Thế Gian Ghét Bỏ
08 27 Tr Thứ Bảy Tuần V Phục Sinh.
Cv 16,1-10; Ga 15,18-21.
Thế Gian Ghét Bỏ
Ca dao Việt Nam nhận định: “Yêu ai yêu cả đường đi. Ghét ai ghét cả tông chi họ hàng.” Chính cái yêu, cái ghét chi phối mạnh mẽ cách ứng xử của người đời. Chúa Giêsu cũng không được miễn trừ khỏi cái lệ thường của thế thái nhân tình này. Vì thế, Ngài cảnh tỉnh các môn đệ: “Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước.” Thế gian ở đây theo thánh Gioan là một thế giới đã bị quyền lực Xatan thống trị.
Do đó, sự hiện diện của Chúa đã phân tách thế giới rạch ròi giữa ánh sáng và bóng tối, và Chúa trở thành cớ cho những kẻ ở trong bóng tối ghét bỏ Ngài và những người sống theo ánh sáng. Như vậy, cùng với Chúa Giêsu, các môn đệ Ngài luôn bị bách hại, tấn công, quấy rầy, nhưng Chúa đã mạnh mẽ trấn an: “Các con đừng sợ, Thầy đã thắng thế gian.”
Thánh Gioan không chấp nhận sự nhập nhằng, mù mờ trong thái độ sống. Ngài luôn có sự phân biệt rõ rệt giữa ánh sáng và bóng tối, giữa yêu và ghét, giữa thế gian và những gì không thuộc về thế gian… Tin Mừng hôm nay Thánh sử Gioan đã minh họa rõ hơn về hai hình ảnh đối lập ấy: một bên là thế gian và bên kia là những người Chúa chọn, những người gắn bó với Chúa ; một bên là tình yêu dành cho Thiên Chúa và bên kia là sự thù ghét thế gian mang lại.
Các nhà nghiên cứu cho thấy, thánh Gioan thể hiện xuyên suốt trong Tin Mừng thứ tư chủ đề tình yêu. Qua đoạn Tin Mừng hôm nay Ngài nêu lên một hình ảnh trái ngược làm sáng lên chủ đề tình yêu đó là “sự thù ghét”. Thống kê cho thấy Tin Mừng Gioan đã sử dụng 12 lần động từ “ghét”, động từ này hầu như các Tin Mừng khác không nói đến. Trong đoạn Tin Mừng hôm nay và vài câu tiếp đó, tức Gioan 15,18-25 động từ “ghét” đã chiếm 7 lần. Chủ từ cho động từ “ghét” thường là “thế gian”, và động từ ghét thường gắn liền với các cụm từ : bách hại, trục xuất khỏi hội đường, giết chết.
Trong chiếc tàu chuyên di chuyển thương binh trong thời kỳ thế chiến II, một bác sĩ quân y đã tận tình săn sóc các thương binh người Nhật chẳng kém gì các thương binh quân đội Ðồng Minh. Viên sĩ quan Mỹ trên tầu đã lên tiếng phản đối: “Họ chỉ là tù binh, ông hãy đối xử với họ như quân đội họ đã đối xử với chúng ta”.
Vị bác sĩ vẫn điềm nhiên tiếp tục công việc. Chẳng giằng được bất bình, viên sĩ quan lên tiếng lần nữa. Lần này bác sĩ đã trả lời: “Họ có cách đối xử của họ. Chúng ta có cách đối xử của chúng ta. Nếu việc làm của tôi khiến ông bực mình, xin ông dời sang nơi khác, tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để lấy tình yêu thay cho hận thù đang chiếm ngự trong trái tim họ. Ðây cũng là phương cách duy nhất mà chúng ta cần tuân theo để kiến tạo hòa bình trên thế giới”.
Anh chị em thân mến!
Vị bác sĩ quân y đã lên tiếng phản đối vì ông hành động không theo cách cư xử thường tình của người đời” “Mắt đền mắt, răng đền răng”. Sự phản đối này phần nào tương tự vơí những điều mà thế gian dành để cho môn đệ Chúa Giêsu.
Thật thế, trang Tin Mừng hôm nay đã mở ra cách riêng cho người môn đệ và chung cho cộng đoàn của những người theo Chúa Giêsu một viễn ảnh chẳng mấy tốt đẹp: “Vì danh Thầy, họ sẽ bị thế gian bắt bớ và ghét bỏ”. Trong ngôn ngữ của thánh Gioan, thế gian không có nghĩa là toàn thế giới, vì vũ trụ là công trình tác tạo do tình yêu của Thiên Chúa.
Thế gian ở đây là thế lực của sự dữ, của tất cả những gì đối nghịch cùng Thiên Chúa. Mà khi bước theo tiếng gọi của Chúa Giêsu, mặc nhiên người môn đệ đã chấp nhận dấn thân vào một đối đầu không khoan nhượng. Trong đó, họ sẽ lãnh lấy phần thua thiệt để phải hy sinh cả mạng sống. Ðiều này không chỉ xảy ra trong Giáo Hội thời sơ khai, nhưng mãi mãi cho đến hôm nay vẫn luôn còn bị bách hại.
Hơn nữa, mỗi giai đoạn lịch sử có những cách thế bách hại riêng. Không có những cuộc đổ máu công khai ảnh hưởng đến trào lưu văn hóa, văn minh thế giới, thì có những cuộc đổ máu âm thầm, bị khỏa lấp bởi những ngụy tạo nhân danh công lý. Thế giới càng văn minh thì hình thức bách hại càng tinh vi, tinh vi đến độ người bị bách hại chẳng nhớ ra rằng: mình đang khốn khổ, hứng chịu bắt bớ mà tưởng rằng đưa tay ra đón nhận ân huệ. Người ta đẩy mình đến chỗ tiêu diệt mà tưởng họ đang giúp mình xây dựng.
Bất cứ thời nào cũng có những bắt bớ và ghét bỏ. Thế nhưng, có phải vì viễn ảnh đen tối ấy mà các môn đệ của Chúa Giêsu thất vọng chùn chân: “Chính Thầy đã chọn các con khỏi thế gian, nên thế gian ghét các con”. Lời khẳng định của Chúa Giêsu sẽ soi sáng và nâng đỡ cho những ai đang đối mặt với thử thách: “Tôi tớ không trọng hơn chủ. Nếu họ đã bắt bớ Thầy thì họ cũng sẽ bắt bớ các con”.
Bắt bớ bây giờ không còn là một đe dọa, nhưng là dấu chỉ hy vọng, dấu chỉ thuộc về Ðức Kitô. Và cũng thật ý nghĩa trong câu nói của Tertulianô: “Máu tử đạo là những hạt giống nảy sinh ra các Kitô hữu”. Tại vì danh Thầy mà họ sẽ làm cho các con những điều đó bởi vì họ không biết Ðấng đã sai Thầy, không biết nên đã làm. Vậy nếu biết chắc chắn họ đã không làm.
Thái độ trung thành anh dũng và vui mừng khi chịu thử thách của các vị tử đạo là lời giới thiệu hùng hồn đậm nét về Thiên Chúa. Trong cái chết tủi nhục của Chúa Giêsu trên Thập Giá, viên lãnh binh đã tuyên xưng: “Ông này thật là Con Thiên Chúa”.
Khi giọt máu của vị tử đạo vừa chảy xuống đất cũng có biết bao nhiêu tâm hồn quay về Thiên Chúa. Tuy nhiên, không chỉ tử đạo mới có thể giới thiệu về Thiên Chúa. Nhưng Kitô hữu còn có thể giới thiệu Ngài bằng phương thế khác, không kém phần hữu hiệu là biết sống yêu thương.
Điều đem lại nguồn an ủi lớn lao cho những ai đi theo Chúa, Chúa nói ngay sau đoạn Tin Mừng hôm nay : Ngài hứa ban bình an và niềm vui của Ngài cho những ai theo Ngài. Và khi có niềm vui và bình an của chính Chúa, khi ấy những ai đi theo Ngài sẽ có đủ sức mạnh vượt thắng thế gian.
Như vậy để giải quyết vấn đề thế gian thù ghét những người không thuộc về chúng, Chúa Giêsu muốn những ai thuộc về Ngài phải liên kết chặt chẽ với Ngài. Nếu người ấy kết hợp mật thiết với Ngài, họ phải tin rằng họ không bị bỏ rơi, họ được bình an và tình yêu Thiên Chúa sẽ bao phủ, thế lực của tình yêu sẽ chiến thắng sự gian ác. Chúa đã nói : anh em hãy vui lên, Thầy đã thắng thế gian, và chắc chắn ai gắn bó với Ngài cũng sẽ thắng thế gian.