TÌNH YÊU PHỤC VỤ
21 10 Tr Thứ Sáu Tuần VII Phục Sinh.
(Đ) Thánh Cơ-rit-tôp-phơ Ma-ga-la-nô, Linh mục và các bạn, Tử đạo.
Cv 25,13b-21; Ga 21,15-19.
TÌNH YÊU PHỤC VỤ
Tin Mừng hôm nay thường được dùng như một bài huấn dụ đặc sắc về vai trò mục tử và thường được đọc trong nghi lễ khai mở các trách vụ của Giáo hội, nên có vẻ xa lạ với giáo dân và vì thế cũng ít người cảm nhận giá trị linh thánh của sứ điệp Lời Chúa. Nhưng thực tế, Mẹ Giáo hội công bố đoạn Tin Mừng này cho mọi con cái mình, chứ không chỉ dành trong các nghi lễ đặc biệt.
Chúa Giêsu hỏi ba lần: “Này anh Simon con ông Joan, con có yêu mến Thầy không? Và ba lần Phêrô đáp con yêu mến Thầy” (Ga 21,15-17), và cũng ba lần Chúa Giêsu nói: “Hãy chăm sóc chiên con của Thầy”. Ðiều đó cho chúng ta biết rằng tình thương không chỉ biểu lộ trong lòng mà con biểu lộ trong lời nói và hành động. Ðặc biệt đối với chúng ta, tình yêu với Thiên Chúa cần phải được thường xuyên hâm nóng và xác quyết bằng chính lời nói thành thực và sinh động trong chúng ta. Mỗi lần nghe giảng, đọc sách thiêng liêng, mỗi lần đọc kinh Lạy Cha hay kinh Tin Kính, đó là chúng ta xác quyết lại sự thần phục, sự hiện diện và biểu lộ lòng yêu mến của chúng ta đối với Thiên Chúa.
Chúa Giêsu đã hỏi Phêrô những ba lần như thế, phải chăng để “xí xoá” đi ba lần ông đã chối bỏ Người? Đã hẳn Phêrô yêu mến Thầy, thế nhưng ông đã không dám tỏ ra tình yêu đó bằng hành động, bằng đời sống. Chúa hỏi Phê-rô “có yêu không”, điều đó có nghĩa là Chúa vẫn yêu Phêrô, Chúa đã tha thứ cho Phêrô, Chúa vẫn còn tín nhiệm Phêrô, và muốn ông đáp lại tình yêu của Chúa bằng tình yêu của chính ông. Đó chính là điều kiện để được Chúa tha thứ, và được trao phó sứ mạng: “Thầy biết con yêu mến Thầy”.
Như trước đây với Madalêna, lần này là Phêrô và sau này là mỗi người chúng ta, Chúa Giêsu như muốn nói: “Con yêu nhiều thì sẽ được tha thứ nhiều và ngược lại, con được tha thứ nhiều vậy con hãy yêu mến nhiều”. Tiếng gọi lãnh đạo của Chúa là tiếng gọi tình yêu, Chúa Giêsu đã không hỏi Phêrô con đã có chìa khóa lãnh đạo cao cấp chưa? Hay có bằng cấp gì? Tốt nghiệp đại học nào chưa? Song như có lần Chúa Giêsu nói: “Ai yêu mến Ta thì hãy giữ lề luật của Ta” thì bây giờ Ngài nói: “Con yêu mến Thầy thì hãy chăm sóc chiên con của Thầy”.
Phêrô hiểu rằng cội nguồn của tình yêu không tới từ ông mà đến từ Chúa khi Ngài hỏi ông: “Anh có mến Thầy không?” Chúa Giêsu chính là cội nguồn của lòng nhân ái và Ngài muốn trao ban tình yêu đó cho Phêrô. Chúa Giêsu không chỉ hỏi ông Phêrô câu hỏi này, nhưng Ngài còn hỏi tất cả chúng ta và Ngài muốn trao ban cho chúng ta món quà quí giá đó. Chúng ta mang trong trái tim ước mơ yêu thương Thiên Chúa nhưng nhiều lúc tình yêu đó hời hợt vì bản chất chúng ta yếu đuối và bất trung, và đôi khi chúng ta lại còn nghi ngờ Ngài. Nhưng chính Chúa đã cho Phêrô và cả chúng ta cơ hội để trả lời Ngài: Lạy Chúa, Chúa biết chúng con yêu Chúa không phải vì chúng con hoàn hảo, mà vì Chúa đã yêu thương chúng con một cách nhưng không. Chúng con là những kẻ bất trung, còn Chúa thì luôn trung thành với lời hứa của Ngài.
Khi Chúa Giêsu nói với Phêrô: “Hãy theo Thầy”, Ngài loan báo cái chết tử đạo của ông vì đi theo Chúa tức là vác thập giá để theo Ngài, có nghĩa là từ bỏ hoàn toàn chính mình và hy sinh cả mạng sống mình vì Nước Trời. Chúa Giêsu là người yêu chúng ta trước nhất, Ngài yêu chúng ta một cách vô điều kiện. Sau khi phục sinh, Chúa Giêsu đã cho các môn đệ hồng ân là được theo Ngài và chịu chết tử đạo để làm vinh danh Ngài như thánh Gioan đã viết trong bài Phúc Âm hôm nay: “Người nói vậy có ý ám chỉ ông Phêrô sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa”. Ngài đã cho Phêrô hiểu thế nào là một tình yêu hoàn hảo, đó là dâng hiến chính mạng sống của mình cho Thiên Chúa và tha nhân, và biết hướng về tình yêu của Thiên Chúa bằng với tất cả lòng tin cậy. Ðiều đó cũng nhắc nhở với chúng ta là các hoạt động tông đồ trước hết phải đặt nền tảng trên tình yêu gắn bó với Chúa, để sau đó loan truyền tình yêu của Ngài cho những người khác.
Chúa Giêsu quan niệm về lãnh đạo là yêu thương, là phục vụ, rửa chân cho những người mình lãnh đạo, Chúa Giêsu không quan niệm nền tảng và phương pháp lãnh đạo là thao tác bắt người ta làm theo ý mình, song bằng tình yêu giúp nhau thực hiện ý Chúa. Như trong trường hợp của Phêrô, tình thương của Chúa đối với Phêrô và của Phêrô đối với Chúa, tình thương ấy xóa bỏ hận thù, xóa bỏ lỗi lầm xưa và đưa người yếu kém kia trở lại sống trong tình yêu của Chúa.
“Anh em yêu mến Thầy thì hãy chăm sóc chiên của Thầy”. Lời mời gọi ấy nhắm vào hàng giáo sĩ. Dĩ nhiên, sau cùng là lời mời gọi đối với mỗi người chúng ta, tất cả chúng ta đều có trách nhiệm liên đới đến vận mệnh phần rỗi của anh em mình, về phận sự chăn dắt, nuôi nấng và đưa anh em về đàn chiên và gìn giữ họ an toàn trong Ðức Tin. Hãy vì yêu mến Chúa mà làm phận sự chăn dắt và yêu người, tức là làm việc Tông Ðồ truyền bá Tin Mừng và làm cho anh em mình nhận biết và phụng thờ Thiên Chúa.
Mỗi Kitô hữu cần lắng nghe và đón nhận sứ điệp Đấng Phục Sinh gởi đến cho mình, cách riêng tư, thân mật và cấp thiết như cách Người đòi hỏi thánh Phêrô. Chúa Giêsu long trọng phúc chuẩn sứ mệnh tông đồ đặc biệt của Phêrô: thủ lãnh giáo hội, kèm theo điều kiện duy nhất cũng rất đặc biệc: tình yêu. Và như thế, có thể nói: Chúa Giêsu chọn Phêrô để gởi cho ông một mệnh lệnh đặc biệt: mệnh lệnh của Trái Tim, từ Trái Tim, trong Trái Tim và nhờ Trái Tim. Hơn ai hết, thánh Phêrô đã hiểu và cảm được sức nặng cũng như tính cấp thiết của mệnh lệnh này. Vị tông đồ đã dốc tâm vẹn lòng, trung thành đi theo Thầy trên lộ trình mục tử và đã hoàn tất đẹp đẽ sứ mệnh được giao.
Kế đến, như đã nói, mỗi Kitô hữu đều được và phải chia sẻ sứ vụ Phêrô trong cung bậc và hoàn cảnh sống đặc trưng của mình. Chẳng phải trái tim ta đã được Chúa Giêsu tái tạo cho nó biết yêu thương đó sao ? Chẳng phải Bí tích Rửa tội đã cho chúng ta chia sẻ chức vụ mục tử của Người đó sao ? Mệnh lệnh Trái Tim đã, đang, vẫn và sẽ mãi không ngừng được gởi đến cho mỗi tín hữu khắp nơi trên hoàn cầu.
Thật vậy, mỗi ngày, Chúa Giêsu vẫn thiết tha gọi mời ta ở lại trong Tình Yêu của Người, bằng cách đón nghe Lời Người và lãnh nhận Thánh Thể Người, để con tim nhân loại của ta có khả năng đón nhận sức yêu vô biên của Người: nó biết yêu đời yêu người, cầm niềm tin đi thắp nụ cười cho những vầng môi héo vì phận đời trôi nổi; biết quảng đại hiến dâng thời giờ, sức khỏe, tài năng Chúa ban mà ân cần phục vụ anh chị em, nhất là những người nghèo hèn bé nhỏ, những chiên bạn, chiên anh, chiên chị khác còn ở xa đàn … Mỗi ngày, ta có biết bao cơ hội để sống chức vụ mục tử theo gương Chúa Giêsu bằng đời sống phục vụ, hy sinh và quảng đại góp phần mình xây dựng giáo hội, giáo xứ, giáo họ, hội đoàn, …
Tình yêu Đức Giêsu luôn luôn kêu gọi ta từ bỏ, hy sinh đến chết. Yêu người khác đến độ trở nên tôi tớ để làm theo ý muốn của họ, đáp lại mọi ước ao của họ. Tình yêu phải chịu lệ thuộc.
Chúng ta đã được Đức Giêsu giáo huấn, được Ngài dẫn vào hiệp thông với Chúa Cha. Chúng ta đã học yêu mến Chúa. Bây giờ chúng ta hãy chọn: chúng ta có biết tự giữ lấy mọi lời đó cho mình không? Tình yêu mến Chúa của chúng ta chỉ là một thứ tình cảm chóng qua hay là một sức mạnh thúc đẩy chúng ta phục vụ.