Vua đời ta
22/11/2020
Chúa Nhật Tuần XXXIV Mùa Thường Niên Năm A
VUA ĐỜI TA
Chúa nhật 34 là Chúa nhật lễ Chúa Kitô Vua vũ trụ, đồng thời cũng là Chúa nhật cuối cùng của năm Phụng Vụ. Giáo hội hướng chúng ta về ngày chung cuộc của con người và toàn thể vũ trụ. Đó chính là ngày Tận thế. Trong ngày đó, mỗi người sẽ phải đối diện với cuộc phán xét chung do chính Vua Giêsu làm Thẩm Phán.
Chúa Giêsu Vua – Thẩm Phán sẽ tái lâm vào ngày tận thế và sẽ ngồi trên ngai vinh hiển mà xét xử muôn dân. Người tách biệt người lành khỏi kẻ dữ như mục tử tách biệt chiên khỏi dê vào mỗi buổi tối khi đưa chúng vào chuồng. Người thưởng kẻ lành và phạt kẻ dữ cách công minh. Ngày nay Vua Giê-su đang hiện thân nơi những kẻ nghèo khổ khốn cùng. Người tự đồng hóa mình với những kẻ đói khát, khách lạ, trần trụi, đau yếu hay ở tù mà chúng ta thường gặp mỗi ngày.
Vào ngày phán xét, Chúa sẽ hỏi mỗi người chúng ta về đời sống đạo (x. Ga 18, 37), về lòng hối cải (x. Mt 12, 41), về việc đón tiếp các đại diện của Chúa (x. Mt 10, 41). Những việc bác ái hy sinh vì Chúa là những hoa trái của đời sống Tin Cậy Mến, là những của lễ đẹp lòng Chúa hơn hết. Do đó, ngay từ bây giờ, chúng ta hãy chỉnh đốn lại cách đối xử của ta đối với tha nhân, nhất là những kẻ đang cần ta giúp đỡ vật chất cũng như tinh thần, mỗi người chúng ta hãy sống thật đúng với lời Chúa dạy, lo làm các việc lành phúc đức và trung thành giữ giới răn Chúa cho đến cùng.
Trong Tin mừng Gioan, Chúa Giêsu nói khá nhiều về ‘sự thật’. Ngài mặc khải tiệm tiến về Vương quốc mà chính Ngài sẽ khai mở. Khi nói chuyện với người phụ nữ Samari bên bờ giếng Giacóp, Chúa Giêsu đã vén mở một nền phụng tự mới trong Vương quốc ấy: “ Thiên Chúa là Thần khí và những kẻ thờ phượng Ngài phải thờ phượng trong Thần khí và sự thật” (Ga 4, 24). Cũng vậy trong bữa tiệc ly để giã từ các môn sinh, Chúa Giêsu đã nói với Tôma: “ Thầy là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14, 6 ).
Chúa Giêsu sẽ ra đi, tiến nhận cái chết và khai lập vương quốc của chân lý. Đồng thời Ngài cũng chính là sự thật, là con đường dẫn đưa chúng ta đi vào vương quốc ấy để chúng ta được sống và sống dồi dào (Ga 10, 10). Đối diện trước Philatô, Chúa đã khẳng quyết căn tính của Ngài, nhưng chắc chắn Philatô không hiểu nổi vì ông ta không ở trong quỹ đạo Nước Trời. “Nước tôi không thuộc thế gian này”(c 36). Tuy nhiên, chính Philatô đã cho treo một tấm bảng đóng trên Thập giá với hàng chữ :‘Giêsu Nazareth, vua Israel’. Có lẽ đây không phải là một sự tình cờ, song Thiên Chúa đã định liệu và sử dụng một ông quan ngoại giáo để công bố cho cả thế giới biết Chúa Giêsu chính là Vua đích thật. Tuy nhiên chúng ta cần suy tư sâu xa hơn để tìm hiểu xem, trong vương quốc sự thật ấy, Chúa đã hành xử vương quyền như thế nào?
Chúa Giêsu quả là một vị Vua rất khác người, chẳng giống ai. Vương miện của Ngài là một vòng gai thấm máu đầy nhục nhã. Cẩm bào Ngài khoác chỉ là một tấm thân trần trụi bị treo thân vào khổ giá như một tên tử tội. Ngai vàng cao sang của Ngài là chỗ chuyên để hành quyết những tên cướp đáng sợ. Ngài đã đi xuống tận đáy bùn đen của xã hội loài người, bị đầy đọa, bị chửi rủa, bị khinh miệt và cuối cùng bị giết chết. Vương quốc Nước Trời mà Ngài nói tới là một Vương quốc đảo lộn mọi bậc thang giá trị mà con người vẫn thường đặt định. Sống trong Vương quốc đó, ‘ ai làm lớn nhất phải trở nên người bé nhất’ . Chính Ngài là một vị Vua cai trị theo một cung cách khác thường, đó là “ Con Người đến không phải để được phục vụ nhưng để phục vụ và hiến ban sự sống cho nhiều người” (Mc 10,45).
Philatô không hiểu là phải, bởi vì ông chưa làm ‘thẻ chứng minh nhân dân’ để trở thành công dân của một vương quốc xem ra có vẻ quái chiêu và nghịch thường đến như vậy. Nói tắt một lời, Vương quốc mà Chúa Giêsu thiết lập chính là Vương quốc của tình yêu. Đó không phải là một quốc gia hùng mạnh về quân sự, về dầu hỏa, về đôla hay về khí tài. Vương quốc của Đức Giêsu là Vương quốc tình yêu. Chỉ sống trong tình yêu chúng ta mới có được thẻ ID, thẻ căn cước để vào Nước Trời, nước của Ngài.
Dù đã được Chúa Cha tôn lên làm “Chúa” mọi loài, nhưng Đức Giê-su không ngại nhận những kẻ nghèo khó yếu đuối chính là anh chị em của mình. Từ đây, không những Người hiện diện trong bí tích Thánh Thể, trong Lời hằng sống, giữa Cộng đòan… mà Người còn hiện thân trong những người đau khổ nghèo khó bệnh tật cần được trợ giúp. Có những lần chúng ta đã gặp Chúa mà không nhận ra Người, thậm chí còn đối xử tàn nhẫn với Người. Sau này chúng ta sẽ bị xét xử về thái độ đối với những kẻ nghèo đói bất hạnh. Tội lớn nhất có lẽ là tội không chu tòan nhiệm vụ sống tình yêu thương.
Vương quốc của Đức Kitô chính là vương quốc của tình yêu. Giáo Hội tôn vinh Đức Kitô là Vua, nhưng Ngài không muốn ngự trên ngai vàng để mọi người bái phục, nhưng Ngài đã đến phục vụ những kẻ hèn và đồng hoá mình với họ. Vua Giêsu của chúng ta không đến với chúng ta bằng dáng vẻ oai phong như các vua trần gian, nhưng Ngài khiêm tốn đến với chúng ta nơi bàn thờ trong hình thức hết sức nhỏ bé để chúng ta gần gũi với Ngài hơn. Sau khi lãnh nhận Ngài, chúng ta có thể nhận ra Ngài rõ rệt hơn nơi anh em, và yêu mến Ngài trong anh em chúng ta hơn.
Mỗi người cho nhau điểm tựa yêu thương, ta hướng tâm hồn lên cao là “đường về Vương Quốc Tình Yêu”duy nhất, không thể là đà trong những con đường dục vọng thấp hèn không có lối thoát ở trần gian.