CON NGƯỜI ĐẾN LÀ ĐỂ PHỤC VỤ
26 15 Tr Thứ Tư Tuần VIII Thường Niên.
Thánh Phi-lip Nê-ri, Linh mục, lễ nhớ.
Thánh Gio-an Đoàn Trinh Hoan, Linh mục (U1861); và Thánh Mát-thêu Nguyễn Văn Đắc (Phượng), Trùm họ (U1861), Tử đạo.
Hc 36,1.4-5a.10-17; Mc 10,32-45.
CON NGƯỜI ĐẾN LÀ ĐỂ PHỤC VỤ
Thánh Philipphê Nêri (Philip Neri) sinh năm 1515 tại Florencia, nước Ý. Tên riêng của ngài hồi còn nhỏ là “bé Phil tốt lành.” Thánh Philipphê Nêri có tính tình vui vẻ và thân thiện đến nỗi ai gặp ngài cũng đều quý mến ngài. Suốt ba năm, Philipphê Nêri nghiên cứu môn thần học và triết học; và ngài đã là một sinh viên xuất sắc. Nhưng đặc biệt Philipphê Nêri là một Kitô hữu năng động. Ngài sống đơn sơ và rất chăm chỉ. Ngài cũng làm nhiều việc tốt cho những người sống xung quanh ngài. Philipphê Nêri giúp đỡ các trẻ em, thăm viếng những người đau yếu bệnh tật, làm bạn với những người cô đơn phiền sầu. Nói tóm lại, vì tình yêu Chúa Giêsu, Philipphê Nêri đã đến với mọi người mỗi khi có thể.
Thánh Philipphê Nêri giúp thiết lập một hội giáo dân chuyên giúp đỡ và chăm lo cho những người hành hương túng nghèo. Hội này vẫn từng bước hoạt động như một bệnh xá danh tiếng tại Rôma. Vị linh mục hướng dẫn ngài nhận thấy rằng Philipphê Nêri đã hy sinh rất nhiều để giúp các Kitô hữu Rôma hâm nóng lại lòng hăng say nhiệt thành. Nhưng phải đợi đến năm ba mươi sáu tuổi, Philipphê Nêri mới có ơn kêu gọi làm linh mục.
Sau đó, Thánh nhân bắt đầu thi hành thừa tác vụ hết sức cao cả của mình. Mỗi ngày, Philipphê Nêri sẵn lòng dành ra nhiều giờ để ban bí tích Hòa giải. Hối nhân đến xưng tội với ngài ngày một đông hơn. Nhưng cha Philipphê rất bình thản. Ngài chẳng bao giờ đánh mất đi sự nhẫn nại dịu dàng!
Giáo dân dần dần nghiệm thấy rằng đôi lúc cha Philipphê Nêri có thể đọc được tâm hồn của họ. Trong một vài trường hợp, ngài có thể tiên báo tương lai. Thiên Chúa cũng đã dùng cha Philipphê Nêri để làm những công việc lạ lùng. Nhưng trên tất cả, điều mà Philipphê Nêri muốn làm là đem Đức Chúa Giêsu đến cho tha nhân. Để tránh sự ngưỡng mộ của họ, đôi lúc cha Philipphê Nêri đã hành động cách ngớ ngẩn. Thánh nhân muốn được mọi người làm lơ và quên đi việc họ nghĩ ngài thánh thiện.
Dù vậy, trông cha Philipphê Nêri vẫn toát ra một sự khác lạ và nhờ ngài mà cả thành phố Rôma đã sống tốt lành hơn. Có lần Thánh Philipphê Nêri đã nghĩ đến chuyện muốn trở nên một nhà thừa sai truyền giáo nơi các miền đất lạ. Thánh nhân bị lôi cuốn mạnh mẽ bởi gương sáng đời sống của Thánh Phanxicô Xaviê, người đã mất năm 1552 tại cửa ngõ nước Trung Hoa. Philipphê Nêri chỉ mới làm linh mục được một năm thì Thánh Phanxicô qua đời. Vậy Thánh nhân có bỏ Rôma để tình nguyện dấn thân cho những xứ truyền giáo không? Một đan sĩ Xitô thánh thiện đã nói với ngài: “Rôma chính là vùng đất truyền giáo của cha đấy!” Sau đó, cha Philipphê Nêri thấy tâm hồn mình tràn ngập bình an.
Thánh Philipphê Nêri dùng năm năm cuối đời của ngài để ban bí tích Hòa giải cho giáo dân. Thánh nhân về trời năm 1595, hưởng thọ tám mươi tuổi. Đến năm 1622, Đức Thánh Cha Grêgôriô XV đã tôn phong Philipphê Nêri lên bậc Hiển thánh.
Làm thế nào để chúng ta có thể sống vui tươi và khoan dung hơn? Đó không phải là điều mà hết thảy chúng ta đều thực sự mong muốn sao? Chúng ta có thể dâng một lời cầu nguyện đơn sơ lên thánh Philipphê Nêri. Thánh nhân sẽ chia sẻ với chúng ta bí quyết để sống hạnh phúc như ngài.
Hôm nay, ta thấy đây là lần thứ ba và cũng là lần cuối Chúa Giêsu nói về cuộc thương khó và phục sinh của Người ; và lần này, Ngài nói rất chi tiết về cuộc thương khó : « Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ lên án xử tử Người và sẽ nộp Người cho dân ngoại. Họ sẽ nhạo báng Người, khạc nhổ vào Người, họ sẽ đánh đòn và giết chết Người ». Như thế, chính Ngài cũng nhận ra từ từ con đường mình phải đi và điều gì sẽ xẩy ra trên đường.
Qua lời loan báo này, chúng ta thấy rất rõ rằng, cuộc thương khó của Chúa Giêsu là hành động của con người : các thượng tế và kinh sư lên án xử tử Chúa Giêsu; họ nộp Ngài cho dân ngoại, dân ngoại nhạo báng, khạc nhổ, đánh đòn và giết chết Người. Nhưng rốt cuộc, cũng không phải hoàn toàn là hành động của con người, bởi vì chính Xa-tan hành động nơi những con người cụ thể Ga 13, 27 và Lc 23, 34).
Thế nhưng rồi ta tự hỏi tại sao Thiên Chúa, nơi Chúa Giêsu, có sự chọn lựa điên rồ, là để mình chịu sỉ nhục đến như thế ? Là sỉ nhục và điên rồ đối với con người và cả các môn đệ nữa, vì các ông lúc nào cũng sợ hãi và kinh hoàng khi nghe nói về thương khó (Mc 8, 32 ; 9, 32 và 10, 32), nhưng đối với Thiên Chúa, đó lại là sức mạnh và khôn ngoan. Bởi vì, nơi Chúa Giêsu, khi Thiên Chúa để cho Sự Dữ, hành động nơi những con người cụ thể, phô bày thân thể của Người trên thập giá ngất cao, thì chính Người phô bày bộ mặt thật của Sự Dữ.
Phô bày, để mọi người nhận ra ở khắp nơi, ngang qua thân thể nát tân của Người, Sự Dữ và tội lỗi dẫn đến sự chết ; và Người không chỉ phô bày nhưng còn chiến thắng, không phải bằng sức mạnh, nhưng bằng sự hiền lành.
Phô bày, nhưng Người không lên án, nhưng tha thứ và chữa lành loài người chúng ta.
Bởi vì, Thiên Chúa không thể tha thứ cho chúng ta, mà không giải thoát khỏi Sự Dữ. Và để giải thoát chúng ta khỏi Sự Dữ, Người phô bày bộ mặt thật của Sự Dữ cho chúng ta nhìn thấy. Một bộ mặt hoàn toàn không phù hợp với lòng ước ao và căn tính đích thật của chúng ta, vốn là hình ảnh của Thiên Chúa.
Và đồng thời nơi Thập Giá, Người bày tỏ (cũng là một cách phô bày) khuôn mặt đích thật của Thiên Chúa, Người là tình yêu và chỉ là tình yêu mà thôi. Thập Giá là hệ quả tất yếu của cách thức Chúa Giêsu sống căn tính thần linh của mình ở giữa loài người chúng ta.
Tất cả là để, như chính Chúa Giêsu mặc khải : « phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người ».
Thật thế, ta thấy Chúa Giêsu không đến để sống cái gì quá siêu nhân hay ngoại nhân, Ngài đến sống và sống đến cùng con đường của « hạt lúa mì », vốn nói lên « qui luật muôn đời của sự sống », để qua đó, Ngài thông truyền cho chúng ta niềm xác tín, con đường Vượt Qua là con đường của sự sống, của niềm vui, của hạnh phúc trong sự hiệp thông trọn vẹn và mãi mãi với Chúa và với nhau.