Đã đến lúc các chủng viện cần nhìn lại
Đã đến lúc các chủng viện cần nhìn lại
Chúng ta cần các chủng viện vì đó là nơi đào tạo các thế hệ linh mục mới, để họ trở thành những người “lãnh đạo đầy tớ” có thể làm mục vụ – chứ không phải cai trị – các tín hữu.
Giáo hội Công giáo Úc đã đạt đến điểm quan trọng trong hành trình của mình khi cần phải tái tạo lại toàn bộ Giáo hội địa phương. Các phát hiện về lạm dụng tình dục trẻ em trong Giáo Hội là chất xúc tác chính. Điều này được ghi lại trong Báo cáo cuối kỳ của Ủy ban Hoàng gia về Các ứng phó của thể chế đối với lạm dụng tình dục trẻ em (Final Report of the Royal Commission into Institutional Responses to Child Sexual Abuse).
Báo cáo này đã xác định chủ nghĩa giáo sĩ (clericalism) là yếu tố góp phần đáng kể vào việc lạm dụng ở các cơ sở tôn giáo trên toàn nước Úc. Chủ nghĩa giáo sĩ bắt nguồn từ niềm tin mang tính thần học rằng giáo sĩ khác với giáo dân vì giáo sĩ đã trải qua một “thay đổi bản thể” khi thụ phong (một sự thay đổi về bản chất con người của họ khi lãnh nhận bí tích Truyền chức thánh). Chủ nghĩa này còn đưa ra quan điểm rằng không ai có quyền được thách thức các giáo sĩ.
Cũng theo bảng báo cáo, văn hóa giáo sĩ trị đang gia tăng trong các chủng viện ở Úc. Một cách cụ thể, họ quan niệm rằng Chủ nghĩa giáo sĩ phải là lý tưởng của chức tư tế, hay nói rộng ra, phải là lý tưởng của Giáo Hội Công Giáo. Chủ nghĩa giáo sĩ gắn liền với cảm tưởng có được quyền hành, ưu thế lớn và được tách riêng, hay ngay cả lạm dụng quyền lực. Một người mắc chứng “giáo sĩ trị” tự coi mình là đặc biệt, vượt trội hơn những người khác và đáng được tôn trọng hơn. Điều này có thể dẫn đến kiêu ngạo và coi thường người khác. Giáo dân cũng có thể mắc lỗi “giáo sĩ trị” nếu họ ủng hộ thái độ này.
Đầu tiên, việc đào tạo linh mục được diễn ra trong môi trường “giáo sĩ” tách biệt, mà theo báo cáo, có khả năng có tác động bất lợi đối với sự trưởng thành về tâm lý của các chủng sinh và việc này cũng làm tăng nguy cơ lạm dụng tình dục trẻ em. Do đó, một trong các khuyến nghị chính của Ủy ban Hoàng gia được đề cập cụ thể là vấn đề đào tạo các linh mục trong các chủng viện cần được cải cách. Theo đó, tất cả các chủng viện, học viện Công giáo ở Úc nên xem xét và sửa đổi các tiêu chuẩn và văn bản liên quan đến việc đào tạo linh mục. Điều quan trọng là Hội đồng đã đề cập đến các vấn đề của Chủ nghĩa giáo sĩ trong quá trình đào tạo mục vụ. Rất may, ở một mức độ nào đó, các nhà lãnh đạo Giáo hội đã đồng ý về sự cần thiết phải cải tổ.
Đề cập đến những thay đổi về văn hóa và cấu trúc mà Hội đồng có thể làm trong Giáo hội, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công giáo Úc, Đức Tổng Giám mục Mark Coleridge, nói rằng: “Đây không phải là lúc để Giáo Hội treo những tấm biển nói rằng ‘mọi việc bình thường’. “Cải cách” môi trường giáo sĩ “đòi hỏi phải nhìn nhận tất cả các khía cạnh của quá trình hình thành với một con mắt biết phê phán. Điều này nghe có vẻ hợp lý,bởi vì khi một nhóm người được đưa đến một nơi dành riêng và được chú ý đặc biệt trong các lớp học nhỏ với những người khác, cảm giác tách biệt có thể xảy ra.”
Điều tương tự cũng áp dụng cho những thanh niên được phép mặc áo dòng và đeo cổ côn trước khi bước vào đời sống tu trì. Việc đánh giá bản thân một cách “khác biệt” là hoàn toàn dễ hiểu. Câu hỏi hợp lý đặt ra là: nếu chúng ta đang cố gắng loại bỏ Chủ nghĩa giáo sĩ khỏi Giáo Hội của chúng ta và khỏi các chương trình đào tạo linh mục tương lai, tại sao chúng ta vẫn cố chấp để các chủng viện tuân theo một mô hình đã tạo ra những kết quả có vấn đề? Giáo Hội phải tìm ra những cách khác để đào tạochủng sinh cho nhiệm vụ làm linhmục giáo xứ.
Rốt cuộc, Chúa Giêsu chưa bao giờ gửi các môn đệ của mình đến chủng viện. Chúa Giêsu giới thiệu cho họ những giá trị của Nước Trời không phải trong một tòa nhà, mà là “trên đường”.
Trong hai thế kỷ đầu tiên, không rõ làm thế nào mà người ta được chọn để cử hành Thánh Lễ. Nhưng khi các dòng tu được thành lập, bắt đầu từ Thánh Bênêdictô, các tu viện có tiêu chí riêng của họ. Những người không sống trong tu viện, tức là các ứng viên của giáo phận, đã đi theo nhiều con đường khác nhau để được thụ phong tùy thuộc vào giám mục địa phương. Cần lưu ý rằng trong lịch sử Giáo Hội, các chủng viện chỉ mới phát triển tương đối gần đây.
Chính Công đồng Trentô (1545-63) đã quyết định một quy trình nghiêm ngặt trong nhiều năm học tập tại một địa điểm biệt lập duy nhất, để đảm bảo các linh mục được đào tạo thích hợp. Các chủng sinh bị tách khỏi gia đình và cộng đồng của họ, sau đó được đưa vào một trung tâm nghiên cứu tu đức và thần học.
“Không phải ai đó ở trên cộng đồng, mà là một thành viên trong cộng đồng.” Tại sao mô hình đào tạo này lại hấp dẫn? Nó cung cấp khả năng đọc viết và một nền giáo dục vững chắc cho các ứng viên và là nơi mà những người nam có thể học tập với điều kiện tiếp cận các cơ sở vật chất, bất kể xuất thân. Nó cung cấp chỗ ở để việc đào tạo có thể được tiếp nối liên tục và được giám sát.
Hệ thống các chủng viện đã sản sinh ra một số cá nhân xuất sắc như Thánh Gioan Vianney, tấm gương của ngài đã dẫn đến sự biến đổi triệt để của cộng đoàn mà ngài phục vụ. Tuy nhiên, chủ nghĩa giáo sĩ được phép phát triển bên trong Giáo Hội qua nhiều thế kỷ, điều này đã che đi nhiều khía cạnh tích cực của việc đào tạo và thực hành chức thánh. Nhưng ta không được quy chụp điều này riêng cho những người được đào tạo để trở thành linh mục giáo phận. Báo cáo cuối cùng của Ủy ban Hoàng gia chỉ trích cả “linh mục và Giáo Hội” liên quan đến việc đào tạo của họ.
Tuy nhiên, thành viên của các dòng tu và đan viện như Dòng Thánh Bênêđictô và Dòng Xitô khác biệt ở chỗ, họ là thành viên của một “cộng đồng gia đình” hỗ trợ và hướng dẫn họ; một số được thụ phong linh mục nhưng không phải tất cả. Các chủng sinh giáo phận thường không được như vậy. Ở những dòng tu mà các thành viên ít được phong chức linh mục, thì điều đó làm giảm bớt mối đe dọa của chủ nghĩa giáo sĩ, hoặc mong muốn leo lên các cấp bậc trong Giáo Hội. Ngược lại, chủ nghĩa giáo sĩ lại xuất hiện nhiều trong các chủng viện giáo phận.
Nhưng việc tạo điều kiện cho chủ nghĩa giáo sĩ phát triển trong các hệ thống đào tạo hiện tại ở cá chủng viện đã góp phần gián tiếp vào việc lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên, gây chấn động trong các cuộc điều tra trên khắp thế giới. Nếu chúng ta nghiêm túc trong việc loại bỏ chủ nghĩa giáo sĩ, chúng ta không nên tiếp tục với mô hình chủng viện như nó đã từng diễn ra.
Một số giáo sư đã từng giảng dạy trong các chủng viện ở Hoa Kỳ, bao gồm các cựu giáo sư chủng viện Colt Anderson và Christopher Bellitto, đã nhận ra những điểm yếu của mô hình truyền thống này. Họ nói rằng mặc dù có những thanh niên tốt theo học, nhưng các chủng viện đã đóng một vai lớn trong cuộc khủng hoảng của Giáo Hội hiện nay “bằng cách đưa chủng sinh vào chủ nghĩa giáo sĩ”.
“Các chủng sinh được truyền tải một thông điệp nhất quán: vai trò của họ là cai quản giáo dân và Giáo Hội do kết quả của sự thay đổi bản thể khi thụ phong, không phải là kết quả của phẩm hạnh, kiến thức hoặc hành vi kiểu mẫu của họ. Họ đang được đào tạo để trở thành những ‘ông chủ chuyên quyền’, không phải những ‘nhà lãnh đạo đầy tớ’. Chúng ta cần các chủng viện là nơi đào tạo các thế hệ linh mục mới, để trở thành những người lãnh đạo đầy tớ, những người có thể làm mục vụ – chứ không phải cai trị – các tín hữu.”
Điều quan trọng nhất để khỏi rơi vào chủ nghĩa giáo sĩ là tránh cô lập về mặt thể chất những người muốn trở thành linh mục. Các chủng sinh nên dành nhiều thời gian hơn để sống trong giáo xứ của họ trong quá trình đào tạo.
Về mặt lý thuyết, các chủng sinh có thể tiếp tục sống tại nhà, điều này sẽ cho phép họ duy trì mối quan hệ với những người đương thời, đang khi vẫn tham gia vào đời sống thực tiễn của giáo xứ. Chúng ta cần xem xét các đường hướng thay thế trong việc chuẩn bị thụ phong cho các chủng sinh. Họ cần có sự tương tác và hòa nhập nhiều hơn với các giáo xứ của họ và thành viên của các dòng tu khác.
Như trong tài liệu cuối cùng của Thượng Hội đồng về Người trẻ 2018 có đề xuất rằng: phải có các khóa đào tạo chung cho “các giáo dân trẻ, tu sĩ trẻ và chủng sinh.” Điều này đi đôi với quan điểm của Đức Thánh Cha Phanxicô về vai trò và trách nhiệm liên đới cho cả giáo dân và giáo sĩ.
Chủ nghĩa đại kết cũng đóng một vai trò quan trọng. Các tôn giáo khác đã chuẩn bị như thế nào và chúng ta có thể học được gì từ họ? Để chống lại chủ nghĩa giáo quyền, điều quan trọng là sự chuẩn bị cho một cá nhân phải diễn ra ở tại giáo xứ, một cộng đồng với nhiều nhiệm vụ khác nhau; anh ta không nên tự cao rằng anh ta là một ai đó đặc biệt và cao hơn mọi người, nhưng chỉ là một thành viên trong cộng đồng.
Tác giả: Gideon Goosen (Australia)
Chuyển ngữ: P. Nguyễn Thanh Trà
(giaophanvinhlong.net/ international.la-croix.com 25/9/2021)
* Gideon Goosen là một nhà thần học và tác giả ở Sydney. Cuốn sách mới nhất của ông là Clericalism: Stories from the Pews, Coventry Press, 2020.