SỨ ĐIỆP VỀ TRỜI
13 02 Tr Thứ Năm Tuần VI Phục Sinh.
CHÚA LÊN TRỜI, lễ trọng và buộc.
Ngày đại lễ. Các giáo hữu không bận công việc cần, phải nghỉ việc xác cả ngày.
Lễ cầu cho giáo dân.
Khởi đầu Tuần chín ngày kính Đức Chúa Thánh Thần. Mỗi ngày sẽ đọc một kinh Lạy Cha, một kinh Kính Mừng và một kinh Sáng Danh; kinh Tin Kính, và kinh Chúa Thánh Thần “Chúng con lạy ơn Đức Chúa Thánh Thần, xin xuống sáng thật…”.
Không cử hành lễ Đức Mẹ Fa-ti-ma. Và không cử các hành lễ nào khác, kể cả lễ an táng.
Cv 1,1-11; Ep 1,17-23 (hoặc Ep 4,1-13; hoặc Ep 4,1-7.11-13); Mc 16,15-20.
SỨ ĐIỆP VỀ TRỜI
Như Cha Mẹ thương yêu con cái, trước khi từ trần, họ để lại cho con cái một gia sản và những lời trối trăn quý hóa, con cái trân trọng gìn giữ và thi hành để làm rạng danh cha mẹ. Đức Giêsu, Đấng cứu độ và khai sinh Hội Thánh, Đấng yêu thương chúng ta vô cùng, trước khi về trời Ngài cũng để lại cho Giáo Hội và cho chúng ta, cho cả nhân loại một kho tàng quý báu lớn lao, đó là lời chân lý, lời hằng sống, lời ban sự sống đời đời, các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể, và lời trối trăn rất quý báu và quan trọng là “chúng con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương chúng con”. “Thầy đã rửa chân cho chúng con, thì chúng con cũng hãy rửa chân cho nhau”. Giáo Hội rất trân trọng quý mến, bảo vệ và rao giảng để cho kho tàng và lời trối trăn của Chúa được mọi người đón nhận, thi hành để đạt được ơn cứu độ như Đức Kitô mong muốn.
Việc Chúa Giêsu phục sinh và lên trời không chấm dứt việc phổ biến Tin Mừng, nhưng Tin Mừng được các tông đồ tiếp nối Chúa Giêsu đi khắp thế gian công bố cho mọi loài thọ tạo (Mc 16, 15; 13, 10; 14,9). Đó là công tác tông đồ và truyền giáo của toàn thể Hội Thánh thực hiện cách kiên trì bền bỉ trải qua mọi thời đại, và cho đến muôn đời. Như vậy, biến cố thăng thiên kết thúc sứ vụ của Chúa Giêsu ở trần thế, và khởi đầu sứ vụ của các tông đồ “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa sẽ được cứu độ, ai không tin sẽ bị kết án”.
Chúa Giêsu xuống thế làm người, đòi buộc con người một sự chọn lựa. Không ai có thể có sự sống siêu nhiên mà không nhờ Chúa Giêsu, Giáo Hội chỉ truyền đạt sự sống này qua các bí tích, trước hết là bí tích Thánh tẩy, vì Đức Kitô là Đấng cứu độ duy nhất chứ không như người Dothái lầm tưởng là ơn cứu độ nhờ lề luật. Các tông đồ ra đi rao giảng tin mừng, làm chứng về Chúa Giêsu Kitô và có Chúa cùng hoạt động với các tông đồ như Ngài đã hứa: “Thầy sẽ ở với chúng con mọi ngày cho đến tận thế”, và dùng những dấu lạ kèm theo để xác nhận lời họ rao giảng. Chúa Giêsu kể ra một loạt dấu lạ: họ sẽ trừ được quỷ, nói được tiếng lạ và chữa nhiều bệnh nhân. Chúa ban cho họ có quyền năng trên rắn rết, bò cạp và nếu có uống nhằm thuộc độc cũng chẳng sao, chẳng có gì làm hại được họ ( Mc 15, 17; Lc 10, 19 ). Không những Chúa ban cho các tông đồ các dấu lạ ấy, mà còn cho những người có lòng tin vào danh Ngài và nối tiếp về sau sứ vụ của các tông đồ nữa. Các dấu lạ ấy còn chỉ rõ cho chúng ta biết là chúng ta đang sống trong triều đại của Đức Messia, là thời đại của ơn cứu độ.
Ta thấy lệnh truyền của Chúa Giêsu quá rõ ràng và cấp bách, nhưng trong thực tế, dường như không phải thế: Chúa Giêsu không cho biết rõ khoảng thời gian kéo dài từ khi Người sống lại đến khi Người quang lâm; Người không loan báo rằng các Dân ngoại sẽ dần dà đi vào trong Giáo Hội trước khi xảy ra phán xét chung; các tông đồ đã phải mò mẫm tìm kiếm phương hướng hoạt động, với sự giúp đỡ của Chúa Thánh Thần (Cv 10; 11,1-8; 15,7-11…).
Dù sao, ở đây, chúng ta thấy sứ mạng của Giáo Hội nơi Dân ngoại đã trở nên rõ ràng, không ai phản đối nữa: các tông đồ phải ra khỏi môi trường Do Thái giáo mà loan báo Tin Mừng cho “mọi loài thọ tạo”. Công thức này tương đương với Mc 1,10 và Mt 28,19: “mọi dân tộc”; chỉ loài người mới có thể nghe rao giảng và đáp lại bằng đức tin. Tuy nhiên, cũng có thể, trong chiều hướng của thánh Phaolô (Rm 8,19-22; Cl 1,1-23), tác giả nghĩ đến ảnh hưởng của công cuộc Đấng Cứu thế thực hiện trên toàn vũ trụ.
Sau khi Chúa Giêsu mời gọi các tông đồ tiếp tục sứ mạng truyền giáo, loan báo Tin Mừng cho muôn dân muôn nước, Chúa Giêsu được đưa lên trời trước mặt các ông cách hữu hình, như Ngài đã nói với các thành viên trong Thượng Hội Đồng “rồi các ông sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Đấng toàn năng” (Mc 14, 62 ). Biến cố thăng thiên không phải là một cuộc ra đi của Chúa Giêsu, nhưng là khai mạc một cách thế hiện diện mới mẻ của Ngài, hiện diện vô hình và không còn bị giới hạn bởi không gian và thời gian nữa.
Lời Tin Mừng hôm nay nhắc đến biến cố về trời của Chúa Giêsu để tôn vinh Ngài đã hoàn thành công trình cứu độ, suy tôn Ngài là Chúa, là chủ tể mọi trong mọi trong hoàn vũ. Chúa Giêsu còn được tôn vinh bằng hình ảnh ngự bên hữu Thiên Chúa Cha, Ngài có tất cả vinh quang danh dự nơi Thiên Chúa Cha, Ngài dự phần vào quyền năng của Thiên Chúa Cha như Ngài đã nói với các tông đồ trong bữa tiệc ly về việc “Ngài ra đi khỏi thế gian mà về cùng Cha Ngài”, và trong lời cầu nguyện của Ngài gợi lên cuộc tôn vinh của Ngài “vậy lạy Cha, giờ đây, xin Cha tôn vinh Con bên Cha, xin ban cho Con vinh quang mà Con được hưởng bên Cha trước khi có thế gian” ( Ga 17, 5 ). Chính việc biến hình trên núi Tabor là một hình thức thăng thiên vô hình, và tiên báo vinh quang mà Chúa Giêsu ‘Con Thiên Chúa Làm Người’ sẽ được nhận lại nơi Cha.
Mỗi người chúng ta luôn ý thức trách nhiệm rao giảng Tin Mừng cho anh chị em mình, vì chúng ta là những Kitô hữu, là thành phần của Hội Thánh. Trong khi rao giảng Tin Mừng chúng ta cũng cần có các dấu lạ để minh chứng lời chúng ta rao giảng, như các tông đồ đã làm xưa là sống một cuộc sống huynh đệ thân thương, nhẹ nhàng nhân ái với mọi người, hiền lành dịu ngọt, xả kỷ lo cho nhu cầu quyền lợi của người khác, hăng say, can đảm chấp nhận gian khổ, những dấu lạ ấy cũng là những lời chứng hùng hồn về Chúa Giêsu về Ngài là Con Thiên Chúa, Ngài là Tình Yêu. Chúng ta cũng noi gương các tông đồ từ bỏ con người cũ và sống con người mới tốt hơn.
Loan báo Tin Mừng cho người khác là phương thế hữu hiệu nhất để tự loan báo Tin Mừng cho mình, để đón nhận Tin Mừng cho mình. Đức giáo hoàng Phanxicô, trong Tông huấn Niềm vui của Tin Mừng, lấy lại giáo huấn của Chúa Giêsu mà nói rằng Hội Thánh chỉ là chính mình khi ra khỏi mình và đi đến với thế giới. “Tôi thích hơn một Hội Thánh gặp nạn, bị thương tích, và vấy bẩn vì đã đi ra đường phố hơn là một Hội Thánh bệnh tật vì đóng kín và gắn bó cách tiện nghi với những an toàn cố hữu của mình. Tôi không muốn một Hội Thánh bận tâm để là trung tâm và cuối cùng lại đóng kín trong những luật lệ và thủ tục rối mù”.