QUYỀN NĂNG THIÊN CHÚA
15.1 Thứ Sáu trong tuần thứ Nhất Mùa Quanh Năm
Dt 4:1-5,11; Tv 78:3,4,6-7,8; Mc 2:1-12
QUYỀN NĂNG THIÊN CHÚA
Ở Giêrusalem, danh tiếng Chúa Giêsu đã vang dội khắp nơi do việc giảng dạy và làm phép lạ. Vì thế, Ngài không công khai vào các đô thị đông người vì e sự bồng bột của dân chúng làm hỏng chương trình của Ngài. Sau đó ít ngày, Ngài quay trở lại Capharnaum, dân chúng biết tin kéo đến đông đảo vây quanh nhà Ngài để xin chữa bệnh, họ tỏ ra mộ mến và khâm phục Ngài. Chính tại đây Ngài đã làm phép lạ chữa bệnh cho người bất toại và việc này làm cho nhóm luật sĩ và biệt phái ganh tức và rất khó chịu.
Một điểm trong phép lạ chữa người bất toại được ghi lại trong Tin Mừng hôm nay đáng chúng ta lưu ý, đó là Chúa Giêsu không nói ngay: “Ta chữa lành cho con”, nhưng Ngài nói với người bất toại: “Con đã được tha tội rồi”.
Qua đó, Chúa Giêsu mạc khải Ngài là Thiên Chúa, bởi vì chỉ Thiên Chúa mới có quyền tha tội. Chính những kẻ chống đối Chúa Giêsu cũng nghĩ như thế, và vì không tin Ngài là Thiên Chúa, cho nên họ nghĩ thầm rằng: “Sao ông này lại dám nói như vậy? Ông ta nói phạm thượng”. Nhưng Chúa Giêsu đã nhân cơ hội này để một lần nữa chứng tỏ Ngài là Thiên Chúa, vì Ngài đọc thấu tư tưởng thầm kín của họ. Ngài bảo họ: “Sao trong bụng các ông lại nghĩ những điều ấy?” Rồi Ngài nói với những kẻ không tin: “Trong hai điều: một là bảo người bất toại: “Con đã được tha tội”, hai là bảo: “Ðứng dậy, vác chõng mà đi”, điều nào dễ hơn”.
Thật ra, hai điều này đều khó, và Chúa Giêsu quả quyết: “Ðể các ông biết: ở dưới đất, Con Người có quyền tha tội, Ta truyền cho anh hãy đứng dậy, vác chõng đi về nhà”, lập tức người ấy đứng dậy vác chõng mà đi trước mặt mọi người, khiến ai nấy đều sửng sốt và tôn vinh Thiên Chúa.
Chúa Giêsu đã thực hiện phép lạ để chứng minh Ngài có quyền tha tội, vì Ngài là Thiên Chúa. Như những người chống đối Chúa, ngày nay cũng có nhiều người không chấp nhận quyền tha tội của Chúa, quyền này đã được Chúa trao cho các Tông đồ, và qua các ngài cho Giáo Hội. Giáo Hội vẫn tiếp tục công việc tha tội trong Bí tích sám hối và hòa giải.
Nhờ Bí tích này, tội nhân sau khi lãnh Bí tích rửa tội được ơn tha thứ và làm hòa với Thiên Chúa. Từ ít lâu nay, có một cơn khủng hoảng đối với Bí tích giải tội: nhiều người không còn lãnh nhận Bí tích giải tội, không còn quí trọng ơn tha tội, vì đã đánh mất ý thức về tội lỗi: có thể họ cần được Thiên Chúa ban cho điều này điều nọ, nhưng không thấy cần được Thiên Chúa tha cho những tội đã phạm.
Ta nên biết rằng ý thức về tội không có nghĩa là đánh mất giá trị làm người mà chỉ là nhìn nhận một chân lý khách quan: con người là tạo vật vừa dòn mỏng vừa vĩ đại trước mặt Thiên Chúa. Con người dòn mỏng nên dễ sa ngã. Con người vĩ đại do tự do mà Thiên Chúa ban cho : con người có quyền nói “có” hoặc nói “không” với Thiên Chúa. Nói “không” với Thiên Chúa là phạm tội, vì từ chối tình thương và sự hướng dẫn của Ngài. Ý thức về tội là nhìn nhận quyền năng và lòng thương xót vô bờ bến của Thiên Chúa và đồng thời là nhìn nhận sự thật có tính giải phóng về bản thân mình : giải phóng khỏi tình trạng tội lỗi và đưa con người vào mối hiệp thông với Thiên Chúa.
Khi nghe Chúa Giêsu nói:”Tội con được tha”, họ rất tức bực. Các luật sĩ không nghe lầm cũng không hiểu lầm. Họ hiểu đúng lời tuyên bố của Chúa. Tha tội là quyền năng thuộc riêng về Thiên Chúa. Chiếm quyền đó cho mình là phạm thượng. Nhưng các ông chưa dám phát biểu ra ngoài, mới nghĩ trong bụng, vì các ông thấy dân chúng mộ mến Chúa quá mà !
Các luật sĩ là những người chứng kiến phép lạ ấy. Họ không bại liệt về thể xác, nhưng họ lại bị bại liệt về tinh thần. Có thể nói : họ có chứng bại liệt trong trái tim, bởi vì họ không cảm nhận được nỗi khổ của người bại liệt, và cũng không cảm nhận được niềm vui của người ấy khi được chữa khỏi. Họ còn mắc chứng bại liệt trong trí khôn, bởi vì họ không hiểu được, hay đúng hơn, họ không muốn hiểu lời Chúa cắt nghĩa. Chúa bảo họ rằng : Ngài có quyền tha tội.
Lời Chúa thật rõ ràng. Một trí khôn bình thường có thể hiểu ra ngay, nhưng họ không muốn hiểu. Rồi họ còn mắc chứng bại liệt trong lương tâm, bởi vì họ quyết tâm làm hại Chúa mà lương tâm họ không áy náy gì. Đúng lý ra khi thấy Chúa nhân lành, cư xử tốt, cứu giúp người bệnh tật, thì họ phải vui, phải ca ngợi Chúa. Nhưng không, họ bực tức và tìm cách làm hại Ngài.
Cần phải kiên trì đổi mới hằng ngày, mỗi ngày một chút, tuy chậm nhưng vẫn tiến bộ theo khẩu hiệu mà vua Thành Thang viết vào trong bồn tắm của mình :” Cẩu nhật tân, nhật nhật tân, hựu nhật tân”. Trong việc thăng tiến đời sống thiêng liêng, Chúa không đòi kết quả mà chỉ đòi sự cố gắng của chúng ta. Cứ dùng sức mạnh của mình mà tiến, đồng thời dựa vào ơn trợ giúp Chúa ban, chúng ta sẽ thành công, như tục ngữ Pháp nói:”Aide-toi, le Ciel t’aidera” : anh hãy tự giúp mình đi rồi Trời sẽ giúp.
Qua phép lạ chữa bệnh người bất toại trong bài Tin mừng hôm nay, chúng ta hãy bằng lòng để Chúa Giêsu thực hiện nơi chúng ta những gì Ngài đã làm cho người bất toại. Chúng ta hãy trình diện với Chúa Giêsu trong bí tích Hoà giải và lắng nghe Ngài nói với chúng ta những gì Ngài đã nói với người bất toại :”Tội lỗi của con đã được tha”. Tiếp đó, bài Tin mừng mời ta cảm nghiệm sự giải thoát mà người bất toại ấy từng cảm nhận sau khi đã bị ràng buộc đớn đau quá lâu trong bệnh tật và trong tội lỗi của anh.