TIỆC CƯỚI – ÁO CƯỚI
19 12 X Thứ Năm Tuần XX Thường Niên.
(Tr) Thánh Gio-an Ơ-đơ, Linh mục.
Tl 11,29-39a; Mt 22,1-14.
TIỆC CƯỚI – ÁO CƯỚI
Lễ kỷ niệm thánh Gio-an Ơ-đơ (Jean Eudes) qua đời ở Caen, miền Normandie ngày 19 tháng 8 năm 1680, được phong thánh năm 1925, nhắc chúng ta nhớ lại một thời kỳ đậm nét giáo phái Jansénisme.
Sinh tại Ri, gần Argentan vùng Normandie năm 1601, Jean Eudes là anh cả trong bảy anh em. Buổi đầu Jean theo học trường các cha dòng tên ở Caen, về sau nhập tu hội Oratoire do Cha Bérulle lập ở Paris.
Thụ phong linh mục năm 1625, cha bắt đầu công tác mục vụ giữa những ngưòi bị dịch hạch trong vùng Argentan, nhiều lần suýt chết. Về sau giữa khoảng năm 1623 đến 1675, cha phụ trách các công tác giáo xứ. Năm 1639, được chỉ định làm bề trên tu hội Oratoire ở Caen, cha vẫn tiếp tục công việc truyền giáo cho giới bình dân, giảng thuyết cho các giáo sỹ miền Normandie và Bretagne.
Năm 1643 cha Jean Eudes thành lập hội dòng Chúa Giêsu và Mẹ Maria, đặt tên là các linh mục dòng Ơ-đơ (les Pères Eudistes), tại Caen, để điều khiển các chủng viện và đào tạo linh mục. Vậy là cha thành lập đại chủng viện Caen, và sau này thêm các đại chủng viện Lisieux, Coutances, Rouen, Evreux, Rennes. Năm 1642, cha thành công trong việc tổ chức viện nữ tu Đức Bà Bác ái để phục hồi các cô gái lầm lỡ. Trong thế kỷ XIX, từ viện này sẽ phát xuất hội dòng Chúa Chiên lành ở Angers.
Giữa bao bộn bề thánh Ơ-đơ vẫn không ngừng tuyên truyền việc tôn thờ Thánh Tâm Chúa Giêsu và Mẹ Maria, đặc biệt là từ năm 1641. Vì thế, Đức thánh giáo hoàng Piô X đã tuyên bố ngài là “người khởi xướng, là tiến sỹ và là tông đồ của Thánh tâm Chúa Giê-su và Mẹ Maria”. Thánh Jean Eudes (Gioan Ơ-đơ) qua đời tại Caen năm 1680, thọ bảy mươi chín tuổi sau khi từ bỏ chức bề trên tổng quyền hội dòng của người.
Giữa một thời kỳ lòng đạo đức trong Giáo hội bị chế ngự bởi sự ngu dốt của các tín hữu cũng như giáo sỹ và sự mê tín, Chúa đã sai thánh Jean Eudes đến để loan báo “sự phong phú khôn lường của Đức Kitô” (lời nguyện trong ngày)
bài đọc trích một đoạn trong cuốn Luận về Thánh tâm diệu kỳ của Chúa Giêsu trong đó giải thích ý nghĩa của lòng sùng kính này như sau: “Thánh tâm không những chỉ để cho bạn, nhưng còn muốn ở trong bạn, sống trong bạn và thống trị trong đó …Người muốn rằng tất cả những gì ở trong Người cũng được sống và thống trị trong bạn; Thần linh của Người trong tinh thần bạn, Tâm hồn Người trong tâm hồn bạn, ngõ hầu các lời chí thánh Người đươc thực hiện cho bạn. Hãy tôn vinh Chúa và mang Người trong mình; ước chi đời sống Chúa Giêsu xuất hiện rõ rệt nơi bạn”
Trong hoàn cảnh tôn giáo thế kỷ XVII, kết quả của phong trào truyền giáo này, thực đáng trân trọng: đã có một sự canh tân đức tin và thực hành đạo đích thực nhớ công cuộc của các chủng viện và tu sỹ các hội dòng mới. Ngày nay thánh Jean Eudes vẫn còn kêu gọi chúng ta: “bởi vì các bí nhiệm của Chúa Giê-su vẫn chưa trọn vẹn hoàn tất … Bởi vì Con Thiên Chúa có ý định đặt một sự tham gia và làm như một sự phát triển và tiếp nối với các bí nhiệm của Người trong ta và trong toàn thể Giáo Hội của Người”
Trong rất nhiều sinh hoạt và hình ảnh của cuộc sống, Chúa Giêsu đã chọn bữa ăn như dấu chỉ ưu việt nhất để rao giảng Tin Mừng của Ngài.
Chúa Giê-su trình bày dụ ngôn tiệc cưới, ám chỉ lịch sử ơn cứu độ của Thiên Chúa qua hai giai đoạn chính như sau: Đầu tiên Thiên Chúa tuyển chọn và mời gọi dân riêng Ít-ra-en gia nhập vào Nước Trời do Đấng Thiên Sai thiết lập, nhưng họ đã từ chối tình thương cứu độ của Người. Sau đó Thiên Chúa đã mời gọi tất cả các dân tộc gia nhập Nước Trời. Tuy nhiên muốn được tham dự vào bàn tiệc Nước Trời đời sau người ta tối thiểu phải mặc y phục lễ cưới, tức là phải có “lòng ăn năn sám hối và tin vào Tin mừng” do Chúa Giêsu rao giảng. Ai cố tình không mặc y phục lễ cưới sẽ không được vào dự tiệc Nước Trời và còn bị phạt trong hỏa ngục muôn đời.
Nước Trời giống như một tiệc cưới, đây là một trong những hình ảnh được Chúa Giêsu sử dụng nhiều nhất để nói lên niềm vui của Nước Trời. Chúa Giêsu cũng mặc cho bữa tiệc của Ngài một ý nghĩa tượng trưng đặc biệt. Chúng ta chỉ cần nhớ lại tiệc cưới Cana, trong đó Chúa Giêsu đã biến nước thành rượu để khách dự tiệc được tiếp tục cuộc vui. Ngài dự tiệc do Lêvi, do Zakêu và rất nhiều người thu thuế khoản đãi; Ngài đồng bàn với họ, chia sẻ một tấm bánh và uống một chén rượu với họ.
Không những đồng bàn với những người tội lỗi, Chúa Giêsu cũng không từ chối lời mời của những người Biệt phái, những người giàu có. Ngài chia sẻ bữa ăn thân thiết với gia đình Marta, Maria và Lazarô tại Bêtania. Ngài thiết lập Bí Tích Thánh Thể trong bữa ăn cuối cùng của Ngài với các môn đệ. Sau khi sống lại, Ngài ngồi đồng bàn với hai môn đệ trên đường Emmau. Ngài hiện ra trên bờ hồ và chuẩn bị bữa ăn cho các môn đệ, rồi Ngài cùng ăn cùng uống với các ông.
Bữa ăn là nơi thể hiện của những giá trị cao quí nhất trong cuộc sống của con người, như gặp gỡ, hiệp thông, trao ban, chia sẻ, hân hoan. Chính vì ý nghĩa cao quí ấy, Chúa Giêsu đã mượn hình ảnh bữa tiệc để nói lên những thực tại Nước Trời. Ðến đây, chúng ta hiểu được ý nghĩa của hình ảnh chiếc áo cưới mà thực khách phải mặc vào khi dự tiệc cưới. Chiếc áo cưới ấy chính là tâm tình gặp gỡ, chia sẻ, trao ban, hân hoan mà con người phải mặc lấy để thuộc về Nước Trời.
Có người đã tưởng tượng ra Thiên đàng, hỏa ngục như hai bàn tiệc. Bàn tiệc dưới hỏa ngục cũng mâm cao cỗ đầy, thế nhưng khách dự tiệc thì ngồi ủ rũ buồn thiu, bởi vì mỗi người đều cầm trong tay một đôi đũa dài đến độ thức ăn thì gắp được, nhưng không thể đưa thức ăn vào miệng. Bàn tiệc trên Thiên đàng cũng y hệt, nhưng khác một điều, là thay vì gắp thức ăn cho vào miệng mình, người ta lại gắp thức ăn và đưa vào miệng người đối diện, thế là vui vẻ cả, vì ai cũng được ăn uống no nê.
Ước gì niềm vui bàn tiệc thánh mà chúng ta tham dự cũng được tiếp tục thể hiện trong đời thường của chúng ta. Ước gì cả cuộc sống chúng ta luôn được diễn ra trong gặp gỡ, chia sẻ, trao ban, vui tươi, nhờ đó chúng ta cảm nhận được niềm vui đích thực của Nước Trời và thắng vượt được mọi khó khăn thử thách trong cuộc sống.