Ý Nghĩa và Giá Trị của Sự Đau Khổ
Ý Nghĩa và Giá Trị của Sự Đau Khổ
Đau khổ là một thực tế hiển nhiên trong đời sống của con người, dù có niềm tin hay không.
Đây là một thực trạng mà không ai có thể phủ nhận hay tránh được trong cuộc sống trên trần gian này. Nào đau khổ vì bệnh tật, vì nghèo đói, vì bất công xã hội, vì thiên tai, động đất, bão lụt. Nào đau khổ vì bị tù đầy, tra tấn, bị kỳ thị, khinh chê và cô lập (dân Untouchable bên Ấn Độ). Sau hết, đau khổ lớn lao nhất là chết chóc đau thương.
Vì đâu có đau khổ ?
Thực khó tìm được câu trả lời thỏa đáng theo suy nghĩ của con người cho câu hỏi này..
Tuy nhiên, có điều nghịch lý đáng nói ở đây là ở khắp nơi, và ở mọi thời đại, luôn có những kẻ gian ác, làm những sự dữ, sự tội, như giết người, trộm cắp, hiếp dâm, đặc biệt là cai trị độc ác và gây ra chiến tranh khiến hàng triệu người vô tội bị giết … nhưng những kẻ đó vẫn sống phây phây với địa vị và tiền bạc dư thừa của chúng, trong khi biết bao người lành, lương thiện, đạo đức lại nghèo khó, bệnh tật nan y hay gặp tai nạn xe cộ, tầu bè. Cụ thể, năm 2008, một xe buýt chở giáo dân ở Houston, Texas đị dự Đại Hội Thánh Mẫu ở Carthage , Missouri đã gặp tai nạn khiến hàng chục người chết hoặc bị thương nặng ! trong khi những xe và phi cơ chở người đi đánh bạc ở Las Vegas, lake charles (Louisiana).. hoặc du hí ở các nơi tội lỗi như Cancun (Mexico) Thai lan, Kampuchia… thì chưa hề gặp tai nạn tương tự !! Lại nữa, những người nghiện rượu và thuốc lá thường dễ bị ung thư phổi, nhưng biết bao người không uống rượu và hút thuốc lá mà vẫn bị ung thư phổi , thi sao ? Lại nữa, phụ nữ sinh con thì dễ bị ung thư ngực, nhưng có nữ tu không hề sinh đẻ mà vẫn bị ung thư ngực !
Vậy không lẽ Chúa phạt những người bị tai nạn hay bệnh tật kia???
Chắc chắn là không. Nhưng phải giải thích thế nào cho hợp lý và tìm ra ý nghĩa của sự đau khổ với con mắt đức tin của người tín hữu Chúa Kitô trong năm Đức Tin này.
Thật vậy, đau khổ là một thực trạng không thể tránh được trong trần gian này như Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ xưa :’
“ Trong thế gian
Anh em sẽ phải gian nan khốn khó
Nhưng hãy can đảm lên
Thầy đã thắng thế gian. (Ga 16: 33)
Nhưng trước khi Chúa đến trần gian để chia sẻ thân phận con người với nhân loại, sự đau khổ , sự dữ đã đầy rẫy trong trần gian như Kinh Thánh Cựu Ước đã ghi lại. Cụ thể ông Gióp (Job) là người “ vẹn toàn, ngay thẳng, kính sợ Thiên Chúa và tránh xa điều ác.”( G 1: 1). Vậy mà ông đã gặp hoạn nạn, đau khổ lớn lao bất ngờ, không thể tưởng tượng được : nào con cái (bảy con trai ba con gái) bỗng chốc lăn ra chết hết trong một trận cuồng phong từ sa mạc thổi đến. Nào đàn gia xúc của ông gồm bảy ngàn chiên dê, ba ngàn lạc đà, năm trăm đôi bò, năm trăm lừa cái và một số đông tôi tớ cũng bỗng chốc bị giết và cướp mất khỏi tay ông ! Nhưng trước tai ương khủng khiếp này , ông Gióp chỉ biết quỳ xuống than thở với Chúa như sau :
“ Thân trần truồng
Sinh ra từ lòng mẹ
Tôi sẽ trở về đó cũng trần truồng
ĐỨC CHÚA đã ban cho
ĐỨC CHÚA lại lấy đi
Xin chức tụng danh ĐỨC CHÚA ! (G1 : 21)
Chính vì lòng trung kiên yêu mến, kính sợ Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh, như khi được mọi điều sung sướng và nhất là khi phải đau khổ vì tai ương bất ngờ, ông Gióp đã được Thiên Chúa khen lao và ban lại cho ông gấp đôi những gì ông đã mất: ông lại sinh được bảy con trai và ba con gái xinh đẹp nhất trong xứ sở và sống thọ thêm một trăm bốn mươi năm nữa . (cf.G 42: 12-17)
Như thế , sự đau khổ, tai ương là phương tiện hữu hiệu Thiên Chúa đã dùng để thử thách các tôi tớ trung kiên của Người như các ông Mô- sê, Ap-bra-ham Gióp và Tô-bia.
Ngươc lai, đôi khi Thiên Chúa cũng dùng tai ương, đau khổ để trừng phạt con người vì tội lỗi và ngoan cố không muốn ăn năn sám hối để được tha thứ. Đó là hinh phạt Đại hồng thủy trong thời Cựu Ước, đã cuốn đi vào lòng đai dương tất cả mọi người, mọi sinh vật trên mặt đất, trừ gia đình ông Nô-e và các sinh vật được ông đem vào tàu trước khi mưa tuôn đổ xuống địa cầu. ( St 6: & 7)
Lại nữa, Thiên Chúa đã dùng lửa và mưa sinh diêm từ trời xuống để hủy diệt thành Xô-đôm , vì ông Ap-bra-ham không tìm được người ngay lành nào trong thành tội lỗi đó, để xin Chúa tha chết cho thành ấy. ( Sđd : 19)
Nhưng khi dân thành Ni-ni-vê nghe theo lời kêu gọi của ngôn sứ Giô-na ăn chay , cầu nguyện và xám hối thì Thiên Chúa đã tha không đánh phạt họ như Người đã ngăm đe. (. Gn 3: 1-10)
Như vậy , trong thời Cựu Ước, Thiên Chúa đã dùng đau khổ , gian nan khốn khó để thử thách các tôi tớ trung thành và cũng để đánh phạt những kẻ làm những sự dữ , tội lỗi mà không chiu xám hối và từ bỏ con đường gian ác.
Dân Do Thái, cho đến thời Chúa Giêsu xuống trần và đi rao giảng Tin Mừng Cứu Độ, vẫn quen nghĩ rằng sự khó, sự đau khổ và tai ương xảy ra cho ai thì tại tội lỗi của người đó hay của cha mẹ nạn nhân. Cho nên khi thấy một người mù từ bé, các môn đệ của Chúa Giêsu đã hỏi Người như sau :
“ Thưa Thầy, ai đã phạm tội khiến người này sinh ra đã bị mù, anh ta hay cha mẹ anh ta?( Ga 9 : 2). Chúa Giêsu đã trả lời họ như sau : “không phải anh ta, cũng chẳng phải cha mẹ anh ta đã phạm tội. Nhưng chuyện đó xảy ra là để các việc của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh.” ( Sđd 9; 3)
Việc của Thiên Chúa được tỏ hiện là Chúa Giêsu đã chữa cho anh mù được xem thấy để minh chứng Người là quả thực là Đấng Thiên Sai ( Mê-si-a ) đã đến trong trần gian để “ cho người mù được thấy. kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết trỗi dậy, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng..” ( Lc 7 : 22 ) .
Nhưng cũng trong Tin Mừng Thánh Gioan, Chúa Giêsu cũng nói với một người đã đau ốm lâu năm và Chúa đã chữa lành cho anh ta. Nhưng khi gặp lại anh này trong Đền Thờ sau đó, Chúa đã nói với anh điều đáng chú ý như sau :
“ Này, anh đã được khỏi bệnh. Đừng phạm tội nữa, kẻo lại phải khốn hơn trước.” ( Ga 5: 14)
Như thế có nghĩa là tội lỗi cũng có thể là nguyên nhân gây ra đau khổ cho con người như Chúa đã nói trên đây. Kinh nghiệm thực tế ngày nay cũng chứng minh điều này. Kẻ trộm cắp cứ quen sống bất lương như vậy, sẽ có ngày gặp tai họa khi vào nhà ai để ăn trộm và có thể bị chủ nhà bắn chết. (ở Mỹ rất nhiều người dân có súng trong nhà để tự vệ). Người ngoai tình cũng có thể bị tình địch giết chết vì đã gian díu với vợ hay chồng của người khác. Lái xe ẩu, vượt đèn đỏ có thể gây ra án mạng cho người khác và cho chính người lái xe ẩu. Đúng là tội đâu vạ đấy như người Việt Nam chúng ta thường nói.
Tuy nhiên, là người tín hữu, chúng ta được dạy dỗ để tin rằng sự đau khổ về thể lý hay tâm hồn cũng là phương tiện mà Thiên Chúa dùng để cho chúng ta được thông phần sự thương khó đau khổ với Chúa Kitô, Đấng đã vui lòng chịu mọi sự khốn khó cho đến chết đau thương trên thập giá để cho chúng ta được cứu độ và có hy vọng được hưởng hạnh phúc Nước Trời với Chúa sau hành trình đức tin trên trần thế này.
Thật vậy, Chúa Giê-su Kitô là Đấng Thiên Sai (Messaih) đã đến trần gian làm Con Người, đã chiu khốn khó ngay từ khi sinh ra trong cảnh cực kỳ khó nghèo nơi hang lừa máng cỏ, bị đe dọa giết chết bởi Hêrôđê khiến Đức Mẹ và Thánh Giuse phải mang chậy trốn sang Ai Cập lúc đêm khuya.. Lớn lên, Người đi rao giảng Tin Mừng trong điều kiện rất khó nghèo, lang thang đó đây như kẻ vô gia cư đúng như Chúa đã nói với các môn đệ :“ con chồn có hang, chim trời có tổ , nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu.” ( Mt 8 : 20)
Là Đấng Thiên Sai, Chúa Kitô sẽ “phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục , các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết và ngày thứ ba sẽ sống lại.” ( Sđd 16: 21)
Phêrô, môn đệ được Chúa khen ngợi vì đã tuyên xưng đúng Người là “ Đấng Kitô, con Thiên Chúa hằng sống.”. Nhưng khi nghe Chúa nói đến những đau khổ mà Người sắp phải chịu trước khi chết, sống lại và lên trời vinh hiển, Phêrô đã tìm cách can ngăn Chúa như sau : “ Xin Thiên Chúa thương đừng để cho Thầy gặp chuyên đó.”.( Sđd 16: 22)
Để trả lời cho Phêrô và cũng để dạy cho chúng ta biết giá trị của đau khổ, Chúa đã quở trách ông như sau: “Xa tan , hãy lui lại đàng sau Thầy ! anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người.” .( Sđd 16: 23)
Phêrô can ngăn Chúa vì đã hành động đúng với suy tư của mọi người trần thế là không ai muốn chiu sự gì khốn khó, đau khổ. Ai cũng muốn được luôn khỏe mạnh, sung sướng , an nhàn, có nhiều tiền của và danh vọng ở đời. Không ai muốn bệnh tật, nghèo đói và bị khinh chê, tù đầy hay bắt bớ . Ước vọng được khỏe mạnh cũng rất chính đáng và đẹp lòng Chúa, như tác giả Sách Huấn Ca đã viết:
“ Người đã chết thì hết xưng tụng vì nó không còn nữa
Chỉ người đang sống và khỏe mạnh mới ca ngợi Đức Chúa.” ( Hc 17 : 28)
Vì thế, người đau ốm cầu xin Chúa cho được lành bệnh tật của thân xác:
“Lậy Chúa, xin đoái thương, này con đang kiệt sức
Chữa lành cho vì gân cốt rã rời
Toàn thân con rã rời quá đỗi
Mà lậy Chúa, Chúa còn trì hoãn đến bao giờ ? “. ( Tv 6 : 3-4)
Cầu xin cho được khỏe mạnh và bình an trong cuộc sống là điều tốt phải xin Chúa và không có gì đáng chê trách. Nhưng bệnh tật và rủi ro thì không ai tránh được trong cuộc sống ở đời này. Người đạo đức, lương thiện và kẻ bất lương gian ác đều không ít thì nhiều phải đau khổ như bệnh tật, tai nạn bất ngờ, tang chế trong gia đình vì người thân mất đi…. Tuy nhiên, cứ xem gương Chúa Giêsu , Đức Mẹ và các Thánh thì người có đức tin phải hiểu rằng đau khổ có giá trị cứu rỗi và là phương thế hiệu nghiệm mà Thiên Chúa dùng để thánh hóa và cải hóa con người, cũng như để thử thách lòng tin yêu của các tôi tớ trung kiên như trường hợp các ngôn sứ Mô-Sê, Abraham, Gióp và Tôbia đã nói ở trên.
Vì đau khổ có giá trị xin tha tội, nên ông Mô-sê đã xin hiến mạng sống mình làm của lễ để xin Thiên Chúa tha tội cho dân Do Thái xưa:
“ Ông Mô-sê trở lại với ĐỨC CHÚA và thưa : “than ôi dân này đã phạm một tội lớn. Họ đã làm cho mình một tượng thần bằng vàng. Nhưng giờ đây ước gì Ngài miễn chấp tội họ. Bằng không, thì xin Ngài xóa tên con khỏi cuốn Sách Ngài đã viết.” ( Xh 32 : 31-32)
Chính vì giá trị cứu chuộc của đau khổ mà Chúa Kitô, Đấng Thiên Sai, Người Tôi tớ đau khổ của Thiên Chúa, đã vui lòng “uống chén đắng” là vác thập giá, chịu mọi cực hình cho đến khi chết đau thương trên thập giá để đền tội cho nhân loại và cho chúng ta hy vọng được sống hạnh phúc đời đời với Chúa trên Nước Trời mai sau. Phải nói là có hy vọng thôi chứ không phải là bảo đảm chắc chắn ngay từ bây giờ, không phải vì sự đau khổ của Chúa Kitô chưa đủ cho con người được cứu rỗi, mà vì con người còn có tự do để cộng tác với ơn Chúa để được cứu chuộc hay bị loại vì đã tự ý khước từ ơn cứu rỗi đó để sống buông thả theo tính hư nết xấu của xác thịt và chậy theo những quyến rũ của thế gian đang tràn ngập với “văn hóa của sự chết” mà những kẻ không có niềm tin đang ngụp lặn trong đó.
Nếu con người không có thiện chí muốn cộng tác với ơn Chúa để sông theo đường lối của Chúa, thì Chúa không thể cứu ai được , mặc dù công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô là vô giá và đủ cho con người được cứu rỗi.
Tóm lại, không ai có thể tránh được đau khổ trong cuộc sống trên trần gian này. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, với người có niềm tin nơi Chúa thì đau khổ là phương thế tốt nhất cho ta được trở nên giống Chúa Kitô , Người đã đi vào vinh quang phục sinh qua khổ hình thập giá để dẫn đưa chúng ta vào hưởng hạnh phúc Nước Trời, nếu chúng ta cũng vui lòng vác thập giá theo Người. Nghĩa là chúng ta phải vui lòng chấp nhận những sự khó, sự đau khổ mà chúng ta không kiêu căng đi tìm kiếm nhưng không hậm hực kêu trách Chúa khi gặp phải trong cuộc sống trên trần gian này. Đó là cách chấp nhận đau khổ đẹp lòng Chúa, đúng theo lời dạy của chính Chúa Kitô, là “ ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.” (Mt 16: 24).
Vác thập giá theo Chúa có nghĩa là vui lòng chịu mọi sự khó Chúa gửi đến trong cuộc đời của mỗi người chúng ta.
Vậy chúng ta hãy can đảm và bằng lòng chịu những sự khó, sự đau khổ mà chúng ta không ai muốn kiếm tìm nhưng không tránh được, vì Chúa đã tha phép cho xảy ra để cho ta được thông phần sự thương khó của Chúa Kitô để đền tội mình và tội của người khác, cũng như để cầu xin cho nhiều người chưa biết Chúa được nhân biết và tin yêu Chúa để cùng hưởng nhờ công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô.
LM Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn