Dòng tu Công Giáo duy nhất có khả năng thiết lập quan hệ ngoại giao với các quốc gia
Dòng tu Công Giáo duy nhất có khả năng thiết lập quan hệ ngoại giao với các quốc gia
Giáo Hội Công Giáo có rất nhiều dòng tu, trong đó có một dòng tu đặc biệt có tư cách chủ quyền tương đương quốc gia, là quan sát viên tại Liên Hiệp Quốc và khả năng quan hệ ngoại giao với chính phủ các nước trên thế giới, đó là Dòng Hiệp Sĩ Toàn Quyền Malta (hay Dòng Chiến Sĩ Toàn Quyền Malta – Sovereign Military Order of Malta).
Dòng này có tên đầy đủ là Dòng Hiệp Sĩ Toàn Quyền Cứu Tế Thánh Gioan Giêrusalem, Rhodes và Malta, hay cũng được biết với các tên gọi Dòng Malta, Hội Hiệp Sĩ Malta. Đây là một dòng giáo dân Công Giáo, có truyền thống quân đội, hiệp sĩ và quý tộc.
Không nên nhầm lẫn Dòng Malta với nhà nước Cộng Hoà Malta là nhà nước đang quản lý quần đảo Malta ở Nam Âu.
Lịch sử sơ lược
Dòng được hình thành từ năm 1048, khi các thương gia từ quốc gia Amalfi giành được từ tay vua Ai Cập quyền xây dựng nhà thờ, tu viện, bệnh viện ở Giêrusalem, cho phép những người hành hương đến đây không phân biệt tôn giáo hay chủng tộc nào; được chính thức thành lập với tên Dòng Thánh Gioan Giêrusalem (được đặt theo tên Thánh Gioan Baotixita) bởi Chân phước Gerard ở Vương Quốc Giêrusalem vào năm 1099, với đoàn sủng chăm lo cho khách hành hương đến Giêrusalem. Ngày 15/02/1113, Đức Giáo Hoàng Pascan II chấp thuận việc thành lập dòng và đặt dòng dưới sự bảo hộ của Toà Thánh. Tất cả các tu sĩ trong dòng đều khấn ba lời khấn khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục. Vì mục đích lo cho khách hàng hương, tu sĩ dòng cũng tham gia các cuộc thập tự chinh, khiến dòng trở thành dòng hiệp sĩ. Dòng không chịu sự chỉ huy của bất kỳ quốc gia nào, chỉ vâng phục lệnh của Giáo Hoàng.
Năm 1291, khi Đất Thánh không còn thuộc kiểm soát của người Kitô Giáo, dòng Thánh Gioan dời về đảo Síp. Năm 1310, dòng tái tổ chức trên đảo Rhodes, xây dựng những hạm đội quân sự lớn nhằm xây dựng lại đế chế Kitô Giáo ở Đất Thánh, tham gia các cuộc chiến tại Syria và Ai Cập. Năm 1523, dòng mất đảo Malta vào tay đế quốc Ottoman và hoạt động trong tình trạng không lãnh thổ. Đến năm 1530 thì dòng được vua Charles V của Đế Quốc La Mã Thần Thánh tặng quần đảo Malta để đóng quân. Từ năm 1651 đến 1665, dòng sở hữu thêm 4 hòn đảo ở vùng biển Caribê, bao gồm đảo Saint Barthélemy (Thánh Batôlômêô), Saint Christopher (Thánh Christôphôrô), Saint Croix (Thánh Giá) and Saint Martin (Thánh Martin), sau đó bán lại cho công ty Tây Ấn Pháp.
Năm 1798, vua Pháp Napoleon Bonaparte chiếm được đảo Malta, chấm dứt hơn 250 năm dòng Thánh Gioan Giêrusalem quản lý quần đảo này. Dòng di tản đi, và đến năm 1834 thì cư trú ổn định tại đồi Aventine ở Rôma, Quốc Gia Giáo Hoàng. Đảo Malta độc lập thành nhà nước Cộng Hoà Malta vào năm 1964. Một thoả thuận giữa dòng Hiệp Sĩ Malta và nhà nước Cộng Hoà Malta được ký năm 1998 và phê chuẩn năm 2001 (sau một thoả thuận 1991 đã hết hạn) cho phép dòng sử dụng phần trên lâu đài St. Angelo ở thành phố Birgu, Malta vì các mục đích hỗ trợ nhân đạo.
Năm 2016, dòng gặp một khủng hoảng khi vị Hiệp Sĩ Tối Cao của dòng Matthew Festing sa thải Chưởng Ấn Albrecht von Boeselager vì cho rằng Chưởng Ấn liên quan đến việc phân phối bao cao su ở Myanmar. Vị Chưởng Ấn không đồng ý và kháng lại quyết định. Tháng 01/2017, Đức Giáo Hoàng Phanxicô can thiệp, yêu cầu Matthew Festing từ chức và phục chức lại cho Albrecht von Boeselager; đồng thời ngài bổ nhiệm Tổng Giám Mục Giovanni Angelo Becciu làm đại diện Giáo Hoàng tại dòng, bỏ qua quyền Bảo trợ Hội Dòng của Hồng Y Raymond Leo Burke. Việc Đức Giáo Hoàng can thiệp vào việc quản trị của dòng khiến nhiều nhà quan sát cho rằng vi phạm truyền thống và sự độc lập của dòng.
Tình trạng hiện tại
Dòng Hiệp Sĩ Toàn Quyền Malta được quốc tế xem như một tổ chức có vị thế quốc gia không lãnh thổ duy nhất trên thế giới, được Liên Hiệp Quốc cấp tư cách quan sát viên thường trực từ năm 1994, bên cạnh Toà Thánh và nhà nước Palestine. Dòng hiện sở hữu 3 cơ sở vật chất chính, được xem như lãnh thổ thực tế của dòng là toà nhà Palazzo Malta ở Rôma (trụ sở), Villa del Priorato di Malta ở Rôma (toà nhà chính phủ) và Saint Angelo ở đảo Malta. Hai toà nhà ở Rôma, cộng với toà đại sứ Dòng Malta tại Toà Thánh và toà đại sứ Dòng Malta tại Italy, được nhà nước Italy cấp quyền đặc miễn ngoại giao, tình trạng tương tự như lãnh thổ thực tế của Dòng Malta.
Hiện tại dòng đang duy trì quan hệ ngoại giao chính thức với 110 quốc gia cùng nhiều tổ chức quốc tế.
Caption: Các quốc gia có quan hệ ngoại giao với Dòng Hiệp Sĩ Malta
Dòng phát hành hộ chiếu, con tem, tiền xu riêng, có biển số xe, chính phủ, quốc kỳ, quốc huy và quốc ca riêng; tuy nhiên Liên minh Viễn thông Quốc tế không chấp nhận việc cấp mã nhận dạng vô tuyến và đuôi tên miền riêng cho dòng. Dòng cũng là một trong hai dòng duy nhất được Toà Thánh cho phép làm phù hiệu có hình áo choàng tu sĩ.
Người đứng đầu và được xem như nguyên thủ Dòng Malta là Thái Tử Đại Thống Lĩnh, được bầu bởi Hội Đồng Toàn Quốc. Đại Thống Lĩnh được trợ giúp bởi một Hội Đồng Toàn Quyền, tức chính phủ Dòng Malta, được bầu ra bởi Tổng Phân Bộ, tương đương quốc hội. Hội Đồng Toàn Quyền bao gồm 6 thành viên và 4 Viên Chức Cao Cấp: Tổng Tư Lệnh, Chưởng Ấn, Tổng Cứu Tế và Giám Thu Tài Sản Công.
Thành viên của dòng có 4 cấp bậc: Cấp Nhất được gọi là Hiệp Sĩ Công Chính hay Hiệp Sĩ Tuyên Khấn, là những người khấn 3 lời khấn tu dòng (hiện có 2 nữ tu viện ở Tây Ban Nha và 1 ở Malta bao gồm các thành viên thuộc cấp này). Cấp Nhị được gọi là Hiệp Sĩ Và Nữ Hiệp Sĩ Vâng Phục, chỉ gồm những người lập lời hứa vâng phục, không phải khấn; cấp này chia làm 3 phân lớp. Cấp Tam là những người không có lời khấn hay hứa mà chỉ cần sống theo các quy tắc của dòng; cấp này có 6 phân lớp. Các thành viên dòng mang một biểu tượng Thánh giá tám nhánh tượng trưng cho Tám Mối Phúc Thật.
Dòng hiện có khoảng 13.500 hiệp sĩ, vài chục tu sĩ tuyên khấn, 80.000 tình nguyện viên và 42.000 nhân viên y tế làm việc trong 120 quốc gia. Tôn chỉ của dòng là phục vụ trẻ em, người vô gia cư, người khuyết tật, người già, bệnh hiểm nghèo, người di cư, người phong hủi, trợ giúp nạn nhân thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh, không phân biệt tôn giáo, dân tộc. Ngoài ra, một tôn chỉ khác của dòng là bảo vệ đức tin Công Giáo, được đấng sáng lập thêm vào sau.
Vì vị thế đặc biệt của mình, dòng Hiệp Sĩ Malta có một Giám Mục và một Hồng Y bảo trợ riêng. Giám Mục của dòng là Đấng bản quyền chính thức với các thành viên dòng, được Đức Giáo Hoàng bổ nhiệm từ danh sách ba ứng viên do Đại Thống Lĩnh dòng đề xuất. Giám Mục hiện tại của dòng là Đức cha Jean Laffitte. Hồng Y bảo trợ dòng có thể là một Hồng Y kiêm nhiệm hoặc toàn thời gian, có nhiệm vụ nâng đỡ tinh thần cho các thành viên dòng và bảo hộ mối quan hệ của dòng với Toà Thánh, được Đức Giáo Hoàng toàn quyền bổ nhiệm. Hồng Y bảo trợ đương kiêm là Đức Hồng Y Raymond Leo Burke.
Thánh Bổn Mạng của dòng là Đức Mẹ Philermos.
Vì là một dòng hiệp sĩ, Dòng Malta duy trì một quân đội hiện đại với các xe cứu thương quân sự, máy bay chiến đấu và xe jeep.
Thủ đô Valletta của Cộng Hoà Malta hiện nay là một điểm du lịch thu hút vì vẫn còn lưu giữ nhiều công trình nổi tiếng từ thời Dòng Malta quản trị hòn đảo.
Gioakim Nguyễn