ĐÊM CỦA TIN YÊU VÀ HY VỌNG
ĐÊM CỦA TIN YÊU VÀ HY VỌNG
Hôm nay người tín hữu tụ lại nơi các Thánh Đường để mừng việc Chúa cứu thế sống lại. Qua việc chết đi cho tội lỗi trong mùa Chay, người tin hữu được sống lại trong ơn nghĩa với Chúa phục sinh. Hôm nay ta cũng mừng các anh chị em tân tòng được sống lại về phần hồn trong Bí tích Rửa tội.
Chúa Phục Sinh : Đó là niềm vui mừng và hoan lạc không chỉ cho chúng ta là những người có niềm tin, mà còn cho toàn thể nhân loại. Quả vậy, như lời Thánh Phaolô đã nói: “Nếu Chúa Kitô không sống lại, thì niềm tin của chúng ta trở nên vô ích. Và chúng ta là người dại dột hơn ai hết vì chúng ta tin vào một chuyện hão huyền”. Thế nhưng, sự thật là Đức Kitô đã sống lại từ trong kẻ chết.
Chúa Giê-su đã yêu và yêu đến cùng, nên đã hiến mạng sống mình vì chúng ta như Người đã nói: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13). Trong Đêm thánh vọng Phục Sinh, Giáo Hội mời gọi chúng ta cùng chịu mai táng vơi Đức Kitô, chôn vùi đi con người cũ tội lỗi với mùi dục vọng sai trái, để được sống lại với Người như lời thánh Phaolô: “Hãy mặc lấy người mới đã được tạo dựng nên theo Thiên Chúa, trong công chính và thánh thiện bắt nguồn trong sự thật” (Ep 4,22-24).
Lời Chúa hôm nay cho chúng ta nhìn sự kiện Chúa Giêsu phục sinh như một cuộc tạo thành mới. Bài trích sách Sáng Thế kể về trình thuật Thiên Chúa tạo dựng trời đất muôn vật mà trung tâm điểm là con người. Với công trình tạo dựng ấy, Thiên Chúa thấy mọi sự đều tốt đẹp. Thế nhưng, tình trạng tốt đẹp đó đã bị phá hỏng bởi ông bà Nguyên Tổ đã nghe theo lời ma quỷ mà phạm tội bất tuân, chống lại Thiên Chúa.
Tội lỗi ban đầu đó đã khiến cho đau khổ và sự chết tràn vào thế gian. Ảnh hưởng của tội lỗi, không chỉ trên sự sống của con người, mà còn trên muôn loài, muôn vật. Như lời Thánh Phaolô: “Cho đến bây giờ, muôn loài thọ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở” (Rm 8, 22).
Nhưng nhờ sự chết và sống lại của Đức Kitô, mà muôn loài được giải thoát khỏi vòng tội lỗi và sự chết. Không chỉ có thế, sự Phục sinh của Đức Kitô, còn mang đến cho nhân loại sự sống mới sung mãn hơn, tràn đầy hơn sự sống mà nhân loại đã có thuở ban đầu. Vậy nên, chúng ta mới hiểu được lý do tại sao trong đêm Vọng Phục Sinh này Giáo Hội lại ca lên: “Ôi ! tội A-dong thật là cần thiết, tội đã được tẩy xóa nhờ cái chết của Chúa Kitô. Ôi! tội hồng phúc, vì đã cho chúng ta Đấng Cứu Chuộc cao sang”. (x.Exsultet)..
Thánh Tông Ðồ Gioan viết: “Thiên Chúa là ánh sáng, và trong Ngài, chẳng hề có tối tăm” (1Ga 1, 5). Thiên Chúa đã không tạo nên bóng tối nhưng là ánh sáng! Và sách Khôn Ngoan, tiết lộ rõ ràng rằng công việc Thiên Chúa luôn có mục đích tích cực, thế nên: “Ngài tạo ra muôn vật để chúng hiện hữu, và các loài trên thế giới loài nào cũng lành mạnh. Và giữa chúng, không thấy loại nào mang nọc độc phá hoại, và dương thế thì tương khắc với cõi âm” (Khôn ngoan 1,14).
Trong đêm đầu tiên, đêm của Tạo Dựng, đâm rễ Mầu Nhiệm Phục Sinh, mầu nhiệm mà theo sau thảm kịch của tội lỗi, tiêu biểu cho sự phục hồi và đăng quang của sự bắt đầu tiên khởi ấy. Ngôi Lời chí thánh tạo ra muôn vật và, trong Chúa Giêsu, đã hóa thành nhục thể cho sự cứu độ chúng ta. Và nếu thân phận của Ađam đầu tiên là trở lại với đất từ nơi đã được tạo thành (x. St 3,19), Ađam cuối cùng đã đến từ trời cao để quay lại đó trong vinh quang, hoa quả đầu mùa của nhân loại mới (x. Ga 3,13; 1Cor 15,47).
Đức Kitô sống lại, mang đến cho chúng ta niềm hy vọng cùng được sống lại với Người: Khi sống lại Đức Ki-tô đã mở đường cho chúng ta từ cõi chết vào trong cõi sống muôn đời. Từ nay, thập giá không còn là sự nhục nhã, nhưng là dấu hiệu của phục sinh vinh quang. Ánh sáng của Đức Ki-tô đã bừng lên trong đêm tối, và niềm hy vọng thân xác loài người sau này sẽ sống lại không phải là sự hão huyền. Đến ngày tận thế Đức Ki-tô sẽ lại đến phán xét chung nhân loại. Người sẽ cho những ai tin vào Người, thể hiện qua việc yêu thương phục vụ Người hiện thân nơi những người nghèo đói bất hạnh, cũng sẽ được vào trong vinh quang phục sinh với Người.
Ai trong chúng ta cũng thấy có sự giống nhau giữa câu chuyện lột xác của con cánh quýt, với sự Phục Sinh của Chúa Giêsu: Như con cánh quýt đã bị chết khô trên mạn thuyền, thì Đức Giê-su cũng bị chết treo trên cây thập giá. Như con cánh quýt được biến hóa trở thành con chuồn chuồn nước trong thời gian 3 giờ đồng hồ, thì Chúa Giêsu cũng được biến đổi từ tình trạng bị chết rồi sống lại trong thời gian chưa đầy 3 ngày.
Như con cánh quýt đã hóa thành con chuồn chuồn nước, khiến các con cánh quýt bạn nó không nhận ra, thì Chúa Giêsu cũng trở nên một người mới, đến nỗi nhiều môn đệ thân tín cũng không nhận ra Người sau khi phục sinh và đã hiện ra gặp gỡ nói chuyện với họ. Như con cánh quýt sau khi lột xác thành chuồn chuồn nước, đã có khả năng bay lượn trong không khí, thì thân xác của Chúa Giêsu sau khi sống lại cũng có những năng lực mới, trổi vượt hơn thân xác của Người trước đó..
Chết với Chúa Ki-tô là loại trừ con người cũ của chúng ta đang nằm dưới ách thống trị của các thói hư như tham lam, ích kỷ, kiêu căng, ghen ghét, hận thù…. để con người mới được tái sinh trong Chúa Ki-tô được lớn lên.
Sống lại với Chúa Ki-tô là mặc lấy Chúa Ki-tô như lời thánh Phao-lô: “Như giữa ban ngày, anh em hãy sống đoan trang tiết độ, không ăn uống say sưa, không chơi bời dâm đãng, không kình địch ghen tương; nhưng hãy mặc lấy Đức Giê-su Ki-tô và đừng lo tìm thoả mãn những đam mê xác thịt” (Rm 13, 13-14).
Mặc lấy Chúa Ki-tô là có những tâm tình cao đẹp, cư xử ôn hoà nhân ái như Chúa Ki-tô, biết thứ tha, yêu thương và chân thành phục vụ tha nhân như Chúa Ki-tô.
Làm được như thế, chắc chắn chúng ta sau này sẽ được khải hoàn vinh thắng với Chúa Phục Sinh.
Mừng lễ Chúa Kitô Phục sinh hôm nay, một lần nữa, Giáo Hội mời gọi chúng ta cũng biết chết đi cho con người cũ là những tính mê nết xấu; là sự ghen ghét, đố kị; là sự gian tham, lọc lừa… để sống lại cho con người mới trong Chúa Kitô là tình yêu thương, bao dung; là sự trung thực, ngay thẳng… Chỉ có như vậy, việc chúng ta mừng lễ Phục Sinh mới thực sự có ý nghĩa và mang lại cho chúng ta niềm hy vọng được Phục Sinh với Chúa.