ĐTC tiếp nhóm làm việc hỗn hợp Chính Thống – Công giáo
Sáng 7/10/2021, trong cuộc tiếp kiến nhóm làm việc chung Chính Thống – Công giáo thánh Irênê tham dự khóa họp thường niên tại Roma, Đức Thánh Cha nhấn mạnh tầm quan trọng của đối thoại trong việc phục vụ hiệp thông và tính hiệp hành. Đây là lần đầu tiên nhóm làm việc tại Roma.
Phục vụ sự hiệp thông giữa Công giáo và Chính Thống giáo
Ngỏ lời với nhóm, Đức Thánh Cha đã cảm ơn công việc của nhóm để phục vụ sự hiệp thông giữa Công giáo và Chính Thống giáo.
Nhắc lại lời Đức Hồng y Koch về nhiệm vụ của nhóm, “cùng nhau tìm kiếm những cách thức mà các truyền thống khác nhau có thể làm phong phú cho nhau mà không làm mất đi bản sắc của chúng”, Đức Thánh Cha nhận định: “Thật tốt khi nuôi dưỡng một sự hiệp nhất được làm giàu bởi những khác biệt, điều sẽ không bị rơi vào cám dỗ của sự đồng nhất nhạt nhẽo. Theo tinh thần này, các cuộc thảo luận của quý vị tập trung vào việc đánh giá cao cách thế các khía cạnh khác nhau, hiện diện trong truyền thống của chúng ta, thay vì làm phát sinh bất đồng, có thể trở thành cơ hội hợp pháp để bày tỏ đức tin tông truyền chung”.
Phá bỏ những bức tường ngăn cách
Từ tên của nhóm, “Nhóm làm việc” thánh Irênê, Đức Thánh Cha nhắc rằng, Thánh nhân là người Đông phương nhưng làm giám mục ở Tây phương, ngài là một cầu nối thần học và thiêng liêng tuyệt vời giữa các Kitô hữu phương Đông và phương Tây. Phân tích rằng, tên của Thánh nhân có chứa từ hòa bình, từ đó Đức Thánh Cha khẳng định: “Hòa bình của Chúa không phải là hòa bình ‘được thương lượng’, kết quả của các thỏa thuận nhằm bảo vệ lợi ích, mà là hòa bình hòa giải, gắn kết với nhau trong sự hiệp nhất. Đó là sự bình an của Chúa Giêsu. Vì, như thánh tông đồ Phaolô viết, Đức Kitô ‘là bình an của chúng ta; Đấng đã làm cho chúng ta nên một, và đã phá bỏ bức tường ngăn cách của sự thù địch’ (Ep 2,14). Với sự giúp đỡ của Chúa, quý vị cũng đang nỗ lực phá bỏ những bức tường ngăn cách và xây dựng những nhịp cầu hiệp thông”.
Quyền tối thượng và tính hiệp hành
Đức Thánh Cha cũng nói đến chủ đề quyền tối thượng và hiệp hành mà nhóm đang suy tư. Ngài nhận định, đây không phải là hai nguyên tắc cạnh tranh để được giữ cân bằng, mà là hai thực tại thiết lập và duy trì lẫn nhau trong sự hiệp thông. Do đó, “quyền tối thượng giả định việc thực thi tính hiệp hành, cũng thế, tính hiệp hành đòi hỏi sự thực thi quyền tối thượng”.
“Tất cả”, “một số” và “một”
Đức Thánh Cha lưu ý thêm rằng, Ủy ban Thần học Quốc tế tuyên bố rằng: trong Giáo hội Công giáo, tính hiệp hành theo nghĩa rộng của nó, “có thể được coi là sự kết nối của ba chiều kích: tất cả, một số và một”.
Theo cách hiểu này, “tính hiệp hành liên quan đến việc thực thi cảm thức đức tin của toàn thể tín hữu (tất cả), sứ vụ lãnh đạo của Giám mục đoàn, mỗi vị với quyền niên trưởng của mình (một số), và sứ vụ hiệp nhất của Giám mục Roma. (một) ”(Tính hiệp hành trong Đời sống và Sứ mệnh của Giáo hội, 2018, số 64).
Vì vậy, Đức Thánh Cha nói tiếp, “quyền tối thượng là một yếu tố nội tại của sự năng động của tính hiệp hành, cũng như khía cạnh cộng đồng bao gồm toàn thể Dân Thiên Chúa và chiều kích tập thể là một phần của việc thực thi thừa tác vụ Giám mục.”
Từ đó, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng: việc nghiên cứu hiệu quả về quyền tối thượng trong các cuộc đối thoại thần học và đại kết cần phải đặt nền trên việc suy tư về tính hiệp hành. Đức Thánh Cha xác tín rằng: “trong một Giáo hội hiệp hành, việc thực thi quyền tối thượng của Phêrô sẽ được rõ ràng hơn. Ngài cũng bày tỏ sự tin tưởng rằng, tiến trình Công nghị, sẽ bắt đầu trong những ngày tới đây, tại mỗi giáo phận, sẽ là một cơ hội để suy tư sâu hơn về khía cạnh quan trọng này, cùng với các Kitô hữu khác. (CSR_6783_2021)
Nguồn: vaticannews.va/vi/