CHUYÊN CẦN CẦU NGUYỆN
23/2 Thứ Ba tuần I MC
Is 55:10-11; Tv 34:4-5,6-7,16-17,18-19; Mt 6:7-15
CHUYÊN CẦN CẦU NGUYỆN
Ta thấy Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ cầu nguyện. Đó là một định hướng giúp cho chúng ta biết mình phải làm gì để trở nên một người con của Chúa (Mt 6,7-8).
Trình thuật Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy ý nghĩa, giá trị và thái độ cần có khi cầu nguyện.
Trước tiên, cầu nguyện ở những nơi kín đáo, tức là có kinh nghiệm cá nhân với Chúa trước khi chúng ta cầu nguyện nơi tập thể, cộng đoàn.
Thứ hai, cầu nguyện cách chân thành chứ không sáo rỗng, hình thức, giả tạo. Cầu nguyện chân thành tức là một tâm hồn khao khát chân lý và sẵn sàng để cho thánh ý Thiên Chúa được thực hiện nơi mình.
Cuối cùng, cầu nguyện với tinh thần tha thứ. Cảm nghiệm được tình thương của Thiên Chúa đối với mình thì cũng phải tha thứ cho anh chị em. Đây là lời cầu nguyện sống động và hấp dẫn nhất.
Trong đời sống đạo của chúng ta vẫn thấy có những người cầu nguyện rất dài, nhưng lòng đạo thì lại quá ngắn! Tại sao vậy? Thưa bởi vì họ như con sáo, cuốn băng! Cầu nguyện mà không biết mình làm gì, chỉ mong sao đọc cho hết, nói cho xong là yên tâm! Trong khi đó, không hề thay đổi lối sống khi sứ điệp Lời Chúa đòi hỏi…
Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha, qua đó Ngài nêu bật thái độ phải có khi cầu nguyện: Trước hết là tinh thần đơn sơ khiêm tốn, gặp gỡ thân tình với Chúa hơn là nói nhiều lời ngoài môi miệng. Giờ cầu nguyện là giờ tâm sự với Chúa, chứ không phải là giờ làm bài, là giờ của con tim, chứ không phải là của khối óc.
Thứ đến là tinh thần quảng đại tha thứ cho kẻ xúc phạm đến chúng ta. Đó là điều đương nhiên, vì thân phận của con người là yếu đuối, tội lỗi, và mọi người đều mắc nợ nhau trong đức bác ái của lời nói, việc làm, cách suy nghĩ, cho dù chúng ta vẫn giữ được đức công bằng.
Thật ra, như lời thánh Phaolô: chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải, nhưng chính Thánh Thần chuyển cầu cho chúng ta bằng những tiếng rên khôn ta. Nhờ Bí tích rửa tội, chúng ta đã được kết hiệp với Đức Kitô và được lãnh nhận hồng ân Thánh Thần. Chúng ta hãy cố gắng sống trong Thánh Thần để phát triển đời sống cầu nguyện, nhờ đó canh tân chính mình và môi trường sống.
Người con của Chúa phải là người không làm theo ý mình, không mưu tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng là người luôn làm theo ý Chúa và mong muốn mọi người cùng thi hành ý Chúa để danh Chúa được vinh hiển: “Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời” (Mt 6, 9-10)
Người con của Chúa phải là người luôn tin tưởng và phó thác vào sự quan phòng yêu thương của Chúa, nên không phải quan tâm đến nhu cầu thể xác cách quá đáng (Mt 6, 11). Nhưng điều quan trọng là giữ được phẩm giá con người mà Chúa đã ban tặng và đừng bao giờ cố tình để bị sa vào chước cám dỗ của sự dữ mà phản bội ân tình Chúa; đồng thời, chúng ta biết sống hiệp thông với nhau bằng tinh thần quảng đại, yêu thương và tha thứ theo gương Chúa Giêsu (Mt 6, 12-13).
Chúng ta cần cầu nguyện với Chúa Cha để sống và hoạt động tông đồ đắc lực, khi cầu nguyện như thế, chúng ta cậy nhờ Chúa Giêsu và nhờ chính lời cầu nguyện của Ngài. Có một điểm Chúa Giêsu căn dặn là trong khi cầu nguyện đừng có thái độ thuyết phục Thiên Chúa theo ý muốn của mình bằng những lời khéo léo dài dòng như những người ngoại giáo đối với các thần minh của họ. Chúa Giêsu dạy chúng ta đừng làm như thế, bởi vì “Cha các con đã biết rõ các con cần gì, trước khi các con cầu xin”.
Nói cách khác, khi cầu nguyện, chúng ta chỉ cần đơn sơ khiêm tốn nhìn nhận mình hèn mọn thiếu thốn, vạch rõ con người của chúng ta trước mặt Thiên Chúa, rồi vững dạ cậy trông tin tưởng. Thiên Chúa chẳng những sẽ lấp đầy cái trống rỗng của chúng ta, mà còn dằn lắc, còn ban cho chúng ta nhiều ơn hơn chúng ta khấn xin.
Lời dạy của Chúa Giêsu về cầu nguyện còn có một điểm đặc biệt nữa, đó là Ngài không chỉ nói: “Khi anh em cầu nguyện, đừng trở nên như những người giả hình” (c. 5), nhưng còn nói: “Anh em đừng lải nhải như dân ngoại!” (c. 7) Thực vậy, lời nguyện của chúng ta không được trở thành những lời lải nhải chỉ qui về mình, nghĩa là nhằm thỏa mãn nhu cầu, hoặc như những âm thanh vô hồn, nhưng phải là một lời ca tụng dựa trên tương quan thiết thân Cha-Con. Vì thế, trong lời nguyện “Lạy Cha của chúng con”:
Chúng ta được mời gọi ra khỏi mình để đi vào tương quan phụ-tử với Thiên Chúa, là Cha của chúng ta.
Ra khỏi mình để quan tâm trước hết đến Danh của Cha, đến Nước của Cha, đến Ý của Cha.
Và sau đó mới quan tâm đến sự sống của mình, nhưng không phải sự sống mà mình muốn, nhưng là sự sống đích thật mà Thiên Chúa muốn: đó là sự sống được xây dựng trên những ơn huệ: ơn huệ lương thực, ơn huệ giải thoát khỏi sự dữ và ơn huệ thứ tha.
Sự sống của chúng không thể không có lương thực, không thể không được tha thứ, và không thể không được giải thoát khỏi sự dữ. Và Chúa Cha đã ban cho chúng ta sự sống này rồi, cách nhưng không và viên mãn nơi Đức Giê-su Ki-tô, Con Chúa.
Chúng ta hãy siêng năng cầu nguyện để đức tin được củng cố và thêm vững mạnh. Nhờ đó, chúng ta mới có thể dễ dàng tha thứ cho nhau và tha thứ chính là hành động cụ thể biểu lộ đức tin của mình.