Hôn nhân đồng tính dưới cái nhìn Công Giáo [1]
Hôn nhân đồng tính dưới cái nhìn Công Giáo [1]
Những năm gần đây các phòng trào bênh vực những người trong cộng đồng LGBT [2] một ngày càng gia tăng. Các cuộc biểu tình nổi dậy để đòi quyền lợi mà những người LGBT phải được hưởng, trong đó có quyền yêu cầu công nhận hôn nhân đồng tính hợp thức hóa dân sự.
Kết quả mà cộng đồng đạt được tính đến 2017 đã có hơn 25 quốc gia công nhận hôn nhân đồng tính[3]. Đặc biệt đánh dấu lớn nhất khi Tòa án tối cao Hoa Kỳ đã đưa ra luật liên bang về bình đẳng hôn nhân vào năm 2015. Hôn nhân đồng tính đã được hợp pháp hóa tại 37 trong số 50 tiểu bang Hoa Kỳ, cùng Quận Columbia, trước khi có phán quyết năm 2015.
Tại Việt Nam nếu Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 kết hôn đồng giới là một trong năm trường hợp cấm. Thì nay Luật hôn nhân và gia đình 2014 đã cởi mở hơn kết hôn đồng giới không còn thuộc trường hợp bị cấm. Thay vào đó, Luật mới chỉ quy định: Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người có cùng giới tính (Điều 8). Đây được xem là một bước tiến khả quan, tín hiệu vui mừng của cộng đồng LGBT tại Việt Nam.
Vậy có nên việc công nhận hôn nhân đồng tính có nên hay không? Chắc có lẽ tùy vào ý thức hệ của mỗi người, tổ chức, quốc gia, tôn giáo mà có những cái nhìn khác nhau. Ta không thể bắt buộc người này phải công nhận, hay bắt người kia không công nhận. Thái độ đối thoại trong việc này rất cần thiết, tránh các thái độ thái hóa đi quá mức ở những trạng thái lên án gây rắc, hay chống đối một cách bạo động.
Thế thì trong giáo hội Công giáo xem những người đồng tính ra sao, họ có giá trị trong giáo hội hay không? Hôn nhân đồng tính được giáo hội công nhận hay không? Hướng đi nào cho người đồng tính khi họ là những người Công giáo
Để trả ba câu hỏi trên, đề tài đưa ra các lý thuyết sau để trả lời. Cụ thể:
- Lý thuyết chức năng luận
Với lý thuyết chức năng cá thểMalinowski cho rằng môi trường càng bất trắc thì những lo lắng tâm lý càng tăng, và người ta lại càng có khuynh hướng dùng đến lễ nghi và ma thuật [17]. Từ lý thuyết này đề tài đưa ra giả thuyết rằng: Khi người đồng tính có xu hướng tính dục khác lạ với những người dị tính. Họ là những thành phần bị xã hội lên án xem là dị ngượm, không được người khác chấp nhận…dẫn tới tình trạng cô lập. Thế nên họ rất cần tổ chức lên tiếng bênh vực họ. Tôn giáo là phương thế họ dùng để lắp đầy nổi khát vọng này.
Giáo hội Công giáo cho rằng con người là hình cảnh của Thiên Chúa, “con người có phẩm giá của một ngôi vị, không phải chỉ là một cái gì đó mà là một ai đó” [5,101], thế nên dù là nam hay nữ hay đồng tính cũng là một con người mà “hình ảnh sống động của Thiên Chúa” [5,99].
Giáo hội Công giáo hoàn toàn không lên án người đồng tính, nhưng xem họ là những đứa con cần yêu thương hơn trong lòng Giáo hội là Mẹ của tín đồ. Sách giáo lý số 2358 đã nói lên tinh thần này: “Đừng quên một số người đã có khuynh hướng đồng tính luyến ái thâm căn. Đối với đa số những người này, khuynh hướng lệch lạc ấy là một thử thách. Chúng ta phải đón nhận họ với lòng tôn trọng, thông cảm và tế nhị, tránh đối xử bất công. Cả những người này cũng được mời gọi thực hiện ý Chúa trong cuộc sống”
Giáo hội mời gọi con cái mình là những người đồng tính sống đúng ơn gọi của mình, vác thập giá đời mình trong niềm hy vọng. Sách giáo lý số 2359 của Hội thánh Công giáo nói rõ: “Những người đồng tính luyến ái cũng được mời gọi sống khiết tịnh. Họ có thể và phải cương quyết tiến dần đến sự toàn thiện Ki-tô giáo nhờ kinh nguyện và ân sủng bí tích, nhờ biết tự chủ để củng cố tự do nội tâm và nhờ sự nâng đỡ của một tình bạn vô vị lợi”.
Bên cạnh đó Công giáo còn cho rằng mỗi tín đồ đều được mời gọi nên thánh theo bậc sống của mình. Không phải chỉ Giáo hoàng, Giám Mục, Linh mục hay tu sĩ nam nữ mới được mời gọi nên thánh. Mà cả những người lập gia đình dị tính cũng được mời gọi, đặc biệt hơn là những người con đồng tính trong giáo hội càng được mời gọi nên thánh.
Trong Hiến chế tín lý về Giáo hội Lumen Gentium, chương IV Giáo dân đã đề cập đế việc này: “Trong giáo hội không phải tất cả mọi người đều cùng đi theo một con đường như nhau, nhưng tất cả đều được kêu gọi nên thánh, và đã nhận được một đức tin như nhau nhờ sự công chính của Thiên Chúa” [4,130], “Tất cả mọi người trong Hội thánh, hoặc thuộc hàng giáo phẩm cũng như những kẻ được họ coi sóc, cũng đều được kêu gọi nên thánh” [4,142], “Tất cả mọi tín hữu, dù thuộc bất cứ bậc sống hay hoàn cảnh nào, đều được kêu gọi đạt đến sự sung mãn của đời sống Kitô hữu và sự trọn lành của đức ái” [4,143], “tất cả mọi Kitô hữu đều được kêu gọi và thậm chí có nghĩa vụ phải luôn tìm kiếm sự thánh thiện và trọn lành trong bậc sống của mình” [4,151].
Từ những phân tích trên đề tài tiên liệu những người đồng tính thuộc tín đồ Công giáo sẽ có điểm tựa đời mình, gắn bó với tôn giáo của mình. Chấp nhận số chung với số phận một cách hạnh phúc, từ đó cống hiến cho đời. Bên cạnh đó những người dị tính có cái nhìn cảm thông hơn đối với những người đồng tính.
Đối với lý thuyết chức năng xã hội thì Brown cho là tôn giáo gây ra những âu lo cũng nhiều như làm giảm âu lo: thí dụ như vì niềm tin tôn giáo đã ăn sâu vào tâm trí mà người ta âu lo hệ quả khi qua đời vì đã gây ra «tội».
Nếu vừa được phân tích bên trên với chức năng cá thể, Công giáo được xem là mãnh đất màu mỡ cho người đồng tính sinh sống. Thì đến chức năng xã hội thì dường như Công giáo trở thành mãnh đất khô cằn thiếu nước cho người đồng tính, khi họ thực hiện các hành vi quan hệ đồng tính.
Sách giáo lý Công giáo số 2357 dạy rằng: “…..Căn cứ vào Kinh Thánh vốn xem chúng như những suy đồi nghiêm trọng ( x.St 19,1-29; Rm 1,24-27; 1 Cr 6,10; 1Tm 1,10 ), truyền thống HộiThánh luôn tuyên bố :”Các hành vi đồng tính luyến ái tự bản chất là thác loạn” ( x. CDF, décl “persona humana” 8 ). Các hành vi này nghịch với luật tự nhiên vì loại bỏ chủ đích truyền sinh của hành vi tính dục, cũng không xuất phát từ nhu cầu bổ túc thực sự về tình cảm và tính dục. Những hành vi này không thể chấp nhận được trong bất cứ trường hợp nào.”
Từ lý thuyết chức năng xã hội đề tài đưa ra giả thuyết như sau: Vì nhu cầu công khai hóa xu hướng tính dục, mà những người đồng tính Công giáo phải từ bỏ nhà thờ, các bí tích, nghi thức sinh hoạt tôn giáo chỉ vì sợ tội, xem đó là trái ngược với tôn giáo và mặc cảm với cộng đoàn nơi sinh hoạt. Đề tài cũng tiên liệu ngày càng mất tín đồ, hay những người đồng tính có hành vi quan hệ đồng tính kín hay công khai hóa sẽ sống trong lo sợ, dấu kín, sống không thật….
- Lý thuyết Tân Mác-Xít và Cấu Trúc Luận
Đối với hai lý thuyết này sẽ giải mã câu hỏi số hai trong câu hỏi nghiên cứu, và đây trọng tâm của tiểu luận.
Ý thức hệ và sự thống trị về ý thức hệ (ideological hegemony) trong luận điểm của Antonio Gramsci. [17]
Hệ thống tổ chức của Công giáo rất chặt chẽ, không chỉ ở tín điều, luân lí, phẩm trật mà ngay cả hệ thống giáo huấn của hội thánh. Từ bộ giáo luật, các công đồng, các thông điệp hay các giáo huấn của bộ trong hệ thống giáo hội.
Cụ thể mỗi tín đồ đều được giáo huấn qua các lớp giáo lí, từ khi biết đọc biết viết tín đồ đã được học giáo lý. Mô hình tổ chức như một trường thực thụ, thi cử để lên lớp qua các học phần khác nhau về giáo lí phù hợp với độ tuổi. Khi trưởng thành sẽ được tham gia các lớp về hôn nhân Công giáo, để học hỏi về quan niệm về hôn nhân dưới cái nhìn của Công giáo. Hay khi lập gia đình, dù người kết hôn với tín đồ có Công giáo hay không, thì vẫn bắt buộc người phối ngẫu đó tìm hiểu mục đích và ý nghĩa hôn nhân Công giáo. Đặc biệt các buổi hành lễ linh mục cũng truyền tải thông điệp qua bài giảng về quan niệm của giáo hội Công giáo về hôn nhân.
Vậy hệ thống luân lý Công giáo về hôn nhân ra sao?
Trong Công đồng Vaticanô II văn kiện đã dành ra một chương khá lớn để nói về phẩm giá cao quý của hôn nhân và gia đình trong Hiến Chế Mục Vụ Gaudium et Spes (“Vui mừng và Hi vọng”). Đặc biệt lưu tâm đến vấn đề truyền sinh, tình yêu, giáo dục.
Bộ giáo luật 1983 ở điều 1053 quy định “giao ước hôn nhân” dành cho “một người nam và một người nữ” mục đích của hôn nhân “sinh sản” và “giáo dục con cái” và “chính Chúa Kitô đã nâng giao ước hôn nhân giữ hai người đã được rửa tội lên hàng bí tích” [3,333]. Đặc tính hôn nhân Công giáo được điều 1504 chỉ rõ mang tính “đơn nhất” và “bất khả phân ly” [3,333]. “Sự đồng thuận của ý chí”, “chấp nhận nhau qua một giao ước bất khả thu hồi” [3,333] được điều 1057 nói đến. Điều 1141 cũng nói đến trường hợp tháo gỡ khi hôn nhân không thành sự theo giáo luật và lí do “tử vong” [3,353]. Điều 1059 nói rõ “Hôn nhân của những người Công giáo bị chi phối không chỉ luật Thiên Chúa mà còn luật của Giáo hội Công giáo nữa” [3,333]. Trong Giáo hội Công giáo có hai loại luật đó là luật Thiên Chúa và luật Hội thánh. Đối với luật Thiên Chúa là luật không bao giờ được thay đổi, còn luật Hội thánh có thể thay đổi.
Về vấn đề mục vụ cho hôn nhân Bộ giáo luật hết sức lưu ý đến việc giáo huấn, điều 1063 quy định rất chi tiết: “…1. Bằng việc rao giảng, huấn luyện giáo lý thích hợp cho vị thành niên, thanh niên và người lớn, kể cả qua việc xử dụng các phương tiện truyền thông xã hội, ngõ hầu các tín hữu được giáo dục về ý nghĩa của hôn nhân Kitô giáo và về nghĩa vụ của vợ chồng và của cha mẹ Công Giáo; 2. Bằng việc chuẩn bị riêng cho những người sắp kết hôn để đôi bạn được sửa soạn để lãnh nhận sự thánh thiện và những bổn phận của bậc sống mới; 3. Bằng việc cử hành phụng vụ hôn phối cách chu đáo, để làm sáng tỏ rằng đôi bạn trở thành dấu chỉ và tham dự vào mầu nhiệm hiệp nhất và tình yêu phong phú giữa Chúa Kitô và Giáo Hội; 4. Bằng sự giúp đỡ cho đôi bạn sống trung thành với giao ước vợ chồng, đễ mỗi ngày họ thêm thánh thiện và hoàn hảo hơn trong đời sống gia đình.” [3,335]
Bộ giáo luật còn đưa ra những trường hợp ngăn trở tiêu hôn nói riêng và nói chung, nghi thức hôn nhân, hôn nhân hỗn hợp. Còn những điều được nói ở trên nhằm truyền tải một thức hệ về hôn nhân Công giáo một cách ngắn gọn và đầy đủ nhất.
Học thuyết xã hội của Giáo hội Công giáo cho rằng “gia đình là tế bào sống động của xã hội”, “cộng sự với Đấng tạo hóa” [5,163] trong việc truyền sinh. Trong Tông huấn Hậu thượng Hội đồng Christifideles Laici, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolo II nói Gia đình là “chiếc nôi của sự sống và tình yêu” [5,163]. Gia đình là “thánh điện của sự sống” [5,177], gia đình có vai trò “cổ vũ và xây dựng nền văn hóa sự sống” [5,177]. Bởi thế hôn nhân Công giáo loại bỏ và lên án các hình thức “triệt sản và phá thai” [5,178], cũng như các “phương pháp ngừa thai dưới nhiều hình thức khác nhau” [5,179]. Nói thế không phải mọi hình thức ngừa thai đều không được chấp, giáo hội mời gọi tín đồ cân nhắc, trách nhiệm trước khi truyền sinh, và có thể dựa vào “trật tự nhân học, người ta được phép vận dụng sự tiết dục định kì trong thời gian có thể mang thai của người phụ nữ.” [5,179] Giáo hội lên án sựu can thiệp của “kỹ thuật sinh sản” [5,180] để “tách rời hành vi kết hợp vợ chồng ra khỏi hành vi sinh sản” [5,180], chẳng hạn: “gieo tinh” [5,180], “thụ tinh nhân tạo đồng nguồn” [5,180]. Vì xem kết quả “đứa trẻ đó được sinh ra là kết quả của một hành vi công nghệ hơn là kết quả tự nhên của một hành vi nhân linh” [5,180]
Không chỉ thế học thuyết xã hội Công giáo còn cho rằng “gia đình phải được đặt trên xã hội và quốc gia” [5,166] vì chính là gia đình là điều kiện khởi nguồn sự sống và giúp cho xã hội phát triển các chức năng khác. Việc kết hợp tạo thành gia đình “không phải là kết quả của những thỏa thuận giữa con người với nhau, cũng không phải là kết quả của những quy định pháp lý” [5,167] mà là do “quyết định của Thiên Chúa” [5,167]. Một đằng hôn nhân Công giáo “nhắm tới việc sinh sản và giáo dục con cái” [5,169], nhưng bên cạnh đó “hôn nhân không được lập ra chỉ vì lí dó sinh sản” [5,169], mà nó còn đề cao đến “tính bất khả phân ly của hôn nhân và giá trị hiệp thông của hôn nhân vẫn còn nguyên vẹn” [5,169] vì có những cuộc hôn nhân vì lí do khách quan mà không thể thực hiện thiên chức làm cha làm mẹ. Những trường hợp này giáo hội mời gọi tín đồ “chấp nhận nuôi những đứa trẻ bị bỏ rơi hay bằng cách thực hiện những công tác phục vụ theo nhu cầu cần thiết của người khác” [5,169].
Như đã đề cập ngoài năng truyền sinh, bất khả phân ly của hôn nhân Công giáo, thì nhiệm vụ giáo dục cũng không kém. Thật vậy học thuyết xã hội Công giáo nhấn mạnh gia đình chính là: “cộng đồng yêu thương và liên đới, nơi duy nhất thích hợp để dạy dỗ và truyền đạt các giá trị văn hóa, đạo đức, xã hội, tâm linh và tôn giáo, rất cần cho các thành viên của gia đình và xã hội được phát triển và hạnh phúc” [5,182], “gia đình đóng một vai trò hoàn toàn độc đáo và không thể thay thế được trong việc dạy dỗ con cái” [5,182]. Trách nhiệm của các bậc almf cha làm mẹ phải làm sao đó “cung cấp một sự giáo dục toàn diện” [5,182], “đặc biệt trong việc giáo dục giới tính” [5,182].
Đây là một trong chuỗi ý thức hệ xuyên suốt về hôn nhân trong đời sống giáo hội Công giáo. Như thế thấy được rằng hôn nhân Công giáo chỉ chấp nhận sự kết hợp tự nhiên giữa một người nam và một người nữ. Không chấp nhận các hành vi quan hệ đồng tính hay hôn nhân đồng tính. Vì một số đặc tính chỉ có hôn nhân giữa người nam và người nữ mới đáp ứng được đó là việc truyền sinh, giáo dục đúng nghĩa, để gìn giữ các giá trị gia đình mang lại cho xã hội và giáo hội.
Đó là hệ thống ý thức hệ về hôn nhân của Công giáo, thế thì đằng sau ý thức hệ đó có điều gì diễn ra trái ngược không? James Scott trong sách Domination and the Arts of Resistance chịu ảnh hưởng của Erving Goffman, đặt nghi vấn về sự thống trị của ý thức hệ. James Scott cho rằng ngoài việc xem các diễn ngôn trên sân khấu (diễn ngôn trước công chúng) thì cũng xem diễn ngôn phía sau hậu trường (diễn ngôn kín). [17]
Ngay cả phía sau hậu trường về tính đơn nhất bất khả phân ly, giữa người nam và người nữ hôn nhân Công giáo đã từng xảy ra. Đó là trường hợp ly khai Anh giáo do vua Enricô VIII năm 1533 khởi xướng vì tính đơn nhất bất khả phân ly của Kitô giáo. Thế thì việc cổ võ hôn nhân đồng tính buộc giáo hội Công giáo phải chấp nhận đã diễn ra như thế nào trong giáo hội Công giáo.
Những năm gần đây việc những phe phái ủng hộ hôn nhân đồng tính đòi buộc giáo hội Công giáo phỉa chấp nhận, đã hết sức tâm huyết dùng cả phương tiện truyền thông, để lên tiếng đã kích giáo hội Công giáo về vấn đề này. Điều đáng nói ở đây nó không xãy ra ngoài giáo hội, mà nó còn xuất phát từ bên trong giáo hội.
Cụ thể các giám mục hoa kỳ đã lên tiếng về sự giảng dạy sai lầm của linh mục dòng tên James Martin về các vấn đề quan hệ đồng tính và hôn nhân đồng tính. Được biết Linh mục Martin là tác giả của cuốn “Building a Bridge: How the Catholic Church and the LGBT Community Can Enter into a Relationship of Respect, Compassion, and Sensitivity”, nghĩa là “Xây dựng một nhịp cầu: Làm thế nào Giáo Hội Công Giáo và Cộng đồng LGBT có thể tiến vào một mối quan hệ Tôn trọng, Cảm thông, và Nhạy Cảm”[4].
Vào tháng 03 năm 2019 giáo hội Công giáo tại Đức, Hồng y Reinhard Marx Tổng Giám Mục của Munich và Freising, và là chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức đã tuyên bố rằng Giáo Hội Công Giáo ở Đức đang bắt đầu một “tiến trình công nghị với hiệu lực ràng buộc” để bàn thảo lại các vấn đề luật độc thân linh mục, vấn đề phong chức linh mục cho phụ nữ, giáo lý về đạo đức tình dục, , chủ nghĩa giáo sĩ trị và các kết hiệp đồng tính, trong đó có hôn nhân đồng tính. Sau khi công bố Giáo hoàng Phanxico đã gửi thư cảnh báo tiến trình công nghị này, Giáo hoàng nói: “chỉ tập trung vào việc xem xét các cấu trúc chứ không được linh hoạt bởi sứ mệnh thiết yếu của Giáo Hội là truyền bá đức tin.” “chủ nghĩa tân Pelagiô” [dựa vào sức riêng của mình] khi “tìm cách điều chỉnh cuộc sống của Giáo Hội theo luận lý hiện tại.” Hệ quả là chúng ta có thể có “một cấu trúc giáo hội gọn gàng và thậm chí là được ‘hiện đại hóa’, nhưng không có linh hồn và hấp lực truyền giáo”.[5] Cũng xin nói thêm Hồng y Reinhard Marx là một trong chín cố vấn cho Giáo hoàng, và với tiến trình công nghị với hiệu lực ràng buộc có nghĩa là không cần tòa thánh phê chuẩn. Thế nên việc này xảy ra có thể một cuộc ly khai sẽ xãy ra, được gọi Đức giáo, khi các điều khoản trong công nghị trái ngược với giáo huấn với giáo hội hoàn vũ.[6]
Lý thuyết tân Mác-xít cho ta thấy chính ý thức hệ mà Công giáo không chấp nhận hôn nhân đồng tính, dù có những cuộc nổi dậy một cách ngấm ngầm phía sau hậu trường (James Scott), hay trước sân khấu. Hay nói khách khác có những tiếng nói đi ngược lại giáo huấn về hôn nhân, từ bên trong giáo hội Công giáo. Đã gây tiếng vang khác mạnh, để giáo hội Công giáo một lần nữa nhìn lại giáo huấn này.
Việc tiếng nói đi ngược lại giáo huấn của giáo huấn Công giáo về hôn nhân không mới xãy ra trong thời kì hiện nay, mà đó đã có từ lâu. Thế nên từ những năm 1986 Bộ giáo lí đức tin đã gửi thư cho các giám mục tại giáo hội địa phương về mục vụ người đồng tính[7]. Mà tiền thân của thư này đã được đề cập tới trong “Tuyên ngôn về một số vấn đề liên quan đến đạo đức tính dục” của Thánh Bộ ban hành ngày 29 tháng 12 năm 1975.[8]
Trãi qua biết nhiêu thăng trầm từ bên ngoài đến bên trong phía giáo hội, nhưng giáo hội Công giáo vẫn trung tín trong giáo huấn của mình, tại sao giáo hội Công giáo không thay đổi, lí do nào. Đừng vội kết án Công giáo là cổ hũ hay lạc hậu, hay nặng hơn cố chấp trong giáo huấn. Việc tìm hiểu lí do là việc cần làm trước khi quy kết các điều trên.
Lý thuyết cấu trúc luận cho rằng trước khi đánh giá một vấn đề nào đó, cần tìm hiểu cái người ta nghĩ, cái ý nghĩa bên trong. Việc tìm hiểu này phải đặt trong quan hệ đối ngẫu (opposition) với những hiện tượng hay biểu tượng khác trong hệ thống [17]. Từ lý thuyết này ta có thể đưa ra các cặp đối ngẫu giữa hôn nhân dị tính với hôn nhân đồng tính dưới cái nhìn Công giáo như sau:
Như đã đề cập bên trên hôn nhân Công giáo là hôn nhân kết hợp giữa một người nam và một người nữ, sự kết hợp này không nằm ở sự thỏa thuận của đương sự, hay chứng nhận pháp lý mà do sự quyết định của Thiên Chúa. Thế nên hôn nhân Công giáo không chỉ là hôn nhân tự nhiên nữa, mà nó vươn tới siêu nhiên, vì nó là một bí tích của Công giáo. Từ đó ta thấy được rằng hôn nhân là cộng sự viên đắc lực của thượng đế để truyền sinh một cách tự nhiên và giáo dục con cái theo sự hướng dẫn của Thiên Chúa thông qua quyền bính của giáo hội.
Hôn nhân đồng tính không bao giờ có đặc tính này. Có những ý kiến đưa ra là những cặp hôn nhân đồng tính có thể xin con nuôi, hoặc sinh sản nhân tạo, mang thai hộ… nói chung làm mọi cách để có con. Nhưng họ bỏ quên một yếu rất quan trọng, con cái được sinh ra phải là kết quả của sự yêu thương, chứ không phải là một món hàng của giới y khoa, vì con người là một nhân vị chứ không phải là cái gì đó. Vì thế “sự thụ tinh ngoài thân thể vợ chồng luôn thiếu các ý nghĩa và giá trị được biểu lộ trong ngôn ngữ thể xác và sự kết hợp giữa nhân vị” [9,61]. Cũng xin nói thêm ngay cả những cặp hôn nhân dị tính cũng không được áp dựng các hình thức này, khi họ là những cặp vợ chồng son sẻ. Tính nhân quyền trong ý thức hệ của Công giáo rất cao, không ai có thể can thiệp vào công trình của Đấng tạo hóa, và hoàn toàn tôn trọng nhân phẩm của con người dù đó là một sinh linh nhỏ bé.
Trường hợp xin con nuôi là trường hợp được những cặp hôn nhân đồng tính chọn lựa để xây dựng và duy trì đời sống gia đình. Nhưng vấn đề đặt ra ở đây liệu đứa trẻ được nuôi dạy trong môi trường có hưởng đủ quyền mà một con người được hưởng hay không. Liệu đứa trẻ đó có chấp nhận được trong gia đình mình có hai người đàn ông là cha mình, hay hai người nữ là mẹ mình. Hay tồi tệ hơn khi gọi người nam là mẹ mình, người nữ là cha mình. Giá trị văn hóa, định nghĩa về gia đình có cần tái định nghĩa lại hay không? Quả thật là một sự khó khăn dành cho tất cả mọi người, ngay cả những người đồng tính đắn đo muốn xây dựng một gia đình.
Từ lý thuyết Tân Mác-Xít và Cấu trúc luận, đề tài đưa ra giả thuyết Công giáo sẽ không bao giờ chấp nhận hôn nhân đồng tính, vì các đặc tính truyền sinh, yêu thương, giáo dục mà hôn nhân Công giáo mang lại. Bên cạnh đó sẽ còn nhiều cuộc nổi dậy từ bên ngoài đến bên trong giáo hội, sự đấu tranh giữa các phe cấp tiến và bảo thủ để chống đối quyết định này. Tiên liêu sẽ các cặp hôn nhân đồng tính là những tín đồ Công giáo sẽ từ bỏ nhà thờ, chết trong sự rời xa giáo hội. Các chương trình mục vụ cho người đồng tính từ bên trong giáo hội sẽ diễn ra. Để nhằm giữ lại và giáo huấn cho người đồng tính hiểu được giá trị của họ, mà sống đúng với ơn gọi của họ. Ngoài ra gìn giữ hôn nhân của Công giáo trước thế tục hóa.
- Lý thuyết lựa chọn duy lí
Nếu các tín đồ Công giáo có thể thấm nhuần các giáo huấn của Công giáo về đồng tính thì chắc chắn sẽ không bao giờ xãy ra các sự việc được đề cập bên trên. Một số tín đồ hay tổ chức trong và ngoài giáo hội không chấp nhận, có hướng chọn cách sống khác, nặng hơn là trái ngược với giáo huấn của Giáo hội về quan hệ đồng tính và hôn nhân đồng tính. Bên cạnh đó cũng có những tín đồ sống kép kín, giả dối, che dấu xu hướng tính dục để được vị thế trong xã hội và giáo hội.
Fredrik Barth (1928 – 2016) nhà nhân học đương đại cho rằng: “Mô hình sản sinh này dựa trên khái niệm quan hệ xã hội là những giao dịch (transaction), trong đó những đối tác có những lựa chọn chiến lược chứ không chỉ thể hiện vai trò hay vị thế theo quy ước đạo đức”[17]. Áp dụng lý thuyết này về các trường hợp những người đồng tính không muốn công khai xu hướng tính dục, nên đã chấp nhận các cuộc hôn nhân dị tính, để che đậy thân phận, bị áp lực từ gia đình, xã hội hay giữ vững vị thế trong hệ thống xã hội.
Việc này còn nguy hại hơn khi nó xâm nhập vào môi trường chủng viện nơi đào tạo các chủng sinh trở thành các linh mục, giám mục tương lai. Đây là những trường hợp mà đương sự không thể sống được đời sống vợ chồng, mà chấp nhận sống môi trường tu trì để che đậy xu hướng tính dục. Dẫn tới các cuộc quan hệ hôn nhân đồng tính trong môi trường chủng viện, hay các cuộc tình đồng giới ngoài chủng viện. Chẳng hạn: “Hồng y McCarrick đã lạm dụng với trẻ giúp lễ, với các chủng sinh và linh mục trẻ dưới quyền.”[7,33]. “Giáo hoàng Biển Đức XVI đã sa thải gần 800 linh mục vì xâm phạm tình dục trẻ em.” [7,39]… Từ đó có những thế lực chống đối giáo hội Công giáo lợi dụng công kích truyền thông về việc bỏ luật độc thân của linh mục và cổ vũ hôn nhân đồng tính. Tạo ra những bằng chứng giả để tố cáo các vị đứng đầu trong việc chống lại hôn nhân đồng tính, trong đó có Hồng y George Pell là một những việc điển hình.
Hồng y George Pell là người đứng đầu trong chiến dịch chống lại hôn nhân đồng tính, Hồng y bị cáo buộc đã lạm dụng tình dục trẻ em, Hồng y phải ngồi tù 400 ngày bắt đầu tháng 2 năm 2019. Mới đây Hồng y George Pell đã được các thẩm phán của Toà án Tối cao của Úc thông báo quyết định đảo ngược phán quyết kết tội Đức Hồng y George Pell về tội lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên của tòa cấp dưới, tuyên bố ngài vô tội và được trả tự do ngay lập tức.[9]
Thế nên Công giáo ngày càng kỹ lưỡng chọn lựa các ứng sinh trưởng thành về tính dục. Bộ giáo luật 1983 giáo hội Công giáo số 1024 quy định: “Chỉ người nam đã chịu phép Rửa Tội mới được lãnh nhận bí tích truyền chức cách hữu hiệu.” [3, 323]. Các ứng viên phải phân định rõ ràng trước khi nhận thiên chứ này, không nên cố chấp che đậy, sớm muộn đương sự cũng phải tự mình tỏa hiện ra xu hướng tính dục của mình.
Năm 2013 linh mục Krzysztof Charamsa đã bị sa thải khỏi Bộ giáo lí đức tin, vì linh mục đã thừa nhận mình là người đồng tính và đã có người yêu với tờ báo Ý Corriere della Sera và báo chí Ba Lan. Sau khi bị bãi chức linh mục Krzysztof Charamsa trực thuộc giáo phận Pelplin, Ba Lan.[10]
Ngày nay không ít các cặp hôn nhân Công giáo đã đổ vỡ vì một trong hai người đồng tính, hay các cặp hôn nhân mới vì áp lực xã hội và giáo hội đã nhắm mắt che đậy đầy duy lí về xu hướng tính dục đồng tính. Hay nó nặng hơn khi hai đương sự là người đồng tính thuộc tín đồ Công giáo thỏa thuận thực hiện nghi thức hôn nhân Công giáo để phủ lắp dư luận. Hệ quả mang lại là phá vỡ sự thiêng liêng của hôn nhân Công giáo, dẫn đến xúc phạm bí tích, hôn nhân không thành sự.
Vậy hướng đi nào cho người đồng tính. Lập gia đình với người khác giới thì không sống được, cùng giới thì không được công nhận, dấn thân vào con đường tu trì thì không được đón nhân. Chỉ còn một phương thế là chấp nhận đời sống độc thân, sống đứng với ơn gọi đặc biệt dành riêng cho mình.
Từ lý thuyết duy lí đề tài đưa ra giả thuyết, nếu người tín đồ sống trong môi trường nhiều áp lực về ý thức hệ và không thể chống cự lại thì người tín đồ Công giáo tiếp tục các hành vi che đầy sự thật tính dục đồng tính, mà sống và hành động như những người dị tính. Kế tiếp các cuộc hôn nhân Công giáo của những người đồng tính vô hình chung vô hiệu, và các chủng viện ngày càng gia tăng các ứng sinh là những người đồng tính, nếu không có phương án tuyển chọn phù hợp.
Tiên liệu giáo hội Công giáo ngày càng sẽ để ý hơn với những người đồng tính, mà có hướng mục vụ cụ thể để hướng dẫn. Để tạo ra môi trường các tín đồ phân định trước những quyết định của mình, hỗ trợ các tín đồ sống đúng ơn gọi theo giáo huấn của giáo hội.
Cao Dương Cảnh
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Equipes Notre (Nguyễn Anh Tuấn dịch) (2008), Tình yêu và hôn nhân, Phương đông.
- Gioan Phaolo II (Nguyễn Anh Tuấn) (2018), Thần học về thân xác, Tôn giáo
- Hội đồng Giám mục Việt nam (2007), Bộ giáo luật, Tôn giáo.
- Hội đồng Giám mục Việt Nam (2012), Công đồng Vaticanô II, Tôn giáo
- Hội đồng Giám mục Việt nam (2007), Tóm lược học thuyết xã hội của Giáo hội Công Giáo, Tôn giáo
- Richard Parker và Peter Aggleton (biên tập) (2013), Văn hóa, xã hội và tình dục , Văn hóa – Thông tin.
- Trần Minh Huy (2019), Linh mục và tu sĩ sống trưởng thành tình cảm và tình dục trong bối cảnh Giáo hội và xã hội hôm nay, Hồng đức
- Trần Ngọc Ánh (2015), Nhân học Kitô giáo (2 tập), Phương đông
- Trần Quốc Dũng (2017), Đạo đức sinh học (tập 2), Phương đông
Các tài liệu trang web
- conggiao.info
- vaticannews.va
- conggiao.info
- youtube.com
- simonhoadalat.com
- tgpsaigon.net
- tgpsaigon.net
Tài liệu powerpoint
- “Lý thuyết Nhân học” của Lương Văn Hy, Đại học Toronto
[1] Đây là một phần của tiểu luận cuối môn Lý thuyết Nhân học, đề tài nghiên cứu hôn nhân đồng tính với luân lí Công giáo. Bài viết mang tính chất cá nhân, thế nên chắc chắn bài còn nhiều thiếu xót, cũng có thể sai lầm. Xin quý đọc giả rộng lòng bỏ qua va xin góp ý về mail [email protected]
[2] “LGBT” là tên viết tắt của “đồng tính nữ (Lesbian), đồng tính nam (Gay), song tính (Bisexual) và chuyển giới (Transgender)”
[3] Xem thêm: dantri.com.vn
[4] Xem thêm: conggiao.info
[5] Xem thêm: vaticannews.val
[6] Xem thêm: conggiao.info. Và youtube.com
[7] Xem thêm: simonhoadalat.com
[8] Xem thêm: tgpsaigon.net
[9] Xem thêm: vaticannews.va
[10] Xem thêm: gplongxuyen.org