Nhận ra Chúa trong nhân tính của Chúa Giêsu và của anh chị em
Kinh Truyền Tin 22/08: Nhận ra Chúa trong nhân tính của Chúa Giêsu và của anh chị em
Lúc 12 giờ trưa Chúa Nhật 22/8, ĐTC đã xuất hiện tại cửa sổ Dinh Tông Toà để cùng đọc Kinh Truyền Tin với các tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô. Dù trời Roma đang rất nóng nhưng khá đông tín hữu đã đến quảng trường để cùng đọc Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha. Như thường lệ, Đức Thánh Cha có một bài huấn dụ ngắn dành cho các tín hữu dựa trên đoạn Tin Mừng Chúa Nhật.
Bài huấn dụ của Đức Thánh Cha trước khi đọc Kinh Truyền Tin
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Bài Tin Mừng của Phụng vụ hôm nay (Ga 6,60-69) cho chúng ta thấy phản ứng của đám đông và của các môn đệ trước những lời của Chúa Giêsu sau phép lạ hóa bánh ra nhiều. Chúa Giê-su mời gọi chúng ta hiểu dấu chỉ đó và tin vào Người, Đấng là bánh thật từ trời xuống, bánh ban sự sống; và bày tỏ rằng bánh Người sẽ ban là chính thịt và máu của Người. Những lời này thật chói tai, không thể hiểu được đối với người nghe, đến nỗi, ngay từ lúc đó – theo lời Tin Mừng – nhiều môn đệ của Người đã quay lưng, tức là họ không theo Thầy nữa (c. 60.66). Rồi Chúa Giêsu hỏi Nhóm Mười Hai: “Anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?” (câu 67), và Phêrô, thay mặt cho cả nhóm, xác nhận quyết định ở lại với Người và nói rằng: “Lạy Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa” (Ga 6,68-69). Và đó là một lời tuyên xưng đức tin thật đẹp.
Chúng ta hãy dừng lại đôi chút về thái độ của những người rút lui và quyết định không theo Chúa Giê-su nữa. Lý do của sự từ chối này là gì?
Những lời của Chúa Giêsu tạo ra một cú sốc lớn: Người đang nói rằng Thiên Chúa đã chọn tỏ mình ra và thực hiện ơn cứu độ nơi sự yếu đuối của xác thịt con người: đó là mầu nhiệm Nhập thể. Và sự nhập thể của Thiên Chúa là điều gây sốc và đặt ra một chướng ngại cho người ta, và cũng thường cho cả chúng ta. Thật vậy, Chúa Giêsu khẳng định rằng bánh thật của ơn cứu độ, thông truyền sự sống đời đời, là chính thịt Người; rằng để hiệp thông với Thiên Chúa, trước khi tuân giữ những luật lệ hoặc chu toàn các giới luật tôn giáo, thì cần phải sống một mối tương quan thực sự và cụ thể với Người, vì ơn cứu độ đã đến từ Người, trong sự Nhập thể của Người. Điều này có nghĩa là chúng ta không cần theo đuổi Thiên Chúa trong những giấc mơ và những hình ảnh vĩ đại và quyền năng, nhưng chúng ta phải nhận ra Người trong nhân tính của Chúa Giêsu và do đó, trong nhân tính của những anh chị em mà chúng ta gặp trên mọi lối nẻo cuộc sống. Thiên Chúa đã trở thành xác phàm, và khi chúng ta tuyên xưng điều này trong Kinh Tin Kính, vào Lễ Giáng Sinh, Lễ Truyền Tin, chúng ta quỳ gối để tôn thờ mầu nhiệm Nhập Thể này. Thiên Chúa đã trở thành xác phàm, Người trở nên thịt và máu: Người hạ mình xuống để trở thành một con người như chúng ta, Người hạ mình xuống đến mức tự gánh lấy những đau khổ và tội lỗi của chúng ta, và do đó mời gọi chúng ta tìm kiếm Người không phải bên ngoài cuộc sống và từ lịch sử, nhưng trong mối tương quan với Đức Kitô và với anh chị em mình. Hãy tìm kiếm Người trong cuộc sống, trong lịch sử, trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Và thưa anh chị em, đây là cách để gặp gỡ Thiên Chúa: mối tương quan với Chúa Kitô và với anh chị em.
photo: Vatican Media/CNA / EWTN
Ngay cả ngày nay, sự mặc khải của Thiên Chúa trong nhân tính của Chúa Giê-su có thể gây chướng tai và không dễ để chấp nhận. Đó là điều mà thánh Phao-lô gọi là “sự điên rồ”, sự điên rồ của Tin Mừng đối với những kẻ tìm kiếm phép lạ hay sự khôn ngoan của thế gian (x. 1Cr 1,18-25). Và “sự chướng tai” này được thể hiện rõ ràng qua bí tích Thánh Thể: trong mắt người đời, việc quỳ gối trước một tấm bánh có thể có ý nghĩa gì? Tại sao chúng ta cần được liên tục nuôi dưỡng bởi tấm bánh này? Thế giới thấy điều này thật chướng.
Trước cử chỉ phi thường của Chúa Giê-su khi cho hàng ngàn người ăn với năm chiếc bánh và hai con cá, mọi người tung hô Người và muốn đưa Người lên đài chiến thắng để tôn Người làm vua. Nhưng khi chính Người giải thích rằng cử chỉ đó là dấu chỉ của sự hy sinh của Người, nghĩa là ban tặng sự sống, thịt và máu Người, và rằng ai muốn theo Người phải trở nên giống như Người, nhân tính của Người được dâng hiến cho Thiên Chúa và cho người khác, thì khi đó, họ không thích nữa, và Chúa Giêsu này khiến chúng ta rơi vào khủng hoảng. Thật vậy, chúng ta hãy lo lắng nếu điều này không khiến chúng ta khủng hoảng, bởi vì có lẽ chúng ta đã giảm nhẹ thông điệp của nó! Và chúng ta xin ơn để mình được hứng khởi và hoán cải bởi “những lời ban sự sống đời đời” của Người.
Và xin Mẹ Maria Rất Thánh, Đấng đã cưu mang nơi mình Chúa Giêsu Hài Đồng và hiệp nhất với hy tế của Người, giúp chúng ta luôn làm chứng cho đức tin của mình bằng đời sống cụ thể.
Văn Yên, SJ