Thanh sạch là yêu thương
Nội dung
THANH SẠCH LÀ YÊU THƯƠNG
Máccô 7:1-8, 14-15, 21-23
Cha Murray lủi thủi đi trên phố vắng đêm khuya. Cha đang đưa Mình Thánh tới cho một bệnh nhân nguy kịch. Đến góc phố, chợt một tên cướp nhảy ra chĩa súng quát: “Đứng lại, đưa tiền đây!” Cha Murray mở áo khoác, lấy ví tiền. Ngó thấy cha mặc áo đen và mang cổ trắng, tên cướp nhận ra đó là một linh mục. Hắn ấp úng nói: “Thưa cha, con không biết. Con xin lỗi, cha cất tiền đi”. Hoàn hồn bình tĩnh lại, cha Murray móc gói thuốc mời hắn một điếu. Nhưng cha lại ngạc nhiên lần nữa nghe hắn nhỏ nhẹ: “Cám ơn cha, bây giờ đang Mùa Chay, con không hút thuốc”!
Người ta cũng kể rằng tại các trại tập trung thiêu người của Đức Quốc xã trong Thế chiến Thứ hai như Auschwitz, Buchenwald, Dachau..., trong khu vực sinh hoạt của sĩ quan Đức, luôn luôn hoa mọc tươi tốt, nhà cửa hết sức sạch sẽ, các quân nhân ăn nói với nhau vô cùng lịch sự, thậm chí trên thắt lưng da của họ còn ghi câu “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Gott mit uns). Nhưng hoa tươi tốt là nhờ bón loại phân tro lấy từ các lò thiêu người, nhà vệ sinh sạch sẽ là nhờ các tù nhân có khi bị bó buộc lè lưỡi liếm hết mọi vết bẩn, các sĩ quan tuyên xưng Thiên Chúa và lịch sự kia mỗi ngày thản nhiên đưa hàng ngàn sinh mạng người Do-thái vô tội vào các lò thiêu.
Phải chăng thói quen giữ chay tốt lành của tên cướp và cung cách sạch sẽ lịch sự của những sĩ quan sát nhân kia là cần và đủ cho cuộc sống?
Thiên Chúa Không Cần Nghi Thức Bên Ngoài
Nhiều thành viên Pha-ri-sêu (Biệt phái) và kinh sư từ Giê-ru-sa-lem (nơi biểu trưng thái độ chống đối Đức Giê-su theo Tin Mừng thứ hai này) đến chất vấn Đức Giê-su vì môn đệ của Người “chẳng theo truyền thống của tiền nhân, cứ để tay ô uế mà dùng bữa”. Như các nhân vật trong hai câu chuyện mở đầu trên kia, họ rất quan tâm đến vấn đề thanh sạch. Nhưng xin lưu ý, không phải chỉ có chuyện vệ sinh, nhưng còn là chuyện tập tục tôn giáo về “sạch và nhơ” đã được Mô-sê pháp điển hóa (Lv 11) cũng như được truyền thống (đặc biệt của Biệt phái) hết sức mở rộng và xác định. Đây là một giáo huấn mà ta sẽ sai nếu tự động xem họ là hạng giả hình. Trái lại, để luôn trung thành với Lề luật tổ tiên, họ cố công tuân hành tỉ mỉ Truyền thống cho đến chi tiết nhỏ nhặt nhất: họ đã liệt kê hơn sáu trăm điều luật phải giữ! Trong việc tìm kiếm sự thánh thiện, và vì tình yêu tế nhị đối với Thiên Chúa, họ đã không ngớt nghĩ tới Người mọi lúc trong ngày, khi làm mọi sự.
Thái độ môn đệ Đức Giê-su bất tuân truyền thống tổ tiên có thể được giải thích bằng nhiều cách: 1- Họ và chính Đức Giê-su đều là người Ga-li-lê, dân tỉnh lẻ. Tuy là tín hữu nhiệt thành, họ cũng đã tuồn vào trong phong tục của mình một vài truyền thống độc đáo, bị hạng “thanh sạch” ở Giê-ru-sa-lem xem như kiểu cách buông lỏng. Ta biết Đức Giê-su đã thường xuyên bênh vực những “kẻ bên lề” bị xã hội miệt thị: thu thuế, gái điếm, tội nhân. Người ăn uống gần gũi với họ, thậm chí còn động tới xác chết hay kẻ bị phong cùi mà sau đó không “thanh tẩy”. Người có một ý thức sắc bén về lòng thương xót và độ lượng đối với những kẻ nhỏ bé, nghèo hèn... trong khi hạng cố chấp bảo thủ ở Giê-ru-sa-lem thì khinh khỉnh xa lánh họ và khắt khe phê phán Người. 2- Nhưng một lý do khác xem ra có tính chất quyết định hơn: Đức Giê-su có một ý thức mạnh về “tính phổ quát của ơn cứu rỗi”. Người dần dần huấn luyện môn đệ biết làm việc truyền giáo trong những xứ có nền văn hóa khác với môi trường truyền thống của mình: các khuôn khổ chật hẹp, đặc thù của Do-thái giáo phải vỡ tan, để duy cái cốt yếu được giữ lại, hầu lương dân thiện chí, không có mọi tập tục về thanh sạch như thế, có thể gắn bó với đức tin mà các môn đệ rao truyền. Lạy Chúa, xin dạy chúng con tinh thần phổ quát! Xin giúp chúng con phân biệt điểm cốt yếu trong sứ điệp của Ngài với mọi thói tục truyền thống của bao thế kỷ đi trước đang vô lý làm người thời nay khó chịu. Trong thời đại biến chuyển văn hóa lớn lao như hiện nay, xin giúp chúng con thấy cái bất biến và cái cần thay đổi... để các thế hệ tương lai không bị buộc phải chống lại đức tin chỉ vì chúng con đã quá gắn kết nó với “truyền thống”. 3- Nhưng Đức Giê-su lát nữa sẽ đưa ra lý do thứ ba biện minh thái độ mới Người cổ võ: đó là các “truyền thống” ấy không đến từ Thiên Chúa nhưng chỉ từ loài người, từ những thời đại trước đây. Thành thử chúng phải tiến triển.
Thiên Chúa Chỉ Cần Tình Yêu Bên Trong
Tiếp đó Đức Giê-su kêu gọi hiểu biết và suy nghĩ của quần chúng: “Xin mọi người nghe tôi nói đây và hiểu cho rõ”. Chớ sao lại các thái độ hay tập quán chỉ vì chúng được thi hành từ lâu! Trong Do-thái giáo, các luật về thanh sạch theo nghi lễ có nhiều tác động trên chế độ ăn uống: cấm ăn thịt vài loại thú vật (mọi nghề chế biến thịt heo đều nhơ uế ví dụ vậy, Lê-vi 11)... hay động vật không chọc tiết (Lv 17,10-14). Các quy định này khiến việc đồng bàn giữa người Do-thái với dân ngoại thành bất khả, trừ phi chấp nhận cách ăn uống của họ. Đây từng là một thứ rào chắn bảo vệ mọi tiếp xúc với thế giới ngoại giáo. Nhưng Đức Giê-su tuyên bố “mọi thức ăn đều thanh sạch” (Mc 7,19). Lúc đó, quan điểm này hết sức chấn động, bị xem là táo bạo và tự do, “phóng đãng” như ta nói bây giờ.
Vì theo Đức Giê-su, cái thật sự khiến con người ra ô uế, đó không phải là cái mình ăn, nhưng là cái mình nghĩ. Nhơ bẩn không nằm trong chất thể tính ngoại diện của một hành vi nào đó, nhưng trong tâm hồn! Ở đây Đức Giê-su đưa vào luân lý một nguyên tắc hết sức chủ yếu, mà còn lâu mới được thực sự áp dụng bởi các não trạng hiện thời của chúng ta, vì nhiều cấm kỵ đối nghịch sâu xa với Tin Mừng vẫn còn; nhiều đầu óc hơi hướng “nhị nguyên” (kết án thể xác và vật chất) vẫn tồn tại. Các Ki-tô hữu sơ khai đã phải chiến đấu chống lại Ngộ đạo thuyết và Nhị nguyên thuyết chủ trương khinh bỉ dục tính: “Tất cả những gì Thiên Chúa tạo dựng đều tốt, và không có gì phải loại bỏ, nếu biết dùng trong tâm tình tri ân cảm tạ” (1Tm 4,4). Nhưng xin lưu ý: Đức Giê-su không vì thế biện minh cho thuyết “chủ quan”. Sẽ bóp méo tư tưởng của Người khi bảo các lời ấy bênh vực “tự do phong tục”: ai nấy có thể làm điều lòng mình xui khiến!!! Đức Giê-su đâu loại bỏ ý niệm “sự dữ”! Người rõ ràng đặt nó đúng chỗ của nó, nơi nội tâm con người, trong thái độ thiếu tình yêu. Đây là nguyên lý căn bản của mọi khoa luân lý, mọi nền đạo đức vượt lên tình trạng sơ đẳng: đâu phải chỉ cần làm một cử chỉ nào đó thì tự động mắc tội... sự dữ không ở trong sự vật nhưng trong hồn người.
Vâng, lòng chúng ta là một nguồn suối, từ đó chảy ra nước nhiễm bẩn của ích kỷ và nước trong sạch của tình yêu. Do đó không thể phán xét anh em tự bên ngoài, vì chúng ta đâu thấy con tim, ý thức bên trong của đương sự. Bởi lẽ “tự lòng người, mới phát xuất những ý định xấu, như tà dâm, trộm cướp, giết người, ngoại tình...”: Đây là “danh mục tội lỗi” duy nhất từ Đức Ki-tô đến với chúng ta qua cộng đoàn Kitô tiên khởi. Đức Giê-su trích dẫn 12 tội (con số chỉ sự đầy đủ), khai triển ba sự ô uế lớn nhất: độc ác, kiêu căng và trụy lạc! Thành thử mọi tội này đều liên quan đến tình yêu, đến tha nhân. Vì tất cả nằm ở đó: phải yêu mến! Ngay cả chuyện giữ đức khiết tịnh, qua việc cẩn thận từ tư tưởng, lời nói, ánh mắt, cử chỉ, mà không có lòng bác ái tích cực, mau mắn phục vụ, vui tươi thông cảm, thì cũng chỉ như một tảng băng trong suốt nhưng chẳng ai dám đến gần. Chúng ta sẽ bị xét xử trên tình yêu, trên con tim (x. Mt 25).
Có lẽ người ngày nay không mấy thích liệt kê thói xấu như vậy. Thời đại chúng ta hầu như đã đánh mất ý thức về một cái gì đó làm nền tảng trong mọi nền văn minh cổ xưa: vẻ đẹp của nhân đức và sự tồi tệ của thói xấu. Qua đó ta nhận thấy luân lý của Đức Giê-su phổ quát đến chừng nào. Người biết rõ trọn vẹn trái tim nhân loài. Đây là luân lý căn bản tự nhiên nhất được Đức Giê-su tái nêu bật, vượt lên trên các “truyền thống đặc thù” của một nền văn minh. Không một thói tục dân tộc nào, không một truyền thống tổ tiên nào có thể đi ngược với các lề luật chủ yếu mà mỗi con người đều nhận ra trong đáy con tim. Vậy hỡi bạn, chớ lướt nhanh qua bảng liệt kê này, như thể nó chẳng liên can gì tới bạn. Hãy tự hỏi xem lòng gian tham, độc ác, xảo trá, ganh tỵ, kiêu ngạo, ngông cuồng, tà dục... mặc hình thức chính xác nào với bạn hôm nay v.v... Hay bạn chỉ luôn quan tâm đến vẻ lịch sự, bô trai, duyên dáng, yêu kiều và cho như thế là đủ, như những tên vô lại trong câu chuyện mở đầu bài suy niệm này?
Chi tiết
- Ngày: 30/08/2021
- Tác giả: Lm. Anmai