Lịch Sử Hình Thành

Cho đến năm 1975, Giáo hội Công giáoViệt Nam (GHCGVN) tại Miền Nam đã thiết lập và phát triển hệ thống giáo dục Công giáo các cấp. Ngoài các trường Tiểu học và Trung học, Giáo hội còn có những Đại học Công giáo, như Giáo hoàng Học viện ở Đà Lạt (thần học), Viện Đại học Đà Lạt, Viện Đại học Minh Đức, Đại học Thành Nhân và Đại học La San ở Sài Gòn. Kể từ năm 1975, Nhà Nước quốc hữu hóa các cơ sở giáo dục; Từ đó, GHCGVN, cũng như các tôn giáo khác, bị đặt bên lề việc giáo dục các thế hệ trẻ. Việc độc quyền này là một trong những nguyên nhân làm cho nền giáo dục trong nước ngày càng xuống cấp về nhân bản, chậm tiến về trí tuệ và khoa học. Đến nay, qua các đợt cải tiến, hệ thống giáo dục Việt Nam vẫn lạc hậu, loanh quanh trên một xa lộ khép kín và loay hoay tìm lối đi…

Dù bị loại ra khỏi hệ thống giáo dục trường lớp, Giáo hội vẫn dấn thân trong sứ mệnh giáo dục theo cách “hạt giống âm thầm” qua các lưu xá, nhà nội trú được các dòng tu hoặc các giáo xứ tổ chức để giúp đỡ các học sinh và sinh viên nghèo thiếu điều kiện học tập. Sự dấn thân này mở đường cho việc góp phần nhỏ bé và âm thầm cho sự nghiệp giáo dục trên Quê hương, theo tinh thần của Công đồng Vatican II (Tuyên Ngôn về Giáo Dục Kitô Giáo số 10). Qua cách thức đó, GHCGVN hướng dẫn giới trẻ về đời sống nhân bản và đức tin để trở thành chứng nhân Tin Mừng giữa một xã hội tục hóa và vô thần.

Từ năm 2001, chính sách Nhà Nước cho phép những cá nhân trong nước hay các cá nhân và cơ quan nước ngoài đầu tư trong ngành giáo dục và được mở trường. Tuy nhiên, các tôn giáo, trong đó có Giáo hội Công giáo mới chỉ được mở trường Mầm Non, còn các cấp cao vẫn chưa được chính thức cho phép.

Trước vấn nạn của nền giáo dục Việt Nam, Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGMVN), qua Thư Mục vụ 2007 về Giáo Dục Kitô Giáo, đã nhận định và kêu gọi: “Ý thức sứ mạng quan trọng đối với tương lai Giáo hội và tiền đồ dân tộc, Giáo hội Việt Nam muốn dấn thân trong sự nghiệp giáo dục… Chúng tôi kêu gọi những người có trách nhiệm giáo dục và mọi Kitô hữu Việt Nam hãy chú trọng hơn nữa đến sứ mạng cao cả này” (số 16).

Sau đó, trong Thư Mục vụ năm 2010, HĐGMVN tuyên bố sẵn sàng và quyết tâm đóng góp vào việc phát triển Đất Nước trong lãnh vực giáo dục, đặc biệt qua việc tái lập Ủy ban Giáo dục Công giáo (UBGDCG). Trong dịp này, HĐGMVN cũng quyết định thành lập Học Viện Thần Học Cao cấp. Việc thực hiện Dự án này được HĐGMVN trao cho UBGDCG chịu trách nhiệm thực hiện. Sau một thời gian nghiên cứu, dự án Học Viện Thần Học Cao cấp được UBGDCG tổ chức thành cơ cấu dưới danh xưng Học Viện Công Giáo Việt Nam (HVCGVN).

Ngày 14/09/2015 Bộ Giáo Dục Công Giáo của Tòa Thánh ký sắc lệnh thành lập Học viện Công Giáo Việt Nam như một phân khoa thần học trong Giáo hội.

0

Giáo phận

0

Giáo xứ

0

Ủy ban

0

Giáo dân

Nhân sự đương nhiệm

– Chủ tịch: Đức Giám mục Phêrô Huỳnh Văn Hai

– Ban Thư ký:

• Lm. Vinh Sơn Nguyễn Cao Dũng, SCJ

• Lm. Giuse Phạm Đức Dũng, SCJ

• Lm. Giuse Têrêsa Trần Anh Thụ, TGP. Sài Gòn

• Lm. Matthêu Nguyễn Tấn Thụy, GP. Vĩnh Long

• Lm. Đaminh Nguyễn Khắc Xuyên, GP. Vĩnh Long

• Lm : Antôn Maria Vũ Quốc Thịnh, CSsR

• Sr. Maria Hoàng Thị Minh Trí, MTG Gò Vấp

– Các thành viên: 56 thành viên (linh mục, nam nữ tu sĩ và giáo dân) của 7 Tiểu Ban chuyên môn.

Định Hướng Ủy Ban Giáo Dục Công Giáo

Rèn luyện nhân cách con người

Mục đích của nền giáo dục Kitô giáo không chỉ là rèn luyện nhân cách con người thành hữu ích đối với bản thân, gia đình và xã hội, mà còn là giúp con người sống xứng đáng với tư cách con Thiên Chúa để mai sau trở thành công dân Nước Trời…” (Thư Chung 2007 của HĐGMVN về Giáo dục Kitô giáo, số 3).

Phát huy truyền thống văn hóa Việt Nam

Với môi trường Việt Nam có nền văn hiến ngàn năm, “đặt vấn đề giáo dục Kitô giáo tại Việt Nam có nghĩa là đặt vấn đề phát huy truyền thống văn hoá Việt Nam. Dân tộc chúng ta luôn tự hào về tinh thần hiếu học, tôn sư trọng đạo. Truyền thống ấy nếu trong quá khứ đã góp phần làm phong phú nền văn hóa Việt Nam và sản sinh những danh nhân làm vẻ vang đất nước, thì nay phải trở thành một trong những tiêu chí của nền giáo dục Kitô giáo tại Việt Nam.” (Thư Chung 2007 của HĐGMVN về Giáo dục Kitô giáo, số 37).

Xây dựng tình liên đới

Qua sự dấn thân trong sứ mạng Giáo dục, Giáo hội Công giáo ở khắp nơi trực tiếp xây dựng tình liên đới giữa các cá nhân, các dân tộc và các quốc gia, vốn là điều cấp bách trong xã hội toàn cầu hóa hôm nay: “Con người sống trong xã hội không phải là một ốc đảo, nhưng liên đới với nhau trong niềm vui cũng như ưu sầu. Xã hội tính là một nét nổi bật của con người. Giáo dục Kitô giáo góp phần cổ võ tình liên đới, làm cho con người có trách nhiệm với nhau, trách nhiệm đối với xã hội và công ích, cùng xây dựng một cuộc sống tốt đẹp an bình” (Thư Chung 2007 của HĐGMVN Về Giáo dục Kitô giáo, số 34).

Huấn luyện lương tâm

Giữa một môi trường tục hóa, vô thần, đặt nặng thành tích, “Giáo dục Kitô giáo còn nhấn mạnh việc huấn luyện lương tâm: Huấn luyện lương tâm không chỉ là giảng dạy cho nhau những mệnh lệnh của hệ thống luật luân lý nhưng còn là tập cho nhau hồn nhiên lắng nghe lòng mình phán đoán thiện ác. Bởi vì ‘lương tâm là luật tự nhiên vốn phản ảnh phẩm giá con người và đặt nền tảng cho các nghĩa vụ căn bản của con người’ (GHXH/GH 140), nên ‘lương tâm ngay thẳng càng thắng thế thì những cá nhân càng tránh được độc đoán, mù quáng và càng nỗ lực tuân phục những tiêu chuẩn khách quan của luân lý’ (GS 16). Khi có lương tâm ngay thẳng, con người sẽ dễ dàng cộng tác để xây dựng cuộc sống công bằng, tôn trọng phẩm giá và sự sống con người hơn” (Thư Chung 2007 của HĐGMVN về Giáo dục Kitô giáo, số 36).

Chúng tôi luôn lắng nghe bạn!

Hãy gửi cho chúng tôi bất kỳ câu hỏi nào của bạn. Chúng tôi sẽ rất vui được trả lời chúng.