-Century Treatise against clerical Homosexual Practices, Wilfrid Laurier University Press, Canada 1982.
[10] BỘ GIÁO SĨ, Đào Tạo Linh Mục: Hồng Ân Ơn Gọi Linh Mục (Ratio Fundamentalis Institutionis Sacerdotalis 2016 [= Ratio 2016]), s. 30.
[11] Ibid., s. 41.
[12] Ibid., s. 35.
[13] Xem ĐGM. GIO-AN ĐỖ VĂN NGÂN, “Hỡi người của Thiên Chúa (1 Tm 6,11)”, Lời Chủ Chăn cho giáo phận Xuân Lộc, trong trang web http://giaophanxuanloc.net/loi-chu-chan/loi-chu-chan-thang-102021–hoi-nguoi-cua-thien-chua-1tm-6-11-17844.html.
[14] Xem BENEDICT XVI – ROBERT CARDINAL SARAH, From the Depths of Our Hearts, Ignatius Press, San Francisco 2020, 48–57.
[15] Xem Ratio 2016, s. 35–40.
[16] A. CENCINI, Giáo Dục, Huấn Luyện và Đồng Hành: Một Sư Phạm Giúp Một Người Thể Hiện Ơn Gọi Mình, NXB. Đồng Nai, Đồng Nai 11–46.
[17] Ratio 2016, s. 82.
[18] Xem Ibid., s. 80–88.
[19] A. CENCINI, Giáo Dục, Huấn Luyện và Đồng Hành…, 15.
[20] Xem Ratio 2016, s. 41.
[21] Xem G. D. COLEMAN, Catholic Priesthood…, 149–164.
[22] Xem G. WEIGEL, The Courage To Be Catholic…, 93–95.
[23] Ratio 2016, s. 80.
[24] Ibid., s. 81.