Thanh tẩy tâm hồn
20 06 X Thứ Sáu tuần 33 Mùa TN.
Kh 10,8-11; Lc 19,45-48
THANH TẨY TÂM HỒN
Theo Điển Ngữ Thần Học Thánh Kinh: đền thờ là nơi thánh, là chốn thần linh hiện diện và là nơi con người có thể giao tiếp với thế giới thần linh. Trong Do Thái giáo, đền thờ Giêrusalem là dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa giữa loài người. Cũng như các ngôn sứ khác, Chúa Giêsu tỏ lòng tôn kính sâu đậm đối với đền thờ. Nơi đó Người đã được dâng hiến (Lc 2, 22-39), đã gặp gỡ Chúa Cha (Lc 2, 41-50). Đối với Người, đền thờ là nhà Thiên Chúa, nhà để cầu nguyện, nhà Cha của Người. Vì người ta đã biến nó thành nơi buôn bán, gian lận, nên Người đã có những bức xúc và thái độ bùng nổ cơn nóng giận như trong bài Tin Mừng hôm nay.
“Chúa Giê su vào đền thờ. Người bắt đầu đuổi những kẻ đang buôn bán…” (45). Ngôn sứ Malaki đã nói trong chương 3 về hành vi này như sau: “Đấng mà các người tìm kiếm thình lình tiến vào đền thờ của Người, để thanh tẩy” hàng tư tế và dân chúng, để việc phụng tự đi đúng bổn phận của nó là cử hành theo ý Thiên Chúa và làm đẹp lòng Thiên Chúa. Chúa Giê su không đến để quan sát đền thờ, nhưng Người có hành vi thanh tẩy tức khắc đi kèm. Một hành vi mang tính tiên tri “đuổi những kẻ buôn bán”, vì đền thờ là nơi giảng dạy (47) và để nghe lời Chúa. Như vậy, Đấng đến nhân danh Chúa sẽ đòi lại và chiếm hữu nhà Cha Người, đưa nhà Cha Người về đúng chức năng là nơi thờ phượng và ca ngợi Thiên Chúa.
Chúa Giêsu hạch tội những người buôn bán đã bày biện ở sân đền thờ những con vật dùng làm của lễ hiến tế. Chúa Giêsu không phủ nhận việc hiến tế lễ vật dâng lên Thiên Chúa theo tập tục Môsê, vì chắc hẳn gần đền thờ sẽ có những phố, những cửa tiệm cung ứng mọi vật dụng cần thiết cho việc lễ tế. Còn trong sân đền thờ chỉ có những gia đình có liên hệ với các tư tế hoặc chính thân nhân của các tư tế mới được buôn bán. Như vậy, họ lợi dụng chức vụ để thực hiện việc mưu sinh kiếm lợi cho bản thân và gia đình, chứ không để phục vụ Thiên Chúa và dân Ngài.
Thấy thế, Chúa Giêsu nổi nóng và xua đuổi họ với câu trích dẫn sách ngôn sứ Isaia 56, 7 và Giêrêmia 7, 11 “Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện, thế mà các ngươi đã biến thành sào huyệt của bọn cướp”. Người tố cáo các nhà cầm quyền tôn giáo đã làm băng hoại, làm biến chất mục đích của nhà Cha Người và họ quên rằng : Không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được (16, 13). Vì thế, qua việc buôn bán này, họ đã phạm hai điều bất trung với sứ vụ tư tế của họ, đó là: xao lãng việc phụng thờ Thiên Chúa cho đúng mức và ơ hờ việc dưỡng nuôi dân Chúa.
Trong khi người Do Thái chỉ chú trọng đến đền thờ vật chất, còn Chúa muốn nói đến đền thờ trong tâm hồn. Chúa Giêsu không phủ nhận việc xây dựng và gìn giữ đền thờ dành để tôn vinh Thiên Chúa nhưng Người nhấn mạnh phải xây dựng đền thờ tâm hồn trong sạch dành riêng cho Thiên Chúa.Trong đời sống thiêng liêng, thân xác và linh hồn chúng ta cũng là đền thờ, nơi Chúa ngự trị.
Ý thức điều đó, chúng ta phải dọn dẹp, giữ gìn sạch tội, hãm dẹp các đam mê xấu, canh phòng ngũ quan, sống tiết độ, luyện nhân đức…Chúng ta đừng biến tâm hồn mình thành nơi chợ búa, bày bán tham sân si, tích chứa thù hận ghen ghét và nhất là tội lỗi. Chỉ khi chúng ta tin và sống mầu nhiệm khổ nạn và phục sinh của Chúa chúng ta mới thực sự xây dựng ngôi đền thờ vững chắc.
Lời Chúa hôm nay cũng cảnh tỉnh thái độ sống đạo hình thức của chúng ta. Đôi lúc chúng ta cũng thờ kính Chúa trên môi trên miệng. Chúng ta đến với Chúa với một tâm hồn tham lam ích kỷ, chất chứa trong lòng sự ghen ghét, hận thù. Chúng ta chưa đủ can đảm “dọn dẹp đền thờ tâm hồn mình” bằng các bí tích và ân sủng của Chúa. Chúng ta ưa thích diện trên mình những bộ quần áo hàng hiệu, dùng trang sức xa xỉ đắt tiền nhưng lại để tâm hồn lem nhem, hoen ố bởi danh vọng lạc thú và những đam mê thấp hèn. Chúng ta sẵn sàng bán rẻ lương tâm nhân phẩm để đổi lấy sự nổi tiếng, để được tiếng khen của người đời.
Với khát vọng xây dựng tâm hồn mình thành nơi xứng đáng cho Thiên Chúa ngự trị, đồng thời dành nhiều giờ để cầu nguyện, Mẹ Têrêsa Calcutta khuyên chúng ta; “Bạn sẽ không gặp được Thiên Chúa nơi ồn ào, bạn chỉ thấy được Người nơi thinh lặng của tâm hồn”. Vì thế bao lâu chúng ta giữ tâm hồn mình trong sự tĩnh lặng, chúng ta sẽ gặp gỡ được Thiên Chúa. Chúng ta chỉ có thể khám phá ra kho tàng sự sống đích thực khi biết để lòng trí mình hướng về Thiên Chúa trong cầu nguyện và sống yêu thương.Khi chúng ta chỉ lo tìm kiếm những của cải vật chất trần gian, Thiên Chúa sẽ bị gạt ra bên ngoài.
Hàng ngày, Người giảng dạy trong đền thờ (47a). Đây chính là việc dưỡng nuôi dân mà Chúa Giêsu thực hiện mỗi khi Người lên đền thờ. Và vì sự nhiệt tâm này mà Người phải thiệt thân “Các thượng tế, kinh sư và các thân hào trong dân tìm cách giết Người”. Lúc này, họ không còn che giấu manh tâm độc ác nữa vì Người đụng đến túi tiền của họ. Họ sẵn sàng loại trừ Người để ứng nghiệm lời thày Thượng Tế nói : Thà một người chết thay cho toàn dân… “Nhưng họ không biết phải làm sao vì toàn dân say mê Người” (48).
Vì Chúa Giê su có ảnh hưởng lớn trên dân chúng, nên người Pharisieu chưa ra tay thực hiện mưu đồ được, nói đúng hơn theo Tin Mừng Gioan thì “Giờ của Người chưa đến”. Hình ảnh của người Pharisiêu hoàn tòan đối lập với dân chúng. Dân thì say mê nghe lời Người, còn họ đã không muốn nghe, lại còn ngăn cản Lời đến với người khác. Họ không những không muốn hoán cải, không muốn vào Nước Trời, mà còn xúi giục, làm gương xấu cho người khác, để người khác cũng chẳng vào được Nước Trời.
Ngày nay, tâm hồn mỗi Kitô hữu là một đền thờ, đền thờ thiêng liêng nối dài thân thể Chúa Kitô “Giáo Hội là đền thờ Thiên Chúa được thiết lập trên nền tảng là Đức Kitô. Người là Đầu và là Đá Góc Tường” (1Cr 3,10-17). Trong đền thờ này, chúng ta có thể gặp gỡ Thiên Chúa mà không phân biệt người Do Thái hay dân ngoại như trong đền thờ Giêrusalem xưa. Mỗi Kitô hữu là đền thờ Thiên Chúa với tư cách là chi thể của Chúa Kitô và thân xác chúng ta là đền thờ Chúa Thánh Thần.
Thật vậy mỗi người chúng ta phải cộng tác vào việc phát triển đền thờ ấy trong đức tin và đức ái. Nhưng nhiều khi chúng ta đã khiến đền thờ tâm hồn của mình ra ô uế vì những lợi lộc gian tham nơi trần thế, vì những hành vi xảo quyệt lừa gạt anh em, đôi khi còn có ý định đánh lừa cả Thiên Chúa. Có những khi chúng ta tán tận lương tâm, từ chối Thiên Chúa, loại trừ Thiên Chúa ra khỏi tâm hồn mình mỗi khi ta phạm tội, làm mất lòng Chúa. Lúc đó, chúng ta đã trao nộp đền thờ tâm hồn cho ma quỷ, thế gian và xác thịt cùng những thú vui, đam mê của nó.