NGÔN SỨ ! NGƯỜI LÀ AI ?
31 22 Tr Thứ Bảy Tuần XVII Thường Niên.
Thánh I-nha-xi-ô Lôi-ô-la (Loyola), Linh mục, lễ nhớ.
Thánh Phê-rô Đoàn Công Quý, Linh mục (U1859); và Thánh Em-ma-nu-en Lê Văn Phụng, Trùm họ (U1859), Tử đạo.
Lv 25,1.8-17; Mt 14,1-12.
NGÔN SỨ ! NGƯỜI LÀ AI ?
Thánh Inhaxiô là vị linh mục sáng lập Dòng Tên, sinh tại Loyola (Azpeitia, Tây Ban Nha) khoảng năm 1491 qua đời tại Rô-ma ngày 31.7.1556
Cha Thánh Inhaxiô sinh năm 1491 trong một gia đình thế giá ở lâu đài Loyola xứ Basque, miền bắc Tây Ban Nha.
Cho đến năm 30 tuổi, ngài là một hiệp sĩ ít học, ngang tàng và phóng túng, nhưng luôn luôn trung thành và quảng đại với vương triều. Năm 1521, bị thương tại Pamplona, ngài phải nằm dưỡng bệnh hơn nửa năm trời ở gia đình, và trong thời gian này, nhờ đọc sách và suy nghĩ, ngài quyết tâm noi gương các thánh đi phục vụ Đức Kitô là vị Vua muôn đời.
Khi đã bình phục năm 1522, ngài đến làng Manresa ở đông bắc Tây Ban Nha, sống cô tịch để cầu nguyện gần một năm trong một hang đá. Trải qua nhiều kinh nghiệm thiêng liêng sâu đậm, ngài truyền lại cho hậu thế trong tập Linh Thao, Sau đó, ngài đi hành hướng Giêrusalem để luyện tập đức tin, đức cậy và đức mến. Trở về Tây Ban Nha, ngài tập tễnh dòng Linh Thao giúp các linh hồn, nhưng nhiều lần bị bắt và bị cấm. Ngài quyết định đi Paris học để có thể hoạt động tông đổ hữu hiệu hơn.
Tại đại học Paris, ngài gặp Phêrô Favre, Phanxicô Xavier và 4 người bạn khác, Sau nhiều lần trao đổi và cầu nguyện, ngày 15 tháng 8 năm 1534, tại nhà thờ Montmartre, ngài cùng với các bạn tuyên hứa sống độc thân, nghèo khó và làm việc tông đồ. Sau đó ngài về quê chữa bệnh, rồi đển Venezia miền bắc Ý để gặp lại các bạn.
Năm 1537, ngài chịu chức linh mục. Ngài cùng với các bạn họp nhau tại Vicenza đồng ý đặt tên nhóm là đoàn Giêsu. Trên đường vào Rôma, tại La Storta, ngài cảm nghiệm “được đặt với Chúa Con”. Năm 1539, ngài đệ trình dự án biến Đoàn Giêsu thành một tu hội Tông Đồ, và năm 1540, dự án được Đức Thánh Cha Phaolô III phê chuẩn.
Năm 1541, ngài được các bạn nhất trí bầu làm Tổng Quản tiên khởi của Dòng Tên. Trong cương vị này, ngài huân luyện các anh em mới, và hướng dẫn các anh em hoạt động tông đồ trên kháp mặt đất. Đây giai đoạn ngài chìm sâu vào mầu nhiệm Ba Ngôi và được kể vào số những nhà thần bí nổi tiếng nhất Hội Thánh.
Ngài qua đời ngày 31.7.1556 như một hiệp sĩ trung thành và quảng đại, và được Đức Thánh Cha Grêgôriô XV phong thánh năm 1622.
Tin Mừng hôm nay thuật lại cái chết bi thảm của vị ngôn sứ cuối cùng của Cựu Ước đó là Gioan Tẩy Giả, người dọn đường cho Chúa Cứu Thế đến. Cái chết của ông chứng minh cho lòng can đảm dám sống cho sự thật và chết cho sự thật vì yêu luật Chúa.
Sau bao năm ở sa mạc một mình với Thiên Chúa để chuẩn bị sứ vụ, Gioan Tẩy Giả xuất hiện giữa dân chúng, kêu gọi mọi người sám hối và dọn lòng đón nhận Đấng Cứu Thế. Trong bối cảnh đó, ông cũng mạnh dạn lên tiếng can ngăn vua Hêrôđê không được phép lấy vợ của anh mình. Tiếng nói chân thật của ông đã đưa ông đến chỗ bị vua Hêrôđê ra lệnh bắt trói và xiềng ông trong tù. Vua muốn giết Gioan nhưng lại sợ đám đông vì họ coi ông như một vị ngôn sứ. Người ta thường nói: “Sự thật, mất lòng” nhưng với Gioan Tẩy Giả thì “sự thật, mất đầu”. Ông chấp nhận “ thật thà, thẳng thắn thường thua thiệt” để hy vọng cứu được một quân vương khỏi sa lầy tội lỗi. Nhưng vì giữ danh dự trước bá quan và khách mời, ông đã bị Hêrôđê ra lệnh chém đầu để thỏa mãn sự căm thù của một người đàn bà thiếu đạo đức tên là Hêrôđia, vợ của Philipphê, anh vua Hêrôđê mà vua đã lấy làm vợ mình. Gioan Tẩy Giả mất đầu nơi thân xác, nhưng tâm hồn và tiếng nói chân thật của ông vẫn còn vang vọng và là gương sáng trong mọi thời đại. Qua cái chết vì lòng trung thành với lề luật Thiên Chúa, chúng ta nhận ra Gioan Tẩy Giả cũng đã cùng chung thân phận với bao ngôn sứ khác.
Trở lại với Hêrôđê, chúng ta có thể thấy ông là một con người có tính khí bất thường. Ông vừa kính Gioan, vừa muốn nghe Gioan nói, nhưng lại không muốn dứt bỏ người tình Hêrôđia. Ông bắt cá hai tay nên ông loay hoay, luẩn quẩn trong cái vòng tội lỗi để rồi khi thấy Chúa Giêsu bắt đầu nổi danh, ông ngỡ là Gioan Tẩy Giả đã sống lại, người mà ông đã ra lệnh chém đầu trước đây! Ông sợ đối diện với sự thật về đạo lý luân thường, lòng ông luôn thiếu bình an. Ông không còn đủ sáng suốt nhận ra chân lý nên chỉ vì giữ một lời hứa trong lúc có men, ông đã giết oan một ngôn sứ mà Đức Giêsu đã giới thiệu trước: “ Trong số phàm nhân lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gioan Tẩy Giả” (Mt 11, 11a).
Nhìn Hêrôđê, chúng ta cũng tự vấn lương tâm mình trong cách sống đạo trong thế giới hôm nay. Phải chăng tiếng nói luân lý ngày xưa còn được con người quan tâm hoán cải, dù vẫn có những người như Hêrôđê. Nhưng tiếng nói luân lý ngày nay đang bị con người coi thường đến mức báo động. Họ coi có quyền, có tiền là có tất cả. Nguy hiểm hơn là vì không sợ tội nên họ có thể làm tất cả những gì mình muốn, bất chấp luật lệ và công lý. Rất may là chúng ta còn gặp những người như Gioan Tẩy Giả trong gia đình là cha là mẹ sẵn sàng quan tâm dạy dỗ con cái sống đạo hoặc trong các hội đoàn hay những người đầy ơn Chúa, họ sẵn lòng kiên trì đi gặp gỡ, khuyên nhủ và tìm nhiều phương cách giúp những anh chị em Kitô hữu khô đạo hay lạc xa đức tin trở về với Chúa. Giáo Hội rất vui mừng và biết ơn những con người như thế để cộng tác vào ơn cứu độ của Chúa là cứu anh chị em mình thoát khỏi sự dữ đời đời.
Kết thúc cuộc đời của vị ngôn sứ cuối cùng của Cựu Ước là đầu lìa cổ và đặt trên mâm. Lý do tại sao thì chúng ta đã rõ theo trình thuật của thánh sử Matthêu. Gioan Tẩy Giả đã can đảm tố cáo tiểu vương Hêrôđê về hành vi cướp vợ của anh mình. Dường như đó là cái giá mà các ngôn sứ phải trả khi thi hành sứ mạng của mình và Gioan Tẩy Giả không là một ngoại lệ. Nếu như việc Gioan được sinh ra báo trước việc Đấng Cứu Thế giáng sinh, thì cái chết của ngài cũng là một lời loan báo về sự chết của vị Ngôn Sứ cao cả thành Nadaret là Chúa Giêsu. Nếu như cái chết nói chung đưa đến cho mọi người sự sợ hãi, thì cái chết của Gioan Tẩy Giả hay các ngôn sứ và đặc biệt là cái chết của Chúa Giêsu lại là dấu chỉ lòng thương xót của Thiên Chúa đối với con người, vì nó mở ra con đường sự sống vĩnh cửu cho tất cả chúng ta.
Một cách nào đó, đời sống của người tín hữu là một cuộc tử đạo triền miên. Liệu việc cái đầu của Gioan Tẩy Giả lìa khỏi thân và được đặt trên mâm có trở nên nguồn động lực thúc đẩy chúng ta can đảm hơn, mạnh mẽ hơn nữa để sống và loan báo Tin Mừng ?