Hãy Ðến Với Chúa
15 06 Tr Thứ Năm Tuần XV Thường Niên.
Thánh Bô-na-ven-tu-ra, Giám mục, Tiến sĩ Hội Thánh, lễ nhớ.
Thánh Phê-rô Nguyễn Bá Tuần, Linh mục (U1838); và Thánh An-rê Nguyễn Kim Thông (Năm Thuông), Thầy giảng (U1855), Tử đạo.
Xh 3,13-20; Mt 11,28-30.
Hãy Ðến Với Chúa
Thánh Bonaventura cùng với Duns Scotus và Thomas thành Aquino hợp thành ba nhà tiến sĩ nổi danh của thần học kinh viện.
Ngài sinh năm 1221 tại Bagnoreggio gần Viterbo, nước Ý. Tên gọi của ngài là Gioan; khi còn bé ngài bị bệnh nặng và nhờ thánh Phanxico cứu cho, nên có tên là Bonaventura.
Ngài học triết lý và thần học tại Paris cùng với giáo sư Alexandre thành Hales.Khoảng năm 1243, ngài gia nhập dòng Anh Em Hèn Mọn. Ngài làm giáo sư tại Paris từ năm 1248 đến năm 1257.Từ năm 1257 ngài được bầu làm Bề Trên Cả của dòng cho đến khi qua đời năm 1274.Trong thời gian đó, Dòng phát triển cách lạ lùng và có đến 20.000 tu sĩ.
Trong 17 năm dưới sự dìu dắt của thánh Bonaventura, Dòng đã trải qua một thời gian vừa phẳng lặng vừa sâu sắc, khiến thánh nhân đã được coi như vị sáng lập thứ hai của Dòng. Là người có trí biện biệt chín chắn và vững vàng, ngài đã dung hòa được các khuynh hướng đối lập trong Dòng.
Thánh Bonaventura theo đường lối tu đức như thánh Benado. Theo ngài: “Con người mang trong mình hình ảnh của Thiên Chúa; càng biết rõ mình người ta càng nhận thấy hình ảnh cao quý ấy. Tất cả sinh hoạt của đời sống trọn lành tùy thuộc quan niệm riêng biệt người ta có đối với linh hồn của mình.” Thánh nhân là người đầu tiên trong lịch sử khoa tu đức, đã trình bày rõ rệt ba giai đoạn trọn lành: thanh đạo, minh đạo và hiệp đạo.
Ngoài ra thánh Bonaventura còn huấn luyện các tu sĩ biết chú trọng đến đức vâng lời và khiêm nhường.Muốn đạt tới hai nhân đức ấy, ngài dạy các thầy phải suy niệm và chiêm nghưỡng đời sống Chúa Kitô, nhất là cuộc tử nạn của Người.
Một trong các công việc chính thời còn làm Bề Trên Cả là việc xuất bản tập “Hiến Chương Narbome” mà sau này tất cả mọi bản Hiến Chương mới đều dựa trên đó. Ngài cũng đã viết bộ “Legenda major” là cuốn sách tiểu sử thánh Phanxico rất phổ biến.
Thánh nhân để lại tất cả 45 tác phẩm thần học về đủ mọi phương diện.Các học thuyết của ngài chịu ảnh hưởng rất nhiều của thánh Augustino. Theo quan niệm của ngài, thần học phải dẫn đến nhiệm hiệp tôn giáo, đến cảm nghiệm.
Vào năm 1265, ngài xin từ chối chức Tổng Giám Mục thành York nhưng ngày 18/05/1273 ngài phải nhận chức Hồng Y để đại diện cho Đức Thánh Cha Gregorio X đi dư Công Đồng chung Lyon. Tại công đồng, ngài là một thành viên tích cực tham gia vào các cuộc hội thảo đại kết với Anh Em Hy Lạp. Bản ký kết, thánh nhân qua đời ngày 15/07/1274 tại tu viện Anh Em Hèn Mọn ở Lyon, hưởng thọ 53 tuổi.
Đức Thánh Cha Sictus IV nâng ngài lên bậc hiển thánh vào năm 1482; Đức Sixtus V nâng ngài lên hàng Tiến Sĩ Hội Thánh vào năm 1588 với tước hiệu là “Doctor Seraphicus” (Tiến Sĩ Chí Ái).
Trước những khó khăn, gánh nặng của cuộc sống hàng ngày, con người rất cần được nghỉ ngơi, thư giãn, bồi dưỡng cho thân xác, trí óc và tâm hồn. Nếu không họ rất dễ bị quá tải, suy nhược thần kinh, bị stress và đã có những người đã tự tử vì không đủ sức để tiếp tục sống. Tin mừng theo Thánh Matthêu (Mt 11, 28-30), Chúa Giêsu mời gọi tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Chúa, Người sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng và hãy học với Chúa vì Người có lòng khiêm nhường và hiền hậu.
Không có ai dám kêu gọi người ta đến với mình để được an ủi đỡ nâng khi người đó biết mình sắp lìa cõi thế, ngoại trừ một mình Chúa Giê-su; mà lý do để làm thế là vì Ngài “hiền lành và khiêm nhường.” Hiền lành và khiêm nhường, đó là căn tính của Vị Thiên Chúa Làm Người: Ngài chiếu tỏa dung nhan hiền hậu của Chúa Cha, Đấng đầy lòng thương xót. Tin Mừng hôm nay vừa tiên báo cái chết đau thương của Con Chiên hiền lành bị đem đi xén lông và làm thịt, vừa là lời mời gọi mỗi người tin tưởng vào tình yêu của Chúa giữa cảnh đời buồn nhiều hơn vui, vất vả nhiều hơn sung sướng và khổ đau nhiều hơn hạnh phúc này.
Những ai đang phải vất vả mang gánh nặng nề: Gánh nặng của nỗi buồn đau và vấp ngã trong quá khứ; gánh nặng của trách nhiệm và yếu đuối hiện tại; gánh nặng phải mang vì người khác, gánh nặng của kiếp nhân sinh, gánh nặng của ơn gọi đi theo Chúa trong đời sống thánh hiến hay đời sống gia đình và cả gánh nặng của tội lỗi nữa, hãy mang tất cả đến cùng Chúa. Chúa luôn chờ đón để an ủi, xoa dịu những khổ đau cho chúng ta. Đến cùng Chúa chắc chắn chúng ta sẽ được nâng đỡ rất nhiều. Chúng ta tin tưởng bởi Chúa thành tín và giàu yêu thương. Mọi bệnh nhân đến với Chúa đều được Chúa cứu giúp; mọi tội nhân đến với Chúa đều được Chúa thứ tha; và tất cả những người khổ đau nghèo đói đến với Chúa đều được Chúa an ủi, trợ giúp.
Đến cùng Chúa không những chúng ta được trút bỏ những gánh nặng mà còn được học với Chúa, gương mẫu của sự hiền hậu và khiêm nhường. Học với Chúa chúng ta cần lắng nghe Lời của Ngài, Lời Chúa chính là lương thực nuôi sống chúng ta, là ngọn đèn soi cho chúng ta bước, là ánh sáng chỉ đường cho chúng ta đi (Tv 119, 105). Hơn nữa, chúng ta cũng cần tìm đến và ở lại với Người trong lời cầu nguyện, suy ngắm và đặc biệt là nơi bí tích Thánh Thể. Bởi Chúa Giêsu đã khiêm nhường trở nên tấm bánh nuôi sống đoàn chiên và ở lại với đoàn chiên của Người.
Học với Chúa để trở nên hiền hậu và kiêm nhường cần thiết biết bao trong cuộc sống. Bởi những cơn giận bộc phát giữa vợ chồng có thể bào mòn tình yêu chân thật. Sự mất kiên nhẫn bực bội, nóng nảy, thù ghét oán hờn làm cho những mối tương quan trở nên căng thẳng, lãnh đạm, lạnh nhạt và mất tin tưởng. Sự hiền hòa và khiêm nhường theo gương mẫu Chúa Giêsu sẽ giúp cho chúng ta làm chủ được bản thân, sáng suốt trong những chọn lựa, đối xứ với mọi người với trái tim yêu thương, thông cảm và tha thứ. Niềm vui, bình an và hạnh phúc sẽ đến với mỗi người, mỗi gia đình và những người xung quanh.
“Những người đang vất vả mang gánh nặng nề”, trước tiên, là những ai đang mệt mỏi và chịu sức ép bởi giáo huấn của những con người “khôn ngoan và thông thái” đã được nói đến ở Mt 11,25. Chúa Giêsu tự giới thiệu về mình như là vị Tôn Sư, nhưng khác với thói đời tầm thường và chắc chắn khác với các kinh sư đương thời, Ngài không tìm cách thống trị hay chi phối các môn đồ. Ngài đi ngược lại xu hướng kiêu ngạo của các bậc thầy trong dân Israel bấy giờ. Những ai đón nhận giáo huấn của Ngài sẽ được Ngài cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.
Chúa Giêsu kêu gọi các đồ đệ mang lấy ách của Ngài. “Mang lấy ách” của Chúa Giêsu tức là chấp nhận những đòi hỏi phát xuất từ giáo huấn của Ngài. Ách của Ngài nhẹ nhàng và êm ái, hoàn toàn khác với ách của Lề Luật mà những kẻ “khôn ngoan và thông thái” bắt buộc người ta phải mang. Thay vì những luật lệ không mang lại niềm vui, Đức Giêsu đề nghị sự phục vụ trong niềm vui và trong tình bạn (9,15).
Trong Chúa Giêsu, những tâm hồn bé nhỏ sẽ được bình an và hạnh phúc như chính Ngài đã khẳng định: “Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng” (Mt 11,29b-30).