THÁNH HIẾN
16 05 Tr CHÚA NHẬT VII PHỤC SINH.
Ca vịnh tuần III.
Không cử hành lễ nào khác, kể cả lễ an táng.
Cv 1,15-17.20a.20c-26; 1Ga 4,11-16; Ga 17,11b-19.
THÁNH HIẾN
Khi đến giờ rời bỏ thế gian mà về cùng Đức Chúa Cha, Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ nhiều điều, toàn bộ Tin Mừng thánh Gioan chương 17 là một bằng chứng. Sau một loạt diễn từ ly biệt, được kết thúc bằng kinh nguyện vô cùng cảm động Chúa Giêsu dâng lên Cha. Kinh nguyện mở đầu bằng lời khẩn cầu danh Cha, ca tụng Ngôi Cha và Ngôi Con (Ga 17, 1-5). Thứ đến là xin “Cha tôn vinh Con Cha để Con Cha tôn vinh Cha” (Ga 17, 1). Và sau cung là lời cầu xin cho các môn đệ.
Trong Tin Mừng hôm nay, thánh Gioan ghi lại lời cầu nguyện tha thiết của Thầy Giêsu với Chúa Cha cho chính mình, cho các môn đệ và còn mãi cho những người theo Chúa sau này trong tương lai là chúng ta. Trong lòng mến thiết tha, Người thân thưa với Cha mọi điều về đoàn con dấu yêu, trong mối tương quan đậm đà, với bao nhiêu lắng lo khắc khoải khi Người sắp về cùng Cha.
“Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ các môn đệ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con, để họ nên một như chúng ta.”
Chúa Giêsu thấu hiểu những yếu đuối mỏng giòn của các môn đệ, nên Người tha thiết cầu xin Cha cho họ được hiệp nhất trong tin yêu, để các ông có thể thi hành sứ mạng rao giảng tin mừng Nước Thiên Chúa, một sứ mạng vô cùng khó khăn và đầy những thử thách. Các ông phải tự mình đương đầu với những khó khăn ở trong thế gian, mặc dù sống giữa thế gian, nhưng không thuộc về thế gian, hoạt động của các ông phải qui hướng về thế giới khác. Đó là lý do khiến Chúa Giêsu cầu nguyện: “Xin cho họ nên một như Cha ở trong con và con ở trong Cha” (Ga 17, 21).
Nhờ “sự hiệp nhất của Chúa Thánh Thần”, được ràng buộc “bởi sợi dây bình an”, tất cả họ sẽ “duy trì sự hiệp nhất của Thần khí… Chỉ có một Thân mình và một Thần khí ” (Ep 4, 3 – 4), giúp họ đồng lòng hợp ý với nhau.
Vì muốn nhân loại kết hiệp ở trong Thiên Chúa, nên đã sai Con Ngài đến thế gian để thánh hiến họ trong chân lý. Khi đầu thai trong lòng Trinh Nữ Maria, Chúa Giêsu đã thực hiện một sự hiệp thông đầy kinh ngạc giữa bản tính Thiên Chúa với bản tính loài người “Đức Giêsu Kitô, là Thiên Chúa thật và là người thật” (Kinh Tin Kính). Trong cuộc Thương Khó, Người đã xuống ngục tổ tông, nhà tù giam hãm chúng ta để giải thoát và đưa chúng ta lên cùng Thiên Chúa.
Chúa Giêsu ban vinh quang cho các môn đệ: “Con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con” (Ga 17, 22). Vinh quang ở đây là Chúa Thánh Thần, Đấng liên kết con người với Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã ban cho họ vinh quang khi nói, “Hãy lãnh nhận lấy Chúa Thánh Thần” (Ga 20, 22). Chúa Giêsu đã nhận được vinh quang khi mặc lấy bản tính loài người chúng ta, bản tính đã được tôn vinh trong Thánh Thần. Vinh quang Người đã có “trước khi tạo thành thế gian” (Ga 17,5) liên kết nhân loại nên một trong Chúa. Vì thế, Chúa Giêsu nói: “Lạy Cha, vinh quang mà Cha đã ban cho con, con đã ban cho chúng, để họ nên một như chúng ta là một” (Ga 17,22).
Khi muốn bảo vệ các môn đệ khỏi Sự Dữ trong thế gian, Chúa Giêsu đã tự thánh hiến chính mình, Người nhấn mạnh đến tầm quan trọng là “viên mãn trong Thiên Chúa” khi “ở trong tình yêu”. Nguồn gốc của sự thánh hiến này là trung thành với Chúa Giêsu, Con yêu dấu của Chúa Cha, Đấng tự hiến chính mình. Người ban Chúa Thánh Thần cho họ và xin cho họ sớm đạt được điều Người cầu xin. Chúa Thánh Thần là sự hiệp nhất của Chúa Cha và Chúa Con, liên kết tâm hồn họ với Chúa Cha, kết hợp trái tim tội lỗi của chúng ta với Chúa Giêsu Đấng Cứu Thế. “Con đã ban lời Cha cho chúng, và thế gian đã ghét chúng, vì chúng không thuộc về thế gian, cũng như Con không thuộc về thế gian” (Ga 17, 14). Họ đã nhận được Lời, từ “Logos”, Ngôi Lời của Thiên Chúa, đã trở thành nhục thể và ở giữa chúng ta (Ga 1, 14).
Lời Cha là chân lý “(Ga 11, 14). Bản chất của Lời là ở với Chúa Cha, đó là chân lý. Kể từ khi Người cho họ tham dự vào sứ mạng của Chúa Con (x. Ga 10, 36 và Ga 17, 18), họ cũng phải tham gia vào sự thánh thiện của Thiên Chúa. Người đã chọn và cắt đặt họ để họ sinh nhiều hoa trái. Đức Giêsu được thánh hiến trong sự thật. Người cũng xin Chúa Cha thánh hiến họ “trong sự thật”. Sự thánh hiến này không phải là bên ngoài nhưng nó là sự thật, sâu sắc, thực sự.
Chúa Giêsu cầu nguyện cho các môn đệ được hiệp nhất trong tình thương, để khi gặp gỡ họ, người ta nhận ra họ là môn đệ của Người. Tình thương ấy cao thượng và vô điều kiện. Chính người đã biểu lộ tình thương này là yêu đến chết và dám chết cho người mình yêu. Cho đến hôm nay chúng con vẫn chưa cảm nhận và sống một tình yêu như vậy, nên Chúa vẫn hằng cầu nguyện với Chúa Cha cho chúng con. Chúa vẫn chờ đợi để chúng con nhận ra tình yêu và lòng thương xót của Chúa mà nhìn lại chính mình và mở lòng đón nhận tình yêu của Chúa. Chính tình yêu thương và hạnh phúc trong Chúa giúp chúng con sống hiệp nhất với nhau, để chúng con được ở trong Chúa và Chúa ở trong chúng con.
Chúa Giêsu cầu nguyện cho các môn đệ và chúng ta khỏi bị bách hại: “Con đã truyền lại cho họ lời của Cha, và thế gian đã ghét họ, vì họ không thuộc về thế gian, cũng như con đây không thuộc về thế gian. Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần. Họ không thuộc về thế gian cũng như con đây không thuộc về thế gian.” Người ra đi nhưng họ còn ở lại trần gian để tiếp tục sứ mệnh của Người. Người lo lắng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần, giúp họ vượt qua những khó khăn khi thi hành sứ vụ. Họ có thể bị thù ghét, bách hại vì niềm tin.
Chúa Giêsu cầu nguyện cho các môn đệ và chúng ta được thánh hiến trong sự thật: “Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật. Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian. Vì họ, con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến.” Chính Người đã hiến thánh chính mình làm lễ vật để kính tiến lên Chúa Cha. Hôm nay đây chúng con được thánh hiến trong sự thật là Lời Cha để thánh hóa mình và tha nhân. Thiên Chúa là Cha nhân từ đầy yêu thương muốn cho tất cả chúng con được ơn cứu độ. Còn chúng con là con người yếu đuối mỏng dòn hay sa ngã. Nhưng nếu chúng con nhìn nhận và trở về với Chúa sẽ được cứu độ và được sống hạnh phúc muôn đời.