CHỌN LỰA CỦA CHÚA
07 28 X Thứ Tư Tuần XIV Thường Niên.
Thứ Tư đầu tháng. Kính Thánh Cả Giuse.
St 41,55-57;42,5-7a.17-24a; Mt 10,1-7.
CHỌN LỰA CỦA CHÚA
Tin mừng hôm nay kể về việc Chúa Giêsu gọi các môn đệ. Họ không có của cải, không có học thức cao, không có địa vị trong xã hội. Họ được chọn từ trong dân gian, những người chỉ làm việc thường, không được giáo dục đặc biệt, không có lợi thế xã hội. Người ta nói Chúa Giêsu không tìm kiếm những người phi thường, Ngài tìm những người tầm thường để làm việc một cách rất phi thường. Sứ điệp của việc chọn gọi ở chỗ. Chúa Giêsu nhìn mỗi người, không phải chỉ để thấy họ thế nào, nhưng để thấy Ngài có thể khiến họ trở nên như thế nào. Không ai nên nghĩ rằng mình không có gì để dâng cho Chúa. Chúa Giêsu có thể lấy điều một con người tầm thường hơn hết dâng lên để sử dụng trong việc trọng đại.
Con người thường hay chọn những người cùng một sở thích hay tính tình giống nhau. Chúa Giêsu chọn các Tông-đồ có tính tình khác nhau, nhiều khi đến chỗ xung khắc: Matthêu người thu thuế. Tất cả mọi người đều coi Matthêu là người phản quốc (làm việc cho ngoại bang), như một người làm tay sai cho những chủ nhân chiếm xứ mình để cầu lợi.
Trái ngược với Matthêu, một người ái quốc thương dân là Simon (người nhiệt thành). Nếu Simon người cuồng tín đó gặp Matthêu tại một nơi nào khác ngoài tập thể của Chúa Giêsu, thì chắc chắn giữa hai ông sẽ xảy ra án mạng. Rồi một Phêrô nhanh nhẩu nói năng phải ở với Gioan thâm trầm, ít nói. Và một Thomas từ chối không tin tất cả lời chứng Chúa đã sống lại và hiện ra của tất cả Tông-đồ khác. Thế mà Thiên Chúa có thể làm cho các ông dẹp khác biệt cá nhân, để sống chung và cùng nhau thi hành sứ vụ Ngài trao. Tại dây có một chân lý trọng đại là những người thù ghét lẫn nhau lại có thể thương yêu nhau, khi cả hai đều mang sứ điệp Tin Mừng. Trái lại trong bài đọc một gia đình tổ phụ Giacob chúng ta thấy: Anh em trong nhà lại ám hại nhau.
Chúa Giêsu không chọn những người tài cao và học rộng, giàu sang và quí phái, chức vụ và uy quyền trong xã hội, nhưng Ngài đã chọn người có tấm lòng và thiện chí. Chỉ cần hai điều này thôi, còn mọi điều khác Chúa sẽ lo liệu.
Có một tác giả đã tưởng tượng ra việc Chúa chọn các tông đồ như sau: sau những đêm dài cầu nguyện, Ngài rảo bước khắp nơi nhưng không chọn được người nào, Ngài đành quăng quảng cáo, nhưng trong số những người đến trình diện Ngài không chọn được một ai.
Ngài đành tổ chức thế vận hội. Môn đầu tiên là cầu nguyện: nhiều người biểu diễn cầu nguyện rất hay nhưng Chúa không chọn được một ai cả. Môn thứ hai là thờ phượng, cũng thế. Môn thứ ba là giảng thuyết, cũng thế.
Chán nản vì mất thời gian vô ích, Chúa Giêsu rời vận động trường để ra bờ biển hóng gió và ở đây Ngài thấy đám dân chài. Ngài đứng quan sát và nhận ra có một số người để hết tâm hết lực vào công việc họ đang làm. Ngài nghĩ thầm trong lòng, họ là những người có quả tim. Và thế là Ngài chọn họ làm tông đồ của Ngài.
Các tông đồ được chọn không phải vì các ngài có tấm lòng và thiện chí như tiêu chuẩn của Chúa, nhưng vì Thiên Chúa yêu thương họ trước cả khi họ biết Chúa. Các tông đồ được Chúa chọn cũng không phải vì các ông có quả tim tinh tuyền như Chúa đòi hỏi, nhưng vì lòng nhân từ của Ngài mà Ngài hy vọng sẽ hướng dẫn, dạy dỗ họ, để họ đổi mới mà thành những chứng nhân tông đồ cho muôn dân.
Với thánh sử Mác-cô và Luca chỉ nêu danh sách 12 tông đồ khi Chúa gọi các ngài; còn Matthêu thì nhắc đến nhóm 12, khi Chúa sai các ông đi rao giảng. Như vậy, Matthêu đã nhấn mạnh đến sứ mạng của nhóm 12 hơn là việc kêu gọi các ngài, và đề cao mối liên lạc mật thiết giữa tông đồ đoàn và sứ mạng truyền giáo. Họ là những chứng nhân tiêu biểu, đã được Chúa Giêsu huấn luyện, trao quyền hành và nhiệm vụ truyền giáo, như chính Người đã được Chúa Cha sai đi.
Dù các ông có tính tình, hoàn cảnh, trình độ, khuynh hướng khác nhau, thậm chí đối chọi nhau; Chúa vẫn muốn họ làm chứng bằng chính đời sống và cảm nghiệm:
Họ phải làm chứng về tình thương của Chúa đối với họ: dù họ hèn kém, bất xứng, đầy khuyết điểm… nhưng họ đã được Chúa thương và tuyển chọn.
Họ phải làm chứng về sức đổi mới của Chúa: tuy là con người xác thịt, với thời gian và nhờ sống bên Chúa Giêsu, họ đang thay đổi cách sống, cách nghĩ và thấm nhiễm tinh thần của Nước Trời.
Họ phải làm chứng về sự hiệp nhất, về sự keo sơn giữa nhiều con người đầy khác biệt và mâu thuẫn nhau.
Họ phải làm chứng về quyền năng và về vai trò chủ động của Thiên Chúa: họ chỉ là đầy tớ vô dụng làm không được bao nhiêu, chính Thiên Chúa làm tất cả nơi họ trong công trình cứu độ.
Sự chọn gọi các môn đệ của Chúa Giêsu là có chủ đích: Đó là để sai đi, công bố Tin Mừng Nước Trời, cùng với sứ mạng, các môn đệ được trao cho quyền trên các thần ô uế, để các ông trừ chúng và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền. Đây là dấu chỉ của thời đại Nước Trời đã đến, Tin Mừng thắng được sự dữ, Tin Mừng đến để phục vụ, để cứu chữa. Lệnh sai đi của Chúa Giêsu năm xưa vẫn còn hiệu lực cho Giáo Hội hôm nay, người kitô hữu có bổn phận đến với muôn dân, mang Tin Mừng của Chúa đến bằng sự phục vụ, yêu thương và cứu chữa. Như trong bài đọc một. Giuse nhận ra kẻ thù là anh em, sẵn sàng chia sẻ khi anh em gặp khốn khó, cấp dưỡng khi anh em bị bỏ rơi.
Lời mời gọi các tông đồ ra đi truyền giáo năm xưa của Chúa Giêsu vẫn luôn là lời mời gọi cho mỗi người trong mọi thời đại. Giữa một thế giới mà niềm tin vào Chúa Giêsu còn quá ít ỏi, Kitô hữu chúng ta cần phải ý thức hơn rằng, việc loan báo Tin Mừng lại là một vấn đề ưu tiên hơn bao giờ hết.