Bão lửa trên Twitter ở Tây Ban Nha sau các lời kêu gọi thiêu sống các linh mục
Bão lửa trên Twitter ở Tây Ban Nha sau các lời kêu gọi thiêu sống các linh mục
Bất chấp những hạn chế liên quan đến các ngôn từ kích động thù địch trên mạng xã hội ở Tây Ban Nha, một hashtag đang rất thịnh hành đã đưa ra những lời kêu gọi thiêu sống các linh mục Công Giáo. Twittter đã quyết định không xóa các tweets này bất chấp chúng vi phạm các quy tắc liên quan đến việc đăng tải các lời kêu gọi bạo lực.
(Credit: Twitter #FuegoAlClero.)
Bộ trưởng Bộ giáo dục Tây Ban Nha Isabel Celaa là một người tả khuynh có đầu óc bài Công Giáo. Bà ta đã đưa ra một dự luật được đặt theo tên của bà là “Dự luật Celaa”. Dự luật này nhằm cải cách hệ thống giáo dục của Tây Ban Nha theo đó nhà nước sẽ kiểm soát nghiêm nhặt việc giảng dạy môn tôn giáo trong các trường công lập và hạn chế tài trợ cho các trường Công Giáo.
“Dự luật Celaa” đã vượt qua được rào cản đầu tiên vào tuần trước và dự kiến sẽ trở thành luật mặc dù thiếu sự hỗ trợ từ các tổ chức giáo dục. Hàng ngàn trường Công Giáo sẽ phải đóng cửa.
Quan điểm của các linh mục Công Giáo là trường Công Giáo gánh vác trách nhiệm giáo dục thế hệ trẻ, như thế là đỡ đần công việc cho hệ thống giáo dục mà lẽ ra nhà nước phải gánh vác. Việc tài trợ cho các trường Công Giáo là một việc công bằng và thể hiện trách nhiệm của nhà nước đối với tất cả các công dân là những người bình đẳng về trách nhiệm và quyền hạn, bất kể họ có niềm tin tôn giáo hay không.
Tuy nhiên, các thành phần cực đoan không nghĩ như thế. Hashtag #FuegoAlClero, hoặc thiêu sống các giáo sĩ, lần đầu tiên được đưa ra bởi một số tài khoản ủng hộ chủ nghĩa Mác, ban đầu là dưới chiêu bài bảo vệ “Dự luật Celaa”. Tuy nhiên, ngay sau đó chúng để lộ bộ mặt bài Công Giáo với những lời kêu gọi đốt phá các nhà thờ và hàng giáo sĩ. Trong một tweet được re-tweet hàng trăm ngàn lần, những kẻ này cho rằng “nhà thờ duy nhất chiếu sáng là nhà thờ đang bị bốc cháy”, được tweet đầu tiên bởi một kẻ ký tên “những cô con gái phù thủy mà bạn không thể đốt cháy”.
Đến tối thứ Ba, Twitter đã không làm gì với các dòng tweets này, mặc dù hàng nghìn người phàn nàn rằng hashtag này đang kích động lòng thù hận và vi phạm trực tiếp các quy tắc của chính Twitter về “bạo lực, quấy rối và các loại hành vi tương tự khác”.
Đặc biệt, các quy định của Twitter nêu rõ rằng người dùng không được “đe dọa bạo lực đối với một cá nhân hoặc một nhóm người. Việc tôn vinh bạo lực cũng bị cấm, cũng như việc sử dụng mạng truyền thông xã hội này để thúc đẩy chủ nghĩa cực đoan bạo lực, các hành vi quấy rối hoặc thù hận trên cơ sở tôn giáo.”
Trong tổng số 50 triệu dân Tây Ban Nha, 70% là người Công Giáo. 11% là người vô thần. Như thế, tỷ lệ người vô thần tại Tây Ban Nha thuộc loại cao nhất trong các nước Âu Châu. Tuy nhiên, nói thế cũng chưa đủ, những người vô thần tại Tây Ban Nha khác với những người vô thần ở các quốc gia khác là họ không có khuynh hướng sống chung hòa bình, nhưng quyết liệt “ăn thua đủ”. Nói theo kiểu cộng sản, họ quyết liệt muốn giải quyết vấn đề “ai thắng ai”.
Đó là bối cảnh dẫn đến cuộc nội chiến tại Tây Ban Nha kéo dài từ ngày 17/7/1936 đến 1/4/1939. Trong cuộc chiến này,13 Giám Mục, 4172 linh mục triều và các chủng sinh, 2364 linh mục dòng và các nam tu sĩ cùng với 283 nữ tu đã bị Mặt Trận Bình Dân sát hại. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tôn phong 233 vị tử đạo Tây Ban Nha. Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 tôn phong 498 vị. Cho đến nay, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tôn phong cho 525 vị tử đạo Tây Ban Nha.
Đặng Tự Do