Lòng tin
07 29 X Thứ Bảy Tuần XVIII Thường Niên.
(Đ) Thánh Xit-tô II (Sixtus), Giáo hoàng và các bạn Tử đạo.
(Tr) Thánh Ca-giê-ta-nô (Cajetan), Linh mục.
Thứ Bảy đầu tháng. Ngày đền tạ trái tim vô nhiễm Đức Mẹ.
Đnl 6,4-13; Mt 17,14-20.
Lòng tin
“Trong một sắc chỉ gửi thượng viện, hoàng đế Valêrinô đã ra lệnh gấp rút truy lùng các Giám Mục, linh mục và phó tế. Bạn cũng nên biết rằng Ðức Sixtô đã bị hành quyết cùng với bốn thầy sáu khác”.
Vào đầu tháng 8/258, trước khi bị tử hình, thánh Cyprianô đã viết cho một người bạn như sau: “Trong một sắc chỉ gửi thượng viện, hoàng đế Valêrinô đã ra lệnh gấp rút truy lùng các Giám Mục, linh mục và phó tế. Bạn cũng nên biết rằng Ðức Sixtô đã bị hành quyết cùng với bốn thầy sáu khác”. Thực vậy, ngày 06/8/258, Ðức Giáo Hoàng Sixtô đã bị bắt đang lúc cử hành phụng vụ tại nghĩa trang Callistô. Sau đó, ngài bị trảm quyết cùng với các thầy Janvier, Magne, Vicentê và Etienne. Ngoài ra, thầy Félicissime và Agapit cũng đã bị bắt và bị xử chém tại nghĩa trang Prétextat, trong khi đó, thầy Laurent bị hành hình và chết vào bốn ngày sau. Ðó là một trang sử oai hùng của Giáo Hội Rôma trong thời bách hại.
Thánh Cyprianô đã muốn dựa trên những nhân chứng hùng hồn này để mời gọi các tín hữu Phi Châu hãy can đảm chiến đấu, hãy nghĩ đến cuộc sống vĩnh cửu hơn là cái chết hiện nay. Hãy ra sức tận hiến cho Thiên Chúa. Hãy vui mừng hơn là sợ hãi trong lúc tuyên xưng đức tin và hãy nhớ rằng những chiến sĩ của Thiên Chúa không bao giờ chết nhưng sẽ được đội triều thiên khải hoàn.
Đức Sixtô II là người Hy Lạp, sinh tại Athêna, là người có học thuyết uyên bác, nhưng vốn tính rất khiêm nhu. Nổi danh là vị Giáo hoàng “ôn hòa”, ngài đã dàn xếp ổn thỏa, nối lại quan hệ bị gián đoạn với các Giáo hội Đông phương và Phi Châu về Phép rửa mới cho các Kitô hữu đã chối bỏ đức tin còn tồn tại từ thời các vị tiền nhiệm.
Lúc ấy, hoàng đế Valêrianô phát động một cuộc bách hại rất khốc liệt đối với Giáo hội Công giáo. Nhiều Kitô hữu bị bắt bớ, buộc phải chối bỏ đức tin, nếu không, sẽ bị tịch thu tài sản và kết án tử hình. Đức Giáo hoàng Sixtô II cũng bị bắt và cuộc tử đạo của đức Sixtô II có liên quan đến chuyện Thánh Laurenxô phó tế, phụ tá của ngài chuyên lo việc quản lý công việc bác ái, cứu giúp người nghèo. Khi ngài bị bắt và bị dẫn giải, thầy phó tế Laurenxô xin ngài cho phép được đi cùng, nhưng ngài nói rằng: “Thầy cũng sẽ được hưởng triều thiên tử đạo, nhưng phải ở lại lo giải quyết xong xuôi những công việc bác ái còn lại.”
Quả thật, bốn ngày sau, Laurenxô cũng bị bắt và được yêu cầu đem nộp tất cả tài sản của Giáo hội cho nhà vua. Laurenxô xin trở vế lo việc giao nộp. Thầy gọi mọi người nghèo khổ trong thành đến, phân phát tất cả tài sản cho họ rồi dẫn họ đến trước mặt quan án và dõng dạc tuyên bố: “Đây là tất cả tài sản của Giáo hội”. Thầy bị kết án, bị đưa lên giàn hỏa thiêu trước sự chứng kiến của ngài. Riêng ngài bị chém đầu trên chính ngai tòa của mình ngày 6-8-258, và được mai táng trong phần mộ dành cho các Giáo hoàng tại hầm mộ thánh Calixtô.
Ngày hôm nay, con người đang phải đối diện với biết bao vấn đề phức tạp của cuộc sống, từ chiều kích nội tâm đến thực tế đời thường. Nhiều vấn đề rất khó giải quyết và đi đến chỗ bế tắc không lối thoát. Chính vì thế, mà nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ đành để cuộc sống nổi trôi không định hướng. Lý do căn bản đã đẩy đưa con người đến tình trạng này là do thiếu niềm tin trong cuộc sống.
Thật vậy, sống giữa một xã hội tuy rất phát triển về nhiều mặt, nhưng vì chiều kích tâm linh đã bị xem nhẹ, và đôi khi còn không được bàn tới, nên con người hôm nay nhiều lúc phải choáng váng trước bao vấn đề nảy sinh từ cuộc sống đầy nhiễu nhương phức tạp này. Một xã hội đề cao vật chất và tôn thờ chủ nghĩa hưởng thụ đâu có thể thỏa mãn mọi khát vọng chính đáng của con người.
Có lẽ tiếng kêu than của con người đã thấu tới trời cao, để rồi chính Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay đã phải thốt lên: “Ôi thế hệ cứng lòng không chịu tin và gian tà! Tôi còn phải ở với các người cho đến bao giờ, còn phải chịu đựng các người cho đến bao giờ nữa?” (c.17)
Ngày xưa Chúa Giêsu đã phải xót xa vì thái độ thiếu lòng tin của người Do Thái, khi họ cứng lòng trước những lời giảng dạy và phép lạ Người làm. Ngày nay cũng thế, Chúa Giêsu vẫn hiện diện trong Giáo Hội và thế giới qua những giáo huấn và dấu chỉ thời đại, nhưng con người vẫn mải miết chạy theo những sự vật mau qua của trần thế, và bưng tai bịt mắt trước tình yêu thương quan phòng và diệu kỳ của Người.
Mỗi chúng ta cần xét lại bản thân, để xem lòng tin của mình có mềm mại trước những dấu chỉ yêu thương của Chúa không? Hay lại chai đá như dân Israel xưa. Chúa vẫn kiên nhẫn không mỏi mệt với chúng ta. Người mong chúng ta quay trở lại để đón nhận tình yêu thương của Người luôn trải dài trong từng phút giây của cuộc sống mỗi người.
Nếu những yếu tố vật chất của thời đại hôm nay không thỏa mãn khát vọng thâm sâu nhất của chúng ta, thì lòng tin lại có sức mạnh vô song như lời Chúa nói trong Tin Mừng hôm nay: “Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải thôi, thì dù anh em có bảo núi này: “rời khỏi đây, qua bên kia!” nó cũng sẽ qua, và sẽ chẳng có gì mà anh em không làm được” (c.20).
Lời Chúa thật xác quyết và mạnh mẽ, nhưng liệu chúng ta có vững tin vào Lời Ngài không? Đấy là yếu tố quyết định cho vận mạng của chúng ta hôm nay và mai sau.
Lòng tin có thể làm mọi sự và thay đổi mọi tình huống trong cuộc sống. Nhiều đoạn văn Tin Mừng đã cho chúng ta thấy những phép lạ xảy ra đều do lòng tin kiên vững của người xin ơn. Chúa cũng chỉ làm phép lạ khi người ta có lòng tin mạnh mẽ vào Người.
Ngày hôm nay và ngay giờ phút này, lòng tin của mỗi người chúng ta đang ở ngưỡng nào trong chương trình yêu thương quan phòng của Thiên Chúa Tình Yêu. Ngài vẫn luôn chờ đợi chúng ta trong yêu thương, để nâng đỡ lòng tin hèn yếu của chúng ta. Vì cuộc sống thật nhiều gian nan và thách đố, nên nhiều khi chúng ta muốn buông xuôi, muốn ngã lòng, muốn bỏ cuộc. Chúa vẫn có đó để đồng hành và nâng đỡ chúng ta trong cuộc sống từng ngày. Đặc biệt trong Mầu Nhiệm Thánh Thể, Chúa luôn mãi âm thầm đón đợi chúng ta đến với Ngài, để được Ngài tiếp sức và bổ dưỡng thêm lòng tin.