Biết cách sử dụng
07 22 X Thứ Bảy đầu tháng tuần 31 Mùa TN.
Pl 4,10-19; Lc 16,9-15
BIẾT CÁCH SỬ DỤNG
Ta đang sống trong một thế giới mà tiền của đóng một vai trò rất quan trọng, vì chủ nghĩa duy vật hưởng thụ đang thống trị và điều khiển xã hội về nhiều phương diện. Con người cũng thường đánh giá người khác dựa trên thế lực tiền của. Vì thế, người có nhiều tiền của dễ trở thành người có địa vị và danh giá. Đây quả thật là một thảm họa cho thời đại hôm nay!!!
Để tránh lạm dụng tiền của, Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay đưa ra một đòi hỏi: “Hãy chọn lựa giữa Thiên Chúa và tiền của”, bởi vì không ai có thể làm tôi hai chủ được. Tiền của tự nó không phải là điều xấu, nó chỉ xấu khi con người tôn thờ nó như cùng đích cuộc sống. Thật ra, không có tiền của xấu, mà chỉ có cách tìm kiếm, sử dụng xấu của con người mà thôi. Cách tìm kiếm, sử dụng trở thành xấu là khi con người bóp nghẹt tiếng nói lương tâm, chối bỏ chính mình, khước từ người anh em, chối bỏ Thiên Chúa. Kẻ tham lam là người ích kỷ, chỉ nghĩ đến mình, nhưng thực ra, họ cũng là kẻ đang tự hủy, chối bỏ cùng đích của cuộc sống.
Ngày mỗi ngày ta thấy tham nhũng nhan nhản trong cuộc sống. Tham nhũng và lừa đảo ở mọi qui mô trong xã hội chúng ta, đó là một kết luận hiển nhiên. Thế nhưng “thà đốt lên một ngọn nến, hơn là ngồi đó nguyền rủa bóng tối”. Chúng ta hãy bắt đầu chống tham nhũng, lừa đảo, ích kỷ ngay trong con người của chúng ta. Chúa Giêsu nói với chúng ta: “Nếu các con không trung tín trong việc sử dụng tiền của bất chính, thì ai sẽ tín nhiệm và giao phó của cải chân thật cho các con?”. Nếu chúng ta chưa loại được tham lam, lừa đảo trong những sinh hoạt hằng ngày, liệu chúng ta có thể chống tham nhũng ở qui mô lớn hơn không?
Tham nhũng đối với mỗi người chúng ta có thể mang nhiều tên gọi: ích kỷ, khước từ chia sẻ, liên đới, cảm thông. Xét cho cùng, của cải là đển mọi người cùng hưởng dùng; nếu tham nhũng, lừa đảo là chỉ muốn lấy của người để dành riêng cho mình, thì bất cứ hành động ích kỷ nào, bất cứ khước từ san sẻ nào cũng là một hình thức tham nhũng. “Không ai có thể làm tôi hai chủ”: của cải vật chất chỉ là phương tiện giúp chúng ta thờ phượng người chủ duy nhất và đích thực là Thiên Chúa.
Tiền của chỉ có giá trị tạm thời mau qua và rất nhỏ so với những ân huệ thiêng liêng lớn lao mà Chúa tặng ban. Nhưng Chúa cũng muốn chúng ta hãy “trung tín trong việc rất nhỏ” ấy (c.11), từ đó có thể trung thành với những ân sủng cao quý Chúa ban cho mỗi người trong từng hoàn cảnh, để làm vinh danh Chúa.
Có một câu danh ngôn rất ý nghĩa: “Tiền của là một đầy tớ tốt và là một ông chủ xấu”. Chúng ta suy nghĩ gì về nhận định trên?
Còn Chúa Giêsu thì nói: “Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ” (c.13a). Lời Chúa hôm nay thật cụ thể sống động cho thời đại chúng ta. Bởi lẽ nhiều người đã xem tiền của như ông chủ của đời mình, để rồi sẵn sàng để tiền của điều khiển cuộc đời mình, và cũng vì tiền của mà đánh mất phẩm giá và mất đi các mối tương quan tốt đẹp trong cuộc sống.
Vì thế, Chúa Giêsu đã khẳng định thật rõ ràng: “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được” (c.13b). Thiên Chúa chính là Đấng Tạo Hóa đã dựng nên con người cùng với muôn tạo vật trong vũ trụ mênh mông này. Ngài còn là Người Cha giàu tình yêu thương nhân ái, luôn quan tâm chăm sóc từng người chúng ta bằng muôn vàn ân sủng của trời cao. Thế nên, chỉ mình Thiên Chúa là Ông Chủ duy nhất của đời ta, Ngài điều khiển và nắm giữ vận mạng của từng người chúng ta. Bổn phận của chúng ta là tôn thờ, yêu mến và vâng phục thánh ý Ngài trong từng biến cố của đời ta.
Ta hãy ý thức để tự mình điều khiển tiền của theo cách Chúa muốn và mang lại hiệu quả tốt đẹp cho bản thân và tha nhân. Đừng bao giờ để tiền của vượt quá giới hạn của nó, nhưng chúng ta hãy làm chủ tiền của và sử dụng chúng theo ý muốn của chúng ta cách chính đáng.
Một điều đáng nói ở đây là : sự khôn khéo của anh không che lấp được sự bất lương, hành vi toan tính của anh không thay đổi và giữ lại được vị thế của anh, anh rất khôn khéo nhưng anh không còn được tín nhiệm, anh đã thất trung. Anh đã biết dùng mưu xảo của mình để định đoạt cuộc đời mình thật khôn khéo, nhưng anh quên rằng ông chủ có thể tố cáo và đủ sức tru diệt anh. Anh nghĩ đến việc luồn lách để chạy tội, để sống, nhưng anh lại quên người có quyền ra hành động cuối cùng ảnh hưởng đến sinh mạng của anh vì các việc do anh đã làm đó là ông chủ. Tại sao anh không xin lỗi chủ về sự phung phí của mình, sao anh không “cải tà quy chính” để tiếp tục sống bình an hạnh phúc. Anh “khôn khéo” nhưng anh “bất lương” là ở điểm đó.
Hơn hết, đây là điều mà Chúa muốn dạy mỗi người chúng ta. Sự khôn khéo chỉ là phương tiện, còn lương tâm của con người mới là cùng đích. Chúa cần người có lương tâm trong sáng và trung tín. Nếu sự trong sáng và trung tín kèm với sự khôn khéo thì thật là điều đáng quý. Nhưng nếu phải chọn giữa thái độ sống vụng về mà có lương tâm ngay chính trước nhan Chúa, và thái độ sống khôn khéo nhưng bất lương, thì chúng ta hãy chọn sự trung tín và lương tâm ngay chính mà thôi.
Sự khôn ngoan của con cái thế gian và sự khôn ngoan của con cái ánh sáng khác nhau ở điểm này. Sự khôn khéo thế gian lấn át lương tâm, họ khéo léo làm mọi sự mà bán rẻ lương tâm của họ. Con cái ánh sáng thì tôn trọng tiếng nói lương tâm, tiếng nói của chính Thiên Chúa trong cõi lòng mình. Con cái Thiên Chúa thì sống trung tín với Chúa, chu toàn bổn phận trong chức năng của mình, quy phục quyền năng và ân ban của Chúa.
Lời Chúa hôm nay chính là lời cảnh tỉnh cho mỗi chúng ta trong việc sử dụng tiền của ở đời này. Ngài mời gọi chúng ta hãy trung tín trong việc sử dụng tiền của. Vì tiền của cũng là một ân huệ Thiên Chúa tặng ban, nên chúng ta phải biết đặt tiền của vào đúng vị trí của nó như Thiên Chúa muốn. Đó là sự khôn ngoan cần thiết khi chúng ta sử dụng tiền của trong cuộc sống thường ngày.
Khi ta biết dùng tiền của Chúa ban để làm những việc tốt hữu ích cho bản thân và tha nhân là cách thức đẹp lòng Chúa nhất, “dùng tiền của bất chính mà tạo lấy bạn bè” (c.9a). Tiền của chỉ là những phương tiện giúp ta có điều kiện thực thi lòng bác ái đối với tha nhân, và đó là những nén bạc ta đang ký gởi nơi Thiên Chúa, để sau này ta được “đón rước vào nơi ở vĩnh cửu” (c.9b).