Mật nghị bầu giáo hoàng tương lai giữa môi trường hoạt đầu truyền thông xã hội
Mật nghị bầu giáo hoàng tương lai giữa môi trường hoạt đầu truyền thông xã hội
Massimo Faggioli là một sử gia Giáo Hội, giáo sư thần học và tôn giáo học tại Đại Học Villanova, California, và một cây viết của tạp chí Commonweal. Trên tạp chí La Croix International gần đây, ông có bài viết tựa đề là Thấp thoáng Mật nghị, những người theo chủ nghĩa dân túy Công Giáo và “dubia” (The looming conclave, Catholic populists and the “dubia”), đại ý nhấn mạnh việc Đức Giáo Hoàng Phanxicô cần khẩn cấp duyệt lại thể thức bầu vị kế nhiệm ngài.
Theo Giáo sư Faggioli, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã thay đổi đáng kể thành phần cử tri đoàn, thậm chí bằng cách bổ sung vào số lượng của nó những người từ các quốc gia trước đây chưa từng có Hồng Y. Điều này phản ảnh cố gắng của ngài nhằm phi Âu hóa Giáo hội và bộ phận cuối cùng sẽ bầu ra người kế nhiệm ngài.
Đó là một thay đổi định chế rất quan trọng. Nhưng vị giáo hoàng, người sẽ bước sang tuổi 85 vào tháng 12 này, vẫn chưa cập nhật các tiêu chuẩn quy định mật nghị. Ngài cần phải làm như vậy sớm, nếu không có thể có vấn đề nghiêm trọng. Một bài báo gần đây trên tạp chí chính trị Ý Il Mulino của nhà sử học Giáo hội nổi tiếng Alberto Melloni (một trong những tôn sư của Faggioli) nêu ra nhiều vấn đề cấp bách liên quan đến mật nghị sắp tới. Đây là phiên bản sửa đổi và cập nhật của một cuốn sách rất quan trọng mà ông đã viết vào đầu những năm 2000 về lịch sử các cuộc bầu cử giáo hoàng. Trước tiên, nó cung cấp một phân tích ngắn gọn về những thay đổi gần đây nhất trong các quy tắc dành cho mật nghị, đặc biệt là tông hiến Universi Dominici Gregis (Chăn dắt Đoàn chiên Thiên Chúa) của Đức Gioan Phaolô II (1996). Bản văn này đặc biệt ấn định Rôma là nơi duy nhất việc bầu Giáo Hoàng có thể diễn ra, do đó đã loại bỏ qui định cũ theo đó, mật nghị diễn ra ở bất cứ nơi nào vị giáo hoàng qua đời. Sau đó, Melloni đề cập đến sự sửa đổi nhỏ mà Đức Bênêđíctô XVI đã thực hiện đối với Universi Dominici Gregis vào ngày 22 tháng 2 năm 2013, ngay sau khi tuyên bố từ chức giáo hoàng. Dù sao, Đức Bênêđíctô đã khôi phục sự cần thiết của đa số 2/3 đối với việc bầu chọn Giám Mục Rôma, hủy bỏ khả thể bầu cử theo đa số tương đối mà Đức Gioan Phaolô đã đưa ra.
Sự tự do của mật nghị sắp tới đang gặp nguy hiểm
Melloni cho rằng Đức Phanxicô không có nghĩa vụ phải cập nhật các tiêu chuẩn của mật nghị, nhưng ông thúc giục Đức Giáo Hoàng làm như vậy dựa trên hai sự kiện mới. Đầu tiên là việc Đức Phanxicô tạo ra các chuẩn mực đặc biệt mới để chống lại việc lạm dụng tình dục của các giáo sĩ và sự thất bại của các giám mục không chịu hành động, trong một hệ thống đôi khi phải dùng đến hình thức công lý chiếu lệ (summary justice) làm tổn hại đến sự công bằng, do áp lực bên ngoài thường có cái nhìn khắc nghiệt đối với các giáo sĩ vi phạm. Thứ hai là việc Đức Phanxicô khôi phục hệ thống “công lý thế tục” [temporal justice] ở Vatican, hệ thống này có thể khiến các vị Hồng Y bị buộc tội sai lầm (instrumental accusation) có khả năng loại họ khỏi mật nghị hay ít nhất khỏi danh sách có thể được bầu làm Giáo Hoàng (papabili) (những ứng cử viên hàng đầu). Melloni cho biết, những phát triển mới này đã đặt tự do của mật nghị sắp tới vào vòng nguy hiểm.
Ông cảnh báo, “Nếu không có một số sửa đổi trong tông hiến quy định mật nghị, thế kỷ 21 có thể có nghĩa là sự trở lại của một quyền phủ quyết đáng gờm có khả năng thay đổi kết quả của cuộc bầu cử giáo hoàng: một quyền phủ quyết không còn được thực hiện bởi các quân vương Công Giáo, mà là bởi các đế quốc xã hội mới là các phương tiện truyền thông và những người có kỹ thuật để sử dụng chúng hoặc một mối lợi để huy động chúng”.
Bốn thay đổi được đề nghị
Melloni đưa ra bốn đề nghị để cập nhật các quy tắc cho mật nghị. Đề nghị đầu tiên của ông là tăng cường clausura (cấm cửa). Ông nói rằng tất cả các Hồng Y cử tri nên được yêu cầu cư trú tại Cư sở Santa Marta ngay khi các ngài đến Rôma, thay vì được phép đợi cho đến khi mật nghị thực sự bắt đầu. Đề nghị thứ hai của ông là “các phiên họp toàn thể” – tức các phiên họp hàng ngày trước mật nghị gồm tất cả các Hồng Y, kể cả những các vị không có quyền bỏ phiếu, trên 80 tuổi – cũng nên bao gồm các phiên họp trong bầu khí kiểu clausura chỉ dành cho các Hồng Y cử tri. Đề nghị thứ ba của Melloni là thay đổi tần suất các cuộc bỏ phiếu: chỉ một lần bỏ phiếu mỗi ngày trong ba ngày đầu tiên; hai lần bỏ phiếu mỗi ngày trong ba ngày tiếp theo; và bốn lần bỏ phiếu trong ba ngày sau đó. Ông nói điều này sẽ giúp các “bên khác nhau” trong mật nghị có thêm thời gian để thảo luận. Nó cũng sẽ giải phóng các cử tri khỏi áp lực của các phương tiện truyền thông nhằm nhanh chóng có được vị tân giáo hoàng. Đề nghị thứ tư và cuối cùng cũng liên quan đến những rủi ro của một cuộc bầu cử vội vàng. Melloni đề nghị các quy tắc mới nên dành cho vị Hồng Y đã nhận đủ phiếu bầu để trở thành giáo hoàng có nhiều thời gian hơn để cầu nguyện, suy ngẫm và xem xét lại lương tâm của mình. Điều này sẽ giúp ngài xét xem liệu có điều gì trong quá khứ của mình (cũng như khi ngài phải xử lý các trường hợp lạm dụng) có thể khiến cuộc bầu cử giáo hoàng trở thành dubia (nghi vấn).
Đó đều là những đề nghị chu đáo và sáng suốt và những đề nghị khác cũng có thể được bổ sung, nhất là trong bối cảnh các Hồng Y cử tri hiện tại hầu như không biết nhau. Thậm chí còn nghiêm trọng hơn trước đây vẫn tin.
Trong hơn tám năm làm giáo hoàng, Đức Phanxicô chỉ tụ tập tất cả các Hồng Y còn sống lại với nhau có một lần duy nhất (20-21 / 2/2014). Nhưng việc thảo luận tự do rất hạn chế. Hiện nay, những cuộc tụ tập như vậy dường như còn quan trọng hơn bao giờ hết.
Trước nhất, nhóm các Hồng Y hiện nay bao gồm những vị từ các khu vực địa lý mà trước đây chưa từng được đại diện tại một mật nghị. Và thứ hai, các mạng lưới giáo sĩ cũ, trước đây vốn là thành phần của cuộc bầu cử giáo hoàng, nay không có cùng một tầm quan trọng mà họ từng có nữa. Họ đã được thay thế bởi các mạng lưới gây ảnh hưởng khác.
Điều quan trọng cần lưu ý là tình hình có thể còn nghiêm trọng hơn Melloni thừa nhận, vì ít nhất hai lý do. Lý do đầu tiên liên quan đến một tình hình giáo hội đặc thù ở Hoa Kỳ, nơi chúng ta đã thấy những mối đe dọa trực tiếp đến quyền tự do của Đức Giáo Hoàng và mặc nhiên, đối với mật nghị sắp tới. Vụ lạm dụng tình dục của Theodore McCarrick, cựu Hồng Y, và các cuộc tấn công cơ hội chủ nghĩa chống lại Đức Giáo Hoàng Phanxicô của Tổng giám mục Carlo Maria Viganò, cựu sứ thần tại Washington, đã gây ra một làn sóng phẫn nộ trong một số nhóm và mạng lưới Công Giáo. Các ý thức hệ chống Đức Phanxicô đang hoạt động để gây ảnh hưởng đến mật nghị sắp tới.
Điều trên cho thấy khúc ngoặt chống định chế, hư vô chủ nghĩa của phe bảo thủ ngày nay – ngay cả bên trong Giáo Hội Công Giáo. Thí dụ, có một điều gọi là “Báo cáo Mũ đỏ”, lưu giữ các hồ sơ về tất cả các Hồng Y cử tri. Người ta chỉ có thể tưởng tượng điều này sẽ được sử dụng ra sao khi các ngài, một lần nữa, tụ họp ở Rôma, để bầu vị giáo hoàng kế tiếp. Phải nhìn sáng kiến này trong bối cảnh phẫn nộ ý thức hệ chống lại Đức Giáo Hoàng Phanxicô, một điều xem ra khá rõ ràng trong một số giới giáo sĩ, trí thức, tài chính và chính trị ở Hoa Kỳ.
Tất cả họ đều được kết nối tốt với hệ sinh thái truyền thông mới, vốn định hình các bài tường thuật về tình trạng của đạo Công Giáo và nền chính trị của Giáo hội. Sẽ là một sai lầm nghiêm trọng khi đánh giá thấp những gì họ có khả thể làm với tất cả thông tin và ảnh hưởng mà họ đã tích lũy được để định hình kết quả của mật nghị kế tiếp. Trước, trong và sau chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2020, nhiều người Công Giáo (kể cả một số giám mục) đã từ chối thừa nhận và chấp nhận rằng Joe Biden đã được bầu một cách hợp pháp. Một kịch bản tương tự cũng có thể xảy ra với cuộc bầu vị giáo hoàng kế tiếp. Viganò và những người ủng hộ ngài đã phá vỡ điều cấm kỵ cuối cùng trong đạo Công Giáo định chế bằng cách yêu cầu Đức Phanxicô từ chức. Nếu một người có thể mưu toan lật đổ một vị giáo hoàng, thì bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra. Giáo Hội Công Giáo ở Hoa Kỳ đang ở trong tình trạng ly khai mềm hoặc thực tế (material) giữa hai nhóm khác nhau. Họ bị chia rẽ mạnh mẽ trong triều giáo hoàng của Đức Phanxicô. Mưu toan của Viganò và những người khác nhằm lật đổ giáo hoàng vào tháng 8 năm 2018 tương đương về phương diện giáo hội học với cuộc tấn công ngày 6 tháng 1 vào Đồi Capitol ở Washington của những người ủng hộ Donald Trump. Nhưng tại mật nghị kế tiếp sẽ có một khoảng trống quyền lực ở Rôma, một khoảng trống đã không có vào tháng 8 năm 2018. Tình hình có thể nguy hiểm hơn nhiều so với dự đoán của nhiều người.
Thật là ngây thơ khi cho rằng những người luôn cáo buộc Đức Phanxicô không phải là Công Giáo sẽ hạn chế làm bất cứ điều gì và mọi điều có thể để có được phương cách của họ tại mật nghị sắp tới. Tăng cường bộ máy phao tin đồn.
Lý do thứ hai khiến tình hình bây giờ có thể trở nên nguy hiểm hơn những gì Melloni thừa nhận trong bài báo của ông (xuất bản vào tháng 5) là những gì đã xảy ra vào ngày 4 tháng 7. Đó là buổi tối Đức Phanxicô được phẫu thuật tại bệnh viện Gemelli ở Rôma. Sau mười ngày lưu lại bệnh viện, giờ đây Đức Giáo Hoàng đã trở về nhà tại Cư sở Santa Marta. Không rõ sự hồi phục sẽ như thế nào đối với một người ở tuổi cao nhưng một số người đã bắt đầu suy đoán về khả năng tiếp tục điều hành Giáo hội của ngài. Tin đồn về vị Hồng Y nào có cơ hội tốt nhất để kế vị Đức Phanxicô cũng đã rộ lên. Việc Đức Giáo Hoàng quyết định công bố Tự sắc Traditionis Custodes gần đây bãi bỏ tự sắc Summorum Pontificum là một dấu hiệu cho thấy quyết tâm của ngài. Nhưng một số người đọc nó như truyền tải một cảm thức khẩn cấp vì sức khỏe giảm sút của vị giáo hoàng và việc sắp kết thúc triều giáo hoàng của ngài.
Đức Phanxicô có thể là một nhà lập pháp hữu hiệu và sắc bén, như chúng ta đã thấy trong nhiều lĩnh vực khác. Nhưng đôi khi ngài do dự thay đổi các bộ máy định chế, thay vào đó thích khởi xướng những cải cách tâm linh lâu dài nhằm mục đích biến đổi đường lối của Giáo hội theo thời gian. Nhưng ngài đang chấp nhận rủi ro lớn khi không cập nhật các quy tắc chi phối mật nghị hoặc nghĩ rằng ngài có thể đợi cho đến khi vào chính cuối triều đại giáo hoàng mới làm như vậy. Đây là một vấn đề cấp bách hơn, không thể chờ đợi. Có lẽ sự thay đổi lớn nhất kể từ hai mật nghị cuối cùng – bầu Đức Bênêđíctô năm 2005 và Đức Phanxicô năm 2013 – là quyền lực của những người có ảnh hưởng Công Giáo trên các phương tiện truyền thông chính dòng, truyền thông kỹ thuật số và truyền thông xã hội. Kể từ năm 2013, các nhóm nhỏ những người với những nghị trình cực kỳ đặc trưng (bao gồm một số giáo phẩm sở hữu các phương tiện truyền thông rộng lớn và nhiều người theo dõi mạng xã hội của họ) đã xây dựng một loại trình thuật có tính ý thức hệ về Giáo hội. Họ không thể cưỡng lại cơn cám dỗ tạo nên cơn bão truyền thông khi không tranh thủ được đường lối của mình. Chỉ cần nhìn vào cách một số người trong số họ đã phản ứng với Tự sắc Traditionis Custodes của Đức Phanxicô hạn chế sử dụng Thánh lễ Latinh Cổ. Lúc đó, bạn sẽ có ý niệm về sự tàn phá mà họ có thể gây ra cho mật nghị sắp tới.
Vũ Văn An