Quy hướng về Thiên Chúa
18 02 X CHÚA NHẬT 29 MÙA TN.
Is 45,1.4-6; 1 Tx 1,1-5b; Mt 22,15-21
Ngày thế giới cầu nguyện cho việc truyền giáo. Được cử hành thánh lễ cầu cho việc rao giảng Tin Mừng cho các dân tộc.
Góp quỹ Truyền giáo của Toà Thánh.
Không kính thánh Luca tông đồ thánh sử.
2 Tm 4,9-17b; Lc 10,1-9.
Thánh vịnh tuần 1
QUY HƯỚNG VỀ NƯỚC THIÊN CHÚA
Ta biết đồng bạc của người Do Thái ngày xưa có in hình hoàng đế Xê-da với hàng chữ ghi ở dưới “Tiberius Cesar, Divi Augusti Filius Augustinus Pontifex Maximus”, nghĩa là ‘Xê-da Tibêriô, con và thượng đế uy linh của Angusto thần thánh’. Đồng tiền được ghi bằng tiếng La -tinh, nhưng cũng có thể ghi bằng tiếng Hy Lạp với ý nghĩa tương tự. Xê-da đã kiêu ngạo coi mình như thượng đế cao cả, bá chủ nhân loại.
Vào năm 1920, ông Mahatma Gandhi đã hô hào dân chúng không đóng thuế cho đế quốc Anh, để phát động chiến dịch đòi lại độc lập cho người dân Ấn Độ. Cuộc đảo chính không tiếng súng, không bạo động đã dẫn đến thành công và Anh quốc đã phải trao trả tự do cho Ấn Độ sau nhiều năm tháng đô hộ.
Người Pharisêu là những người giữ luật rất tốt. Họ giữ luật tỉ mĩ. Vì thế, ai không giống họ thì sẽ bị họ thanh trừ. Ngược lại, Chúa Giêsu là người sống cụ thể của luật bằng tình thương và lòng nhân ái. Điều này làm cho họ mất ảnh hưởng thậm chí là còn đe doạ quyền lợi của họ. Do đó, người Pharisêu càng thêm ghét Chúa Giêsu và họ tìm đủ mọi cách để loại trừ Ngài.
Những người Pharisêu trong bài Tin Mừng hôm nay cũng nêu ra một câu hỏi rất nham hiểm về việc đóng thuế nhằm gài bẫy Chúa Giêsu : “Thưa thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật và cứ sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa, Xin thầy cho biết ý kiến, có được phép nộp thuế cho Xê-da hay không?”
Đây là cái bẫy xảo quyệt họ dương ra nhằm buộc tội Chúa Giêsu. Nếu Chúa trả lời là phải nộp thuế, họ sẽ quy cho Ngài tội phản bội dân tộc, làm tay sai cho đế quốc Rôma và chống lại nhân dân. Nếu Chúa trả lời rằng không, họ sẽ đi tố cáo với chính quyền để kết tội Ngài như một con người mưu phản và xách động. Tình thế tiến thoái lưỡng nan.
Câu trả lời của Chúa rất khôn ngoan : “Hãy trả về cho Xê-da những gì của Xê-da, hãy trả về cho Thiên Chúa những gì thuộc về Ngài. Câu nói của Chúa hàm ngậm những sứ điệp rất quan trọng mời gọi chúng ta suy nghĩ để đem ra thực hành.
Thái độ của những người Do Thái đồng hương với Đức Giêsu đối với đế quốc Rôma rất khác nhau, tùy theo kế sách của họ phản ứng trước sự đô hộ như thế nào. Một số người thì muốn an phận, và chấp nhận nộp thuế để khỏi phiền hà, cho dù họ rất khó chịu. Một số khác bằng lòng nộp thuế vì họ coi nhà cầm quyền Rôma như là đại diện cho quyền bính của Thiên Chúa (Rm 13, 1-7; 1P 2, 13-17). Một số khác, theo phe thân vua Hêrôđê, sẵn lòng cộng tác với chính quyền Rôma, và được nhà nước bảo hộ trao ban những đặc quyền trong các tổ chức dân sự. Họ tự nguyện nộp thuế, không phản đối. Một số khác thì hoàn toàn tuyệt vọng, vì tiền thuế cao là một gánh nặng, khiến họ dễ lâm cảnh nợ nần, mất đất đai để sinh sống.
Khi không còn tiền để trả nợ, họ sẽ bị bán làm nô lệ (Mt 18, 23-25). Còn một nhóm khác lại nhất quyết không chịu nộp thuế, vì họ nghĩ tất cả mọi sự đều thuộc về Thiên Chúa (Lv 25,23). Một ít thành phần thì hoàn toàn cự tuyệt chống đối, và bất hợp tác với đế quốc trong bất cứ vấn đề gì. Cũng có một số người cực đoan, ngấm ngầm hình thành nhóm ái quốc, quyết nổi dậy cướp chính quyền bằng vũ lực, lật đổ sự cai trị của đế quốc. Sử gia Josephus có nêu tên một vài lãnh tụ cách mạng, cầm đầu nhóm nổi dậy vào đầu thế kỷ thứ nhất, trong đó có Guiđa người Galilê (Cv 5,37) người đã nổi dậy chống nền đô hộ, đương nhiên chống cả việc nộp thuế, nhưng cuộc nổi dậy bị thất bại.
Khi đưa ra câu hỏi hóc búa này để vặn hỏi Đức Giêsu, người Pharisiêu muốn hạ uy tín Ngài. Nêú Ngài cổ vũ việc nộp thuế, có nghĩa là Ngài thỏa hiệp với ngoại bang, với kẻ thù của dân tộc, như vậy dân sẽ không còn tin Ngài là một ngôn sứ nữa. Các sứ ngôn luôn rao giảng về đường lối Thiên Chúa đối kháng với đường lối cầm quyền của đế quốc, của Xê-da. Nếu chủ trương như thế, uy tín của Đức Giêsu sẽ không còn. Còn nếu Ngài trả lời không phải nộp thuế, Ngài tự đặt mình vào tình huống rất nguy hiểm vì sẽ bị nhà cầm quyền Rôma sờ gáy ngay lập tức.
Là người Kitô hữu, chúng ta có hai quyền công dân đi đôi với nhau, sở dĩ như vậy vì chúng ta là công dân của hai thế giới, đó là thế giới trần gian và thế giới thiên quốc. Như vậy, chúng ta phải tôn trọng những đòi buộc của mỗi bên. Chính vì thế mà trong bức thư gởi tín hữu Rôma, thánh Phaolô đã khuyên nhủ: Hãy vâng phục các vị cầm quyền, hãy nộp cho họ những gì chúng ta mắc nợ. Mong rằng giữa hai quyền công dân này không bao giờ xảy ra những xung đột, nhưng luôn đi song song và bổ túc cho nhau, vì đạo chỉ đẹp khi ở trong đời và đời chỉ tốt khi ở trong đạo.
Còn nếu chẳng may xảy ra xung đột thì người Kitô hữu phải biết cách giải quyết: Vâng phục Thiên Chúa hơn vâng phục loài người. Đó là cách thức đã từng được người Kitô hữu giải quyết trong dòng lịch sử, mỗi khi có những cấm cách và bách hại xảy đến.
Thiên Chúa đã yêu chúng ta trước bằng một tình yêu vô biên. Vì thế hãy mở rộng tâm hồn để đón nhận tình yêu Chúa. Huyền diệu của tình yêu là khi nào người kia lãnh nhận, tình yêu ấy mới thực sự thành tình yêu. Tình yêu cho đi, không người nhận, sẽ trở về với người đã trao ban.
Chúa Giêsu mời gọi chúng ta quy hướng về nước Thiên Chúa. Sự khôn ngoan của Ngài trong câu trả lời về bổn phận đối với Thiên Chúa và đồng thời cũng phải chu toàn nghĩa vụ trần thế, mời gọi chúng ta trước tiên phải luôn hướng vọng về Thiên Chúa, và đặt Thiên Chúa vào chỗ tối thượng trong cuộc đời chúng ta.