Vài lời tâm sự cho các em cùng với quý bậc phụ huynh …
Nội dung
Vài lời tâm sự cho các em cùng với quý bậc phụ huynh về những vấn đề như sau:
Thông cảm với những yếu kém của con mình
Nếu quý vị được đi học lại ở tuổi trên 40 thì sẽ dễ thông cảm hơn cho con cái của mình. Cho dù là quý vị đã có những kinh nghiệm thi cử, nhưng khi vào làm bài thi vẫn bị chi phối bởi nhiều áp lực như: Thời gian thi có hạn định, sức khoẻ kém, phải suy nghĩ để ghi nhớ những điều mình đã học, và nhất là sự hồi hộp trong lúc thi làm các em mất tự tin.
Bài toán chỉ cần sai một con số, thì cả bài thi sẽ hỏng vì cho ra đáp số sai. Bài văn chỉ cần một đoạn văn bị bế tắc, thì ý tưởng sẽ bị lệch lạc. Một công thức bị các em nhớ lộn thì sẽ cho đáp án sai. Cho dù các em đã cố gắng hết mình thì cũng không còn giờ để trả lời hết mọi câu hỏi của ngày thi hôm ấy. Chính sự lo lắng buồn bực này đã làm ảnh hưởng đến những ngày thi kết tiếp. Đó chính là lý do khiến các em bị điểm thấp. Điều cần mà bậc cha mẹ phải là cho các em một cái nhìn cảm thông và trìu mến, một lời an ủi vỗ về và hy vọng vào tương lai và nhất là tránh những hành vi làm các cho các em tủi hổ, và thất vọng.
Các bậc phụ huynh thân mến. Cổ nhân có câu nói đáng ghi nhớ như sau: “Không có lính dở, mà chỉ có tướng chưa giỏi mà thôi”. Thật vậy, làm bậc cha mẹ, chúng ta đã ước mơ và đòi hỏi con cái chúng ta phải học giỏi quá sức của chúng. Chúng ta thường lấy con của bạn bè làm tiêu chuẩn, để rồi bắt con của chúng ta phải đua theo. Nên nhớ mỗi một em bé được sinh trên trái đất này đều có những khác biệt, không ai giống được ai cả, cho dù là anh em sinh đôi. Cho nên tôi xin quý vị phụ huynh trách mắng con trẻ khi chúng không đạt được điểm cao hay không được theo học các ngành nghề mà chúng đã mong ước. Thay vào đó quý vị cho các em một lời an ủi, lời khuyến khích, để các em yên tâm, vững chí trên đường hoc vấn trong tương lai.
Ta thấy có nhiều trường đào tạo các em theo các ngành nghề vừa với sức học của các em theo kiểu vừa làm, vừa học tay nghề với các chứng chỉ. Công việc kiếm rất dễ, tuy phải bỏ nhiều sức lao động hơn, nhưng bù lại thì tiền lương cũng rất cao, và nhất là khi tự mình làm chủ thì mau có nhà hơn các em theo học bậc Đại học. Hơn thế nữa, sau khi các em đã ổn định công ăn việc làm, các em có thể học tiếp tục trên bậc đại học, về ngành nghề mà các em mong muốn.
Lại nói về các ngành ở bậc Đại học, có nhiều em theo tiêu chuẩn điểm chọn ngành thì đủ để theo học, nhưng khi đi phỏng vấn thì bị loại. Các em đã buồn thì chớ, mà còn phải nghe thêm lời trách móc của cha mẹ, nên nhiều em đã chán nản rồi bỏ học luôn, hoặc học hoài mà chẳng ra trường, vì các em cứ thay đổi môn học liên tục. Cũng có nhiều em học các ngành không theo ý của cha mẹ, nên các ngài cúp viện trợ học vấn. Khiến cho các em ấy phải bỏ việc học, để đi làm một vài năm để kiếm kế sinh nhai, và tích góp cho đủ tiền chi trả cho học phí. Ôi! Thật đáng buồn cho những em sinh viên không được nhận sự cảm thông của mẹ cha. Vì nếu mọi học sinh đều học cùng một ngành nghề, thì tìm đâu ra những nhân tài về các loại nghề nghiệp khác.
Tương lai của con trẻ sẽ ra sao?
Tương lai của con trẻ còn tuỳ thuộc vào sự yêu thương, giận ghét của các bậc phụ huynh. Hai câu chuyện đăng trên Facebook:
CÂU CHUYỆN 1:
“Chuyện kể rằng, trước giờ dâng lễ chiều hôm đó, cậu bé giúp lễ kia có tên thánh là Joseph chăm chỉ đi sớm rồi mở tủ buồng áo ra để dọn đồ lễ.
Thật không may, do sơ ý trong quá trình di chuyển, cậu bé lỡ tay làm rớt chiếc bình đựng rượu Lễ bằng thủy tinh.
Chiếc bình nhanh chóng nát tươm. Rượu bắn tung toé. Mảnh sành rơi vãi khắp nơi, bắn vào chân cậu, làm chân cậu bị chảy máu.
Cha xứ ngồi ghế xa xa chứng kiến.
Mặt cậu bé tái mét, hoảng loạn, lo sợ, thất thần.
Lập tức cha xứ đứng dậy tiến nhanh về phía cậu. Cậu lại càng lo lắng hơn vì sợ cha mắng. Và cuối cùng điều cậu lo lắng cũng đã đến.
Cha xứ bực tức la mắng cậu xối xả, te tua, tới tấp, thậm tệ. Cha mắng cậu nào là vụng về, vô tích sự, bất cẩn, hấp tấp, phá hoại, làm không nên hồn, vân vân và mây mây… Cha mắng cậu như thể cha hoàn toàn hoàn hảo và chưa sai bao giờ.
Cậu bé lập tức đứng dậy bỏ đi, vừa đi vừa khóc, khóc trong tuyệt vọng, uất hận, căm phẫn về những lời thậm tệ hủy diệt của cha xứ mình.
Từ hôm đó trở đi cậu đã bỏ luôn giúp Lễ, bỏ cha xứ, bỏ bạn bè.
Không dừng lại ở đó, cậu còn bỏ Lễ, bỏ Nhà thờ, và cuối cùng là bỏ Đạo.
Vẫn chưa hết, cậu đã nỗ lực học hành, ngấu nghiến nghiên cứu, tham gia chính quyền, gia nhập Đảng Cộng sản độc tài vô thần, rồi leo lên những chức vụ cao để chống lại Đạo Công giáo một cách khốc liệt dữ dội.
Điều đau lòng hơn nữa là, cả cha mẹ và gia đình cậu bé đáng thương cũng đã bỏ Đạo luôn từ lúc đó.
Cậu bé đã nuôi hận thù từ sự nhục mạ xót xa của cha xứ mình hồi còn thơ bé.
Cậu bé đó có tên là Joseph Broz Tito người Nam Tư.
Cậu bé đó chính là Tổng bí thư kiêm lãnh tụ độc tài tàn ác của Đảng cộng sản Nam Tư mang tên Tito.”
CÂU CHUYỆN 2:
“Chuyện kể rằng, trước giờ dâng Lễ chiều hôm đó, cậu bé giúp Lễ kia có tên Thánh là John chăm chỉ đi sớm, rồi mở Tủ buồng áo ra để dọn đồ Lễ.
Thật không may, do sơ ý trong quá trình
di chuyển, cậu bé lỡ tay làm rớt chiếc bình đựng rượu Lễ bằng thủy tinh.
Chiếc bình nhanh chóng nát tươm. Rượu bắn tung toé. Mảnh sành rơi vãi khắp nơi.
Cha xứ ngồi ghế xa xa chứng kiến.
Mặt cậu bé tái mét, hoảng loạn, lo sợ, thất thần.
Lập tức cha xứ đứng dậy tiến nhanh về phía cậu. Cậu lại càng lo lắng hơn vì sợ cha mắng.
Nhưng thật không ngờ. Thay vì la mắng thì cha lại niềm nở vỗ vai bảo cậu là không sao, vỡ rồi thì thôi. Cha lại còn lo lắng hỏi cậu có bị sao không, nhắc cậu cẩn thận không mảnh sành đâm vào chân và ân cần bảo cậu hãy mau dọn đi, rồi bảo ông trùm chuẩn bị bình rượu Lễ khác cho Thánh Lễ.
Cậu bé nói lời xin lỗi cha, thở phào nhẹ nhõm, khắc sâu nhớ mãi và rất nể phục cách cư xử rất tế nhị ấn tượng và tràn yêu thương của cha xứ mình.
Từ hôm đó trở đi, cậu bé ngày càng chăm chỉ, ngoan ngoãn, khéo léo, nhanh nhẹn, sốt sắng, thành tâm với việc nhà Chúa.
Rồi cậu đã quyết tâm theo cha xứ đi tu, làm Thầy, làm Linh mục thánh thiện, làm Nhà thần học nổi tiếng, làm Nhà giảng thuyết vĩ đại, làm Giám mục uyên bác.
Không những thế, cậu còn làm Tổng Giám mục đại tài, làm Hồng y xuất chúng, làm Đấng đáng kính và cuối cùng sẽ làm Thánh nơi Thiên Đàng.
Cậu bé đó đã có động lực làm người, làm Tổng Giám mục, làm Hồng y và làm Thánh nhờ sự cảm thông nhân hậu tế nhị của cha xứ mình hồi còn thơ bé.
Cậu bé đó có tên là Fulton John Sheen, một trong những nhà thần học trổi vượt nổi danh nhất người Hoa Kỳ, được hàng triệu trái tim thán phục ngưỡng mộ của thế kỷ XX.
Cậu bé đó chính là Đấng đáng kính đang trong quá trình phong Thánh của Giáo hội Hoa Kỳ.”
Hai câu chuyện kể trên, đã cho chúng ta thấy sự khác biệt về tương lai của hai em giúp Lễ. Cùng một sơ xuất nhỏ, nhưng đã dẫn đến hai kết quả trái ngược vui mừng và đau xót khác nhau. Cùng một sơ xuất nhỏ, nhưng đã dẫn đến hai số phận và hai cuộc đời khác nhau. Cùng một sơ xuất nhỏ, nhưng đã dẫn đến hoặc lên thiên đàng hoặc xuống hoả ngục. Cùng một sơ xuất nhỏ, nhưng đã mở ra một cánh cửa hoặc khép lại một cuộc đời.
Vì chúng ta gieo yêu thương sẽ gặt yêu thương, và nếu chúng ta gieo hận thù thì sẽ gặt hận thù.
Đây là bài học có ý nghĩa sâu sắc cho các bậc làm cha làm mẹ, làm thầy làm cô, làm anh làm chị, làm ông làm bà, làm vương làm tướng, làm đấng làm bậc…”
HÃY CHO CON TÌNH THƯƠNG CỦA TỔ ẤM GIA ĐÌNH
Thưa quý vị bậc phụ huynh. Ở trên đời này không có ai yêu thương con bằng người làm cha, làm mẹ, và cũng thế không ai yêu cha mẹ bằng kẻ làm con. Thế thì trong những lúc đau buồn nhất của con trẻ vì kết quả sự học hành không đạt được như ý muốn, chính là lúc con trẻ cần được an ủi, vỗ về và mong có được sự cảm thông từ cha mẹ. Tại sao kẻ làm cha mẹ, lại nỡ lòng từ chối ban cho con của mình tình thương mà chúng đang thực sự cần. Chẳng lẽ cái danh dự bề ngoài đối bạn bè còn nặng hơn tình mẫu tử, phụ tử hay sao? Chẳng lẽ đứa con của chúng ta đã mang nặng, để đau lại không đáng quý trọng hay sao?
Thiên Chúa yêu thương chúng ta đâu có phân biệt kẻ tốt hay người xấu, Chúa đâu phân biệt kẻ dốt hay người tài giỏi. Chúa đã đến để gặp gỡ người ốm, kẻ bệnh tật và đã chữa lành cho họ, vì Chúa phán: “Chỉ có kẻ yếu đau mới cần thày thuốc, còn người mạnh khoẻ thì không”.
Nếu con của chúng ta là những học sinh còn thua kém bạn bè về học vấn, Thì vai trò làm cha mẹ là cần giúp đỡ con mình trong việc học hành nhiều hơn, cho chúng đi học thêm, giúp chúng chăm chỉ học và chuyên cần nhiều hơn trước. Đấy mới chính là sự yêu thương mà chúng ta cần trợ giúp, thay vì chúng ta mắng nhiếc đủ điều.
Hãy dâng con của chúng ta cho Thiên Chúa
Con cái là của Chúa ban cho chúng ta, cho nên kẻ làm cha mẹ hãy chăm sóc cho chúng trở thành những công dân tốt, và là những tín hữu tốt. Hãy dạy cho chúng biết làm điều hay, lẽ phải, và xa lánh điều xấu, sự dữ. Chúng ta cũng cầu xin Chúa Thánh Thần ban xuống cho con cái của chúng ta những ơn cần thiết, để chúng biết kính mến Thiên Chúa, giữ luật Người truyền dạy, và biết yêu thương tha nhân. Chúng ta dâng con cái chúng ta lên Chúa, dâng tất cả xác hồn, tâm tư và mọi đều lo lắng. Xin Chúa thánh hoá và che chở cho con cái chúng ta trong tình yêu thương bao la của Người. Đừng bao giờ có ý nghĩ rằng: “Con cái là món nợ” mà chúng ta phải trả ở trần gian này, nhưng hãy nhìn thấy Chúa trong mình con trẻ, để chúng ta biết yêu thương chúng mỗi ngày một nhiều hơn.
Nuôi con càng lớn, cha mẹ càng thêm vui
Với nhiều cha mẹ, câu nói trên nghe có vẻ không được đúng cho lắm. vì nhất là gia đình có nhiều con gái, Họ thường than với nhau: “ Nuôi con càng lớn, mẹ càng thêm lo”. Còn riêng tôi thì có nhiều con trai hơn con gái, cho nên bữa cơm gia đình hàng tuần thì anh này làm đồ nhậu, anh kia mua bánh Pizza cho các cháu, anh kia mua bia, người nọ sách chai rượu đến, cùng nhau tạ ơn Chúa sau một tuần lễ làm việc vất vả và để ăn chung với đại gia đình một bữa cơm cho bố mẹ vui. Tôi nhìn mấy thằng cháu nội tuổi mười năm, mười sáu mà ước thầm rằng: Lay Chúa! Xin cho con được sống để có ngày Ông cháu, cha con nhậu với nhau, có lẽ ngày đó vui ơi là vui.
HÃY ĐẾN ĐỂ GẶP GỠ THIÊN CHÚA
Các em học sinh thân mến. Sau kỳ thi cuối năm, chúng ta thường là nghỉ ngơi để lấy lại sức.
Ta chuẩn bị bước vào Mùa Vọng.
Giáo hội cũng chuẩn bị cho chúng ta một Mùa Vọng, để đón chờ Đấng Cứu Thế là Đức Giêsu Ki-tô sẽ đem bình an đến với những ai thiện tâm. Mùa Vọng cũng là mùa “Xét mình”, để các em có thể tìn ra những điều thiếu xót trong bộn phận là học sinh, làm con cái trong gia đình và nhất là trong bổn phận làm con cái của Thiên Chúa. Ngài là ai, mà bấy lâu con hằng đi tìm. Ngài ở đâu mỗi khi con sầu khổ, bị người đời, người thân hiểu lầm, giận ghét.
Trong và qua các Thánh Lễ, sinh hoạt Công Giáo ... các em sẽ tìm được Thiên Chúa, khám phá ra một Người Cha chung của mọi người. Người là Đấng đầy lòng từ ái, là chốn chúng ta cậy trông. Khi chúng ta thấy mình bị bỏ rơi, cô đơn, buồn tủi và khổ đau, hãy chạy đến than thở cùng Thiên Chúa trong các Thánh Đường. Qua Bí Tích Thánh Thể, Chúa Giêsu đang ngự trong tấm bánh nơ nhà Tạm, để chờ đợi các em đến trò chuyện với Người, và Chúa sẽ cất gánh nặng cuộc đời mà các em đang phải mang, Người sẽ bổ sức cho các em, ban bình an cho tâm hồn của các em và tạo cho các em một niềm hy vọng và một cuộc sống mới tốt lành hơn.
Cầu chúc cho tất cả các em học sinh, sinh viên tìm được Thiên Chúa của chúng ta tôn thờ qua các cha, các sơ và bạn bè trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời.
Thày Giáo Trường Dòng.
Chi tiết
- Ngày: 09/11/2020
- Tác giả: Linh mục Anmai CSsR