Tỉnh thức và sẵn sàng
20 04 X Thứ Ba tuần 29 Mùa TN.
Ep 2,12-22; Lc 12,35-38
TỈNH THỨC VÀ SẴN SÀNG
“Tỉnh thức và sẵn sàng” là tâm tình mà Chúa Giêsu thường hay nhắc nhớ mọi người trong khi giảng dạy. Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy Chúa Giêsu dùng hình ảnh người chủ trở về bất ngờ sau bữa tiệc cưới để nhắc nhớ mọi người phải sống tỉnh thức và sẵn sàng. Chúng ta biết rằng tiệc cưới của người Do Thái thường kéo dài rất lâu, không ai có thể biết khi nào kết thúc (có khi buổi chiều, có khi nửa đêm, có khi muộn hơn nữa).
Thật thế. cũng chính vì không biết đích xác giờ nào ông chủ sẽ trở về, nên đầy tớ luôn luôn phải sẵn sàng: sẵn sàng trong tư thế làm việc qua việc thắt lưng cho gọn (vì áo của người Do Thái dài, lụng thụng, nên để dễ làm việc phải thắt cho gọn lại); và sẵn sàng trong tư thế phục vụ qua việc thắp đèn sẵn để soi đường cho chủ thấy lối vào nhà.
Từ câu chuyện rất đời thường, Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta cũng phải có thái độ tỉnh thức và sẵn sàng như người đầy tớ đợi ông chủ đi ăn tiệc cưới trở về, vì Thiên Chúa cũng đến với chúng ta cách bất ngờ như thế.
Tuy nhiên trong cuộc sống hiện tại, giữ được sự tỉnh thức và sẵn sàng này không phải là điều dễ dàng, bởi vì để sống vươn lên, con người phải bon chen, phải đấu tranh về nhiều phương diện, do đó đôi lúc con người quên đi cùng đích của cuộc sống, nên sống như là chỉ có cuộc sống này mà thôi.
Sống tỉnh thức và sẵn sàng theo lời Chúa mời gọi là luôn sẵn sàng cho ngày giờ Chúa gọi chúng ta về với Chúa. Chúng ta xác tín rằng một ngày nào đó Chúa sẽ gọi chúng ta về, còn khi nào, cách nào, ở đâu? Thì chẳng có ai biết được. Do đó, chúng ta phải luôn tỉnh thức và sẵn sàng.
Sai lầm của chúng ta hôm nay là quá quan tâm đến những gì tạm bợ, chưa đủ quan tâm đến sự sống hạnh phúc đời đời của mình. Bao nhiêu thời gian, công sức, tiền của, tài năng, trí tuệ, nghị lực đều được sử dụng để đầu tư cho thân xác, cho cuộc sống tạm bợ đời này, để rồi khi kết thúc cuộc đời chỉ còn là một nấm đất :
“Trăm năm còn có gì đâu ?
Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì !”
Cha Charles de Foucault nói rằng: “Bạn hãy sống như bạn sẽ chết vào tối nay”. Đó là một lời khuyên khôn ngoan, một lời khuyên lặp lại lời nhắn nhủ của chính Chúa Giêsu: “Hãy tỉnh thức, vì các con không biết giờ nào chủ sẽ về”.
“Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn”. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta tỉnh thức. Có lẽ chúng ta rất tỉnh thức trong kinh kệ, trong nghĩa vụ đạo đức, nhưng lại mê ngủ trong những đòi hỏi của Tin Mừng. Kitô giáo không phải là đạo ru ngủ, nhưng luôn thức tỉnh chúng ta, bởi vì đạo là đường để đi. Người chăm chú đi đường không thể ngủ gật, trái lại luôn mở mắt để nhìn thấy cảnh trí chung quanh, để nhận ra hướng đi của mình, để đồng hành với người khác.
Thái độ của người đầy tớ trong dụ ngôn cũng rất lạ. Thay vì buồn bã phải thức đêm thức hôm để chờ ông chủ về mà hầu hạ, thì anh ta ở trong tư thế sẵn sàng để đón chờ một niềm vui lớn đang được dành cho anh ta. Anh được mời gọi “thắt lưng cho gọn, cầm đèn cho sẵn”. Tư thế “thắt lưng cho gọn” là tư thế dân Chúa xưa kia, những con người được Chúa tuyển chọn đã thắt lưng cho gọn để chuẩn bị một cuộc Vượt Qua tiến về miền đất tự do Chúa hứa ban. Tư thế “cầm đèn cho sẵn” là tư thế của những người đi dự tiệc cưới ban đêm luôn sẵn sàng chờ chàng rể đến thì đi cùng với chàng rể mà vào phòng tiệc.
Chiêm ngắm Trang Tin Mừng hôm này, bạn và tôi được mời gọi luôn ở tư thế sẵn sàng như người tôi tớ luôn “thắt lưng cho gọn, cầm đèn cho sẵn” để khấp khởi vui mừng đợi Chúa đến đưa ta vào bàn tiệc Nước Trời, đưa ta vào miền đất tự do, hạnh phúc trên thiên quốc. Nếu ta chỉ biết ham mê của cải vật chất như người phú hộ và chỉ biết vùi đầu vào những vui thú và đam mê trần tục, thì chẳng có bàn tiệc thiên quốc nào được dọn sẵn cho ta cả!
Mỗi người chúng ta được mời gọi luôn tỉnh thức chờ Chúa đến, chúng ta đáp lại bằng thái độ sống đạo sốt sắng. Cung cách sống đạo ấy được diễn tả qua một hình ảnh cụ thể “thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn.” Với bao lo toan của cuộc sống hiện đại, chúng ta dễ bị cuốn hút theo nhịp sống đời thường, dễ phân vân trước chọn lựa theo con người tự nhiên hay tinh thần siêu nhiên, hơn – thiệt, được – mất khi theo Chúa. Bề ngoài có thể ta vẫn sống đạo tốt đấy, nhưng kỳ thực chưa chắc tận đáy lòng “mến Chúa trên hết mọi sự.”
Vì thế, “thức tỉnh” là thái độ cần thiết để hình thành thói quen ưu tiên cho Thiên Chúa trong các chọn lựa, ngõ hầu giữa trăm mối bận tâm của cuộc sống, chúng ta vẫn luôn thuộc về Chúa, chung hưởng niềm vui với Ngài.