YÊU THƯƠNG KẺ THÙ
09 03 X Thứ Năm Tuần XXIII Thường niên.
(Tr) Thánh Phê-rô Cơ-la-ve (Claver), Linh mục.
Hôm nay kỷ niệm ngày Tòa Thánh thiết lập hai Giáo phận tông tòa đầu tiên tại Việt Nam (Đàng Trong và Đàng Ngoài) và bổ nhiệm hai Giám mục coi sóc giáo đoàn Việt Nam với việc lo đào tạo linh mục bản xứ (09/9/1659).
Cl 3,12-17; Lc 6,27-38.
YÊU THƯƠNG KẺ THÙ
Khi gửi huấn thị cho các vị thừa sai lên đường đi Châu Mỹ La Tinh, Thánh Phanxicô Borgia đã viết cho họ rằng: nếu hoàn cảnh đưa đẩy họ đến việc phục vụ những người nô lệ, “thì điều duy nhất phải làm là lo giải phóng cho họ, chứ không phải là làm điều gì khác.”
Sự mù quáng của các Kitô hữu thời bấy giờ đã không cho phép ngài đòi hỏi gì hơn, như người ta có thể nói ngày nay, là cầm đầu cuộc đấu tranh cho công bằng. Đều này cũng không hơn gì sự mù quáng hiện nay của nhiều Kitô hữu đã không hiểu rằng việc phá thai mà hằng trăm hàng ngàn người đang làm là “một tội ác ghê tởm” như công đồng Vatican II tuyên bố.
Sau khi chân nhận rằng “có những lời chí trích chống lại việc chấp nhận cho có nô lệ,” Borgia ra lệnh “chỉ dùng những thổ dân tự do và tự nguyện, là những người hiểu rõ việc họ làm và tự do muốn lao động trong một thời hạn với một giá lương tương xứng mà ta sẽ thỏa thuận với họ.” Lối xử sự này là một điều chưa từng nghe thấy đối với nhiều người thời bấy giờ, vì ngay cả những người lương thiện thời ấy cũng nghĩ rằng ở Mỹ châu cần có những lao động lực lưỡng làm thay cho họ, và đó là những người Phi Châu bị cưỡng bức đem đi làm nô lệ.
Trong bối cảnh xã hội ấy, có một Giêsu hữu Tây Ban Nha đã sống một cách hào hùng, người đó là Phêrô Claver.
Phêrô Claver khám phá thấy một vấn đề lớn lao và rất nghiêm trọng. Ngài đã tìm ra một lối giải quyết theo cách thức của Mẹ Têrexa: trở thành nô lệ hơn cả những người nô lệ để trả lại cho họ phẩm giá con người. Sau khi thụ phong linh mục, ngài làm Năm Ba, rồi khấn lần cuối với lời khấn phụ: suốt đời làm nô lệ cho người da đen: “tôi Phêrô Claver, mãi mãi là nô lệ của những người Êthiôpi”. Chữ Ethiôpi lúc bấy giờ ám chỉ bất kỳ ai đến từ Châu Phi, tuy nhiên chữ này lại đầy ý nghĩa vì nó trói buộc Phêrô Claver, người đã muốn truyền giáo ở Phi Châu, theo dự án “Ethiopi” của chính thánh I-nhã.
Lúc ấy Phêrô Claver đã được 36 tuổi. Ngài sẽ sống thân phận nô lệ của những người nô lệ. “Ngài đã ở đó, hôm qua, để tiếp rước họ. Ngài đang ở đó, hôm nay, để tiếp nhận họ. Ngài sẽ ở đó, ngày mai, để chào đón họ, và ngày mốt nữa, suốt mọi ngày trong 40 năm trường”, như vị tu huynh An-phong Rodriguez, người gác cổng ở học viện Montesion 40 năm dài.
Đối với Phêrô Claver, khi được tin một chiếc tàu nô lệ sắp đến, ngài chờ sẵn ở cảng. Tàu vừa cập bến, ngài xuống giúp đỡ những người đau yếu, bệnh tật, thiếu ăn, thiếu mặc… Tiếp đến, ngài ở bên cạnh họ khi họ bị dồn vào vào những khu tập trung và bị đem bán như súc vật. Rồi khi họ đã được ông chủ nào đó mua về làm nô lệ, ngài thăm viếng, bênh vực khi họ bị đối xử bất công.
Cuộc khổ nạn của Chúa Kitô nuôi dưỡng linh hồn ngài, và ban cho lời nói của ngài một hiệu quả tuyệt vời, soi sáng và an ủi những người khốn khổ không còn hy vọng. Được sự trợ giúp của những người trợ tả, người Phi Châu và Tây Ban Nha, Phêrô Claver thực hiện một cuộc Phúc âm hóa thật lớn lao, công cuộc duy nhất có thể làm được vào thời ấy. Ngài đã cứu giúp, dạy dỗ và rửa tội cho khoảng 100.000 người Phi Châu.
Năm 1650, cha Claver thoát chết sau cơn bệnh dịch hạch, nhưng sức khỏe trở nên yếu kém. Cha bị quên lãng trong căn phòng nhỏ hẹp trong tình trạng thiếu thốn chăm sóc. Cha từ trần ngày 8 tháng 9 năm 1654. Chính quyền thành phố – trong quá khứ đã không đối xử đẹp với cha, nhiều lúc còn tỏ ra khinh miệt cha – trong dịp này lại đã làm đám tang ngài thật trọng thể.
Ngài được Đức Thánh Cha Lêo XIII tuyên thánh năm 1888. Hội Thánh biểu dương ngài như một Phanxico Xavier của người da đen, đặt ngài làm quan thầy cho các xứ truyền giáo cho người Châu Phi, và cũng làm quan thầy cho xứ Colombia.
Chúa Giêsu không đến trần gian để thiết lập một hệ thống luân lý, Ngài đến trước hết là để mặc khải tình yêu của Thiên Chúa và đặt con người vào mối tương quan với Thiên Chúa. Vì là hình ảnh của Thiên Chúa Tình Yêu nên con người cũng phải sống như Thiên Chúa Tình Yêu. Chỉ có một tình yêu đúng nghĩa nhất, đó là tình yêu của Thiên Chúa, và cũng chỉ có một cách yêu đúng đắn nhất, đó là yêu như Thiên Chúa yêu. Qua cuộc sống của Ngài, qua các quan hệ của Ngài với tha nhân, và nhất là qua cái chết của Ngài trên thập giá, Chúa Giêsu đã tỏ cho con người thấy được tình yêu của Thiên Chúa. Yêu như Thiên Chúa yêu là trao ban và sẵn sàng hy sinh mạng sống mình vì người mình yêu; yêu như Thiên Chúa yêu là yêu mọi người, ngay cả kẻ thù mình.
Chúa Giêsu sẽ không mặc khải trọn vẹn tình yêu của Thiên Chúa, nếu từ Thập giá, Ngài không tha thứ cho chính những kẻ đang hành hạ Ngài. Tuyệt đỉnh của yêu thương chính là đang lúc giang tay ra cho kẻ thù đóng đinh vào Thập giá mà vẫn có thể thốt lên: “Lạy Cha! Xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm”. Chúa Giêsu đã không rao giảng bất cứ điều gì mà chính Ngài không sống và minh chứng trước: dạy chúng ta tha thứ cho kẻ thù, Ngài đã chứng minh đó là điều nằm trong khả năng của con người.
Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta về ơn gọi cao cả của người Kitô hữu: Như Chúa Giêsu đã tha thứ cho những kẻ hành hạ Ngài, chúng ta cũng được mời gọi để yêu thương và tha thứ không ngừng, bởi vì chỉ có lòng tha thứ, chúng ta mới thực sự trở thành nhân chứng tình yêu Thiên Chúa đối với mọi người.
Yêu thương, tha thứ quả là điều vô cùng khó. Chỉ nguyên việc không tìm cách trả đũa kẻ gây ra những đau thương bất hạnh cho mình đã là khó, nói chi đến việc làm ơn, cầu nguyện cũng như chúc phúc cho những kẻ thù nghịch với mình.
Khó nhưng đó lại là tiêu chuẩn thực hành của người Kitô Hữu. Khó nhưng không phải là không làm được.
Trong Giáo Hội đã từng có biết bao vị thánh làm được điều mà Chúa đã dạy. Đó là thầy phó tế Stêphanô. Trước giờ chết, thày đã lớn tiếng cầu nguyện rằng: “Lạy Chúa Giêsu xin nhận lấy linh hồn con”; và “xin đừng chấp tội họ”. Thánh tử đạo Việt Nam Emmanuel Lê Văn Phụng đã nói với các con của mình rằng: Các con đừng tìm cách báo thù; quay sang các bạn hữu, ngài nói: “Các bạn hãy tha thứ vì chính tôi đã tha thứ”.