Làm thế nào để dạy trẻ đối phó với những thất vọng trong cuộc sống?
Cần dạy cho con cái đương đầu với thực tại thế giới bằng cách chấp nhận mọi hoàn cảnh và đối phó với chúng theo cách tích cực.
Có rất nhiều thực tại mà các bậc phụ huynh muốn né tránh để cuộc sống của con cái họ được dễ dàng hơn. Tuy nhiên, có một số điều không thể tránh khỏi; sớm hay muộn cũng buộc phải theo. Vì thế, điều quan trọng là dạy cho chúng đối phó với sự thất vọng.
Thất vọng là phản ứng của một cảm xúc nảy sinh khi chúng ta không thực hiện được những kỳ vọng của mình. Trong bối cảnh gia đình, nó được biểu lộ cách đặc biệt khi các bậc phụ huynh nói “không” trước một thỉnh cầu của con cái. Sự chịu đựng đối với tâm trạng thất vọng là khả năng chấp nhận hoàn cảnh và đối mặt với nó bằng một thái độ tích cực.
Chịu đựng sự thất vọng là một bài học kinh nghiệm được học trong gia đình, khi các bậc phụ huynh rèn luyện ý chí cho con cái mình. Khởi đầu cuộc sống, con người có khuynh hướng muốn thống trị thế giới dựa theo những ý thích tùy hứng của mình, bởi vì, họ vẫn chưa biết được các quy tắc cũng như chế ngự các cảm xúc của mình. Tuy nhiên, việc giáo dục bảo đảm rằng, con trẻ đạt được sự trưởng thành cần thiết để có thể nhận ra được những giới hạn của mình và của người khác.
Một nền giáo dục dễ dãi và bảo bọc quá mức, khiến trẻ không thể chấp nhận chữ “không”. Một đứa trẻ cần phải học hỏi trước thất bại, để thấy rằng không phải tất cả mọi thứ mà nó muốn có thể thực hiện được. Thường các bậc phụ huynh có khuynh hướng giao hết mọi thứ cho con cái của mình. Nếu trẻ lớn lên như vậy, khi đến tuổi thiếu niên, chúng ta sẽ nói “không” với chúng như thế nào khi cần thiết?
Cần phải học cách chịu đựng những thất vọng, vì cuộc sống đầy những niềm vui và cũng không thiếu những thất bại và hy sinh.
Làm thế nào để dạy trẻ chịu đựng sự thất vọng?
Đó là một nhiệm vụ cần phải bắt đầu khi trẻ vừa sinh ra, liên quan đến sự thỏa mãn ngay lập tức những ham muốn, còn được gọi là những ý thích tùy hứng. Các hành động đơn giản, như để trẻ nằm trong nôi cho đến khi nó tỉnh dậy, cho trẻ ăn đúng giờ quy định, đôi khi từ chối những trò chơi mà trẻ đòi hỏi, là cách giáo dục sự tự chủ và hình thành ý chí của trẻ.
Trong giai đoạn này, điều quan trọng là trì hoãn sự thỏa mãn những ham muốn của chúng, tức là làm cho chúng biết học cách chờ đợi hay chấp nhận khi điều gì đó không diễn ra đúng như chúng mong muốn, mà không phản ứng cách bốc đồng.
Trong giai đoạn trẻ lớn lên, sẽ xuất hiện những lối chịu đựng những thất vọng khác nữa. Chẳng hạn môi trường học đường, là một không gian mà ở đó các tình huống khác nhau dần dần nảy sinh: môn vẽ và những bài đọc bị lỗi, làm bài tập kém, điểm thấp, bị khiển trách… là những bài học về sự thất bại đầu tiên của cuộc đời, và nếu không được hướng dẫn tốt, các em có thể có những kết quả tiêu cực.
Trong hoàn cảnh đó, người lớn có thể dạy các con biết đương đầu với thất bại hơn là biện minh cho những hành động của chúng, hoặc phủ nhận những hạn chế của chúng. Cần phải nhấn mạnh giá trị của sự nỗ lực, kiên trì, nhẫn nại, để vượt qua những rào cản và hướng đến các mục tiêu.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, việc chịu đựng sự thất vọng là một kỹ năng cần được phát triển theo thời gian, nhờ sự rèn luyện lâu dài.
Tuổi niên thiếu là giai đoạn quan trọng liên quan đến khả năng chịu đựng những thất vọng, những tính cách và biến chuyển của những cảm xúc. Cho nên, cần chuẩn bị kế hoạch trong nhiều năm trước, để giai đoạn này trẻ được sống trong những giới hạn bình thường.
Việc giáo dục này nên diễn ra trong bầu khí của mối quan hệ yêu thương và gần gũi. Ngay cả khi quyền hành và bổn phận của cha mẹ là đào tạo con cái của mình theo con đường hiền hậu, trung thực và liêm chính không thể bị gạt sang một bên, thì cha mẹ cũng cần phải tránh mọi hành động hung hăng và đàn áp.
Vì vậy, điều cần lưu ý là cha mẹ phải hiểu con cái của mình và trau dồi sự kiên nhẫn, cùng với những đức tính khác, để đối mặt với những thách thức về giáo dục này.