Tự do, chân chính và bác ái trên TikTok
Tự do, chân chính và bác ái trên TikTok
la-croix.com, Isabelle de Gaulmyn, 2021-09-09
Linh mục Matthieu Jasseron, ngôi sao trên mạng xã hội TikTok bị Hội đồng Giám mục Pháp chỉ trích sau một đoạn video trong đó linh mục tuyên bố việc thực hành đồng tính không phải là một tội. Giám mục Xavier Malle, giáo phận Gap, rất tích cực trên tài khoản Twitter, ngài quyết định “tạm ngưng… dài hạn” và đã thẳng thắn giải thích việc cắt mạng này. Điều này có nghĩa là đối với Giáo hội, không thể tìm thấy một phương thức nào để hiện diện trên mạng xã hội sao? Không. Trong một thời gian dài, qua vô số sáng kiến, mạng xuất hiện trên mọi lãnh vực, mọi đề tài: Mùa Chay, bài giảng, suy niệm thiêng liêng trực tuyến, lời chứng từ, gần như chúng ta tìm được tất cả mọi thứ của Tin Mừng trên Internet. Nhưng các trang mạng gặp khó khăn khi nói đến các vấn đề xã hội, và chắc chắn sẽ dẫn đến ẩu đả trên toàn phương tiện kỹ thuật số.
Các phương thức giao tiếp này đều muốn nói về đức tin. Trên hết, chúng có tác động làm rạn nứt thêm thế giới công giáo… Trên quan điểm này, Giáo hội không phải là ngoại lệ: ở đây cũng như ở những nơi khác, Internet trước hết là một công cụ phân chia ghê gớm. Chúng ta cùng xem trường hợp giám mục giáo phận Gap: giọt nước làm tràn ly trên Twitter, theo ngài là vì… con chó sói. Sau khi nhìn thấy một bà chăn nuôi thú vật trong vùng đau khổ, ngài đăng trên trang Twitter của ngài cần phải điều hòa sự có mặt lan tràn của chó sói. Ngay lập tức dấy lên tranh luận giữa người ủng hộ chó sói và người không ủng hộ chó sói… Cũng giống như linh mục Matthieu trên TikTok. Nếu video của cha gây cãi cọ ồn ào thì không phải cha dùng các danh từ ít được dùng trong giới giáo sĩ, hoặc kèm theo hài hước khuyến khích, nhưng vì cha bàn đến vấn đề đồng tính. Vấn đề thực sự không ở các trang mạng xã hội nhưng ở khả năng tranh luận của tín hữu kitô chúng ta.
Phải chấp nhận cuộc tranh luận
Chúng ta có nên bỏ việc thảo luận không? Về cơ bản, đây là những gì các giám mục đang đề xuất khi giữ khoảng cách về video trên TikTok. Chúng ta nên tránh các chủ đề dễ gây tức giận và nhanh chóng đóng nắp nồi lại. Chúng ta đã biết quá trình này trong vấn đề ngừa thai, mà sử gia Guillaume Cuchet đã mô tả rất hay trong quyển sách “Công giáo có còn tương lai ở Pháp không?” (Le catholicisme a-t-il encore de l’avenir en France?, nxb. Seuil) của ông: bị Đức Phaolô VI lên án, vấn đề đã trở nên “phi-chủ đề”, một cấm đoán không còn ai tranh luận nữa, nhưng đủ lớn để phụ nữ công giáo lẩn tránh… Do đó, chúng ta có nên ngạc nhiên khi thấy người công giáo bị cáo buộc là hai mặt không? Đối với chủ đề đồng tính, sẽ can đảm hơn khi thừa nhận đa số người công giáo, ít nhất là ở một quốc gia như nước Pháp, họ không xa quan điểm của cha Matthieu, cụ thể đồng tính không phải là một tội. Chấp nhận tranh luận, nhận ra những khác biệt, những lo âu nhưng cũng là những tiến triển. Tổ chức cuộc đối đầu thay vì để mỗi người, giám mục, linh mục nói trong góc riêng của mình, trong một đống ý kiến mạnh mẽ chồng chất lên nhau. Để làm được điều này, điều kiện tiên quyết là để đối thoại diễn ra, bằng cách tạo ra các nhóm thảo luận với những ý kiến trái ngược nhau, buộc chúng ta phải suy nghĩ cùng nhau, không chỉ giữa các linh mục mà thôi. Đúng tần sống. Đức Phanxicô, người không ngại tranh luận, vừa phát động cuộc tham vấn với người công giáo trên khắp hành tinh – không gì khác hơn! – để “tưởng tượng ra một tương lai khác cho Giáo hội”. Với câu hỏi: “Sự khác biệt về quan điểm, xung đột và khó khăn được giải quyết như thế nào?” Để có cuộc tranh luận thì phải tổ chức. Giáo hoàng khuyến khích mọi người lên tiếng. Nhưng, ngài nhanh chóng xác nhận, một trong những công thức xưa cổ mà Giáo hội có bí mật, nó phải được thực hiện bằng “parrhesia”. Parrhesia là lời nói “tự do, chân chính và bác ái.” Parrhesia trên TikTok và trên Twitter… Cả một chương trình rộng lớn!
Marta An Nguyễn dịch