Hoán cải
05 20 X Thứ Năm đầu tháng tuần 31 Mùa TN.
Pl 3,3-8a; Lc 15,1-10
HOÁN CẢI
Tin Mừng hôm nay Thánh Luca ghi lại, Những thính giả đến với Chúa Giêsu để nghe giảng không chỉ là những người dân bình thường mà còn có cả những người tội lỗi, Biệt phái, Luật sĩ. Điều đó cho thấy tất cả đều là đối tượng của lòng thương xót Thiên Chúa dành cho con người. Do đó, khiêm tốn đặt mình trước mặt Chúa, chúng ta luôn cần được Chúa xót thương, luôn cần được tình thương tha thứ của Chúa. Từ đó, nhận ra những yếu đuối bất toàn của mình, chúng ta cũng có cái nhìn nhân hậu hơn đối với những bất toàn của người anh em.
Các Biệt phái, Luật sĩ thay vì nghe lời giảng dạy của Chúa Giêsu để đổi mới thành kiến, lối sống thì họ lại kết án : “Ông này đón tiếp những kẻ tội lỗi, cùng ngồi ăn uống với chúng” (Lc 15, 2). Tâm lý con người ở mọi thời đại luôn thích làm quan tòa kết án kẻ khác. Ngày nay, với phương tiện truyền thông đa chiều internet, báo chí, video clip cắt dán để bêu xấu người không một chút thương tiếc.
Các dụ ngôn “Con chiên lạc” (Lc 15, 4-7). “Đồng bạc bị mất tìm thấy” (Lc 15, 8-10) đều diễn tả tấm lòng tha thứ của Thiên Chúa trước những yếu đuối của con người. Chúa Giêsu không thỏa hiệp với tội lỗi. Nhưng không chấp nhận thái độ cao ngạo kết án người khác : “Ai trong các ông vô tội hãy ném đá người này đi” (Ga 8, 7).
Chúa Giêsu cũng muốn nói với mỗi người chúng ta: Thiên Chúa xem mỗi con người như là một khúc ruột của mình. Ngài thương mỗi người, để ý chăm sóc mỗi người như chỉ có một không hai trên đời. Mỗi người như là một báu vật vô giá, cần phải được trân trọng và yêu thương. Dù con người có đắm chìm trong lầm lạc và tội lỗi, Thiên Chúa không bỏ rơi, không hủy diệt, nhưng tìm mọi cách đưa con người trở về.
Thiên Chúa là người Cha giàu lòng thương xót, nhân lành, yêu thương con người. Cho dù, con người có quay lưng, phải bội, Thiên Chúa vẫn thể hiện một tình yêu, tha thứ thật lớn lao. Ngài quảng đại, bao dung tất cả, dang rộng vòng tay yêu thương đón nhận, Ngài như một vị mục tử cần mẫn sẵn sàng tìm kiếm những ai lầm lỡ sống trong mặc cảm tội lỗi, cảm hóa họ trở thành một người đạo đức, lương thiện trong cuộc sống.
Sứ mạng của Chúa Giêsu đến trần gian là để tìm kiếm những tâm hồn đã hư mất vì tội lỗi. Ngài không quản ngại đi khắp nơi rao giảng Tin Mừng và mời gọi người ta sám hối. Ngài len lỏi vào mọi ngóc nghách của cuộc sống, giao du tiếp đón mọi hạng người.
Thật vậy, Chúa Giêsu kể những dụ ngôn này trong một hoàn cảnh đặc biệt. Các luật sĩ và biệt phái lấy làm vấp phạm khi thấy Ngài giao du với những kẻ mà họ gọi là tội nhân.
Trong xã hội Do-thái, có một hàng rào ngăn cách giữa những người được xem là đạo đức và những người bị coi là tội lỗi. Các luật sĩ và biệt phái – những người tự nhận mình là đạo đức – hết sức khó chịu khi thấy Đức Giêsu làm bạn với những người tội lỗi.
Tuy nhiên, đối với Đức Giêsu, hạng người tội lỗi mới là đối tượng khiến Chúa phải cất công kiếm tìm: “Con Người đến để tìm kiếm và cứu chữa những gì đã mất”.
Con chiên lạc, đồng bạc mất là hình ảnh của mỗi người chúng ta, vì mỗi người chúng ta trước mặt Chúa đều là tội nhân. Chỉ những ai – như biệt phái và luật sĩ kiêu ngạo – tự nhận mình là công chính mới tự loại mình ra khỏi tình thương và ơn cứu độ của Chúa.
Tình yêu vô biên của Thiên Chúa là như thế. Cho nên, Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy yêu thương nhau ngay từ các thành viên trong gia đình, xóm đạo, giáo xứ, giáo khu. Chúng ta hãy đối xử với nhau bằng tình con người, hãy hiệp nhất với nhau trong mọi việc làm. Chúng ta hãy bao dung tha thứ, sửa lỗi cho nhau trước những việc làm sai trái của mình để xứng đáng là người môn đệ của Chúa và hãy đưa tình yêu của Chúa làm chứng tá cho tha nhân giữa cuộc sống thực tại này.
Hoán cải là trở về với Thiên Chúa, nhận ra tình thương tha thứ của Ngài, một Thiên Chúa vẫn tiếp tục nghĩ đến những người bỏ rơi Ngài, một vị Thiên Chúa yêu thương những kẻ không yêu mến Ngài, một vị Thiên Chúa sẵn sàng ra đi tìm kiếm những đứa con lạc loài, muốn lìa bỏ Ngài. Và khi tìm được rồi, Ngài lại vui mừng như người mục tử tìm được chiên lạc vác lên vai đem về mời gọi mọi người chia sẻ niềm vui.